Uỷ ban nhân dânQUYẾT ĐỊNH CỦA UBND TỈNH LÂM ĐỒNG
Về việc qui định mức thu và quản lý thuỷ lợi phí trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND (sửa đổi) ngày 21/06/1994;
Căn cứ Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi ngày 10/9/1994;
Căn cứ Nghị định số 98/CP ngày 27/12/1995 của Chính phủ "Quy định việc thi hành Pháp lệnh khai thác về bảo vệ công trình thuỷ lợi";
Xét tờ trình số 123/TT-NN&PTNT ngày 10/02/1998 của Sở Nông Nghiệp và PTNT Lâm Đồng,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1:
Ban hành kèm theo Quyết định này bản quy định mức thu thuỷ lợi phí áp dụng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
Điều 2: Giao Sở nông nghiệp và PTNT chủ trì phối hợp với Sở Tài Chính Vật giá, hướng dẫn thực hiện Quyết định này của UBND tỉnh.
Điều 3: Các ông: Chánh văn phòng UBND tỉnh, giám đốc sở nông nghiệp và PTNT, giám đốc Sở Tài Chính Vật Giá, chủ tịch UBND thành phố Đà Lạt, thị xã Bảo Lộc và các huyện; thủ trưởng các ngành, các đơn vị khai thác công trình thuỷ lợi và các hộ sử dụng nước công trình thuỷ lợi trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng căn cứ Quyết định thi hành.
Quyết định này thay thế Quyết định số 300/QĐ-UB ngày 1/6/1985 và Quyết định số 1185/QĐ-UB ngày 24/9/1996 của UBND tỉnh Lâm Đồng và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/3/1998.
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc Lập - Tự Do - Hạnh Phúc |
QUI ĐỊNH
Về việc ban hành mức thu và quản lý thuỷ lợi phí
Trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng
(Ban hành kèm theo Quyết định số 389/QĐ-UB ngày 17 tháng 2 năm 1998)
Chương I
NHỮNG QUI ĐỊNH CHUNG
Điều 1: Mọi tổ chức, cá nhân được hưởng lợi hoặc làm dịch vụ từ công trình thuỷ lợi do Nhà nước quản lý gọi chung là "Hộ dùng nước" đều phải trả thuỷ lợi phí hoặc tiền nước cho đơn vị, tổ chức, cá nhân quản lý khai thác, cung cấp nước gọi chung là "Đơn vị khai thác công trình thuỷ lợi" theo mức thuỷ lợi phí ở qui định này.
Điều 2: Thuỷ lợi phí là một phần chi phí dịch vụ về nước của công trình thuỷ lợi để phục vụ cho công tác tu bổ, vận hành và quản lý bảo vệ công trình thuỷ lợi. Trong qui định này thuỷ lợi phí chưa tính đến khấu hao cơ bản và sửa chữa lớn các công trình thuỷ lợi.
Điều 3: Xác định mức thu thuỷ lợi phí đối với các hộ dùng nước căn cứ vào:
a. Điều kiện và chi phí quản lý của từng loại công trình, của từng vùng, từng vụ sản xuất và được xác định trên cơ sở các tiêu chuẩn định mức kinh tế kỹ thuật đã được duyệt.
b. Mức độ phục vụ cấp và tiêu thoát nước của từng công trình.
c. Hiệu quả công trình thuỷ lợi đem lại đối với từng hộ dùng nước.
Điều 4: Thuỷ lợi phí thu bằng tiền trên lượng nước hoặc mặt bằng sử dụng. Riêng đối với đất trồng cây hàng năm, lâu năm về sản xuất nông nghiệp hoặc phục vụ cho du lịch, dịch vụ... nuôi trồng thuỷ sản thì mức thu thuỷ lợi phí qui thóc nhưng trả bằng tiền theo giá thóc thu thuế sử dụng đất nông nghiệp của địa phương tại thời điểm thu.
Chương II
MỨC THU THUỶ LỢI PHÍ
Điều 5: Thuỷ lợi phí đối với cây trồng, vật nuôi
a. Cây lúa nước:
Phương pháp tưới, tiêu | Mức thu bằng thóc |
Vụ Đông Xuân | Vụ Hè Thu | Vụ Mùa |
- Tưới và tiêu bằng trọng lực | 200 kg/ha | 120 kg/ha | 105 kg/ha |
- Tưới bằng bơm và tiêu bằng trọng lực | 420 kg/ha | 280 kg/ha | 240 kg/ha |
b. Cây lâu năm:
Đối với các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như cà phê, chè, cây làm thuốc, cây đặc sản... thì mức thu thuỷ lợi phí do hợp động kinh tế giữa hai bên thoả thuận, nhưng mức tối thiểu không thấp hơn hai lần so với mức thu của lúa vụ Đông Xuân.
c. Các loại rau, màu:
Tưới bằng trọng lực: mức thu 80 kg thóc/1000m3 tương đương 240 kg thóc/ha/vụ rau
Tưới bằng bơm điện của hộ dùng nước: mức thu 40 kg thóc/1000m3 tương đương 120 kg thóc/ha/vụ rau (chưa kể chi phí tiền điện để bơm nước)
Phần điện thu theo giá hợp đồng sử dụng điện với ngành điện
d. Trồng hoa, cỏ, cây cảnh phục vụ kinh doanh, dịch vụ, du lịch, cảnh quan:
Tưới bằng trọng lực: 250 kg thóc/1000 m3
đ. Nuôi trồng thuỷ sản trong hồ:
Mức thu từ 5 kg đến 15 kg thóc/tháng/ha (mặt thoáng trung bình) tuỳ theo khu vực trong tỉnh.
e. Các hộ dùng nước sử dụng nước từ công trình tạo nguồn thì thu vào 50% so với mức thu tưới bằng trọng lực của các khoản a, b, c, d điều 5 qui định này.
Điều 6: Thuỷ lợi phí đối với các mục đích khai thác tổng hợp
a. Cấp nước thô cho sinh hoạt:
Bằng công trình tạo nguồn: 100 đồng/1m3
Bằng trọng lực: 200đồng/1m3
b. Cấp nước thô cho sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp:
Bằng công trình tạo nguồn: 150 đồng/1m3
Bằng trọng lực: 300 đồng/1m3
c. Các trạm thuỷ điện nước sử dụng nước từ công trình thuỷ lợi để phát điện thì mức nộp thuỷ lợi phí bằng 10% tổng sản lượng điện thương phẩm tính thành tiền theo giá bán điện kinh doanh của đơn vị mình tại thời điểm.
d. Sử dụng mặt nước để kinh doanh dịch vụ, du lịch, nghỉ dưỡng, giải trí... thì mức thu bằng 15% giá trị kinh doanh trúng thầu hoặc giao khoán.
đ. Sử dụng mặt bằng kinh doanh trong phạm vi công trình thu từ 100 đồng - 150 đồng/1 m2/năm tuỳ điều kiện từng nơi.
e. Thuyền bè vận tải hàng hoá đi lại trên công trình mức thu 5.000 đồng/tấn/chuyến
Điều 7:
a. Nhà nước khuyến khích tập thể, cá nhân, đơn vị trong và ngoài quốc doanh tự bỏ vốn để làm thuỷ lợi theo đúng qui hoạch và chịu sự quản lý của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền; công trình đó họ được tự quản mức thu thuỷ lợi phí do chủ công trình thoả thuận với các hộ dùng nước.
b. Hộ dùng nước từ công trình thuỷ lợi do nhân dân tự làm hoặc nhân dân và Nhà nước cùng làm, nhưng do đơn vị khai thác thuỷ lợi quản lý phải nộp thuỷ lợi phí bằng 50% mức thu tại các điều 5, 6 trong thời gian 5 năm đầu. Từ năm thứ 6 trở đi đều phải trả 100% mức thu theo qui định này.
Điều 8: Mức thu được qui định tại điều 5, 6, 7 chương II qui định này chỉ áp dụng cho các hộ dùng nước tại địa phương, trong nước; Đối với các hộ dùng nước là doanh nghiệp liên doanh liên kết với nước ngoài hoặc doanh nghiệp có 100% vốn nước ngoài thì tuỳ theo thoả thuận trong hợp đồng dùng nước, nhưng mức thu không thấp hơn 200% so với mức thu tương ứng ở các điều 5, 6 chương II qui định này.
Chương III
MIỄN, GIẢM THUỶ LỢI PHÍ
Điều 9: Thẩm quyền xét miễn giảm do UBND tỉnh quyết định về vùng miễn giảm và các đối tượng miễn, giảm.
Điều 10: Hộ dùng nước được xét
a. Miễn thu thuỷ lợi phí trong thời gian được cấp sổ thực hiện chính sách hộ đói nghèo.
b. Giảm thu thuỷ lợi phí: sản xuất nông nghiệp gặp thiên tai dịch bệnh... gây mất mùa đến mức phải giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp thì cũng được giảm hoặc miễn thuỷ lợi phí theo tỉ lệ tương ứng.
Chương IV
TỔ CHỨC THU, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG THUỶ LỢI PHÍ
Điều 11: Các đơn vị khai thác công trình thuỷ lợi được cấp thẩm quyền quyết định có trách nhiệm lập kế hoạch, tổ chức phối hợp với chính quyền các cấp, các ngành liên quan đảm bảo chỉ tiêu thu thuỷ lợi phí - nộp, sử dụng và thanh quyết toán thuỷ lợi phí theo qui định.
Điều 12: Sở NN&PTNT chịu trách nhiệm hướng dẫn các đơn vị khai thác công trình thuỷ lợi lập kế hoạch và tổng hợp kế hoạch trình UBND tỉnh xét duyệt và cùng với Sở Tài chính Vật giá kiểm tra, đôn đốc tạo điều kiện để các đơn vị khai thác công trình thuỷ lợi thực hiện tốt các kế hoạch đã được duyệt.
Điều 13: UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện chức năng quản lý Nhà nước đối với công tác quản lý, bảo vệ khai thác công trình thuỷ lợi, có trách nhiệm đôn đốc các hộ ký kết hợp đồng sử dụng nước, kiểm tra việc thu, trả thuỷ lợi phí trên địa bàn, đảm bảo chỉ tiêu được giao.
Điều 14: Các đơn vị khai thác công trình thuỷ lợi phải cùng các hộ dùng nước ký kết hợp đồng kinh tế hàng năm, từng vụ trong đó ghi rõ chỉ tiêu, tiêu chuẩn, số lượng, chất lượng phục vụ, các qui định về thưởng phạt và thanh toán; cuối vụ sản xuất phải cùng với hộ dùng nước đánh giá kết quả thực hiện hợp đồng, trên cơ sở đó lập sổ thu và tổ chức việc thu thuỷ lợi phí.
Điều 15: Các hộ dùng nước phải đăng ký và ký kết hợp đồng dùng nước với đơn vị khai thác công trình thuỷ lợi, nếu ngưng hợp đồng phải báo cáo và thanh toán sòng phẳng thuỷ lợi phí cho đơn vị khai thác công trình thuỷ lợi. Nếu hộ dùng nước không đăng ký, không ký kết hợp đồng kinh tế mà vẫn dùng nước và sử dụng công trình thuỷ lợi làm dịch vụ hoặc không trả đủ thuỷ lợi phí thì đơn vị khai thác công trình thuỷ lợi được quyền từ chối phục vụ, báo cáo với chính quyền địa phương đôn đốc, nhắc nhỡ. Nếu những hộ dùng nước cố tình không thực hiện thì đơn vị khai thác công trình thuỷ lợi kiến nghị xử lý theo pháp luật.
Điều 16: để việc ký kết hợp đồng sử dụng nước được thuận tiện, đơn vị khai thác công trình thuỷ lợi được phép uỷ nhiệm cho các tổ chức, cá nhân như chính quyền địa phương, các hội, đoàn, hợp tác xã... tổ chức thu thuỷ lợi phí và được chi cho công tác thu, nhưng mức chi tối đa không được vượt quá 10% tổng số thuỷ lợi phí.
Điều 17:
Đơn vị khai thác công trình thuỷ lợi được Nhà nước cho phép hoạch toán theo hình thức gắn thu bù chi, chỉ được sử dụng thu thuỷ lợi phí để:
a. Chi lương, các khoản phụ cấp, các khoản thuế phải trích nộp, trích lập các quỹ theo qui định.
b. Chi cho sửa chữa thường xuyên máy móc, thiết bị nhà xưởng, kho tàng, phương tiện vận tải, bảo dưỡng, tu bổ, vận hành và bảo vệ công trình thuỷ lợi.
c. Chi tiền điện, xăng dầu phục vụ tưới tiêu và phục vụ công tác khai thác công trình.
d. Chi phí quản lý đào tạo, nghiên cứu khoa học, áp dụng công nghệ mới.
đ. Chi lập quỹ dự phòng cho công tác phòng chống bão lụt, úng hạn.
Đơn vị khai thác công trình thuỷ lợi được Nhà nước cấp bù trong trường hợp thuỷ lợi phí thu theo qui định nhưng không đảm bảo những khoản chi hợp lý phục vụ công tác quản lý khai thác công trình được ghi trên.
Chương V
CÁC QUI ĐỊNH VỀ THƯỞNG PHẠT
Điều 18: Đơn vị khai thác công trình thuỷ lợi nếu do các nguyên nhân chủ quan mà phục vụ không đạt các tiêu chuẩn, định mức ghi trong hợp đồng làm ảnh hưởng đến hiệu quả của hộ dùng nước thì sẽ bị phạt và phải đền bù thiệt hại tương ứng. Nếu việc phục vụ đạt chất lượng cao làm tăng hiệu quả kinh tế cho hộ dùng nước thì đơn vị khai thác công trình thuỷ lợi được thưởng; Mức thưởng không quá 30% mức tăng hiệu quả sản xuất nêu trên (các qui định về thưởng - phạt phải được thể hiện trong hợp đồng kinh tế)
Điều 19: Tổ chức, cá nhân thực hiện tốt việc thu, trả thuỷ lợi phí được xét thưởng theo chế độ chung của Nhà nước.
Tiêu chuẩn, mức xét khen thưởng do Sở Tài chính Vật giá phối hợp với Thường trực HĐTĐ tỉnh xây dựng trình UBND tỉnh quyết định.
Điều 20: Tổ chức, cá nhân có hành vi chiếm dụng thuỷ lợi phí hoặc sử dụng thuỷ lợi phí sai qui định thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm và hậu quả xảy ra để mà xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Chương VI
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 21: Sở NN&PTNT, Sở TCVG có trách nhiệm hướng dẫn thi hành Qui định này.
Điều 22: Các ông: Chánh văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở NN&PTNT, Giám đốc Sở TCVG, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã Bảo Lộc, thành phố Đà Lạt, thủ trưởng các ngành, các đơn vị khai thác công trình thuỷ lợi, các hộ dùng nước trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng căn cứ Quyết định thi hành./.