Văn bản pháp luật: Quyết định 396/1997/QĐ-NHNN1

Lê Đức Thuý
Công báo điện tử;
Quyết định 396/1997/QĐ-NHNN1
Quyết định
01/01/1998
01/12/1997

Tóm tắt nội dung

Quyết định về việc ban hành Quy chế dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng, tổ chức tín dụng

Phó Thống đốc
1.997
Ngân hàng Nhà nước

Toàn văn

Quyết định

QUYẾT ĐỊNH CỦA THỐNG ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC

Về việc ban hành "Quy chế dự trữ bắt buộc đối với các Ngân hàng, tổ chức tín dụng"

 

THỐNG ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 30-09-1992;

Căn cứ Pháp lệnh Ngân hàng Nhà nước và Pháp lệnh Ngân hàng, Hợp tác xã tín dụng và Công ty tài chính công bố theo lệnh số 37/LCT-HĐNN8 và lệnh số 38/LCT-HĐNN8 ngày 24 tháng 5 năm 1990 của Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Căn cứ Nghị định số 15/CP ngày 2 tháng 3 năm 1993 của Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ, cơ quan ngang Bộ;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu kinh tế,

 

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo quyết định này "Quy chế dự trữ bắt buộc đối với các Ngân hàng, tổ chức tín dụng".

Điều 2. Quyết định này thay thế quyết định số 260/QĐ-NH1 ngày 19-9-1995 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và có hiệu lực thi hành từ 1-1-1998. Các quy định trước đây trái với Quyết định này hết hiệu lực thi hành.

Điều 3. Chánh Văn phòng Thống đốc, Chánh thanh tra, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước Trung ương, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Tỉnh, Thành phố, Tổng giám đốc (Giám đốc) các Ngân hàng, tổ chức tín dụng chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

  

QUY CHẾ DỰ TRỮ BẮT BUỘC ĐỐI VỚI CÁC NGÂN HÀNG, TỔ CHỨC TÍN DỤNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 396/1997/QĐ-NHNN1
ngày 1-12-1997 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước)

 

CHƯƠNG I
ĐIỀU KHOẢN QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Tiền dự trữ bắt buộc là lượng tiền của các Ngân hàng, tổ chức tín dụng được quy định tại Điều 5 quy chế này phải duy trì tại quỹ Ngân hàng, tổ chức tín dụng và gửi tại Ngân hàng Nhà nước.

Điều 2. "Kỳ xác định tiền dự trữ bắt buộc" là khoảng thời gian tính bằng số ngày trong mỗi kỳ để tính toán tiền dự trữ bắt buộc cho kỳ duy trì dự trữ bắt buộc.

Điều 3. "Kỳ duy trì tiền dự trữ bắt buộc" là khoảng thời gian tính bằng số ngày trong mỗi kỳ đảm bảo tiền dự trữ bắt buộc phải duy trì.

Điều 4. Tiền dự trữ bắt buộc được tính toán trên cơ sở số dư tiền gửi huy động bình quân ngày trong kỳ nhân với tỷ lệ dự trữ bắt buộc được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định trong từng thời kỳ.

Điều 5. Đối tượng thi hành Quy chế dự trữ bắt buộc, bao gồm:

Ngân hàng Thương mại quốc doanh.

Ngân hàng Đầu tư và phát triển.

Ngân hàng Thương mại cổ phần.

Chi nhánh Ngân hàng nước ngoài.

Ngân hàng liên doanh hoạt động tại Việt Nam.

Công ty tài chính.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định việc miễn thi hành dự trữ bắt buộc đối với Ngân hàng, tổ chức tín dụng có tổng số tiền huy động thấp. Mức cụ thể do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định trong từng thời kỳ.

Điều 6. Tiền dự trữ bắt buộc bao gồm cả Đồng Việt Nam (VND) và ngoại tệ; Tiền dự trữ bắt buộc được gửi trên tài khoản tiền gửi không kỳ hạn mở tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước hoặc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố nơi Ngân hàng, tổ chức tín dụng đặt hội sở chính. Tiền dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ được gửi tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước.

Điều 7. Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước và các Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố nơi Ngân hàng, tổ chức tín dụng đặt hội sở chính thực hiện tính toán và thông báo cho các Ngân hàng, tổ chức tín dụng tiền dự trữ bắt buộc.

Điều 8. Việc quy định tỷ lệ, cơ cấu tiền dự trữ bắt buộc, kỳ hạn của tiền gửi huy động phải tính dự trữ bắt buộc và việc thực hiện trả lãi cho tiền dự trữ bắt buộc của các Ngân hàng, tổ chức tín dụng gửi tại Ngân hàng Nhà nước do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định tuỳ thuộc vào mục tiêu và yêu cầu của chính sách tiền tệ trong từng thời kỳ.

Điều 9. Việc xem xét chấp thuận cho các Ngân hàng, tổ chức tín dụng được rút một phần hoặc toàn bộ tiền dự trữ bắt buộc do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định trong trường hợp Ngân hàng, tổ chức tín dụng bị đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt hoặc phá sản.

 

CHƯƠNG II
NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ VỀ TIỀN DỰ TRỮ BẮT BUỘC

Điều 10. Ngân hàng, tổ chức tín dụng phải thực hiện đầy đủ tiền dự trữ bắt buộc gửi tại Ngân hàng Nhà nước trong kỳ duy trì theo các nguyên tắc sau:

10.1- Số dư tiền gửi bình quân tại Ngân hàng Nhà nước và tiền mặt, ngân phiếu còn thời hạn thanh toán tại quỹ của các Ngân hàng, tổ chức tín dụng trong kỳ duy trì dự trữ bắt buộc không thấp hơn tiền dự trữ bắt buộc trong kỳ duy trì.

10.2- Số dư tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước và số dư tiền mặt, ngân phiếu còn thời hạn thanh toán tại quỹ của các Ngân hàng, tổ chức tín dụng trong từng ngày của kỳ duy trì dự trữ bắt buộc có thể thấp hơn tiền dự trữ bắt buộc phải duy trì trong kỳ.

Điều 11. Tiền dự trữ bắt buộc được tính toán trên cơ sở các loại tiền gửi sau:

11.1- Đối với tiền gửi bằng VND bao gồm các loại sau (gồm cả hoạt động ở hội sở chính và các Chi nhánh):

Tiền gửi của khách hàng:

Tiền gửi không kỳ hạn;

Tiền gửi có kỳ hạn thuộc loại phải dự trữ bắt buộc.

Tiền gửi vốn chuyên dùng;

Tiền gửi các tổ chức và người nước ngoài;

Tiền gửi tiết kiệm:

Tiền gửi không kỳ hạn;

Tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn thuộc loại phải dự trữ bắt buộc.

Tiền gửi tiết kiệm khác;

Tiền thu được từ việc phát hành chứng chỉ tiền gửi, phát hành kỳ phiếu có kỳ hạn thuộc loại phải dự trữ bắt buộc;

Tiền quản lý và giữ hộ;

Tiền thu được từ việc phát hành trái phiếu Ngân hàng thương mại và Ngân hàng Đầu tư và phát triển có kỳ hạn thuộc loại phải dự trữ bắt buộc;

Tiền gửi Kho bạc Nhà nước.

11.2- Đối với tiền gửi bằng ngoại tệ, bao gồm các loại tiền gửi sau (gồm cả hoạt động ở hội sở chính và các Chi nhánh):

Tiền gửi bằng ngoại tệ của khách hàng:

Tiền gửi không kỳ hạn;

Tiền gửi có kỳ hạn thuộc loại phải dự trữ bắt buộc.

Tiền gửi vốn chuyên dùng bằng ngoại tệ;

Tiền gửi của các tổ chức và người nước ngoài bằng ngoại tệ;

Tiền gửi tiết kiệm:

Tiền gửi không kỳ hạn bằng ngoại tệ;

Tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn thuộc loại phải dự trữ bắt buộc.

Tiền thu được từ việc phát hành chứng chỉ tiền gửi, phát hành kỳ phiếu và phát hành trái phiếu có kỳ hạn thuộc loại phải dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ;

Tiền gửi Kho bạc Nhà nước.

Tiền gửi của Ngân hàng Nhà nước tại Ngân hàng, tổ chức tín dụng.

Tiền gửi bằng ngoại tệ làm cơ sở tính dự trữ bắt buộc là các ngoại tệ đã tự do chuyển đổi, được quy đổi thành USD để thực hiện dự trữ bắt buộc bằng USD và gửi tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước. Tỷ giá quy đổi ra loại ngoại tệ để tính dự trữ bắt buộc là tỷ giá chính thức do Ngân hàng Nhà nước công bố được áp dụng vào ngày tính dự trữ bắt buộc.

Đối với một số loại ngoại tệ khác bao gồm DEM, JPY, GBP và FRF nếu có tỷ lệ tiền gửi chiếm trên 50% tổng nguồn huy động bằng ngoại tệ thì dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ đó, và gửi tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước.

(Có phụ lục I hướng dẫn Điều 11 về số hiệu tài khoản đính kèm).

Điều 12. Cách tính tiền dự trữ bắt buộc cho kỳ duy trì (áp dụng cả VND và ngoại tệ):

12.1- Kỳ xác định dự trữ bắt buộc: Là khoảng thời gian từ ngày 1 đến ngày cuối tháng của tháng trước.

12.2- Kỳ duy trì dự trữ bắt buộc: Là khoảng thời gian từ ngày 1 đến ngày cuối tháng của tháng hiện hành.

12.3- Trên cơ sở số dư tiền gửi huy động bình quân quy định tại Điều 11 của Quy chế này của kỳ xác định dự trữ bắt buộc, để tính toán tiền dự trữ bắt buộc cho kỳ duy trì dự trữ bắt buộc.

12.4- Phương pháp tính số dư tiền gửi bình quân trên cơ sở số dư cuối mỗi ngày, bằng cách cộng các số dư của cuối mỗi ngày trong kỳ đem chia cho tổng số ngày trong kỳ (có phụ lục II hướng dẫn tính toán tiền dự trữ bắt buộc và số dư tiền gửi bình quân đính kèm Quy chế này).

12.5- Tiền dự trữ bắt buộc bằng số dư tiền gửi huy động bình quân kỳ xác định dự trữ bắt buộc nhân với tỷ lệ dự trữ bắt buộc.

12.6- Tỷ lệ dự trữ bắt buộc là tỷ lệ % trên tổng số tiền gửi huy động phải tính dự trữ bắt buộc được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định từng thời kỳ.

Điều 13. Xác định thừa, thiếu dự trữ bắt buộc:

Căn cứ vào báo cáo (biểu 1 kèm theo Quy chế này) của Ngân hàng, tổ chức tín dụng, Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước hoặc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố nơi Ngân hàng, tổ chức tín dụng đặt hội sở chính thực hiện đối chiếu giữa hai đại lượng (A) và (B) sau đây để xác định thừa, thiếu tiền dự trữ bắt buộc:

A: Là số tiền gửi bình quân của Ngân hàng, tổ chức tín dụng gửi tại Ngân hàng Nhà nước và tiền mặt, ngân phiếu còn thời hạn thanh toán bình quân tại quỹ Ngân hàng, tổ chức tín dụng trong kỳ duy trì dự trữ bắt buộc (theo hướng dẫn tại phụ lục II).

B: Là tiền dự trữ bắt buộc trong kỳ duy trì.

Thừa tiền dự trữ bắt buộc khi A lớn hơn B (A>B)

Thiếu tiền dự trữ bắt buộc khi A nhỏ hơn B (A

Điều 14. Xử lý thừa, thiếu tiền dự trữ bắt buộc:

14.1- Trường hợp Ngân hàng, tổ chức tín dụng thiếu tiền dự trữ bắt buộc, Ngân hàng Nhà nước xử lý phạt phần thiếu theo mức quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trong từng thời kỳ. Nếu kỳ duy trì dự trữ bắt buộc tiếp theo vẫn thiếu hụt thì Ngân hàng, tổ chức tín dụng đó phải chịu mức phạt bằng 2 lần mức phạt quy định.

14.2- Trường hợp Ngân hàng, tổ chức tín dụng thừa tiền dự trữ bắt buộc, Ngân hàng Nhà nước sẽ trả lãi cho phần vượt dự trữ bắt buộc gửi tại Ngân hàng Nhà nước theo mức lãi suất quy định trong từng thời kỳ.

Điều 15. Trách nhiệm của Ngân hàng, tổ chức tín dụng các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố, trong việc thực hiện Quy chế dự trữ bắt buộc, trường hợp các ngày nêu trong điều này nếu trùng với ngày nghỉ chế độ (chủ nhật, ngày lễ, ngày Tết) thì quy định gửi báo cáo vào ngày làm việc tiếp theo:

1. Các Ngân hàng, tổ chức tín dụng:

Có trách nhiệm gửi báo cáo (biểu 1 kèm theo Quy chế này) số dư tiền huy động bình quân của kỳ xác định dự trữ bắt buộc làm cơ sở tính toán tiền dự trữ bắt buộc của kỳ duy trì cho Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố hoặc Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước nơi Ngân hàng, tổ chức tín dụng đặt hội sở chính, vào ngày 3 hàng tháng.

2. Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước:

Trên cơ sở báo cáo số dư tiền gửi huy động bình quân trong kỳ xác định của các Ngân hàng, tổ chức tín dụng thuộc Sở giao dịch quản lý gửi về, thực hiện tính toán và thông báo (biểu 3 kèm theo Quy chế này) tiền dự trữ bắt buộc cho kỳ duy trì đối với từng Ngân hàng, tổ chức tín dụng vào ngày 5 hàng tháng.

Thực hiện tổng hợp báo cáo (biểu 2 kèm theo Quy chế này) chấp hành tiền dự trữ bắt buộc đối với các Ngân hàng, tổ chức tín dụng thuộc Sở giao dịch quản lý và gửi về Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (Vụ các định chế tài chính) vào ngày 4 hàng tháng.

Thực hiện xử lý thừa, thiếu tiền dự trữ bắt buộc theo Điều 14 của Quy chế này.

3. Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố:

Trên cơ sở báo cáo số dư tiền gửi huy động bình quân trong kỳ xác định của các Ngân hàng, tổ chức tín dụng thuộc Chi nhánh quản lý gửi về, thực hiện tính toán và thông báo (biểu 3 kèm theo Quy chế này) tiền dự trữ bắt buộc cho kỳ duy trì đối với từng Ngân hàng, tổ chức tín dụng ngày 5 hàng tháng.

Thực hiện tổng hợp báo cáo (biểu 2 kèm theo Quy chế này) chấp hành tiền dự trữ bắt buộc đối với các Ngân hàng, tổ chức tín dụng thuộc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố quản lý và gửi về Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (Vụ các định chế tài chính) và ngày 4 hàng tháng.

Thực hiện xử lý thừa, thiếu tiền dự trữ bắt buộc theo Điều 14 của Quy chế này.

4. Vụ Các định chế tài chính:

Thực hiện tổng hợp tình hình chấp hành tiền dự trữ bắt buộc của toàn bộ các Ngân hàng, tổ chức tín dụng do Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố gửi về, để báo cáo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và gửi báo cáo về Vụ Nghiên cứu kinh tế, Thanh tra Ngân hàng Nhà nước vào ngày 6 hàng tháng.

5. Vụ Nghiên cứu kinh tế:

Căn cứ vào các diễn biến tình hình kinh tế, mục tiêu chính sách tiền tệ trình Thống đốc điều chỉnh tỷ lệ dự trữ bắt buộc, cơ cấu tiền dự trữ bắt buộc, kỳ hạn tiền gửi huy động phải tính tiền dự trữ bắt buộc, mức lãi suất phạt đối với phần tiền dự trữ bắt buộc thiếu, việc trả lãi và mức lãi suất trả cho phần vượt tiền dự trữ bắt buộc gửi tại Ngân hàng Nhà nước cho phù hợp với từng thời kỳ.

6. Vụ Kế toán - Tài chính:

Thực hiện hướng dẫn phương pháp hạch toán theo các tài khoản kế toán liên quan đến tiền dự trữ bắt buộc cho phù hợp quy chế này.

7. Thanh tra Ngân hàng Nhà nước:

Có nhiệm vụ xây dựng Quy chế xử phạt và phối hợp Vụ Các định chế tài sản kiểm tra giám sát thực hiện dự trữ bắt buộc của các Ngân hàng, tổ chức tín dụng, phát hiện kịp thời những Ngân hàng, tổ chức tín dụng không chấp hành Quy chế dự trữ bắt buộc; Có biện pháp xử lý nghiêm ngặt, kịp thời, giúp các Ngân hàng, tổ chức tín dụng chấp hành dự trữ bắt buộc đúng quy định.

Điều 16. Khiếu nại và thẩm quyền giải quyết:

16.1- Các Ngân hàng, tổ chức tín dụng được quyền khiếu nại các quyết định chưa thoả đáng về chấp hành Quy chế dự trữ bắt buộc. Đơn khiếu nại được gửi về Ngân hàng Nhà nước Trung ương (Vụ các định chế tài chính).

16.2- Chậm nhất sau 5 ngày kể từ khi nhận được đơn khiếu nại về tiền dự trữ bắt buộc của Ngân hàng, tổ chức tín dụng, Vụ trưởng Vụ các định chế tài chính Ngân hàng Nhà nước Trung ương phải có văn bản trả lời khiếu nại của các Ngân hàng, tổ chức tín dụng. Trong thời gian chờ giải quyết, Ngân hàng, tổ chức tín dụng phải chấp hành Quy chế dự trữ bắt buộc của Ngân hàng Nhà nước.

Điều 17. Xử lý vi phạm:

17.1- Các trường hợp vi phạm chấp hành thông tin, báo cáo được xử phạt theo các quy định xử phạt do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành.

17.2- Phạt chấp hành tiền dự trữ bắt buộc thực hiện theo Điều 14 Quy chế này, đối với phần thiếu dự trữ bắt buộc Ngân hàng Nhà nước xử lý phạt phần thiếu theo mức quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trong từng thời kỳ. Nếu kỳ duy trì dự trữ bắt buộc tiếp theo vẫn thiếu hụt thì Ngân hàng, tổ chức tín dụng đó phải chịu mức phạt bằng 2 lần mức quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trong từng thời kỳ.

 

CHƯƠNG III
ĐIỀU KHOẢN CUỐI CÙNG

Điều 18. Việc sửa đổi, bổ sung các điều khoản trong Quy chế này do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định./.

 

PHỤ LỤC I:

SỐ HIỆU TÀI KHOẢN TIỀN GỬI HUY ĐỘNG PHẢI TÍNH TIỀN
DỰ TRỮ BẮT BUỘC

Số hiệu tài khoản như sau:

Đối với tiền huy động bằng VND:

Tiền gửi của khách hàng:

Tiền gửi không kỳ hạn: 3611

Tiền gửi có kỳ hạn thuộc loại phải dự trữ bắt buộc (1 phần TK 3612)

Tiền gửi vốn chuyên dùng (3613).

Tiền gửi các tổ chức và người nước ngoài (3614).

Tiền gửi tiết kiệm:

Tiền gửi không kỳ hạn (3711).

Tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn thuộc loại phải dự trữ bắt buộc

Tiền gửi tiết kiệm khác (3719).

Tiền thu được từ việc phát hành chứng chỉ tiền gửi, phát hành kỳ phiếu (441, 442, 449).

Tiền quản lý và giữ hộ (381).

Tiền thu được từ việc phát hành trái phiếu Ngân hàng Thương Mại và Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (441, 442, 449).

Tiền gửi Kho bạc Nhà nước (2121).

Đối với tiền gửi huy động bằng ngoại tệ:

Tiền gửi bằng ngoại tệ của khách hàng:

Tiền gửi không kỳ hạn (3621)

Tiền gửi có kỳ hạn thuộc loại phải dự trữ bắt buộc (3622).

Tiền gửi vốn chuyên dùng bằng ngoại tệ (3623).

Tiền gửi của các tổ chức và người nước ngoài bằng ngoại tệ (3624).

Tiền gửi tiết kiệm:

Tiền gửi không kỳ hạn bằng ngoại tệ (3721).

Tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn thuộc loại phải dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ (3722).

Tiền thu được từ việc phát hành chứng chỉ tiền gửi, phát hành kỳ phiếu và phát hành trái phiếu các loại có kỳ hạn thuộc loại phải dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ (441, 442, 449).

Tiền gửi Kho bạc Nhà nước (2122).

Tiền gửi của Ngân hàng Nhà nước tại Ngân hàng, tổ chức tín dụng (207).

 

PHỤ LỤC II

Ví dụ tính tiền dự trữ bắt buộc, tiền gửi bình quân của các Ngân hàng, tổ chức tín dụng gửi tại Ngân hàng Nhà nước theo Điều 12 của Quy chế dự trữ bắt buộc

Ví dụ: Đối với kỳ duy trì của tháng 7 phương pháp tính như sau:

Công thức tính tiền dự trữ bắt buộc trong kỳ duy trì:

Tiền trong kỳ duy trì tháng 7

=

Số dư tiền gửi bình quân ngày, từ 1/6 đến 30/6 (Kỳ xác định)

x

Tỷ lệ % dự trữ bắt buộc

Cách tính số dư tiền gửi bình quân của kỳ xác định:

Số dư tiền gửi bình quân ngày =

Công thức tính tiền gửi bình quân trong kỳ duy trì dự trữ bắt buộc gửi tại Ngân hàng Nhà nước:

Tiền gửi bình quân trong duy trì tại Ngân hàng Nhà nước =

Công thức tính tiền mặt, ngân phiếu còn thời hạn thanh toán bình quân trong kỳ duy trì dự trữ bắt buộc để tại quỹ Ngân hàng, tổ chức tín dụng:

Tiền mặt NFTT bình quân trong kỳ duy trì để tại quỹ ngân hàng, tổ chức tín dụng

=

Cơ cấu tiền dự trữ bắt buộc của các Ngân hàng, tổ chức tín dụng được xác định căn cứ vào Quyết định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về tỷ lệ và cơ cấu tiền dự trữ bắt buộc đối với các Ngân hàng, tổ chức tín dụng trong từng thời kỳ.

Ví dụ: Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định tỷ lệ dự trữ bắt buộc là 10%, cơ cấu tiền dự trữ bắt buộc quy định tối thiểu là 70% phải gửi trên tài khoản tiền gửi không kỳ hạn tại Ngân hàng Nhà nước và quy định tối đa là 30% tiền mặt và ngân phiếu còn thời hạn thanh toán để tại quỹ Ngân hàng, tổ chức tín dụng thì tiền dự trữ bắt buộc phải duy trì, cơ cấu xác định tiền dự trữ bắt buộc và xử lý thừa, thiếu tiền dự trữ bắt buộc như sau:

Trường hợp 1: Nếu tỷ lệ tiền mặt và ngân phiếu còn thời hạn thanh toán thực tế bình quân để tại quỹ Ngân hàng, tổ chức tín dụng lớn hơn 30% tiền dự trữ bắt buộc thì lấy 30%.

Trường hợp 2: Nếu tỷ lệ tiền mặt và ngân phiếu còn thời hạn thanh toán thực tế bình quân để tại quỹ Ngân hàng, tổ chức tín dụng nhỏ hơn 30% tiền dự trữ bắt buộc thì lấy số thực tế.

Ví dụ trường hợp 1: Giả sử Ngân hàng, tổ chức tín dụng (X) có tiền gửi huy động bình quân phải tính tiền dự trữ bắt buộc trong kỳ xác định (tháng 6/1997) là 3.000 tỷ đồng; Tiền gửi bình quân trong kỳ duy trì (tháng 7/1997) tại Ngân hàng Nhà nước là 220 tỷ đồng, Tiền mặt, ngân phiếu còn thời hạn thanh toán thực tế bình quân trong kỳ duy trì (tháng 7/1997) để tại quỹ Ngân hàng (X) là 100 tỷ đồng. Xác định tiền dự trữ bắt buộc trong kỳ duy trì (tháng 7/1997) và xác định thừa, thiếu tiền dự trữ bắt buộc (Tháng 7/1997) của Ngân hàng (X) như sau:

Tiền dự trữ bắt buộc phải duy trì là tháng 7/1997:

Tiền DTBB bình quân phải

duy trì trong kỳ

= 3000 tỷ đồng x 10% = 300 tỷ đồng.

Phải gửi tại Ngân hàng Nhà nước là 210 tỷ đồng, để tại quỹ tiền mặt, ngân phiếu còn thời hạn thanh toán là 90 tỷ đồng.

Tính toán thừa, thiếu tiền dự trữ bắt buộc trong kỳ duy trì tháng 7/1997:

Trên thực tế đơn vị gửi tại Ngân hàng Nhà nước 220 tỷ, tồn quỹ tiền mặt, ngân phiếu còn thời hạn thanh toán là 100 tỷ. Như vậy, theo quy định Ngân hàng (X) thừa tiền dự trữ bắt buộc là 10 tỷ đồng (220 tỷ đồng - 210 tỷ đồng) đơn vị sẽ được Ngân hàng Nhà nước trả lãi phần tiền dự trữ bắt buộc vượt là 10 tỷ đồng.

Giả sử Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định mức lãi suất trả cho phần tiền dự trữ bắt buộc vượt là 0,2% tháng, Ngân hàng (X) được hưởng lãi trong kỳ duy trì tháng 7 vừa qua như sau:

Tổng số tiền lãi được hưởng = = 20.000.000 đồng

Như vậy, Ngân hàng (X) được hưởng lãi đối với phần tiền dự trữ bắt buộc thừa trong kỳ duy trì tháng 7/1997 vừa qua là 20.000.000 đồng.

Ví dụ trường hợp 2: Giả sử Ngân hàng, tổ chức tín dụng (X) có tiền gửi huy động bình quân phải tính tiền dự trữ bắt buộc trong kỳ xác định (tháng 6/1997) là 3.000 tỷ đồng; Tiền gửi bình quân trong kỳ duy trì (tháng 7/1997) tại Ngân hàng Nhà nước là 220 tỷ đồng. Tiền mặt, ngân phiếu còn thời hạn thanh toán thực tế bình quân trong kỳ duy trì (tháng 7/1997) để tại quỹ Ngân hàng (X) là 78 tỷ đồng. Xác định tiền dự trữ bắt buộc trong kỳ duy trì (tháng 7/1997) và xác định thừa, thiếu tiền dự trữ bắt buộc (Tháng 7/1997) của Ngân hàng (X) như sau:

Tiền dự trữ bắt buộc phải duy trì tháng 7/1997 là:

Tiền dự trữ bắt buộc bình quân phải duy trì trong kỳ

= 3000 tỷ đồng x 10% = 300 tỷ đồng

 

Phải gửi tại Ngân hàng Nhà nước là 210 tỷ đồng, để tại quỹ tiền mặt, ngân phiếu còn thời hạn thanh toán là 90 tỷ đồng.

Tính toán thừa, thiếu tiền dự trữ bắt buộc trong kỳ duy trì tháng 7/1997:

Thực tế tồn quỹ tiền mặt, ngân phiếu còn thời hạn thanh toán là 78 tỷ, như vậy so với yêu cầu còn thiếu 12 tỷ đồng, (90 tỷ đồng - 78 tỷ đồng). Theo quy định để đảm bảo tiền dự trữ bắt buộc trong kỳ duy trì tháng 7/1997 thì tiền dự trữ bắt buộc gửi tại Ngân hàng Nhà nước phải là 222 tỷ đồng (210 tỷ đ + 12 tỷ đ), thực tế đơn vị chỉ gửi 220 tỷ đồng. Như vậy trong kỳ duy trì tháng 7/1997 còn thiếu tiền dự trữ bắt buộc là 2 tỷ đồng (222 tỷ đồng - 220 tỷ đồng).

Xử lý tiền dự trữ bắt buộc thiếu của Ngân hàng (X):

Giả sử Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định mức phạt bằng 200% lãi suất cho vay tái cấp vốn là 0,9% tháng, Ngân hàng (X) phải chịu mức phạt tiền dự trữ bắt buộc thiếu trong kỳ duy trì tháng 7/1997 vừa qua như sau:

Tổng số tiền chịu phạt = = 36.000.000 đồng

Như vậy, Ngân hàng (X) phải nộp phạt phần tiền dự trữ bắt buộc thiếu trong kỳ duy trì tháng 7/1997 vừa qua là 36.000.000 đồng./.


Nguồn: vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=8155&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận