ubnd tỉnh QUYẾT ĐỊNH CỦA UBND TỈNH PHÚ THỌ
Về việc ban hành quy chế phối hợp hoạt động
giữa UBND và Uỷ ban mặt trận Tổ quốc các cấp tỉnh Phú Thọ
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH PHÚ THỌ
Căn cứ điều 125 Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội Chủ nghĩa Việt Nam năm 1992.
Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND ngày 21/6/1994.
Căn cứ điều lệ Uỷ ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam
Sau khi thống nhất với Uỷ ban Mặt trận tổ quốc tỉnh Phú Thọ.
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1:
Ban hành quy chế phối hợp hoạt động giữa UBND và Uỷ ban Mặt trận tổ quốc các cấp tỉnh Phú Thọ kèm theo quyết định này.
Điều 2: Quyết định này thay thế quyết định 422/QĐ-UB ngày 6/3/1997 của UBND Vĩnh Phú, có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 3: Các ông: Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Thủ trưởng các Sở, ban, ngành của tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị căn cứ quyết định thực hiện.
QUY CHẾ
PHỐI HỢP HOẠT ĐỘNG GIỮA UBND VỚI UỶ BAN
MẶT TRẬN TỔ QUỐC CÁC CẤP TỈNH PHÚ THỌ
(Ban hành kèm theo quyết định số 364/QĐ-UB ngày 27/3/1997 của UBND tỉnh Phú Thọ)
Nhằm tăng cường quan hệ phối hợp giữa các cơ quan nhà nước với UBMTTQ các cấp, thực hiện chương trình phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, tăng cường pháp chế Xã hội chủ nghĩa. Quy chế này quy định mối quan hệ phối hợp hoạt động giữa UBND với UBMTTQ các cấp trong tỉnh.
CHƯƠNG I: NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG.
Điều 1:
UBND, UBMTTQ hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được qui định trong Hiến pháp, luật tổ chức HĐND, UBND và điều lệ của UBMTTQ Việt Nam. Quan hệ phối hợp hoạt động giữa UBND với UBMTTQ các cấp phải đảm bảo nguyên tắc bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau để cùng thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, ổn định chính trị, giữ vững quốc phòng an ninh, xây dựng nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân.
Điều 2: Phối hợp hoạt động giữa UBND và UBMTTQ các cấp để cùng chăm lo xây dựng và củng cố chính quyền vững mạnh xây dựng khối đoàn kết toàn dân, bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân, vận động giáo dục nhân dân thực hiện chính sách pháp luật của nhà nước, các Nghị quyết, Quyết định phát triển kinh tế xã hội do HĐND và UBND đề ra.
CHƯƠNG II: NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 3:
- UBMTTQ các cấp tham gia tổ chức bầu cử Đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và Hội thẩm nhân dân theo quy định của luật bầu cử.
- Thông qua các kỳ tiếp xúc cử tri, UBMTTQ có nhiệm vụ tập hợp và thông báo cho UBND biết những ý kiến phản ánh của nhân dân đối với các hoạt động của chính quyền, cán bộ, công chức, viên chức nhà nước.
- UBND các cấp có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi để UBMTTQ và các tổ chức thành viên thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình trong việc tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội.
Điều 4: Trước khi UBND các cấp ban hành, bổ sung, sửa đổi các chính sách của địa phương có liên quan đến quyền lợi nghĩa vụ của các tầng lớp nhân dân, cần trao đổi với UBMTTQ cùng cấp để tham gia ý kiến, UBMTTQ các cấp có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến và vận động nhân dân thực hiện các chính sách, pháp luật đã được ban hành, kiến nghị sửa đổi, bổ sung những vấn đề không còn phù hợp.
Điều 5: UBMTTQ các cấp cử đại diện tham gia là thành viên trong các hội đồng, Ban chỉ đạo thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, các chính sách liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của mọi tầng lớp nhân dân cùng cấp do UBND quyết định thành lập.
Điều 6: UBMTTQ các cấp có trách nhiệm:
+ Giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước và đề nghị UBND các cấp giải quyết những vụ việc khiếu nại, tố cáo của nhân dân theo đúng pháp luật, tham gia các đoàn kiểm tra của cơ quan nhà nước về những vấn đề có liên quan đến trách nhiệm của UBMTTQ.
+ Đề nghị với cấp có thẩm quyền xử lý dối với các tổ chức và cá nhân vi phạm chính sách đoàn kết dân tộc của Đảng và Nhà nước.
- UBND các cấp có trách nhiệm:
+ Nghiên cứu, xem xét và giải quyết kịp thời các đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân đảm bảo đúng thẩm quyền và qui định của pháp luật.
+ Giải quyết những kiến nghị của UBMTTQ theo thẩm quyền về những vụ, việc vi phạm chế độ chính sách liên quan đến khối đại đoàn kết toàn dân, các vấn đề dân tộc, tôn giáo và dân chủ, thông báo cho UBMTTQ cùng cấp biết kết quả.
Điều 7: Đại diện UBND các cấp và Thủ trưởng các sở, ban, ngành quản lý nhà nước được mời dự các cuộc họp của UBMTTQ cùng cấp về những vấn đề có liên quan. Đại diện Ban thường trực UBMTTQ các cấp được mời dự các phiên họp của UBND cùng cấp.
- Đảm bảo chế độ thông tin thường xuyên hai chiều giữa UBMTTQ với UBND cùng cấp về thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng ở địa phương.
Điều 8: UBMTTQ lập kế hoạch kinh phí hoạt động hàng năm. UBND các cấp bố trí ngân sách đảm bảo cho UBMTTQ cùng cấp hoạt động theo qui định chung.
Điều 9: Định kỳ 6 tháng một lần đối với cấp tỉnh, 3 tháng một lần đối với cấp huyện và cơ sở, UBND chủ trì họp với thường trực UBMTTQ để trao đổi tình hình thực hiện qui chế này và toàn giải quyết những vấn đề do hai bên đề ra.
CHƯƠNG III: TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 10:
Quy chế này có hiệu lực kể từ ngày ban hành, UBND các cấp căn cứ vào nội dung qui chế này phối hợp với UBMTTQ cùng cấp để triển khai thực hiện. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc báo cáo UBND tỉnh để phối hợp với Uỷ ban mặt trận Tổ quốc tỉnh xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.