Văn bản pháp luật: Quyết định 363/QĐ-NH9

 
Công báo điện tử;
Quyết định 363/QĐ-NH9
Quyết định
31/12/1996
31/12/1996

Tóm tắt nội dung

Quyết định về việc ban hành quy định về công tác quản lý và đào tạo công chức, viên chức trong hệ thống ngân hàng Nhà nước

 
1.996
 

Toàn văn

Quyết định

QUYẾT ĐỊNH

CỦA THỐNG ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM SỐ 363/QĐ-NH9 NGÀY 31 THÁNG 12 NĂM 1996 VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ CÔNG TÁC QUẢN LÝ VÀ ĐÀO TẠO CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC TRONG HỆ THỐNG NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC

THỐNG ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC

- Căn cứ Bộ Luật Lao động của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày 23/6/1994;

- Căn cứ Pháp lệnh Ngân hàng Nhà nước ngày 23/5/1990;

- Căn cứ Nghị định số 15/CP ngày 2/3/1993 của Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ, cơ quan ngang Bộ;

- Theo đề nghị của Vụ trưởng vụ Tổ chức, cán bộ và đào tạo Ngân hàng Nhà nước,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1.- Ban hành kèm theo quyết định này quy định về công tác quản lý và đào tạo công chức, viên chức trong hệ thống Ngân hàng Nhà nước.

Điều 2.- Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Những quy định trước đây trái với quy định tại Quyết định này đều hết hiệu lực thi hành.

Điều 3.- Chánh Văn phòng Thống đốc, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ và đào tạo, thủ trưởng các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

QUY ĐỊNH

VỀ CÔNG TÁC QUẢN LÝ VÀ ĐÀO TẠO CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC TRONG HỆ THỐNG NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC

(Ban hành theo Quyết định số 363 QĐ-NH9 ngày 31/12/1996
của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước)

 

CHƯƠNG I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1.- Quy định này áp dụng cho các đơn vị sau đây thuộc hệ thống Ngân hàng Nhà nước:

- Ngân hàng Nhà nước Trung ương,

- Các chi nhánh Ngân hàng Nhà nước,

- Trung tâm Đào tạo và nghiên cứu khoa học Ngân hàng.

Điều 2.- Công chức, viên chức trong hệ thống Ngân hàng Nhà nước do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước thống nhất quản lý theo nguyên tắc tập trung dân chủ. Vụ Tổ chức, cán bộ và đào tạo tham mưu cho Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, đồng thời hướng dẫn và tổ chức thực hiện thống nhất công tác này.

Điều 3.- Việc thực hiện các chính sách về quản lý, đào tạo công chức, viên chức phải tuân thủ các chủ trương, chính sách của Đảng, các văn bản pháp quy của Nhà nước và của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, bảo đảm nguyên tắc công khai, công bằng, dân chủ.

Điều 4.- Thủ trưởng các đơn vị phải phối hợp với các tổ chức Đảng, Đoàn thể quần chúng trong đơn vị để thực hiện tốt và chịu trách nhiệm trước Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về những công việc được uỷ quyền trong công quản lý, đào tạo công chức, viên chức.

Điều 5.- Có cơ chế tuyển chọn, đánh giá năng lực, bố trí, sử dụng, đào tạo bồi dưỡng công chức viên chức.

Điều 6.- Bố trí tổ chức bộ máy phải xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ công tác, có quy định chức năng nhiệm vụ rõ ràng, tránh chồng chéo, không vì con người mà lập thêm bộ máy tổ chức.

Điều 7.- Thuyên chuyển hoặc miễn nhiệm những công chức, viên chức không đủ năng lực chuyên môn, khả năng điều hành, sa sút về phẩm chất.

Điều 8.- Có chính sách khuyến khích phù hợp và thoả đáng ưu đãi, động viên công chức, viên chức phấn đấu, không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, phẩm chất đạo đức, chính sách khuyến khích đối với công chức viên chức phục vụ tại các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Điều 9.- Đào tạo chú trọng cả 2 mặt: Năng lực và phẩm chất. Việc đào tạo phải đảm bảo đúng đối tượng, đúng chuyên môn nghiệp vụ và phù hợp với quy hoạch sử dụng, chú trọng đào tạo những người thực sự có năng lực, có quá trình cống hiến, gắn bó với ngành và với đơn vị.

Điều 10.- Giao cho Vụ Tổ chức, cán bộ và đào tạo quản lý, tổ chức sử dụng thống nhất kinh phí đào tạo, nghiên cứu khoa học theo quy định của Nhà nước và của Thống đốc.

 

CHƯƠNG II

TUYỂN DỤNG CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC

Điều 11.- Căn cứ nhiệm vụ công tác và chỉ tiêu biên chế được duyệt, định kỳ Ngân hàng Nhà nước tiến hành thi tuyển, sát hạch để tuyển chọn công chức, viên chức.

Điều 12.- Việc thi tuyển được thực hiện theo quy định hiện hành của Nhà nước và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Điều 13.- Việc tiếp nhận đối với công chức, viên chức đang công tác ngoài hệ thống được thực hiện theo nguyên tắc sau:

1. Tiếp nhận công chức, viên chức ngoài hệ thống Ngân hàng Nhà nước phải xuất phát từ công việc đòi hỏi.

2. Khuyến khích tiếp nhận công chức, viên chức có trình độ chuyên môn cao, còn độ tuổi phục vụ lâu dài phù hợp với nhu cầu công việc của Ngân hàng Nhà nước.

3. áp dụng các hình thức sát hạch thích hợp. Thủ trưởng đơn vị chịu trách nhiệm đánh giá và giới thiệu nhân sự, Vụ Tổ chức cán bộ và đào tạo kiểm tra hồ sơ, tổ chức sát hạch và thông báo kết quả cho đơn vị biết.

Điều 14.- Việc sát hạch để ký hợp đồng lao động đối với viên chức thừa hành, phục vụ thực hiện theo quy trình và tiêu chuẩn viên chức do Nhà nước ban hành.

 

CHƯƠNG III

QUẢN LÝ CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC

Điều 15.- Việc điều động công tác đối với công chức, viên chức được thực hiện theo quy chế uỷ quyền quản lý công chức, viên chức của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Trong trường hợp cần thiết, theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức, cán bộ và đào tạo, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định điều động công tác đối với công chức, viên chức mà không nhất thiết phải có sự đồng ý của công chức, viên chức và thủ trưởng đơn vị nơi đi, đến.

Điều 16.- Đối với công chức viên chức là chuyên viên hoặc tương đương trở lên muốn chuyển công tác sang ngành khác, phải có thời gian công tác ít nhất 10 năm ở Ngân hàng Nhà nước mới được xem xét, giải quyết.

Điều 17.- Trường hợp công chức, viên chức tự ý bỏ việc khi chưa có sự đồng ý của cơ quan sẽ bị kỷ luật buộc thôi việc theo quy định, không được thanh toán các khoản trợ cấp theo chế độ, phải bồi hoàn toàn bộ chi phí đào tạo trong thời gian công tác ở Ngân hàng, đồng thời phải bồi thường những thiệt hại do việc công chức, viên chức bỏ việc gây nên.

Điều 18.- Công chức, viên chức ở bất kỳ cương vị công tác nào khi kết thúc năm công tác, đều phải tiến hành kiểm điểm kết quả thực hiện nhiệm vụ và được đánh giá xếp loại theo quy định.

Kết thúc thời gian tập sự, công chức, viên chức phải qua sát hạch lại trước khi tuyển dụng chính thức vào ngạch công chức.

Điều 19.- Công chức, viên chức vì lý do sức khoẻ hoặc bị xếp vào loại yếu kém về năng lực công tác, năng lực điều hành hoặc sa sút về phẩm chất phải kiên quyết xử ký bằng các biện pháp thích hợp, cụ thể:

- Đối với công chức, viên chức không giữ chức vụ lãnh đạo thì cho thuyên chuyển công tác hoặc cho thôi việc theo chế độ hiện hành.

- Đối với công chức, viên chức là lãnh đạo thì miễn nhiệm và chuyển làm công tác khác.

Điều 20.- Thực hiện việc thi tuyển vào các chức danh lãnh đạo do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quản lý. Các đối tượng khác thực hiện chế độ thi theo quy định chung của Nhà nước và của Thống đốc.

Điều 21.- Thực hiện việc luân chuyển công tác đối với công chức, viên chức lãnh đạo ở một số chức danh cần thiết theo hướng 5 năm 1 lần.

Điều 22.- Công chức, viên chức là lãnh đạo chưa đến tuổi nghỉ hưu nhưng do năng lực, sức khoẻ không đáp ứng yêu cầu công việc thì cho thôi giữ chức vụ và chuyển làm công tác khác phù hợp với khả năng và trình độ chuyên môn.

Điều 23.- Công chức, viên chức tuy đã đến tuổi nghỉ hưu, còn sức khoẻ, có năng lực, hoặc những công chức đang được giao thực hiện một chương trình nhiệm vụ quan trọng, đặc biệt là các công chức, viên chức có chức danh khoa học được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xem xét, cho kéo dài thời hạn công tác (không giữ chức vụ lãnh đạo) theo quy định của Chính phủ.

Điều 24.- Công chức, viên chức đủ thời gian công tác theo quy định nhưng chưa đến tuổi nghỉ hưu, năng lực hạn chế hoặc sức khoẻ yếu không đảm bảo cho công tác, nếu tự nguyện xin nghỉ việc chờ đủ tuổi hưu, thì cứ mỗi năm nghỉ chờ đủ tuổi hưu được trợ cấp một khoản tiền từ nguồn quỹ phúc lợi hoặc từ các nguồn khác nếu có.

Điều 25.- Công chức, viên chức tuy tuổi còn trẻ, đã được đào tạo nhưng năng lực có nhiều hạn chế, khó bố trí sắp xếp công tác (diện dôi dư), nếu tự nguyện xin nghỉ việc thì ngoài chế độ hiện hành còn được trợ cấp thêm một khoản tiền từ nguồn quỹ phúc lợi hoặc từ các nguồn khác nếu có.

 

CHƯƠNG IV

QUẢN LÝ ĐÀO TẠO VÀ NGHIÊN CỨU KHOA HỌC CÔNG NGHỆ

Điều 26.- Chính sách đào tạo:

a/ Khuyến khích công chức, viên chức có nguyện vọng và khả năng học tập để nâng cao trình độ, đáp ứng nhu cầu phát triển của hệ thống Ngân hàng.

b/ Công chức, viên chức được cử đi học các khoá đào tạo bồi dưỡng ngắn hạn được đảm bảo thu nhập như trong thời gian công tác, được thanh toán các chi phí học tập theo quy định.

c/ Công chức, viên chức được cử đi học dài hạn được hưởng các quyền lợi theo quy định của Nhà nước.

Điều 27.- Các hình thức đào tạo.

a/ Tổ chức và thực hiện các loại hình đào tạo sau:

- Đào tạo thường xuyên.

- Đào tạo nâng cao.

b/ Hình thức đào tạo có thể là tập trung, tại chức trong hoặc ngoài giờ hành chính, đào tạo từ xa, nghiên cứu khảo sát... Riêng đối với loại hình đào tạo tại chức dài hạn trong giờ hành chính. Chỉ ưu tiên cho một số đối tượng thực sự có nhu cầu để phục vụ cho công việc chuyên môn, quy hoạch cán bộ nguồn và đối tượng chính sách.

c/ Khuyến khích và tạo điều kiện cho công chức, viên chức chưa có bằng đại học cao đẳng tham gia thi tuyển và dự các khoá học ngoài giờ hành chính. Khi kết thúc khoá học được cơ quan xét trợ cấp một phần hoặc toàn bộ kinh phí đào tạo nếu các khoá học đó thiết thực liên quan tới nghiệp vụ đang làm hoặc sẽ được phát triển trong tương lai.

Điều 28.- Đối tượng đào tạo.

a/ Công chức, viên chức mới tuyển dụng, mới chuyển đến Ngân hàng Nhà nước đều phải qua một chương trình học tập bắt buộc tuỳ thuộc vào nội dung và cấp học đã được đào tạo trước đây.

b/ Công chức, viên chức từ ngạch chuyên viên trở lên công tác ở các lĩnh vực chủ yếu (các đơn vị thuộc khối chính sách, khối thanh tra, kiểm soát) hàng năm phải tham dự một khoá đào tạo, bồi dưỡng. Đối với các đối tượng khác ít nhất trong vòng 5 năm phải tham gia một khoá đào tạo, bồi dưỡng.

c/ Công chức, viên chức có quá trình công tác tốt, có hướng phát triển trong tương lai, đã qua các đợt thi tuyển có thể được xem xét cử đi học lấy bằng Đại học hoặc Cao đẳng thứ hai hoặc các khoá học dài hạn phù hợp với nhu cầu sử dụng của đơn vị và của hệ thống.

Điều 29.- Quy hoạch đào tạo công chức, viên chức.

a/ Mỗi đơn vị phải lập quy hoạch đào tạo công chức, viên chức dài hạn và kế hoạch đào tạo hàng năm nhằm chuẩn bị nguồn nhân lực để phục vụ cho nhu cầu công việc trước mắt và lâu dài.

b/ Vụ Tổ chức, Cán bộ và đào tạo trình Thống đốc xét duyệt quy hoạch, kế hoạch đào tạo hàng năm, hướng dẫn và kiểm tra các đơn vị có liên quan thực hiện.

Điều 30.- Về kinh phí đào tạo và nghiên cứu khoa học:

a/ Hàng năm, Vụ Tổ chức, Cán bộ và đào tạo chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xét duyệt kế hoạch đào tạo và nghiên cứu khoa học kèm theo tổng hạn mức kinh phí.

b/ Căn cứ kế hoạch đào tạo kèm hạn mức kinh phí được duyệt, Vụ Tổ chức cán bộ và đào tạo phân bổ và hướng dẫn thực hiện chỉ tiêu hạn mức kinh phí cho các đơn vị liên quan và các chương trình đào tạo, nghiên cứu khoa học khác.

c/ Đơn vị được giao hạn mức kinh phí có trách nhiệm tổ chức thực hiện nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học và chi tiêu tài chính theo đúng các văn bản hiện hành của Nhà nước và của Thống đốc.

d/ Vụ Kế toán - Tài chính chủ trì phối hợp với Vụ Tổ chức, cán bộ và đào tạo hướng dẫn, quản lý, theo dõi việc chi tiêu cho đào tạo và nghiên cứu khoa học đảm bảo thực hiện thống nhất, đúng nguyên tắc chế độ của Nhà nước quy định.

Điều 31.- Phân công trách nhiệm Quản lý công tác nghiên cứu khoa học Ngân hàng giữa các đơn vị trong hệ thống Ngân hàng Nhà nước:

a/ Vụ Tổ chức, cán bộ và đào tạo tham mưu giúp Thống đốc Ngân hàng Nhà nước thực hiện chức năng quản lý Nhà nước lập kế hoạch hàng năm, kế hoạch dài hạn về nghiên cứu khoa học Ngân hàng.

b/ Trung tâm Đào tạo và Nghiên cứu khoa học Ngân hàng là đơn vị thực hiện.

c/ Hội đồng khoa học Ngân hàng là tổ chức tư vấn và giúp Thống đốc triển khai thực hiện.

Điều 32.- Trung tâm Đào tạo và nghiên cứu khoa học Ngân hàng là đơn vị sự nghiệp, được giao tổ chức thực hiện chương trình đào tạo, đào tạo lại công chức, viên chức của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và thực hiện nhiệm vụ đào tạo nghiên cứu khoa học theo các Quyết định của Chính phủ.

Công chức, viên chức Ngân hàng Nhà nước đi học tại Trung tâm Đào tạo và nghiên cứu khoa học Ngân hàng không phải đóng học phí; Ngân hàng Nhà nước sẽ cấp bổ sung phần chênh lệch thu chi bảo đảm sự hoạt động của Trung tâm.

 

CHƯƠNG V

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 33.- Việc bổ sung, sửa đổi bản quy định này do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định.

Điều 34.- Thủ trưởng các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ và đào tạo có trách nhiệm hướng dẫn và kiểm tra thực hiện các quy định này.


Nguồn: vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=8856&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận