Văn bản pháp luật: Quyết định 37/2006/QĐ-BGTVT

Hồ Nghĩa Dũng
Toàn quốc
Công báo số 15 & 16 - 11/2006;
Quyết định 37/2006/QĐ-BGTVT
Quyết định
29/11/2006
01/11/2006

Tóm tắt nội dung

Ban hành "Quy định nội dung và quy trình sát hạch cấp giấy phép lái tàu trên đường sắt"

Bộ trưởng
2.006
Bộ Giao thông vận tải

Toàn văn

QUYẾT ĐỊNH CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI

Ban hành "Quy định nội dung và quy trình sát hạch cấp giấy phép

lái tàu trên đường sắt"

BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI

Căn cứ Luật Đường sắt ngày 14 tháng 6 năm 2005;

Căn cứ Nghị định số 34/2003/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;

Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam và Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này "Quy định nội dung và quy trình sát hạch cấp giấy phép lái tàu trên đường sắt".

Điều 2. Quyết định có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Các quy định trước đây trái với Quyết định này đều bị bãi bỏ.

Điều 3. Chánh Văn phòng, Chánh Thanh tra Bộ, Vụ trưởng các Vụ, Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

QUY ĐỊNH

Nội dung và quy trình sát hạch cấp giấy phép lái tàu trên đường sắt

(Ban hành kèm theo Quyết định số 37/2006/QĐ-BGTVT

ngày 01 tháng 11 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định này quy định về nội dung và quy trình sát hạch cấp giấy phép lái tàu trên đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị, đường sắt chuyên dùng có nối ray với đường sắt quốc gia.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Quy định này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc sát hạch cấp giấy phép lái tàu trên đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị, đường sắt chuyên dùng có nối ray với đường sắt quốc gia.

Điều 3. Nội dung sát hạch

Chủ tịch Hội đồng sát hạch có trách nhiệm xây dựng, ký duyệt và bảo mật đề sát hạch cho các nội dung sát hạch, bao gồm:

1. Sát hạch lý thuyết.

2. Sát hạch thực hành, bao gồm:

a) Thực hành khám máy (đầu máy, toa xe động lực, phương tiện động lực chuyên dùng đường sắt);

b) Thực hành lái tàu.

Chương II

SÁT HẠCH LÝ THUYẾT

Điều 4. Nội dung sát hạch lý thuyết

1. Phần kiến thức chung: các nội dung cơ bản về Quy phạm kỹ thuật khai thác đường sắt, Quy trình chạy tàu và công tác dồn đường sắt, Quy trình tín hiệu đường sắt, Quy trình tác nghiệp của ban lái tàu; Công lệnh, biệt lệ, chỉ thị chạy tàu và các văn bản quy định hiện hành có liên quan khác.

2. Phần kiến thức chuyên môn: các nội dung cơ bản về động cơ, bộ phận hãm, bộ phận chạy, hệ thống điện, hệ thống truyền động, hệ thống an toàn.

Điều 5. Hình thức sát hạch lý thuyết

Sát hạch lý thuyết thực hiện theo một trong hai hình thức sau đây:

1. Thi tự luận.

2. Thi trắc nghiệm.

Điều 6. Bài thi tự luận

1. Thời gian làm bài: 150 phút (không kể thời gian chép đề).

2. Số lượng câu hỏi:

a) Phần kiến thức chung: 4 câu;

b) Phần kiến thức chuyên môn: 2 câu.

3. Thang điểm: điểm tối đa là 10 điểm và được quy định như sau:

a) Mỗi một câu hỏi phần kiến thức chung được tối đa 1,5 điểm;

b) Mỗi câu hỏi về phần kiến thức chuyên môn được tối đa 2 điểm.

4. Thí sinh được công nhận đạt yêu cầu khi được tối thiểu 6 điểm, trong đó:

a) Không câu trả lời nào bị chấm dưới 1/2 điểm số theo quy định tại khoản 3 Điều này;

b) Không vi phạm các lỗi bị đình chỉ sát hạch.

Điều 7. Bài thi trắc nghiệm

1. Thời gian làm bài: 60 phút.

2. Số lượng câu hỏi:

a) Phần kiến thức chung: 30 câu;

b) Phần kiến thức chuyên môn: 15 câu.

3. Thang điểm: điểm tối đa là 45 điểm, mỗi câu trả lời đúng được 1 điểm.

4. Thí sinh được công nhận đạt yêu cầu khi được tối thiểu 40 điểm, trong đó:

a) Phần kiến thức chung đạt tối thiểu 27 điểm;

b) Phần kiến thức chuyên môn đạt tối thiểu 13 điểm;

c) Không vi phạm các lỗi bị đình chỉ sát hạch.

Điều 8. Trừ điểm khi vi phạm trong sát hạch lý thuyết

1. Thí sinh vi phạm quy chế của kỳ sát hạch sẽ bị lập biên bản.

2. Thí sinh bị lập biên bản 01 lần sẽ bị trừ điểm như sau:

a) Trừ 30% tổng số điểm của bài làm nếu thi tự luận;

b) Trừ 10% tổng số điểm của bài làm nếu thi trắc nghiệm.

Chương III

SÁT HẠCH THỰC HÀNH KHÁM MÁY

Điều 9. Phương tiện dùng để sát hạch thực hành khám máy

Phương tiện dùng để sát hạch thực hành khám máy phải có tình trạng kỹ thuật tốt, bảo đảm các tiêu chuẩn vận dụng.

Điều 10. Nội dung sát hạch thực hành khám máy

1. Tổ sát hạch tạo ra sự cố kỹ thuật (đánh "pan") ở các bộ phận của phương tiện theo nội dung của đề thi, bao gồm:

a) Đánh 3 pan ở bộ phận chạy, động cơ (hoặc hãm), điện ở trạng thái nguội;

b) Đánh 2 pan ở bộ phận hãm (hoặc động cơ), điện ở trạng thái nóng.

2. Trong thời gian khám máy quy định tại đề thi, thí sinh phải kiểm tra, phát hiện và xử lý các pan theo nội dung yêu cầu.

Điều 11. Điểm thực hành khám máy

Điểm thực hành khám máy tối đa là 100 điểm và được quy định như sau:

1. Đảm bảo đúng thời gian và kỹ thuật khám: tối đa 50 điểm.

2. Mỗi pan được phát hiện và xử lý đúng: tối đa 10 điểm.

Điều 12. Trừ điểm khi vi phạm trong thực hành khám máy

Thí sinh bị trừ điểm trong các trường hợp sau đây:

1. Quá thời gian quy định trong vòng 20 phút: mỗi phút trừ 2 điểm;

2. Không làm đủ thủ tục khám máy theo quy định: trừ 5 điểm;

3. Để xảy ra tai nạn lao động ở mức độ nhẹ: trừ 5 điểm;

4. Khám sai trình tự, sai tư thế: mỗi lần vi phạm trừ 1 điểm;

5. Khám sót chi tiết hoặc bộ phận: mỗi chi tiết hoặc bộ phận khám sót trừ 1 điểm;

6. Làm hư hỏng chi tiết chưa đến mức phải thay thế: mỗi chi tiết bị làm hư hỏng trừ 5 điểm.

Điều 13. Điều kiện để công nhận thực hành khám máy đạt yêu cầu

Thí sinh được công nhận đạt yêu cầu khi được tối thiểu 60 điểm, trong đó:

1. Phát hiện và xử lý đúng ít nhất 3 pan, trong đó có ít nhất 1 pan nóng;

2. Không vi phạm các lỗi bị đình chỉ sát hạch.

Điều 14. Phiếu đánh giá kết quả sát hạch thực hành khám máy

Kết quả sát hạch thực hành khám máy được thể hiện trên Phiếu đánh giá kết quả thực hành khám máy.

Mẫu Phiếu đánh giá kết quả sát hạch thực hành khám máy được quy định tại Phụ lục 1 của Quy định này.

Chương IV

SÁT HẠCH THỰC HÀNH LÁI TÀU

Điều 15. Phương tiện dùng để sát hạch thực hành lái tàu

1. Phương tiện dùng để sát hạch lái tàu:

a) Đối với các loại đầu máy, toa xe động lực: phải kéo đoàn xe khách hoặc đoàn xe hàng;

b) Đối với phương tiện động lực chuyên dùng đường sắt: nếu có toa xe hoặc xe rơ moóc thì phải kéo theo cả toa xe hoặc xe rơ moóc đó.

2. Phương tiện dùng để sát hạch lái tàu phải đảm bảo đầy đủ các yêu cầu về điều kiện lưu hành, điều kiện kỹ thuật và quy định về trang thiết bị hiện hành.

Điều 16. Quãng đường và thời gian sát hạch lái tàu

Thí sinh lái tàu chạy ít nhất 3 khu gian liên tiếp, theo đúng thời gian quy định của biểu đồ chạy tàu, đúng tốc độ quy định trong công lệnh tốc độ và cảnh báo hiện hành, trong đó khu gian đầu là khu gian chạy thử, 2 khu gian sau dùng để đánh giá kết quả thực hành lái tàu.

Điều 17. Nội dung sát hạch thực hành lái tàu

1. Công tác chuẩn bị: thí sinh phải kiểm tra sự đầy đủ của các dụng cụ quy định, các ấn chỉ chạy tàu cần thiết.

2. Chế độ báo cáo, hô đáp: thí sinh phải thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo, hô đáp theo quy định.

3. Kỹ năng dừng tàu: thí sinh phải dừng tàu 2 lần. Vị trí dừng tàu được xác định bằng cách đối chiếu tim ghế ngồi của lái tàu, theo phương vuông góc với tim đường sắt, với mốc chuẩn đã được quy định trong đề sát hạch. Vị trí dừng tàu được xê dịch trong khoảng cho phép như sau:

a) Đối với phương tiện động lực chuyên dùng đường sắt: trước không quá 3m hoặc vượt không quá 1m so với mốc chuẩn;

b) Đối với tàu khách: trước không quá 6m hoặc vượt không quá 2m so với mốc chuẩn;

c. Đối với tàu hàng: trước không quá 8m hoặc vượt không quá 4m so với mốc chuẩn.

4. Kỹ năng lái tàu: thí sinh phải thực hiện đầy đủ các yêu cầu kỹ thuật theo quy định, lái tàu chạy đúng thời gian quy định trong biểu đồ chạy tàu, đúng công lệnh tốc độ và cảnh báo hiện hành.

5. Kỹ năng hãm tàu: thí sinh phải thực hiện đầy đủ các yêu cầu kỹ thuật theo quy định.

Điều 18. Điểm thực hành lái tàu

Điểm thực hành lái tàu tối đa là 100 điểm và được quy định như sau:

1. Công tác chuẩn bị: tối đa 10 điểm.

2. Chế độ báo cáo, hô đáp: tối đa 20 điểm.

3. Kỹ năng dừng tàu: tối đa 20 điểm.

4. Kỹ năng lái tàu: tối đa 30 điểm, trong đó:

a) Thời gian chạy tàu khu gian: tối đa 10 điểm. Trong trường hợp có điểm chạy chậm trong khu gian thì sát hạch viên phải báo cho thí sinh biết và phải cộng thêm thời gian kỹ thuật của điểm chạy chậm đó.

b) Thực hiện đầy đủ các yêu cầu kỹ thuật theo quy định: tối đa 20 điểm.

5. Kỹ năng hãm tàu: tối đa 20 điểm.

Điều 19. Trừ điểm khi vi phạm trong thực hành lái tàu

Thí sinh bị trừ điểm trong các trường hợp sau:

1. Công tác chuẩn bị: sau khi kiểm tra vẫn để thiếu dụng cụ, ấn chỉ chạy tàu: mỗi loại thiếu trừ 1 điểm;

2. Báo cáo, hô đáp: báo cáo, hô đáp thiếu hoặc sai mỗi lần trừ 3 điểm;

3. Kỹ năng dừng tàu: mỗi mét dừng trước khoảng cho phép bị trừ 1 điểm; mỗi mét dừng quá khoảng cho phép bị trừ 3 điểm;

4. Kỹ năng lái tàu:

a) Thời gian lái tàu trên mỗi khu gian nếu chênh lệch so với quy định trong biểu đồ chạy tàu: mỗi phút chênh lệch trừ 3 điểm;

b) Vi phạm quy định về kỹ năng lái tàu: mỗi lỗi vi phạm trừ 2 điểm;

5. Kỹ năng hãm tàu: mỗi lỗi vi phạm trừ 2 điểm.

Điều 20. Điều kiện để công nhận thực hành lái tàu đạt yêu cầu

Thí sinh được công nhận đạt yêu cầu khi đạt tối thiểu 60 điểm, trong đó:

1. Không có nội dung nào bị trừ quá 1/2 số điểm quy định tại Điều 18 của Quy định này;

2. Không vi phạm các lỗi bị đình chỉ sát hạch.

Điều 21. Phiếu đánh giá kết quả sát hạch thực hành lái tàu

Kết quả sát hạch thực hành lái tàu được thể hiện trên Phiếu đánh giá kết quả thực hành lái tàu.

Mẫu Phiếu đánh giá kết quả sát hạch thực hành lái tàu được quy định tại Phụ lục 2 của Quy định này.

Chương V

TỔ CHỨC KỲ SÁT HẠCH

Điều 22. Lập kế hoạch tổ chức kỳ sát hạch

1. Vào tháng 12 hàng năm, đơn vị có nhu cầu cử thí sinh dự sát hạch cấp giấy phép lái tàu (đơn vị đăng ký sát hạch) có trách nhiệm lập kế hoạch tổ chức các kỳ sát hạch trong năm tới, gửi Cục Đường sắt Việt Nam. Trong kế hoạch phải nêu rõ thời gian dự kiến tổ chức sát hạch, số lượng thí sinh đăng ký tham dự của từng kỳ sát hạch, loại phương tiện đề nghị sát hạch.

2. Cục Đường sắt Việt Nam có trách nhiệm tiếp nhận đăng ký của các đơn vị và xây dựng kế hoạch tổ chức sát hạch tổng thể chung của toàn ngành trong năm, thông báo cho các đơn vị biết vào cuối Quý I để chuẩn bị thực hiện.

Điều 23. Tổ chức kỳ sát hạch

1. Trước kỳ sát hạch 10 ngày, đơn vị đăng ký sát hạch có trách nhiệm làm công văn đề nghị tổ chức kỳ dự sát hạch kèm danh sách và hồ sơ của từng thí sinh đăng ký dự sát hạch gửi Cục Đường sắt Việt Nam.

2. Cục Đường sắt Việt Nam có trách nhiệm tiếp nhận danh sách và hồ sơ các thí sinh đăng ký sát hạch, tổ chức kỳ sát hạch theo đúng quy định hiện hành.

Điều 24. Trình tự sát hạch

1. Quá trình sát hạch :

a) Bước 1: sát hạch lý thuyết;

b) Bước 2: sát hạch thực hành khám máy;

c) Bước 3: sát hạch thực hành lái tàu;

d) Bước 4: sát hạch thực hành lại đối với thí sinh không đạt yêu cầu theo quy định đối với một trong hai phần sát hạch thực hành ở bước 2 hoặc bước 3.

2. Thí sinh không đạt yêu cầu sát hạch lý thuyết sẽ không được bố trí sát hạch thực hành.

3. Thí sinh không đạt yêu cầu cả hai phần sát hạch thực hành ở bước 2 và bước 3 sẽ không được bố trí sát hạch thực hành lại.

4. Thí sinh không đạt yêu cầu đối với một trong hai phần sát hạch thực hành ở bước 2 hoặc bước 3 được bố trí sát hạch lại 01 lần phần thực hành chưa đạt yêu cầu.

5. Thí sinh không đạt yêu cầu sát hạch được bố trí sát hạch lại vào kỳ sát hạch sau nhưng không được bảo lưu kết quả của kỳ sát hạch trước.

Điều 25. Đình chỉ sát hạch

1. Chủ tịch Hội đồng sát hạch ra quyết định đình chỉ sát hạch đối với thí sinh dự sát hạch theo quy định.

2. Thí sinh bị đình chỉ sát hạch trong các trường hợp sau đây:

a) Đối với sát hạch lý thuyết:

- Vi phạm quy định bị lập biên bản đến lần thứ 2;

- Mang tài liệu, vật dụng không được phép vào phòng thi.

b) Đối với thực hành khám máy:

- Quá thời gian quy định trên 20 phút;

- Để xảy ra tai nạn lao động đến mức Hội đồng sát hạch phải dừng sát hạch để giải quyết;

- Làm hỏng các chi tiết máy đến mức phải bồi thường vật chất hoặc phải thay thế.

c) Đối với thực hành lái tàu:

- Phạm lỗi đến mức bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định hiện hành đối với lái tàu;

- Tự động mở máy cho tàu chạy vào khu gian khi chưa có chứng vật chạy tàu hoặc tín hiệu phát xe của trực ban chạy tàu ga, trưởng tàu;

- Tàu chưa dừng hẳn đã đổi chiều chạy;

- Sử dụng hãm với áp lực gió quá lớn gây trượt lết tàu;

- Để tàu chết máy trên dốc; gây sự cố; dừng tàu vượt mốc tránh va chạm;

- Không phát hiện và xử lý kịp thời tình huống phát sinh gây chết máy, dừng tàu;

- Để xảy ra các tình huống nguy hiểm khác mà tổ sát hạch buộc phải sử dụng các biện pháp khẩn cấp để ngăn chặn, chống xảy ra tai nạn.

d) Trong quá trình sát hạch không chấp hành lệnh của sát hạch viên hoặc có hành vi gây rối, mất trật tự đến mức bị lập biên bản.

Điều 26. Điều kiện để công nhận đạt yêu cầu kỳ sát hạch

Thí sinh được công nhận đạt yêu cầu kỳ sát hạch khi đạt yêu cầu cả sát hạch lý thuyết và sát hạch thực hành.

Điều 27. Trách nhiệm của Hội đồng sát hạch, Tổ sát hạch và thí sinh trong kỳ sát hạch

Thực hiện đầy đủ các quy định tại quy chế của kỳ sát hạch và các quy định riêng khác (nếu có).

Chương VI

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 28. Trách nhiệm của Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam

1. Tổ chức thực hiện Quy định này.

2. Định kỳ vào tháng 12 hàng năm tổng kết công tác sát hạch, cấp giấy phép lái tàu báo cáo các cấp có thẩm quyền.

3. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức xây dựng ngân hàng câu hỏi sát hạch; tổ chức phê duyệt và triển khai thực hiện.

Điều 29. Trách nhiệm của Thủ trưởng các đơn vị có liên quan

Thủ trưởng các đơn vị có liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình triển khai thực hiện Quy định này đến các đối tượng có liên quan trong phạm vi quản lý./.


Nguồn: vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=14820&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận