QUYếT địNHQUYẾT ĐỊNH
Về việc ban hành bản "Quy chế quản lý sử dụng và bảo vệ đường Thăng Long- Nội Bài"
BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
Căn cứ Nghị định số 15/CP ngày 2 tháng 3 năm 1993 của Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Căn cứ quyết định số 232-CT ngày 22 tháng 6 năm 1990 và quyết định bổ sung số 64/CT ngày 27 tháng 2 năm 1992 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) phê duyệt luận chứng KTKT đường Thăng Long - Nội Bài;
Để việc quản lý sử dụng và bảo vệ đường Thăng Long có hiệu quả và phát huy tác dụng tốt;
Theo đề nghị của ông Cục trưởng Cục đường bộ Việt Nam.
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1:
Nay ban hành bản "Quy chế quản lý sử dụng và bảo vệ đường Thăng Long - Nội Bài" áp dụng trên đường Thăng Long - Nội Bài kể từ ngày 10 tháng 3 năm 1994.
Điều 2:
Mọi tổ chức, cá nhân sử dụng đường Thăng Long - Nội Bài phải chấp hành nghiêm chỉnh những quy định trong bản quy chế này.
Điều 3:
Các ông Chánh văn phòng Bộ Giao thông Vận tải, Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam, Tổng Giám đốc khu QLĐB2, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội, Vĩnh Phú, Tổng Giám đốc liên hiệp ĐSVN, Trưởng Ban quản lý Thăng Long và các ông Vụ trưởng Vụ pháp chế vận tải, khoa học kỹ thuật, kế hoạch đầu tư, tài chính kế toán, tổ chức cán bộ và các Vụ ban tham mưu khác trực thuộc Bộ có trách nhiệm thi hành và theo dõi việc thi hành quyết định này theo chức năng quy định.
QUY CHẾ
QUẢN LÝ SỬ DỤNG VÀ BẢO VỆ ĐƯỜNG Ô TÔ THĂNG LONG - NỘI BÀI
(Ban hành theo Quyết định số ngày tháng năm của Bộ GTVT)
I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1:
Đường ô tô từ Bắc cầu Thăng Long đến quảng trường cảng hàng không quốc tế Nội Bài dài 14,6km, rộng 23m gồm 4 làn xe cơ giới, 2 làn xe thô sơ đi và về được xây với tiêu chuẩn kỹ thuật cao tương đương cấp I (TCVN 4054-85) nhằm mục đích khai thác có hiệu quả cảng hàng không Quốc tế Nội Bài trong tình hình đổi mới của đất nước.
Điều 2:
Đường được đưa vào quản lý sử dụng kể từ ngày 10 tháng 3 năm 1994 và được thu phí sử dụng đường trực tiếp đối với các loại xe cơ giới chạy trên đường để chi phí cho quá trình quản lý duy tu sửa chữa sử dụng đường và thu hồi 1 phần vốn đầu tư xây dựng.
Điều 3:
Đường Thăng Long - Nội Bài thuộc hệ thống quốc lộ giao cho Cục Đường bộ Việt Nam tổ chức quản lý và được quyền thu phí trực tiếp các loại xe cơ giới chạy trên đường này theo phương án thu phí hàng năm do Cục lập và được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Điều 4:
Việc quản lý sử dụng và bảo vệ đường Thăng Long - Nội Bài phải tuân theo các quy định của pháp luật chung và bản quy chế này nhằm bảo đảm cho đường Thăng Long - Nội Bài được quản lý sử dụng và bảo vệ có hiệu quả tốt nhất vì lợi ích kinh tế, văn hoá xã hội của đất nước và giao lưu quốc tế.
II. THU PHÍ SỬ DỤNG ĐƯỜNG THĂNG LONG - NỘI BÀI
Điều 5:
Đường Thăng Long - Nội Bài có những đặc trưng kỹ thuật cao hơn so với những đường khác hiện có để đi từ Hà Nội đến Nội Bài và ngược lại. Các loại xe cơ giới sử dụng đường Thăng Long - Nội Bài sẽ tiết kiệm được thời gian, nhiên liệu, hành trình thuận lợi an toàn và các lợi ích khác.
Khi sử dụng đường Thăng Long - Nội Bài, tất cả các loại xe cơ giới (trừ các loại xe được miễn giảm theo quy định) đều phải trả tiền phí sử dụng đường.
Các loại xe thô sơ và người đi bộ chỉ được đi trên phần đường dành riêng theo quy định và không phải trả tiền phí sử dụng.
Điều 6:
Việc thu phí sử dụng đường Thăng Long - Nội Bài được tổ chức kết hợp với việc thu phí qua cầu Thăng Long như sau:
a. Các loại xe cơ giới bất kỳ từ hướng nào đi tới khi qua trạm thu phí đặt tại Km10 đường Thăng Long - Nội Bài đều phải mua một loại vé chung cho cả đường và cầu.
b. Các xe cơ giới bất kỳ từ hướng nào đi tới khi qua trạm thu phí đặt tại km 0 đường Vĩnh Thanh nối với quốc lộ 3 đều phải mua loại vé qua cầu Thăng Long.
Điều 7:
Đối tượng chịu phí và mức phí được thực hiện theo quy định của Liên Bộ Tài chính và Giao thông vận tải ban hành.
Điều 8:
Tiền phí sử dụng đường, cầu thu được phải nộp hết vào ngân sách Trung ương thông qua hệ thống kho bạc Nhà nước, đơn vị thu phí chỉ được giữ lại để chi theo kế hoạch và dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Điều 9:
Việc thu phí và kiểm tra việc nộp phí chỉ được thực hiện tại các trạm xây dựng cố định và phải đảm bảo thuận tiện, nhanh chóng, an toàn, không được để ùn tắc giao thông và không để thất thu. Mọi tổ chức và cá nhân phải chấp hành chính sách thu phí của Nhà nước, không được trốn tránh, gây cản trở việc thu phí và kiểm tra phí của các trạm.
Điều 10:
Người thu phí và kiểm tra việc nộp phí khi thừa hành nhiệm vụ phải mặc đồng phục, có biển hiệu trước ngực theo quy định và phải chấp hành nghiêm chỉnh chính sách thu phí, thực hiện đúng nội quy tác phong làm việc, không được gây khó khăn, lạm thu hoặc có hành vi tham ô, tiêu huỷ hoặc gian lận, làm mất chứng từ thu.
Điều 11:
Các trường hợp vi phạm việc trả tiền phí như: Sử dụng vé không đúng biểu giá quy định hoặc chạy trên đường, cầu mà không có vé... thì chủ phương tiện ngoài việc mua vé theo giá gốc còn phải trả tiền phạt gấp 4 lần giá vé quy định. Nếu cố tình gây khó khăn không chịu nộp phạt thì trạm được quyền giữ xe lại và báo cáo cơ quan cấp trên để xử lý.
Tổ chức, cá nhân sử dụng đường, cầu có quyền từ chối không nộp phí, nộp phạt và có quyền tố giác với cơ quan Nhà nước trong trường hợp thu không có chứng từ thu do Bộ Tài chính phát hành.
III. QUY TẮC GIAO THÔNG TRÊN ĐƯỜNG THĂNG LONG - NỘI BÀI
Điều 12:
Đường ôtô Thăng Long - Nội Bài là đường có hai chiều đi và về phân biệt rõ ràng bằng giải phân cách trung tâm. Mỗi chiều có phần đường dành riêng cho hai làn xe cơ giới và phần đường giành riêng cho xe thô sơ và người đi bộ kề sát phần đường xe cơ giới được phân biệt bằng giải phân cách. Các loại xe cơ giới, thô sơ và người đi bộ sử dụng đường Thăng Long - Nội Bài phải tuyệt đối đi trên phần đường đã quy định, nếu đi trái với quy định này và xẩy ra tai nạn thì phải tự chịu mọi hậu quả.
Điều 13:
Đường ô tô Thăng Long - Nội Bài là đường ưu tiên. Tất cả các đường khác giao nhau với đường Thăng Long - Nội Bài là đường không ưu tiên. Khi qua nơi giao nhau, xe cơ giới chạy trên đường Thăng Long - Nội Bài được quyền ưu tiên đi qua, các xe chạy trên đường khác phải nhường đường, phải dừng xe lại trước biển báo "STOP" và chỉ được phép theo hướng đi cho phép của biển báo khi đã biết chắc chắn trên đường không có gì cản trở.
Điều 14:
Tốc độ tối đa của các loại xe cơ giới chạy trên đường Thăng Long - Nội Bài thực hiện theo quy định của biển báo đặt trên đường.
Điều 15:
Các xe chỉ được phép quay đầu xe tại một vị trí duy nhất ở km8+200 có cắm biển cho phép quay đầu xe. Cấm quay đầu xe tại các vị trí dành cho người đi bộ vượt qua đường.
Điều 16:
Các xe thô sơ và người đi bộ muốn vượt qua đường Thăng Long - Nội Bài phải đi theo phần đường thô sơ của mình đến chỗ quy định dành riêng - có vạch sơn trắng và biển báo hiệu chỉ dẫn để vượt và trước khi vượt phải quan sát cả hai phía đảm bảo an toàn mới được vượt qua. Trẻ em khi qua đường phải có người lớn dẫn dắt.
Điều 17:
Cấm đua xe, thử phanh xe, tập lái xe trên đường Thăng Long - Nội Bài. Trường hợp đặc biệt phải được phép của cơ quan có thẩm quyền và sự đồng ý của Cục Đường Bộ Việt Nam.
Điều 18:
Cấm đỗ xe trên phần đường xe cơ giới. Trường hợp xe hỏng hóc đột xuất phải cho xe đỗ phía bên phải đường đi của phần cơ giới và có hình thức báo hiệu thích hợp (đèn đỏ, vải đỏ...) phía sau xe. Phải kịp thời liên hệ với đơn vị quản lý đường để giải phóng xe, phải chịu tiền phạt và chịu mọi phí tổn để giải phóng. Do vậy phương tiện trước khi vào đường phải được tự kiểm tra các điều kiện an toàn.
Điều 19:
a. Mọi người sử dụng đường Thăng Long - Nội Bài (bao gồm những người điều khiển các phương tiện cơ giới, thô sơ, người đi bộ, dắt dẫn hoặc cưỡi súc vật) phải chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của báo hiệu giao thông đặt trên đường.
b. Bất kỳ người nào khi sử dụng đường Thăng Long - Nội Bài mà không tuân thủ các quy định của báo hiệu giao thông là vi phạm pháp luật sẽ bị phạt và xử lý.
c. Người nào tự ý di chuyển, chiếm đoạt, làm hư hỏng hoặc làm giảm hiệu lực và tác dụng của báo hiệu giao thông đặt trên đường phải chịu phạt và bồi thường thiệt hại theo pháp luật quy định.
Điều 20:
Cấm đặt các loại biểu, tín hiệu hoặc bất cứ vật gì mà về hình dạng, mầu sắc, vị trí có thể nhận lầm là các báo hiệu giao thông trên đường hoặc là che khuất các báo hiệu đó.
Điều 21:
Khi chưa được Cục Đường bộ Việt Nam đồng ý:
Cấm đặt trên cột đèn, cột biển hoặc thân cây ở hai bên đường các biển báo thông tin không liên quan đến giao thông trên đường.
Cấm đặt trong phạm vi nền đường, hành lang bảo vệ hai bên đường và đặt đối diện với hướng xe chạy những biểu ngữ, áp phích, tuyên truyền, quảng cáo, v.v...
Điều 22:
Nhân viên quản lý đường thừa hành nhiệm vụ kiểm tra, thanh tra có quyền gỡ bỏ những biển hiệu, tín hiệu hoặc bất cứ vật gì vi phạm các quy định về báo hiệu giao thông trên đường (như Điều 21 đã nêu).
IV. QUẢN LÝ SỬ DỤNG VÀ BẢO VỆ ĐƯỜNG THĂNG LONG - NỘI BÀI
Điều 23:
Đường Thăng Long - Nội Bài là một công trình kỹ thuật hạ tầng quan trọng của Nhà nước trên địa bàn thành phố Hà Nội và tỉnh Vĩnh Phú. Tất cả công dân và mọi người sử dụng đường phải thực hiện nghiêm chỉnh các luật lệ quy định của Nhà nước, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Nội vụ, UBND thành phố Hà Nội và tỉnh Vĩnh Phú về việc quản lý sử dụng và bảo vệ các công trình giao thông đường bộ và bản quy chế này.
Điều 24:
Phạm vi quản lý sử dụng và bảo vệ đường Thăng Long - Nội Bài bao gồm trên mặt đất, dưới đất và khoảng không gian trên mặt đất trong giới hạn bề rộng nền đường và dải đất hành lang bảo vệ hai bên đường tính từ chân nền đường trở ra mỗi bên là 20m theo quy định của Nghị định 203/HĐBT ngày 21-12-1992 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ).
Điều 25:
Đơn vị quản lý đường cùng cơ quan quản lý đất đai của thành phố Hà Nội và chính quyền sở tại tiến hành đo đạc cắm mốc lộ giới theo quy định ở Điều 24 kể trên để làm cơ sở cho công tác quản lý.
Điều 26:
Nghiêm cấm việc xây dựng nhà cửa lều lán, ki ốt, kho tàng hoặc chứa chất vật liệu, đồ phế thải v.v... trong phạm vi từ cọc mốc lộ giới bên này đường sang cọc mốc lộ giới bên kia đường. Các nhà cửa, công trình hiện có không ảnh hưởng đến an toàn giao thông được cấp có thẩm quyền cho phép thì tạm thời để lại nhưng không được phép cơi nới, lấn chiếm, phát triển thêm.
Điều 27:
Cấm xây dựng mới những đường nhánh nối vào đường Thăng Long - Nội Bài khi chưa có quyết định của Chính phủ.
Điều 28:
Việc trồng cây xanh hai bên đường do đơn vị quản lý đường đảm nhiệm và phải thực hiện đúng phương án quy hoạch và quy định kỹ thuật trồng cây của Liên Bộ Giao thông Vận tải - Lâm nghiệp.
Điều 29:
Cấm các hành vi không phép và trái phép xâm phạm đường và các công trình cầu cống, kè, hệ thống chiếu sáng, hệ thống cọc tiêu biển báo, giải phân cách, cây xanh và các công trình khác trên đường.
Điều 30:
Cấm tự tiện ngăn cấm đường và các hành vi gây cản trở giao thông trên phần đường xe cơ giới và phần đường xe thô sơ như phơi rơm rạ, bày biện hàng hoá mua bán, chứa chất vật liệu hay bất cứ chướng ngại vật nào khác.
Điều 31:
Cấm các hành vi gây mất vệ sinh trên đường như đổ rác, đổ các thứ ôi thối, phóng uế, giết mổ gia súc, thả rông súc vật, các phương tiện chở vật liệu rời (đất đá cát sỏi) và phế thải chạy trên đường phải có bạt phủ kín, chằng buộc chắc chắn không để rơi vãi vật liệu phế thải xuống đường.
Điều 32:
Đơn vị quản lý đường phải tổ chức thực hiện việc làm sạch thường xuyên trên đường, bảo đảm cho đường luôn luôn được sạch sẽ phong quang.
Điều 33:
Đơn vị quản lý đường có trách nhiệm trực tiếp thực hiện nhiệm vụ quản lý đường theo các luật lệ quy định, các quy trình quy phạm kỹ thuật trong việc giữ gìn, tu bổ sửa chữa thường xuyên, bảo đảm chất lượng khai thác sử dụng đường đúng với mục đích yêu cầu.
Điều 34:
Mọi hành vi vi phạm về quản lý sử dụng và bảo vệ đường Thăng Long - Nội Bài sẽ bị xử lý bằng hình thức cảnh cáo hoặc phạt tiền theo pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền của đơn vị quản lý đường Thăng Long - Nội Bài và của cảnh sát giao thông. Trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự./.