QUYẾT ĐỊNH CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
Ban hành Quy chế bồi dưỡng kiến thức pháp luật giao thông đường bộ
cho người điều khiển xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ
BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 29/06/2001;
Căn cứ Nghị định số 34/2003/NĐ-CP ngày 04/04/2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế bồi dưỡng kiến thức pháp luật giao thông đường bộ cho người điều khiển xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, Vụ trưởng các Vụ, Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam, Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Giao thông công chính và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
QUY CHẾ
Bồi dưỡng kiến thức pháp luật giao thông đường bộ
cho người điều khiển xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 36/2006/QĐ-BGTVT ngày 31/10/2006
của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy chế này quy định về việc bồi dưỡng kiến thức pháp luật giao thông đường bộ cho người điều khiển xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ trên lãnh thổ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Quy chế này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân liên quan đến việc bồi dưỡng kiến thức pháp luật giao thông đường bộ cho người điều khiển xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ.
2. Quy chế này không áp dụng đối với người điều khiển xe máy chuyên dùng có tham gia giao thông đường bộ thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Quy chế này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ bao gồm xe máy thi công, xe máy nông nghiệp, lâm nghiệp di chuyển trên đường bộ đang khai thác.
2. Chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật giao thông đường bộ (sau đây gọi tắt là Chứng chỉ) là giấy chứng nhận cấp cho người có đủ điều kiện theo quy định của Quy chế này để điều khiển xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ.
Chương II
BỒI DƯỠNG KIẾN THỨC
PHÁP LUẬT GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ
Điều 4. Điều kiện dự học bồi dưỡng
1. Là công dân Việt Nam, người nước ngoài được phép cư trú tại Việt Nam.
2. Đủ 18 tuổi trở lên.
3. Có đơn đề nghị học bồi dưỡng kiến thức pháp luật giao thông đường bộ theo quy định tại Phụ lục I của Quy chế này.
Điều 5. Cơ sở bồi dưỡng kiến thức pháp luật giao thông đường bộ
1. Cơ sở đào tạo lái xe ô tô.
2. Cơ sở đào tạo cấp bằng hoặc chứng chỉ nghề cho người điều khiển xe máy chuyên dùng có đủ các điều kiện sau:
a) Phòng học Luật Giao thông đường bộ có đủ tài liệu giảng dạy, sa hình, biển báo hiệu giao thông đường bộ theo quy định;
b) Giáo viên giảng dạy phải có trình độ trung cấp chuyên ngành trở lên; có Chứng chỉ sư phạm và am hiểu luật giao thông đường bộ.
Điều 6. Chương trình bồi dưỡng kiến thức pháp luật giao thông đường bộ
TT | Nội dung học | Số tiết học |
1 | Luật Giao thông đường bộ. | 12 |
2 | Điều lệ báo hiệu đường bộ Việt Nam. | 8 |
3 | Quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ. | 4 |
4 | Quy định về cấp đăng ký, biển số; kiểm định xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ. | 3 |
5 | Ôn tập, kiểm tra. | 5 |
| Tổng cộng | 32 |
Điều 7. Trách nhiệm của cơ sở bồi dưỡng kiến thức pháp luật giao thông đường bộ.
1. Tuyển sinh và đào tạo theo nội dung, chương trình quy định.
2. Đăng ký lớp học và địa điểm bồi dưỡng kiến thức pháp luật giao thông đường bộ với Sở Giao thông vận tải, Giao thông công chính.
3. Tổ chức kiểm tra và cấp Chứng chỉ cho người học.
4. Thu và sử dụng học phí theo quy định.
5. Báo cáo Sở Giao thông vận tải, Sở Giao thông công chính công tác bồi dưỡng kiến thức pháp luật giao thông đường bộ theo quy định.
Chương III
CẤP VÀ THU HỒI CHỨNG CHỈ
Điều 8. Chứng chỉ
1. Người điều khiển xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ, ngoài việc phải có bằng hoặc chứng chỉ nghề điều khiển xe máy chuyên dùng do cơ sở đào tạo nghề cấp, còn phải có Chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật giao thông đường bộ.
2. Mẫu Chứng chỉ được quy định tại Phụ lục II của Quy chế này.
3. Chứng chỉ có giá trị không thời hạn và được sử dụng trong phạm vi cả nước.
Điều 9. Cấp Chứng chỉ
1. Sau 05 ngày làm việc, đối với người đã qua kiểm tra và được thủ trưởng cơ sở đào tạo ra quyết định công nhận đạt kết quả.
2. Sau 05 ngày làm việc, đối với người có Giấy phép lái xe ôtô có số giờ học luật giao thông đường bộ cao hơn số giờ học quy định tại Điều 6 của Quy chế này và có bằng hoặc chứng chỉ chuyên môn điều khiển xe máy chuyên dùng do cơ sở đào tạo nghề cấp còn hiệu lực và có đơn đề nghị cấp Chứng chỉ theo mẫu quy định tại Phụ lục III của Quy chế này.
Điều 10. Cấp lại Chứng chỉ
1. Người có Chứng chỉ bị mất hoặc bị hư hỏng và có tên trong hồ sơ lưu tại nơi cấp Chứng chỉ được xét cấp lại Chứng chỉ.
2. Hồ sơ cấp lại bao gồm:
a) Đơn xin cấp lại Chứng chỉ theo mẫu quy định tại Phụ lục IV của Quy chế này;
b) Chứng chỉ bị hỏng hoặc đơn trình báo mất có xác nhận của Uỷ ban nhân dân phường, xã, nơi cư trú hoặc thủ trưởng cơ quan, đơn vị.
3. Thời hạn cấp lại sau 05 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
Điều 11. Thu hồi Chứng chỉ
Người có Chứng chỉ bị thu hồi trong các trường hợp phát hiện có hành vi vi phạm quy định của Quy chế này.
Chương IV
TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN QUẢN LÝ
Điều 12. Cục Đường bộ Việt Nam
1. Tổ chức hướng dẫn thực hiện các quy định của Quy chế này.
2. In, phát hành và thống nhất quản lý việc sử dụng phôi Chứng chỉ trong phạm vi cả nước;
3. Ban hành tài liệu bồi dưỡng kiến thức pháp luật giao thông đường bộ cho người điều khiển xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ.
4. Tổ chức thanh tra, kiểm tra, tổng hợp công tác bồi dưỡng kiến thức pháp luật giao thông đường bộ trong phạm vi cả nước; báo cáo Bộ Giao thông vận tải theo quy định.
Điều 13. Sở Giao thông vận tải, Giao thông công chính
1. Kiểm tra các khoá học bồi dưỡng kiến thức pháp luật giao thông đường bộ và cấp phôi Chứng chỉ cho cơ sở đào tạo.
2. Lưu giữ các tài liệu có liên quan đến công tác quản lý bồi dưỡng kiến thức pháp luật giao thông đường bộ cho người điều khiển xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ.
3. Tháng 1 hàng năm báo cáo Bộ Giao thông vận tải (qua Cục Đường bộ Việt Nam) về việc bồi dưỡng kiến thức pháp luật giao thông đường bộ cho người điều khiển xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ./.