Văn bản pháp luật: Quyết định 44/2006/QĐ-BBCVT

Đỗ Trung Tá
Toàn quốc
Công báo số 19 & 20 - 11/2006;
Quyết định 44/2006/QĐ-BBCVT
Quyết định
Hết hiệu lực toàn bộ
03/12/2006
03/11/2006

Tóm tắt nội dung

Ban hành "Quy định chứng nhận và công bố phù hợp tiêu chuẩn đối với sản phẩm thuộc quản lý chuyên ngành của Bộ Bưu chính, Viễn thông"

Bộ trưởng
2.006
Bộ Bưu chính, Viễn thông

Toàn văn

QUYẾT ĐỊNH CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ BƯU CHÍNH, VIỄN THÔNG

Ban hành "Quy định chứng nhận và công bố phù hợp tiêu chuẩn đối với

sản phẩm thuộc quản lý chuyên ngành của Bộ Bưu chính, Viễn thông"

BỘ TRƯỞNG BỘ BƯU CHÍNH, VIỄN THÔNG

Căn cứ Pháp lệnh Bưu chính, Viễn thông ngày 25 tháng 5 năm 2002;

Căn cứ Nghị định số 90/2002/NĐ-CP ngày 11 tháng 11 năm 2002 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Bưu chính, Viễn thông;

Căn cứ Nghị định số 160/2004/NĐ-CP ngày 03 tháng 9 năm 2004 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Bưu chính, Viễn thông về Viễn thông;

Căn cứ Nghị định số 24/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 01 năm 2004 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Bưu chính, Viễn thông về tần số vô tuyến điện;

Căn cứ Nghị định số 179/2004/NĐ-CP ngày 21 tháng 10 năm 2004 của Chính phủ quy định quản lý nhà nước về chất lượng hàng hóa;

Xét Tờ trình số 31/QLCL-CLSP ngày 12 tháng 9 năm 2006 của Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Bưu chính, Viễn thông và Công nghệ thông tin;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Khoa học - Công nghệ và Vụ trưởng Vụ Pháp chế,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này "Quy định chứng nhận và công bố phù hợp tiêu chuẩn đối với sản phẩm thuộc quản lý chuyên ngành của Bộ Bưu chính, Viễn thông".

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau mười lăm (15) ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Quyết định này thay thế cho Quyết định số 285/2000/QĐ-TCBĐ ngày 29 tháng 3 năm 2000 của Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện ban hành "Quy định về chứng nhận hợp chuẩn vật tư, thiết bị bưu chính, viễn thông", Quyết định số 41/2004/QĐ-BBCVT ngày 05 tháng 10 năm 2004 của Bộ trưởng Bộ Bưu chính, Viễn thông ban hành quy định về tem phù hợp tiêu chuẩn thiết bị viễn thông, Quyết định số 42/2004/QĐ-BBCVT ngày 05 tháng 10 năm 2004 của Bộ trưởng Bộ Bưu chính, Viễn thông ban hành "Danh mục thiết bị viễn thông bắt buộc gắn tem phù hợp tiêu chuẩn", Quyết định số 43/2004/QĐ-BBCVT ngày 05 tháng 10 năm 2004 của Bộ trưởng Bộ Bưu chính, Viễn thông ban hành mẫu tem phù hợp tiêu chuẩn, Quyết định số 22/2005/QĐ-BBCVT ngày 30 tháng 6 năm 2005 của Bộ trưởng Bộ Bưu chính, Viễn thông về việc sửa đổi Quyết định số 42/2004/QĐ-BBCVT ngày 05 tháng 10 năm 2004 của Bộ trưởng Bộ Bưu chính, Viễn thông ban hành "Danh mục thiết bị viễn thông bắt buộc gắn tem phù hợp tiêu chuẩn".

Điều 3. Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Khoa học - Công nghệ, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Bưu chính, Viễn thông và Công nghệ thông tin, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Bưu chính, Viễn thông và các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh và sử dụng sản phẩm điện tử, viễn thông và công nghệ thông tin chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

QUY ĐỊNH

Chứng nhận và Công bố phù hợp tiêu chuẩn đối với sản phẩm thuộc

quản lý chuyên ngành của Bộ Bưu chính, Viễn thông

(Ban hành kèm theo Quyết định số 44/2006/QĐ-BBCVT ngày 3 tháng 11

năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Bưu chính, Viễn thông)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Mục đích chứng nhận và công bố phù hợp tiêu chuẩn

Chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn và Công bố phù hợp tiêu chuẩn (sau đây gọi chung là chứng nhận và công bố phù hợp tiêu chuẩn) là những biện pháp quản lý nhà nước đối với chất lượng sản phẩm thuộc quản lý chuyên ngành của Bộ Bưu chính, Viễn thông.

Chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn để bảo đảm tương thích của sản phẩm trong kết nối, an toàn mạng viễn thông quốc gia, an ninh thông tin; bảo đảm các yêu cầu về tương thích điện từ trường và sử dụng có hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên phổ tần số vô tuyến điện; an toàn và quyền lợi của người sử dụng.

Công bố phù hợp tiêu chuẩn nhằm thông báo với cơ quan quản lý nhà nước và người tiêu dùng về sự phù hợp của sản phẩm do tổ chức, cá nhân cung cấp với tiêu chuẩn tương ứng sau khi thực hiện quá trình chứng nhận hoặc đánh giá chất lượng sản phẩm.

Điều 2. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Văn bản này quy định nội dung chứng nhận và công bố phù hợp tiêu chuẩn đối với các loại sản phẩm thuộc lĩnh vực quản lý chuyên ngành của Bộ Bưu chính, Viễn thông (sau đây gọi tắt là sản phẩm), bao gồm: các loại sản phẩm viễn thông, các thiết bị phát, thu - phát sóng vô tuyến điện, các thiết bị điện tử và các sản phẩm công nghệ thông tin (trừ các thiết bị sử dụng cho mục đích quốc phòng, an ninh).

2. Văn bản này áp dụng đối với tất cả các tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài (sau đây gọi tắt là tổ chức, cá nhân) có hoạt động sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh mua bán các sản phẩm nêu tại khoản 1 Điều này trên lãnh thổ Việt Nam.

3. Các sản phẩm nằm trong khuôn khổ các Điều ước quốc tế về thừa nhận lẫn nhau đối với việc chứng nhận và công bố phù hợp tiêu chuẩn mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia thì chịu sự điều chỉnh của Điều ước quốc tế đó.

Điều 3. Tiêu chuẩn áp dụng

Tiêu chuẩn áp dụng đối với sản phẩm bao gồm các Tiêu chuẩn Ngành, Tiêu chuẩn Việt Nam và Tiêu chuẩn quốc tế do Bộ Bưu chính, Viễn thông công bố bắt buộc áp dụng hoặc khuyến khích áp dụng, Tiêu chuẩn do các tổ chức, cá nhân công bố tự nguyện áp dụng, phù hợp với các quy định của pháp luật Việt Nam và các Điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia.

Điều 4. Cơ quan quản lý hoạt động chứng nhận, công bố phù hợp tiêu chuẩn và Tổ chức chứng nhận

1. Cơ quan quản lý hoạt động chứng nhận và công bố phù hợp tiêu chuẩn (sau đây gọi là Cơ quan quản lý): Cục Quản lý chất lượng Bưu chính, Viễn thông và Công nghệ thông tin trực thuộc Bộ Bưu chính, Viễn thông có chức năng tổ chức thực hiện các nội dung quy định tại văn bản này.

2. Tổ chức chứng nhận: Đơn vị sự nghiệp hoạt động dịch vụ kỹ thuật trực thuộc Cục Quản lý chất lượng Bưu chính, Viễn thông và Công nghệ thông tin.

3. Địa chỉ liên hệ:

a) Khu vực miền bắc: Số 18 Nguyễn Du, Hà Nội.

b) Khu vực miền trung: Số 42 Trần Quốc Toản, Thành phố Đà Nẵng.

c) Khu vực miền nam: Số 27 Nguyễn Bỉnh Khiêm, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.

Điều 5. Đơn vị đo kiểm sản phẩm phục vụ chứng nhận và công bố phù hợp tiêu chuẩn

1. Đơn vị đo kiểm sản phẩm phục vụ chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn phải là đơn vị đo kiểm thuộc danh sách các đơn vị đo kiểm do Bộ Bưu chính, Viễn thông công bố.

2. Đơn vị đo kiểm sản phẩm phục vụ công bố phù hợp tiêu chuẩn là các đơn vị đo kiểm được thành lập theo quy định của pháp luật do tổ chức, cá nhân có sản phẩm công bố phù hợp tiêu chuẩn tự lựa chọn.

3. Các đơn vị đo kiểm phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của các kết quả đo kiểm. Kết quả đo kiểm không có giá trị thay thế cho Giấy chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn và Bản công bố phù hợp tiêu chuẩn.

Điều 6. Các Danh mục sản phẩm và hình thức quản lý

1. Theo từng thời kỳ, Bộ Bưu chính, Viễn thông ban hành các danh mục sản phẩm sau:

a) "Danh mục sản phẩm thuộc quản lý chuyên ngành của Bộ Bưu chính, Viễn thông bắt buộc phải chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn". Tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc nhập khẩu các sản phẩm thuộc danh mục này, trừ các trường hợp quy định tại Điều 7, phải thực hiện chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn theo quy định tại Chương II và công bố phù hợp tiêu chuẩn theo quy định tại Chương III.

b) "Danh mục sản phẩm thuộc quản lý chuyên ngành của Bộ Bưu chính, Viễn thông bắt buộc áp dụng tiêu chuẩn". Tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc nhập khẩu các sản phẩm thuộc danh mục này, trừ các trường hợp quy định tại Điều 8, phải thực hiện công bố phù hợp tiêu chuẩn theo quy định tại Chương III.

2. Khuyến khích thực hiện chứng nhận và công bố phù hợp tiêu chuẩn đối với sản phẩm không thuộc các danh mục nêu tại khoản 1 Điều này.

Điều 7. Các trường hợp không phải chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn

Sản phẩm thuộc "Danh mục sản phẩm thuộc quản lý chuyên ngành của Bộ Bưu chính, Viễn thông bắt buộc phải chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn" nhưng không phải chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn trong các trường hợp sau:

1. Sản phẩm nhập khẩu theo người hoặc qua đường hàng hóa để sử dụng cho mục đích cá nhân gồm: sản phẩm điện tử, công nghệ thông tin, thiết bị đầu cuối cố định và di động đối với các dịch vụ viễn thông và Internet đã được phép cung cấp và sử dụng tại Việt Nam.

2. Sản phẩm nhập khẩu hoặc sản xuất trong nước để trưng bày, triển lãm, trình diễn hoặc làm mẫu phục vụ cho việc đo kiểm chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn.

3. Các thiết bị phát, thu - phát sóng vô tuyến điện của cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự của nước ngoài, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế tại Việt Nam, đoàn đại biểu cấp cao nước ngoài đến thăm Việt Nam được hưởng quy chế ưu đãi, miễn trừ ngoại giao; các phóng viên nước ngoài vào hoạt động báo chí ngắn hạn ở Việt Nam (có giấy phép hoạt động báo chí của Bộ Ngoại giao); khai thác viên vô tuyến điện nghiệp dư.

Điều 8. Các trường hợp không phải công bố phù hợp tiêu chuẩn

Sản phẩm thuộc các Danh mục sản phẩm nêu tại khoản 1 Điều 6 nhưng không phải thực hiện thủ tục công bố phù hợp tiêu chuẩn trong các trường hợp sau:

1. Các trường hợp không phải chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn quy định tại Điều 7.

2. Sản phẩm sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu để chính tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu sản phẩm đó sử dụng (không đưa ra kinh doanh mua bán trên thị trường).

Điều 9. Đối với thiết bị phát, thu - phát sóng vô tuyến điện

Các thiết bị phát, thu - phát sóng vô tuyến điện nhập khẩu, sản xuất trong nước (trừ trường hợp sản xuất để xuất khẩu) phải phù hợp với quy hoạch phổ tần số vô tuyến điện quốc gia và bảo đảm các tiêu chuẩn kỹ thuật về tần số, bức xạ, tiêu chuẩn tương thích và miễn nhiễm điện từ trường theo quy định của Bộ Bưu chính, Viễn thông.

Ngoài việc tuân thủ Quy định này về chứng nhận và công bố phù hợp tiêu chuẩn, các thiết bị phát, thu - phát sóng vô tuyến điện khi sử dụng trên lãnh thổ Việt Nam còn phải có Giấy phép sử dụng tần số và thiết bị phát sóng vô tuyến điện của Bộ Bưu chính, Viễn thông.

Chương II

CHỨNG NHẬN PHÙ HỢP TIÊU CHUẨN

Mục 1

HÌNH THỨC, PHƯƠNG THỨC VÀ QUY TRÌNH CHỨNG NHẬN

PHÙ HỢP TIÊU CHUẨN

Điều 10. Hình thức chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn

1. Chứng nhận bắt buộc: Là việc cấp Giấy chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn cho các sản phẩm thuộc "Danh mục sản phẩm thuộc quản lý chuyên ngành của Bộ Bưu chính, Viễn thông bắt buộc phải chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn" có các chỉ tiêu kỹ thuật phù hợp với các tiêu chuẩn tương ứng bắt buộc áp dụng.

2. Chứng nhận tự nguyện: Là việc cấp Giấy chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn cho các sản phẩm không thuộc "Danh mục sản phẩm thuộc quản lý chuyên ngành của Bộ Bưu chính, Viễn thông bắt buộc phải chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn" có các chỉ tiêu kỹ thuật phù hợp với các tiêu chuẩn do Bộ Bưu chính, Viễn thông công bố bắt buộc áp dụng hoặc tiêu chuẩn do các tổ chức, cá nhân công bố tự nguyện áp dụng.

Điều 11. Phương thức chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn

1. Phương thức 1: Thử nghiệm mẫu điển hình.

Phương thức này áp dụng chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn cho các sản phẩm sau:

a) Sản phẩm nhập khẩu.

b) Sản phẩm sản xuất trong nước của các tổ chức, cá nhân có hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm đã được cấp chứng chỉ hệ thống quản lý chất lượng.

Giấy chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn được cấp trên cơ sở đánh giá kết quả đo kiểm mẫu sản phẩm.

2. Phương thức 2: Thử nghiệm mẫu điển hình và đánh giá điều kiện bảo đảm chất lượng.

Phương thức này áp dụng chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn cho sản phẩm sản xuất trong nước của các tổ chức, cá nhân chưa được cấp chứng chỉ hệ thống quản lý chất lượng.

Tổ chức chứng nhận đánh giá điều kiện bảo đảm chất lượng sản phẩm trên cơ sở kiểm tra trực tiếp tại cơ sở sản xuất theo quy trình sản xuất, quy trình giám sát bảo đảm chất lượng sản phẩm và lấy mẫu sản phẩm để đo kiểm.

Giấy chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn được cấp trên cơ sở đánh giá điều kiện bảo đảm chất lượng sản phẩm và kết quả đo kiểm mẫu sản phẩm.

Điều 12. Quy trình chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn

1. Đối với chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn theo Phương thức 1: Gồm các bước như sau:

- Tổ chức, cá nhân tự lấy mẫu sản phẩm để đo kiểm (số lượng theo yêu cầu của phép đo);

- Đo kiểm mẫu sản phẩm;

- Đánh giá sự phù hợp của kết quả đo kiểm mẫu sản phẩm với tiêu chuẩn áp dụng chứng nhận;

- Căn cứ kết quả đánh giá, Tổ chức chứng nhận cấp hoặc không cấp Giấy chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn. Trường hợp không cấp Giấy chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn thì Tổ chức chứng nhận phải có văn bản thông báo cho tổ chức, cá nhân đề nghị chứng nhận và nêu rõ lý do.

2. Đối với chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn theo Phương thức 2: Gồm các bước như sau:

Kiểm tra tại cơ sở sản xuất để đánh giá điều kiện bảo đảm chất lượng sản phẩm và lấy mẫu sản phẩm để đo kiểm (số lượng theo yêu cầu của phép đo);

Đo kiểm mẫu sản phẩm;

Đánh giá sự phù hợp của kết quả đo kiểm mẫu sản phẩm với tiêu chuẩn áp dụng chứng nhận;

Căn cứ kết quả đánh giá, Tổ chức chứng nhận cấp hoặc không cấp Giấy chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn. Trường hợp không cấp Giấy chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn thì Tổ chức chứng nhận phải có văn bản thông báo cho tổ chức, cá nhân đề nghị chứng nhận và nêu rõ lý do.

Điều 13. Giấy chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn

1. Giấy chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn do Tổ chức chứng nhận cấp có giá trị trên phạm vi toàn quốc.

2. Giấy chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn cấp cho từng chủng loại sản phẩm, có thời hạn tối đa ba (03) năm. Trong thời hạn hiệu lực của Giấy chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn, tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc nhập khẩu sản phẩm được phép công bố phù hợp tiêu chuẩn và cung cấp sản phẩm ra thị trường không hạn chế về số lượng.

3. Mẫu Giấy chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn tại Phụ lục I. Trong trường hợp sản phẩm được chứng nhận phù hợp với Tiêu chuẩn tự nguyện áp dụng thì nội dung Tiêu chuẩn đó và kết quả đo kiểm mẫu sản phẩm là một phần không tách rời của Giấy chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn.

Mục 2

THỦ TỤC CHỨNG NHẬN PHÙ HỢP TIÊU CHUẨN

Điều 14. Hồ sơ chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn

1. Hồ sơ chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn gửi đến Tổ chức chứng nhận, bao gồm:

a) Đơn đề nghị chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn theo mẫu tại Phụ lục II;

b) Bản sao giấy tờ thể hiện tư cách pháp nhân của tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật;

c) Tài liệu kỹ thuật có liên quan: Thuyết minh kỹ thuật, sổ tay hướng dẫn sử dụng, ảnh chụp bên ngoài của sản phẩm, phần mềm và tài liệu hướng dẫn cài đặt, sử dụng; Chứng chỉ hệ thống quản lý chất lượng (nếu có);

d) Kết quả đo kiểm sản phẩm (bản gốc) của nhà sản xuất hoặc một đơn vị đo kiểm có đủ thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 5 và thỏa mãn các yêu cầu quy định tại Điều 16;

đ) Tiêu chuẩn tự nguyện áp dụng (đối với chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn theo hình thức tự nguyện);

e) Quy trình sản xuất, quy trình giám sát bảo đảm chất lượng sản phẩm (đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất trong nước chưa được cấp chứng chỉ hệ thống quản lý chất lượng).

2. Trong trường hợp hồ sơ thiếu kết quả đo kiểm hoặc kết quả đo kiểm không phù hợp quy định tại Điều 16, Tổ chức chứng nhận hướng dẫn hoặc chỉ định đơn vị đo kiểm thực hiện việc đo kiểm sản phẩm cho tổ chức, cá nhân đề nghị chứng nhận.

Điều 15. Thời hạn giải quyết

1. Trong thời hạn mười (10) ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, Tổ chức chứng nhận cấp Giấy chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn hoặc thông báo bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân đề nghị chứng nhận (trường hợp không cấp giấy chứng nhận do sản phẩm không đạt yêu cầu chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn).

2. Trong những trường hợp đặc biệt, khi việc chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn đòi hỏi thời gian dài hơn quy định trên, Tổ chức chứng nhận có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân đề nghị chứng nhận biết lý do. Thời hạn tối đa để giải quyết cấp hoặc không cấp Giấy chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn không vượt quá ba mươi (30) ngày.

Điều 16. Yêu cầu đối với kết quả đo kiểm sản phẩm chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn

Kết quả đo kiểm bản gốc được cấp trong vòng một (01) năm tính đến ngày tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn và thể hiện rõ ràng các nội dung:

- Thông tin về đơn vị đo kiểm: Tên, địa chỉ đơn vị đo kiểm;

- Thông tin về tổ chức, cá nhân được cấp kết quả đo kiểm: Tên, địa chỉ;

- Thông tin về sản phẩm đo kiểm: Tên, ký hiệu, phiên bản của sản phẩm, hãng và nơi sản xuất;

- Ngày thực hiện đo kiểm, cấp kết quả đo kiểm;

- Điều kiện đo kiểm, phương pháp đo kiểm;

- Kết quả chi tiết từng phép đo.

Điều 17. Lệ phí chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn

Tổ chức, cá nhân phải nộp lệ phí cấp Giấy chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn theo quy định của Bộ Tài chính.

Chương III.

CÔNG BỐ PHÙ HỢP TIÊU CHUẨN

Điều 18. Hoạt động công bố phù hợp tiêu chuẩn

1. Đối với sản phẩm thuộc các danh mục nêu tại khoản 1 Điều 6, trước khi đưa sản phẩm lưu thông trên thị trường, tổ chức, cá nhân phải thực hiện công bố phù hợp tiêu chuẩn với hai nội dung công việc sau:

a) Công bố phù hợp tiêu chuẩn bằng văn bản với Cơ quan quản lý. Nội dung, thủ tục thực hiện công bố phù hợp tiêu chuẩn theo quy định tại Mục 1 Chương này.

b) Đánh dấu công bố phù hợp tiêu chuẩn lên từng sản phẩm để người tiêu dùng nhận biết, các cơ quan quản lý nhà nước kiểm tra, kiểm soát trên thị trường. Nội dung đánh dấu công bố phù hợp tiêu chuẩn quy định tại Mục 2 Chương này.

2. Đối với các sản phẩm không thuộc các danh mục nêu tại khoản 1 Điều 6 thì khuyến khích tổ chức, cá nhân thực hiện theo khoản 1 Điều này.

Mục 1

CÔNG BỐ PHÙ HỢP TIÊU CHUẨN BẰNG VĂN BẢN

Điều 19. Nội dung thực hiện

1. Công bố phù hợp tiêu chuẩn bằng văn bản với Cơ quan quản lý gồm 2 bước sau:

Bước 1: Đánh giá phù hợp tiêu chuẩn.

- Đối với sản phẩm thuộc "Danh mục sản phẩm thuộc quản lý chuyên ngành của Bộ Bưu chính, Viễn thông bắt buộc phải chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn", việc đánh giá phù hợp tiêu chuẩn phải được thực hiện bởi Tổ chức chứng nhận (bên thứ ba).

- Đối với sản phẩm thuộc "Danh mục sản phẩm thuộc quản lý chuyên ngành của Bộ Bưu chính, Viễn thông bắt buộc áp dụng tiêu chuẩn", việc đánh giá phù hợp tiêu chuẩn có thể được thực hiện bởi chính tổ chức, cá nhân (bên thứ nhất) hoặc bởi Tổ chức chứng nhận.

Bước 2: Công bố bằng văn bản với Cơ quan quản lý về sự phù hợp của sản phẩm với tiêu chuẩn tương ứng dựa trên kết quả đánh giá.

2. Căn cứ đánh giá phù hợp tiêu chuẩn là tiêu chuẩn bắt buộc áp dụng tương ứng với sản phẩm (đối với sản phẩm thuộc các Danh mục nêu tại khoản 1 Điều 6) hoặc tiêu chuẩn tự nguyện áp dụng (đối với sản phẩm không thuộc các Danh mục nêu tại khoản 1 Điều 6).

3. Căn cứ công bố phù hợp tiêu chuẩn là kết quả đánh giá phù hợp tiêu chuẩn của sản phẩm.

Điều 20. Thủ tục đánh giá phù hợp tiêu chuẩn

1. Đánh giá phù hợp tiêu chuẩn do Tổ chức chứng nhận thực hiện: Thủ tục theo quy định chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn tại Chương II.

2. Đánh giá phù hợp tiêu chuẩn do tổ chức, cá nhân tự thực hiện: Thủ tục theo các bước sau:

- Lấy mẫu sản phẩm theo yêu cầu của phép đo trên nguyên tắc lấy mẫu ngẫu nhiên.

- Đo kiểm sản phẩm theo tiêu chuẩn tương ứng tại đơn vị đo kiểm do tổ chức, cá nhân tự lựa chọn. Ưu tiên lựa chọn các đơn vị đo kiểm đã được Bộ Bưu chính, Viễn thông công bố, chỉ định hoặc thừa nhận.

- Đánh giá phù hợp tiêu chuẩn của sản phẩm bằng cách so sánh kết quả đo kiểm với tiêu chuẩn tương ứng.

Điều 21. Thủ tục công bố bằng văn bản về sự phù hợp

1. Tổ chức, cá nhân lập hồ sơ công bố phù hợp tiêu chuẩn như sau:

a) Hồ sơ công bố phù hợp tiêu chuẩn cho sản phẩm đã được Tổ chức chứng nhận đánh giá phù hợp tiêu chuẩn:

- Bản công bố phù hợp tiêu chuẩn theo mẫu tại Phụ lục III.

b) Hồ sơ công bố phù hợp tiêu chuẩn cho sản phẩm do tổ chức, cá nhân tự đánh giá phù hợp tiêu chuẩn:

- Bản công bố phù hợp tiêu chuẩn theo mẫu tại Phụ lục III;

- Bản sao giấy tờ thể hiện tư cách pháp nhân của tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật;

- Bản mô tả chung về sản phẩm (tính năng, công dụng);

- Bản tự đánh giá phù hợp tiêu chuẩn kèm theo kết quả đo kiểm sản phẩm.

2. Tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ công bố phù hợp tiêu chuẩn cho Cơ quan quản lý quy định tại Điều 4.

3. Cơ quan quản lý xác nhận việc công bố phù hợp tiêu chuẩn của tổ chức, cá nhân bằng Bản tiếp nhận công bố phù hợp tiêu chuẩn theo mẫu tại Phụ lục IV trong vòng năm (05) ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ.

4. Sau khi nhận được Bản tiếp nhận công bố phù hợp tiêu chuẩn, tổ chức, cá nhân được quyền công bố sản phẩm phù hợp tiêu chuẩn trên các phương tiện thông tin đại chúng và trong vòng ba mươi (30) ngày phải nộp bản sao Bản công bố phù hợp tiêu chuẩn và bản sao Bản tiếp nhận công bố phù hợp tiêu chuẩn đến Sở Bưu chính, Viễn thông tại địa phương nơi đăng ký kinh doanh.

Mục 2

ĐÁNH DẤU CÔNG BỐ PHÙ HỢP TIÊU CHUẨN

Điều 22. Nguyên tắc đánh dấu công bố phù hợp tiêu chuẩn

1. Đối với sản phẩm thuộc các danh mục nêu tại khoản 1 Điều 6, tổ chức, cá nhân thực hiện đánh dấu công bố phù hợp tiêu chuẩn bằng cách in, gắn hoặc dán dấu công bố phù hợp tiêu chuẩn trực tiếp trên sản phẩm hoặc in dấu công bố phù hợp tiêu chuẩn trên nhãn hàng hoá gắn vào sản phẩm.

2. Khuyến khích đánh dấu công bố phù hợp tiêu chuẩn cho các sản phẩm không thuộc các danh mục sản phẩm nêu tại khoản 1 Điều 6 sau khi đã thực hiện công bố phù hợp tiêu chuẩn bằng văn bản cho các sản phẩm đó.

Điều 23. Dấu công bố phù hợp tiêu chuẩn

1. Dấu công bố phù hợp tiêu chuẩn bao gồm:

a) Dấu công bố phù hợp tiêu chuẩn cho sản phẩm bắt buộc áp dụng tiêu chuẩn (theo mẫu tại Phụ lục V).

Dấu này áp dụng đối với các sản phẩm thuộc "Danh mục sản phẩm thuộc quản lý chuyên ngành của Bộ Bưu chính, Viễn thông bắt buộc áp dụng tiêu chuẩn".

b) Dấu công bố phù hợp tiêu chuẩn cho sản phẩm phải chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn (theo mẫu tại Phụ lục VI).

Dấu này áp dụng đối với các sản phẩm thuộc "Danh mục sản phẩm thuộc quản lý chuyên ngành của Bộ Bưu chính, Viễn thông bắt buộc phải chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn".

c) Đối với các sản phẩm khuyến khích đánh dấu công bố phù hợp tiêu chuẩn nêu tại khoản 2 Điều 22, dấu công bố phù hợp tiêu chuẩn do tổ chức, cá nhân tự thiết kế và phải có thông tin về tên tổ chức, cá nhân và ký hiệu, số hiệu tiêu chuẩn tương ứng áp dụng cho sản phẩm.

2. Kích thước dấu công bố phù hợp tiêu chuẩn và cách trình bày dấu:

Phụ lục V và Phụ lục VI quy định các kích thước chuẩn của dấu công bố phù hợp tiêu chuẩn. Tuỳ theo kích cỡ của sản phẩm, dấu công bố phù hợp tiêu chuẩn có thể được phóng to hoặc thu nhỏ so với kích thước chuẩn, nhưng phải đảm bảo đúng tỷ lệ quy định và nhận biết được rõ ràng.

Mầu sắc mực in nền, chữ của dấu công bố phù hợp tiêu chuẩn do tổ chức, cá nhân tự chọn, nhưng phải bảo đảm rõ ràng, dễ thấy và bền vững. Không được in thêm bất kỳ ký tự, hình ảnh, hoa văn khác trong phạm vi dấu công bố phù hợp tiêu chuẩn.

Trường hợp in dấu công bố phù hợp tiêu chuẩn lên các chất liệu khác để gắn hoặc dán thì phải lựa chọn chất liệu sao cho chỉ sử dụng được một lần, không thể bóc ra gắn lại.

Điều 24. Thông tin quản lý trên dấu công bố phù hợp tiêu chuẩn

1. Dấu công bố phù hợp tiêu chuẩn có các thông tin quản lý nhằm phục vụ công tác quản lý sản phẩm sau chứng nhận, công bố phù hợp tiêu chuẩn. Thông tin quản lý bao gồm những thông tin (quy định tại Phụ lục V và Phụ lục VI) sau:

- Tên tổ chức, cá nhân;

- Mã số quản lý.

2. Tên tổ chức, cá nhân là tên đầy đủ hoặc ký hiệu tên của tổ chức, cá nhân, do tổ chức, cá nhân tự lựa chọn, sử dụng trên nguyên tắc không trùng lặp với tổ chức, cá nhân khác để thể hiện rõ tổ chức, cá nhân đã đánh dấu công bố phù hợp tiêu chuẩn.

3. Mã số quản lý do tổ chức, cá nhân tự cấp và tự quản lý để phục vụ hoạt động tra cứu, xác minh việc in, gắn, dán dấu công bố phù hợp tiêu chuẩn đúng chủng loại, đúng sản phẩm đã chứng nhận hợp chuẩn.

4. Tổ chức, cá nhân phải báo cáo Cơ quan quản lý về phương án ghi thông tin quản lý (tên tổ chức, cá nhân và mã số quản lý) trước khi thực hiện in, đánh dấu công bố phù hợp tiêu chuẩn. Trường hợp tên tổ chức, cá nhân có sự trùng lặp, trong thời hạn mười (10) ngày làm việc, Cơ quan quản lý có văn bản đề nghị tổ chức, cá nhân hiệu chỉnh phù hợp, bảo đảm không trùng với tên tổ chức, cá nhân đã được sử dụng.

Chương IV

QUẢN LÝ SẢN PHẨM SAU CHỨNG NHẬN, CÔNG BỐ

PHÙ HỢP TIÊU CHUẨN

Điều 25. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân

1. Tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm thuộc "Danh mục sản phẩm thuộc quản lý chuyên ngành của Bộ Bưu chính, Viễn thông bắt buộc phải chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn" chỉ được phép đưa ra thị trường Việt Nam các sản phẩm đó sau khi đã được cấp Giấy chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn và thực hiện công bố phù hợp tiêu chuẩn.

2. Tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm thuộc "Danh mục sản phẩm thuộc quản lý chuyên ngành của Bộ Bưu chính, Viễn thông bắt buộc áp dụng tiêu chuẩn" chỉ được phép đưa ra thị trường Việt Nam các sản phẩm đó sau khi đã thực hiện công bố phù hợp tiêu chuẩn.

3. Tổ chức, cá nhân không được đưa ra thị trường trong nước các sản phẩm thuộc "Danh mục sản phẩm thuộc quản lý chuyên ngành của Bộ Bưu chính, Viễn thông bắt buộc phải chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn" chưa được chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn thuộc các trường hợp không phải chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn quy định tại Điều 7.

4. Tổ chức, cá nhân không được đưa ra thị trường trong nước các sản phẩm thuộc "Danh mục sản phẩm thuộc quản lý chuyên ngành của Bộ Bưu chính, Viễn thông bắt buộc áp dụng tiêu chuẩn" chưa được công bố phù hợp tiêu chuẩn thuộc các trường hợp không phải công bố phù hợp tiêu chuẩn quy định tại Điều 8.

5. Tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu sản phẩm đã được chứng nhận và công bố phù hợp tiêu chuẩn có trách nhiệm duy trì liên tục chất lượng của sản phẩm như đã được chứng nhận, công bố và phải chịu trách nhiệm trước các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và người tiêu dùng về chất lượng của từng sản phẩm do mình cung cấp.

6. Trong quá trình sản xuất hoặc lưu thông sản phẩm trên thị trường, nếu tổ chức, cá nhân phát hiện ra sản phẩm do mình cung cấp không bảo đảm chất lượng theo tiêu chuẩn đã công bố thì phải báo cáo ngay với Cơ quan quản lý, đồng thời tiến hành các biện pháp sau:

- Tạm dừng việc đưa vào lưu thông trên thị trường và tiến hành thu hồi sản phẩm không phù hợp đang lưu thông trên thị trường.

- Tiến hành các biện pháp khắc phục sự không phù hợp và báo cáo với Cơ quan quản lý trước khi tiếp tục đưa sản phẩm vào lưu thông trên thị trường

Điều 26. Cấp lại Giấy chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn

Trong những trường hợp sau đây, tổ chức, cá nhân đã được cấp Giấy chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn phải thực hiện lại thủ tục chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn:

1. Tên, ký hiệu, phiên bản của sản phẩm đã được cấp chứng nhận thay đổi.

2. Thiết kế kỹ thuật của sản phẩm đã được chứng nhận thay đổi làm thay đổi chỉ tiêu kỹ thuật của sản phẩm đã được cấp Giấy chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn.

3. Giấy chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn đã hết thời hạn.

4. Giấy chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn đã bị huỷ bỏ hiệu lực (sau khi đã khắc phục lý do bị hủy bỏ).

Thủ tục chứng nhận lại như quy định tại Chương II.

Điều 27. Thực hiện lại công bố phù hợp tiêu chuẩn và báo cáo về việc thay đổi phương án ghi thông tin quản lý

1. Tổ chức, cá nhân phải thực hiện lại việc công bố phù hợp tiêu chuẩn khi có bất kỳ sự thay đổi nào về nội dung bản công bố phù hợp tiêu chuẩn đã công bố.

2. Tổ chức, cá nhân phải báo cáo Cơ quan quản lý trong trường hợp có sự thay đổi về phương án ghi thông tin quản lý.

Điều 28. Lưu trữ hồ sơ và báo cáo

1. Tổ chức, cá nhân phải lưu trữ hồ sơ công bố phù hợp tiêu chuẩn và xuất trình cho các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khi có yêu cầu. Hồ sơ lưu trữ gồm:

- Giấy chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn: Đối với sản phẩm thuộc "Danh mục sản phẩm thuộc quản lý chuyên ngành của Bộ Bưu chính, Viễn thông bắt buộc phải chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn" và sản phẩm đã được chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn theo hình thức tự nguyện.

- Kết quả đo kiểm sản phẩm và Bản đánh giá phù hợp tiêu chuẩn: Đối với sản phẩm không thuộc "Danh mục sản phẩm thuộc quản lý chuyên ngành của Bộ Bưu chính, Viễn thông bắt buộc phải chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn" và việc đánh giá phù hợp tiêu chuẩn do tổ chức, cá nhân tự thực hiện.

- Bản tiếp nhận công bố phù hợp tiêu chuẩn.

- Các mẫu dấu công bố phù hợp tiêu chuẩn đã sử dụng.

2. Tổ chức, cá nhân phải lập sổ theo dõi và báo cáo việc đánh dấu công bố phù hợp tiêu chuẩn đối với sản phẩm bắt buộc phải chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn cho Cơ quan quản lý trong thời hạn hai mươi (20) ngày đầu tiên của quý một (I) và quý ba (III) hàng năm. Mẫu báo cáo quy định tại Phụ lục VII.

Điều 29. Giám sát của Tổ chức chứng nhận đối với sản phẩm đã được chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn

1. Giám sát của Tổ chức chứng nhận đối với sản phẩm đã được chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn nhằm mục đích kiểm tra, theo dõi việc duy trì chất lượng sản phẩm của các tổ chức, cá nhân có sản phẩm đã được chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn.

2. Hình thức giám sát bảo đảm chất lượng sản phẩm:

a) Đối với chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn theo Phương thức 1:

Giám sát bảo đảm chất lượng sản phẩm trên cơ sở đánh giá kết quả đo kiểm mẫu sản phẩm lấy tại cơ sở sản xuất hoặc trên thị trường so với nội dung đã được chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn.

b) Đối với chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn theo Phương thức 2:

Giám sát bảo đảm chất lượng sản phẩm trên cơ sở đánh giá việc duy trì điều kiện bảo đảm chất lượng sản phẩm của tổ chức, cá nhân có sản phẩm được cấp Giấy chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn, kết quả đo kiểm mẫu sản phẩm lấy tại cơ sở sản xuất hoặc trên thị trường so với nội dung đã được chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn.

3. Tổ chức chứng nhận thực hiện giám sát bảo đảm chất lượng như sau:

- Định kỳ: Không quá một (01) lần trong thời hạn của Giấy chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn.

- Đột xuất: Theo yêu cầu từ các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền hoặc khi có khiếu nại từ người tiêu dùng về chất lượng đối với sản phẩm đã được chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn.

Điều 30. Hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn

1. Tổ chức chứng nhận ra quyết định hủy bỏ hiệu lực đối với Giấy chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn trong các trường hợp sau:

- Kết quả giám sát chất lượng sản phẩm cho thấy sản phẩm không bảo đảm chất lượng như đã được chứng nhận;

- Tổ chức, cá nhân đã được cấp Giấy chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn không thực hiện đúng các quy định về chứng nhận và công bố phù hợp tiêu chuẩn.

2. Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm nộp lại Giấy chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn (bản gốc) đã bị huỷ bỏ hiệu lực cho Tổ chức chứng nhận.

Điều 31. Giám sát của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đối với sản phẩm đã được chứng nhận và công bố phù hợp tiêu chuẩn

1. Các Sở Bưu chính, Viễn thông thực hiện việc giám sát chất lượng các sản phẩm đã được chứng nhận và công bố phù hợp tiêu chuẩn trên cơ sở các Bản công bố phù hợp tiêu chuẩn, Bản tiếp nhận công bố phù hợp tiêu chuẩn của doanh nghiệp trên địa bàn quản lý.

2. Các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thực hiện việc giám sát chất lượng sản phẩm theo các quy định của pháp luật có liên quan.

Chương V

THANH TRA, KIỂM TRA VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 32. Thanh tra chuyên ngành Bưu chính, Viễn thông và Công nghệ thông tin có nhiệm vụ tiến hành thanh tra, kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất việc chấp hành các quy định về công tác chứng nhận và công bố phù hợp tiêu chuẩn theo các quy định của pháp luật.

Điều 33. Tổ chức, cá nhân được thanh tra, kiểm tra có trách nhiệm cung cấp đầy đủ các mẫu sản phẩm, hồ sơ tài liệu liên quan đến nội dung thanh tra, kiểm tra theo yêu cầu của cơ quan thanh tra, kiểm tra và phải chịu trách nhiệm về tính chính xác của các mẫu, thông tin, tài liệu đã cung cấp; tạo điều kiện thuận lợi cho đoàn thanh tra, kiểm tra thi hành nhiệm vụ.

Điều 34. Các vi phạm quy định về chứng nhận và công bố phù hợp tiêu chuẩn bị xử lý theo quy định tại Nghị định số 142/2004/NĐ-CP ngày 8 tháng 7 năm 2004 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính về bưu chính, viễn thông và tần số vô tuyến điện và các quy định pháp luật liên quan.

Điều 35. Các khiếu nại liên quan đến hoạt động chứng nhận và công bố phù hợp tiêu chuẩn được giải quyết theo trình tự, thủ tục của Pháp luật.

Chương VI

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 36. Các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm thuộc các danh mục nêu tại khoản 1 Điều 6 phải thực hiện đánh dấu phù hợp tiêu chuẩn theo quy định tại Mục 2, Chương III sau chín mươi (90) ngày, kể từ ngày Quyết định này có hiệu lực thi hành.

Đối với các sản phẩm đã sản xuất, nhập khẩu, lưu thông trên thị trường trước thời điểm có hiệu lực theo quy định tại Điều này thì không bắt buộc áp dụng các quy định về đánh dấu phù hợp tiêu chuẩn nêu tại Mục 2, Chương III.

Điều 37. Các Sở Bưu chính, Viễn thông, Cục Tần số vô tuyến điện có trách nhiệm phối hợp với Cục Quản lý chất lượng Bưu chính, Viễn thông và Công nghệ thông tin hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện các quy định về chứng nhận và công bố phù hợp tiêu chuẩn trên địa bàn và lĩnh vực thuộc trách nhiệm quản lý.

Điều 38. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, các cơ quan, tổ chức và cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Bưu chính, Viễn thông để xem xét, bổ sung, sửa đổi./.


Nguồn: vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=14882&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận