Văn bản pháp luật: Quyết định 40/2000/QĐ-BNNPTNT/TCCB

Nguyễn Văn Đẳng
Toàn quốc
Công báo điện tử;
Quyết định 40/2000/QĐ-BNNPTNT/TCCB
Quyết định
28/04/2000
13/04/2000

Tóm tắt nội dung

Về việc ban hành quy chế tổ chức thực hiện Chương trình Phát triển Nông thôn Miền núi Việt Nam - Thuỵ Điển

Thứ trưởng
2.000
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Toàn văn

QUYẾT ĐỊNH CỦA BỘ TRƯỞNG

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

Về việc ban hành quy chế tổ chức thực hiện

Chương trình Phát triển Nông thôn Miền núi Việt Nam - Thuỵ Điển

 

BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

Căn cứ Nghị định số 73 CP ngày 1/11/1995 của Chính phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Xét đề nghị của ông Trưởng ban quản lý các dự án Lâm nghiệp và Giám đốc điều hành chương trình Hợp tác Phát triển nông thôn Miền núi Việt Nam - Thuỵ Điển.

Theo đề nghị của ông Vụ trưởng Vụ Tổ chức- cán bộ;

 

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1: Nay ban hành quy chế tổ chức thực hiện Chương trình Phát triển Nông thôn miền núi Việt nam - Thuỵ điển kèm theo Quyết định này.

Điều 2: Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày ký.

Điều 3: Chánh văn phòng Bộ, Thủ trưởng các Vụ, Cục, Ban chức năng có liên quan của Bộ, thành viên Chương trình Phát triển Nông thôn Miền núi Việt nam - Thụy điển, Trưởng Ban quản lý các dự án Lâm nghiệp, Giám đốc điều hành chương trình và các Giám đốc dự án thuộc Chương trình Phát triển nông thôn Miền núi Việt Nam - Thụy Điển chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

QUY CHẾ TỔ CHỨC THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN

NÔNG THÔN MIỀN NÚI VIỆT NAM- THUỴ ĐIỂN

(Ban hành kèm theo Quyết định số: 40/2000/QĐ-BNNPTNT/TCCB

ngày 13/04/2000 của Bộ Trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

 

CHƯƠNG I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG.

Điều 1: Những căn cứ để xây dựng quy chế:

Quy chế tổ chức thực hiện Chương trình Phát triển nông thôn Miền núi Việt Nam - Thuỵ Điển, được xây dựng trên cơ sở các văn bản sau:

Quyết định số: 101-1999/QĐ/BNN-TCCB ngày 3 tháng 7 năm 1999 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tổ chức lại Ban Quản lý dự án viện trợ lâm nghiệp và đổi tên thành Ban quản lý các dự án lâm nghiệp.

Văn kiện chương trình tháng 5 năm 1996 và Hiệp định về Hợp tác phát triển nông thôn miền núi giữa Chính phủ Việt Nam và Vương quốc Thuỵ Điển kí ngày 22/8/1996

Quyết định số 178 NN-TCCB/QĐ ngày 12/2/1996 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về thành lập Ban Chương trình Phát triển nông thôn miền núi Việt Nam - Thuỵ Điển.

Quy định số 4773 BNN-BCT, ngày 24/12/1997 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về quy định định mức chi tiêu trong Chương trình Phát triển nông thôn miền núi Việt Nam - Thuỵ Điển.

Văn bản số 1.5.3-1, ngày 14/10/1997 của Cơ quan hợp tác phát triển quốc tế của Thuỵ Điển tại Hà Nội (gọi tắt là SIDA) về chi phí phụ cấp cho cán bộ hoạt động chương trình ở xã và thôn bản.

Khuôn khổ chính sách và chiến lược của Chương trình Phát triển Nông thôn miền núi Việt Nam - Thụy Điển, tháng 9 năm 1998.

Điều 2: Điều hành chương trình.

Chương trình Phát triển nông thôn miền núi Việt Nam - Thuỵ Điển (MRDP) được tổ chức điều hành thống nhất từ Trung ương (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đến 5 tỉnh vùng chương trình hoạt động (tỉnh, huyện, xã, thôn bản thuộc tỉnh Lào Cai, Hà Giang, Tuyên Quang, Yên Bái, Phú Thọ, Dự án tăng cường năng lực tư vấn cấp Bộ, điều phối ngành, nghiên cứu chiến lược) theo hướng phân cấp quản lý cho các cấp dự án đảm bảo hoạt động chương trình đúng tiến độ và đạt hiệu qủa.                                                         

CHƯƠNG II

TỔ CHỨC QUẢN LÝ CHƯƠNG TRÌNH VÀ CHỨC NĂNG

NHIỆM VỤQUẢN LÝ CỦA CÁC CẤP THUỘC CHƯƠNG TRÌNH

Mục 1: Tổ chức cấp quản lý trung ương

Điều 3: Ban chương trình.

1. Ban Chương trình được thành lập theo quyết định số 178 NN - TCCB/ QĐ ngày 12-2-1996 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Ban Chương trình chịu trách nhiệm trước Bộ NN&PTNT về tổ chức thực hiện nội dung Hiệp định đã ký kết giữa hai Chính phủ Việt Nam và Thuỵ Điển. Cơ cấu thành viên Ban Chương trình gồm:

Thứ trưởng Bộ NN & PTNT

Trưởng Ban

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai

Thành viên

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang

Thành viên

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái

Thành viên

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang

Thành viên

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ

Thành viên

Vụ trưởng vụ HTQT Bộ NN và PTNT

Thành viên

Trưởng Ban QL các Dự án lâm nghiệp

Thành viên

Giám đốc điều hành chuơng trình

Thành viên

thường trực

2. Ban Chương trình có các chức năng nhiệm vụ sau đây:

Là cơ quan đầu mối tiếp xúc và làm việc với Tổ chức hợp tác phát triển quốc tế của Thụy Điển (sau đây gọi tắt là SIDA) về việc thực hiện chương trình theo hiệp định và những chiến lược phát triển mới, có liên quan đến chương trình.

Quản lý nguồn viện trợ của Thuỵ Điển và nguồn đối ứng Việt Nam, phân bổ các nguồn vốn đó theo các cam kết với SIDA và các quy định của Nhà nước, theo đúng kế hoạch và mục tiêu của chương trình.

Quyết định (hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền quyết định) các chiến lược chính sách phát triển thuộc Chương trình Phát triển nông thôn miền núi Việt Nam - Thuỵ Điển, quyết định kế hoạch hoạt động hàng năm và chỉ đạo điều phối thực hiện kế hoạch đó.

Quản lý, chỉ đạo và giám sát thực hiện chương trình và các dự án.

Tổ chức kiểm tra đánh giá các mặt hiệu quả kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường của chương trình.

Tổng hợp quyết toán ngân sách hàng năm và kết thúc chương trình với Bộ NN&PTNT, Bộ Tài chính và SIDA.

Báo cáo hoạt động mọi mặt của chương trình 6 tháng 1 lần trình Bộ trưởng Bộ NN&PTNT và các cơ quan hữu quan của Nhà nước.

Tổng kết đánh giá toàn diện hoạt động của chương trình, tài liệu hoá và phổ biến các kết quả, kinh nghiệm hoạt động.

Điều 4: Văn phòng chương trình

1. Văn phòng Ban Chương trình là bộ phận thường trực, giúp Ban Chương trình quản lý chỉ đạo, điều hành, hỗ trợ kỹ thuật cho các hoạt động chương trình và các dự án theo mục tiêu của chương trình.

2. Văn phòng chương trình có: Giám đốc điều hành chương trình (Do Bộ NN&PTNT bổ nhiệm) là Uỷ viên thường trực của Ban Chương trình và có các bộ phận: kế hoạch, kế toán, kỹ thuật, hành chính.

3. Chức năng nhiệm vụ của Văn phòng Ban Chương trình:

a. Hướng dẫn xây dựng Kế hoạch hoạt động hàng năm tổng hợp kế hoạch đó và trình Ban Chương trình thông qua, làm cơ sở cho Bộ và SIDA đàm phán quyết định và tổ chức thực hiện, kiểm tra giám sát thực hiện kế hoạch.

b. Được uỷ quyền của Trưởng Ban chương trình, trực tiếp giải quyết mọi công việc liên quan đến các hoạt động đối nội, đối ngoại nhằm đảm bảo chương trình thực hiện đúng tiến độ, và các cam kết theo hiệp định đã ký. Báo cáo kết quả thực hiện và những vấn đề phải xin ý kiến giải quyết với Trưởng Ban chương trình.

c. Quản lý hoạt động tài chính, thực hiện theo kế hoạch đã phê duyệt, đúng quy định của Nhà nước, tổng hợp quyết toán hàng năm và kết thúc hiệp định, báo cáo hoạt động tài chính theo quy định.

d. Chuẩn bị nội dung các cuộc họp định kỳ với SIDA, của Ban Chương trình, các cuộc họp, hội thảo, tập huấn của chương trình, các đoàn làm việc chuyên đề của SIDA..v.v

đ. Phối hợp chặt chẽ các hoạt động của Nhóm cố vấn thuộc Công ty tư vấn sử dụng có hiệu quả đội ngũ cố vấn của chương trình nhằm thực hiện mục tiêu của hiệp định.

e. Quản lý sử dụng hiệu quả các thiết bị vật tư phục vụ đúng mục đích hoạt động của chương trình.

f. Hướng dẫn việc thực hiện các chính sách và quy định của Nhà nước của ngành.

g. Soạn thảo các quy định, chính sách, chiến lược của chương trình trình cấp thẩm quyền phê duyệt.

h. Tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn, hội thảo về chuyên môn nghiệp vụ có liên quan.

i. Kiểm tra, giám sát, tổng kết đánh giá các hoạt động của các dự án và toàn chương trình (theo định kỳ, có thể đột xuất) báo cáo Trưởng ban và các ngành liên quan theo định kỳ.

k. Kinh phí hoạt động của Ban chương trình và Văn phòng Ban Chương trình (gồm đóng góp của Thuỵ Điển và đóng góp của Việt Nam) được thực hiện trên cơ sở Kế hoạch hoạt động hàng năm đã phê duyệt.

Điều 5. Dự án tăng cường khả năng tư vấn cấp Bộ.

1. Dự án tăng cường khả năng tư vấn cấp Bộ là một dự án thuộc Chương trình MRDP đặt tại Vụ Chính sách NN&PTNT. Dự án do lãnh đạo Vụ chính sách NN&PTNT làm giám đốc có các cán bộ giúp việc kế hoạch, kế toán tài chính, kỹ thuật, hành chính. Dự án có các cán bộ dự án thuộc các Cục, Vụ liên quan tham gia các hoạt động quản lý dự án theo sự phân công của Giám đốc dự án, được tổ chức thành các nhóm công tác.

2. Các đơn vị của Bộ tham gia dự án gồm: Vụ Chính sách NN&PTNT, Cục Khuyến nông khuyến lâm, Cục Phát triển lâm nghiệp, Cục chế biến nông lâm sản và NNNT, Vụ Tổ chức Cán bộ, Trung tâm Thông tin NN&PTNT, Vụ Tài chính Kế toán, Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ, Trường Cán bộ Quản lý NN-PTNT và Trung tâm Đào tạo phát triển nông thôn vùng Phù Ninh, Văn phòng Bộ NN&PTNT.

3. Giám đốc dự án chịu trách nhiệm điều phối chung các hoạt động và quản lý ngân sách của dự án theo kế hoạch.

Các đơn vị của Bộ tham gia Dự án chịu trách nhiệm chủ trì triển khai các hoạt động do Giám đốc dự án giao căn cứ vào Kế hoạch hoạt động hàng năm của dự án đã được phê duyệt.

4. Nhiệm vụ của dự án:

Xây dựng quy chế chính sách và chiến lược thuộc các lĩnh vực hoạt động của chương trình, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Sau khi được phê duyệt, phối hợp cùng Văn phòng Ban Chương trình và cố vấn tổ chức tập huấn hướng dẫn cho từng cấp hoặc toàn chương trình.

Thực hiện chế độ báo cáo tiến độ, báo cáo tài chính, thanh toán, kiểm toán quyết toán theo quy định.

Điều 6. Điều phối ngành:

Hoạt động điều phối ngành đặt tại Vụ Hợp tác quốc tế, do Ông Vụ trưởng điều hành. Kế hoạch hoạt động hàng năm của điều phối ngành được Bộ và SIDA phê duyệt. Việc tổ chức thực hiện kiểm tra, đánh giá, báo cáo theo quy định của Chương trình.

Điều 7. Nghiên cứu chiến lược:

Hội đồng nghiên cứu chiến lược được đặt tại Vụ Khoa học Công nghệ và chất lượng sản phẩm, do Ông Vụ trưởng Vụ KHCN và chất lượng sản phẩm điều hành. Kế hoạch hoạt động hàng năm của dự án được Bộ và SIDA phê duyệt. Việc tổ chức thực hiện, kiểm tra, đánh giá, báo cáo theo quy định của Chương trình.

MỤC 2: TỔ CHỨC QUẢN LÝ DỰ ÁN CẤP ĐỊA PHƯƠNG.

Điều: Ban chỉ đạo dự án tỉnh có chức năng nhiệm vụ sau:

1. Ban chỉ đạo dự án tỉnh do Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban. Thành viên của Ban gồm đại diện các ban ngành có liên quan của tỉnh. Lãnh đạo Sở NN&PTNT là Uỷ viên thường trực kiêm Giám đốc dự án tỉnh do UBND tỉnh quyết định.

Thành viên Ban chương trình các tỉnh, đồng thời là Trưởng ban chỉ đạo dự án tỉnh chịu trách nhiệm quản lý chỉ đạo việc tổ chức thực hiện và điều phối các nguồn lực trong phạm vi tỉnh.

2. Ban chỉ đạo dự án tỉnh chịu trách nhiệm toàn diện trước UBND tỉnh, Bộ NN&PTNT và Ban Chương trình về việc quản lý, tổ chức thực hiện các mục tiêu nôi dung và kế hoạch hoạt động hàng năm của dự án tại địa phương.

3. Ban chỉ đạo dự án tỉnh có chức năng nhiệm vụ sau:

a. Xem xét Kế hoạch hoạt động hàng năm và quyết định vốn đối ứng hàng năm của dự án tỉnh.

b. Chỉ đạo các ban ngành trong tỉnh, UBND huyện, xã trong vùng dự án tổ chức thực hiện các hoạt động của dự án trên địa bàn.

c. Điều phối các nguồn vốn và hoạt động trên địa bàn dự án

d. Xem xét kế hoạch tác nghiệp của dự án.

đ. Kiểm tra, đánh giá các hoạt động của Ban quản lý dự án về hiệu quả các mặt.

e. Quyết định giao kế hoạch hàng năm cho dự án cấp tỉnh, huyện, xã, thôn bản (theo kế hoạch của Bộ NN&PTNT và SIDA thông báo), hoặc uỷ nhiệm cho Ban quản lý dự án tỉnh giao kế hoạch. Quy định, chính sách, tổ chức bộ máy, chiến lược phát triển đảm bảo cho dự án hoạt động hiệu quả.

Điều 9: Ban quản lý dự án tỉnh

1. Ban quản lý dự án tỉnh là cơ quan thường trực, giúp việc ban chỉ đạo tỉnh. Ban quản lý dự án trực thuộc Sở NN&PTNT

Ban quản lý dự án tỉnh chịu sự quản lý và chỉ đạo về chuyên môn, nghiệp vụ của văn phòng chương trình và thực hiện chế độ báo cáo định kỳ theo quy định.

2. Ban quản lý dự án tỉnh có Giám đốc dự án do UBND tỉnh quyết định (là uỷ viên thường trực Ban chỉ đạo dự án tỉnh) và một số cán bộ giúp việc: kế hoạch (điều phối viên), kế toán, kỹ thuật, hành chính. Có từ 7 -9 người, là cán bộ chuyên trách hoặc kiêm nhiệm. Ban quản lý dự án tỉnh chịu trách nhiệm toàn diện trước Ban chỉ đạo dự án tỉnh và Văn phòng Ban Chương trình, tổ chức thực hiện và quản lý các hoạt động của dự án theo đúng quy định của chương trình và của Nhà nước.

3. Ban quản lý dự án tỉnh có chức năng nhiệm vụ sau:

Kế hoạch hoạt động hàng năm là một bộ phận trong tổng thể kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của ngành NN&PTNT của tỉnh. Xây dựng kế hoạch hoạt động hàng năm trình Ban chỉ đạo tỉnh xem xét trước khi trình Ban Chương trình duyệt

a. Tổ chức thực hiện kế hoạch và kiểm tra giám sát hoạt động dự án theo mục tiêu và kế hoạch được duyệt, bảo đảm sử dụng kinh phí hiệu quả, đúng tiến độ.

b. Thường trực giúp việc cho Ban chỉ đạo dự án tỉnh, báo cáo định kỳ cho các cấp theo quy định.

c. Hướng dẫn thực hiện các quy định của Nhà nước, và Ban chương trình tới các cấp huyện, xã, thôn bản.

d. Hỗ trợ dự án cấp huyện, xã, thôn bản trong việc tổ chức thực hiện hoạt động dự án.

đ. Tổ chức tập huấn, đào tạo cho cán bộ cấp tỉnh, huyện, xã, thôn bản, phối hợp các cấp nghiệm thu đánh giá các hoạt động.

e. Kiểm tra, giám sát cấp huyện, xã, thôn bản trong các nội dung hoạt động và quản lý tài chính và sử dụng ngân sách.

f. Báo cáo tiến độ hoạt động theo Hệ thống thông tin quản lý và đánh giá (MILS) và báo cáo tài chính theo chế độ kế toán Việt Nam và SCALA.

g. Tổng kết, đúc rút kinh nghiệm, phương pháp và tài liệu hoá các hoạt động.

Điều 10: Ban quản lý dự án Huyện:

1. Ban quản lý dự án huyện do Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND huyện làm Trưởng ban. Các thành viên: Trưởng Trạm Khuyến nông, hoặc Phòng NN&PTNT hoặc Hạt Kiểm lâm) là Phó Ban thường trực, điều phối viên, kế toán,cán bộ chuyên môn và các đoàn thể khác. Ban quản lý có 6 -7 người.

2. Ban quản lý dự án cấp huyện có nhiệm vụ:

a. Xây dựng kế hoạch hoạt động hàng năm của huyện nhằm tăng cường nâng cao năng lực cấp huyện và hoạt động hỗ trợ cấp xã thôn bản.

b. Chịu trách nhiệm cùng Ban quản lý dự án tỉnh kiểm tra theo dõi hỗ trợ hoạt động theo kế hoạch cho cấp xã, thôn bản đúng tiến độ bảo đảm chất lượng hiệu quả và quản lý sử dụng ngân sách theo quy định.

c. Hướng dẫn cấp xã xây dựng kế hoạch hành động hàng năm theo hướng dẫn chung của chương trình và định hướng của tỉnh.

d. Chấp hành chế độ báo cáo, tiến độ báo cáo tài chính, chế độ kế toán, thanh quyết toán của Nhà nước và của chương trình.

đ. Cùng dự án tỉnh tổ chức tập huấn, hội thảo về quản lý, kỹ thuật cho cấp huyện (có thể cả cấp xã).

e. Hỗ trợ dự án cấp xã, thôn bản tổ chức thực hiện hoạt động của dự án.

Điều 11. Ban quản lý dự án cấp xã:

1. Ban quản lý dự án cấp xã do Chủ tịch UBND xã làm Trưởng ban - các thành viên: (có thể là cán bộ tài chính ngân sách xã, kế toán dự án) và cán bộ khuyến nông lâm, đại diện các đoàn thể khác - Ban quản lý dự án xã có từ 4-5 người.

2. Ban quản lý dự án xã có nhiệm vụ có chức năng nhiệm vụ sau:

Lập kế hoạch phát triển hàng năm của xã, đồng thời tổng hợp kế hoạch phát triển của thôn bản trên địa bàn xã trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức thực hiện kế hoạch đó.

a. Trong quá trình xây dựng kế hoạch hàng năm và tổ chức thực hiện, giám sát kiểm tra đánh giá hoạt động cấp xã và thôn bản cần phối hợp với Ban quản lý tỉnh, huyện nhằm đảm bảo kế hoạch có tính khả thi và hiệu quả cao.

b. Chịu trách nhiệm trực tiếp quản lý nguồn ngân sách hoạt động ở cấp xã và cấp thôn bản. Đảm bảo cấp ngân sách cho thôn bản theo quy định.

c. Quản lý hoạt động các nhóm "quản lý dự án thôn bản", phối hợp với cấp tỉnh, huyện trong tập huấn quản lý, kỹ thuật.

d. Tổng hợp, lưu giữ chứng từ gốc và thanh toán các hoạt động cấp xã và thôn bản theo quy định hiện hành.

đ. Chấp hành chế độ báo cáo tiến độ và báo cáo tài chính theo quy định.

Điều 12. Nhóm quản lý dự án thôn bản

1. Được dân bầu ra có 3 -5 người, gồm: 1 nhóm trưởng (có thể là trưởng thôn), 1 khuyến nông viên thôn bản, 1 cán bộ tín dụng (có thể là cán bộ tín dụng kiêm kế toán), 1 kế toán và các đoàn thể khác

2. Nhóm quản lý thôn bản có chức năng và nhiệm vụ sau:

a. Tổ chức người dân tham gia vào đợt lập kế hoạch phát triển và đánh giá việc thực hiện kế hoạch hàng năm (Đánh giá về Kinh tế - xã hội và môi trường).

b. Tổ chức toàn thôn bản thực hiện kế hoạch phát triển thôn bản đã được duyệt.

c. Quản lý vật tư kỹ thuật, nguồn kinh phí hỗ trợ, tổ chức các lớp tập huấn và chuyển giao kỹ thuật, phân phối sự hỗ trợ cho các đối tượng theo quy định của chương trình.

d. Tổ chức và thực hiện công tác tín dụng tiết kiệm tại thôn bản.

đ. Tổ chức công tác dịch vụ, phục vụ việc phát triển sản xuất tại thôn, bản.

e. Tham gia các hội nghị, hội thảo và các lớp tập huấn về quản lý và kỹ thuật do dự án tổ chức.

f. Chấp hành chế độ báo cáo tiến độ và báo cáo tài chính theo quy định:

g. Cam kết sử dụng vốn theo cách tốt nhất cho nhân dân ở trong cộng đồng.

h. Tổ chức cuộc họp dân làng thường xuyên cho tất cả các hộ gia đình trong thôn bản tham gia để đánh giá quá trình thực hiện các kế hoạch phát triển thôn bản.

i. Nhân dân ở thôn bản phải nhất trí kế hoạch sử dụng quĩ phát triển thôn bản.

k. Phải có cam kết giữa thôn, bản, xã và huyện về các hoạt động và kết quả cuối cùng, đóng góp của Chương trình MRDP và thôn bản và làm thế nào để kiểm tra đánh giá kết quả cuối cùng đã thực hiện.

Điều 13. Nhiệm vụ của giám đốc dự án các cấp.

Các Giám đốc dự án chịu trách nhiệm:

Thực thi dự án theo kế hoạch hoạt động hàng năm đã phê duyệt.

Báo cáo và giám sát các hoạt động dự án.

Cung cấp tư liệu cho các báo cáo hàng năm và xây dựng kế hoạch hoạt động hàng năm.

Quản lý tài chính theo ngân sách dự án theo kế hoạch hoạt động hàng năm.

Ban quản lý dự án các cấp chịu trách nhiệm quản lý, chỉ đạo, tổ chức thực hiện kế hoạch của cấp mình theo phân cấp và chịu sự kiểm tra giám sát của cấp trên mình.

CHƯƠNG III

MỐI QUAN HỆ LÀM VIỆC

VÀ QUY ĐỊNH CHẾ ĐỘ SINH HOẠT VÀ BÁO CÁO

Điều 14: Mối quan hệ làm việc.

Ban chương trình làm việc theo chế độ tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Các thành viên của Ban có trách nhiệm giải quyết các công việc được phân công theo lĩnh vực mình phụ trách.

Thành viên Ban chương trình các tỉnh, đồng thời là Trưởng ban chỉ đạo dự án tỉnh chịu trách nhiệm quản lý chỉ đạo việc tổ chức thực hiện và điều phối các nguồn lực trong phạm vi tỉnh.

Ban quản lý dự án tỉnh chịu sự quản lý và chỉ đạo về chuyên môn, nghiệp vụ của văn phòng chương trình và thực hiện chế độ báo cáo định kỳ theo quy định.

Điều 15: Chế độ sinh hoạt.

1. Ban chương trình họp định kỳ một năm 2 lần để xem xét và quyết định về chủ trương phương hướng và thông qua kế hoạch và ngân sách hoạt động hàng năm của chương trình, kiểm điểm đánh giá kết quả hoạt động của chương trình.

2. Hội nghị các Giám đốc dự án một năm 2 lần để triển khai kế hoạch năm và tổ chức thực hiện nội dung biên bản thoả thuận, tổng kết đánh giá hoạt động năm và 6 tháng, tổ chức hội nghị đánh giá giữa kỳ và hàng năm giữa Bộ NN&PTNT và SIDA.

Trong trường hợp cần thiết Trưởng ban chương trình có thể triệu tập hội nghị Ban chương trình bất thường để giải quyết các vấn đề cần thiết thuộc lĩnh vực hoạt động của chương trình. Thành phần họp ngoài thành viên chương trình do Trưởng ban quy định.

3. Các cấp quản lý dự án sinh hoạt định kỳ 1 tháng 1 lần (giám đốc các cấp dự án có thể triệu tập hội nghị bất thường nếu cần thiết).

Điều 16: Chế độ Báo cáo:

1. Báo cáo hoạt động quý theo hệ thống thông tin quản lý và đánh giá (MILS) được thực hiện theo các cấp của dự án tủnh, huyện và dự án tăng cường khả năng tư vấn cấp Bộ 3 tháng 1 lần cấp xã và thôn bản 6 tháng/1lần. Chậm nhất vào ngày 10 tháng đầu của quý sau, dự án tỉnh và dự án Bộ gửi về Văn phòng Ban Chương trình.

2. Báo cáo kết thúc năm và báo cáo cho chuẩn bị hội nghị kiểm điểm giữa kỳ và hàng năm, được đánh giá toàn diện tiến độ, hiệu quả, tồn tại, các bài học kinh nghiệm và kiến nghị

3. Kết thúc giai đoạn, Ban quản lý dự án các cấp thực hiện việc báo cáo đánh giá hoạt động chương trình và thanh quyết toán theo chế độ hiện hành.

4. Các báo cáo tài chính thực hiện theo chế độ kế toán Việt nam quy định và theo hệ thống tài chính Thuỵ điển (SCALA), thực hiện định kỳ 3 tháng/1 lần. Chậm nhất vào ngày 10 đầu quí tiếp theo dự án tỉnh và dự án Bộ gửi cho Văn phòng Ban Chương trình.

5. Cấp gửi báo cáo: các cấp tổng hợp số liệu báo cáo theo mẫu hướng dẫn của hệ thống thông tin quản lý và đánh giá (MILS )và hệ thống tài chính.

Cấp xã tổng hợp báo cáo của xã và thôn bản gửi huyện

Cấp huyện tổng hợp báo cáo của huyện và xã thuộc huyện gửi tỉnh

Cấp tỉnh tổng hợp báo cáo của tỉnh và các huyện gửi ban chỉ đạo tỉnh và Văn phòng Ban Chương trình.

Văn phòng Ban Chương trình tổng hợp báo cáo của các dự án gửi Ban Chương trình, Ban quản lý các dự án lâm nghiệp và các cơ quan liên quan. 

CHƯƠNG IV

CÔNG TÁC QUẢN LÝ KẾ HOẠCH

Điều 17:

1. Công tác xây dựng kế hoạch hoạt động hàng năm của các cấp dự án sẽ thực hiện theo bản hướng dẫn xây dựng Kế hoạch hoạt động APO hàng năm của Ban Chương trình.

Nguyên tắc cơ bản: APO của dự án là một bộ phận của kế hoạch phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn của tỉnh, huyện, xã và thôn bản, đơn vị.

a. Việc xây dựng kế hoạch phải đảm bảo phi tập trung hoá, phân cấp cho các cấp quyền xác định và tổ chức thực hiện kế hoạch.

b. Đa dạng hoá các hoạt động và có người dân tham gia.

c. Cơ cấu xây dựng kế hoạch.

Cơ cấu hỗ trợ (Cấp tỉnh, huyện)

Cơ cấu yêu cầu (Cấp xã, thôn bản)

d. Phương pháp lập kế hoạch được xác định từ:

Kết quả (bước 1)

Các hoạt động (bước 3)

Hiện trạng (bước 2)

2. Ban quản lý dự án các cấp là người chịu trách nhiệm xây dựng Kế hoạch hoạt động hàng năm của cấp mình. Tổng hợp toàn bộ kế hoạch của Dự án bao gồm tỉnh, huyện, xã, thôn bản) được thông qua Ban điều hành dự án tỉnh và UBND tỉnh. Sau đó gửi Văn phòng Ban Chương trình để tổng hợp trình Bộ NN&PTNT và SIDA xem xét phê duyệt. Kế hoạch hoạt động của các dự án trong toàn chương trình sẽ được Bộ NN&PTNT quyết định giao kế hoạch chính thức.

3. Kế hoạch ngân sách hàng năm bao gồm: ngân sách do Thuỵ Điển tài trợ và ngân sách của Việt Nam đóng góp.

Căn cứ vào kế hoạch đã được duyệt, giám đốc dự án trình UBND tỉnh giao kế hoạch cho các cấp tỉnh, huyện, xã, thôn bản (hoặc uỷ nhiệm cho Ban quản lý dự án tỉnh giao kế hoạch).

4. Dự toán chi tiêu cho các hoạt động được lập trên cơ sở kế hoạch hoạt động đã được phê duyệt và các định mức chung đã quy định của chương trình. Trong trường hợp một số hoạt động chưa có định mức của chương trình thì sử dụng định mức của địa phương quy định

5. Trong quá trình thực hiện kế hoạch, phải kiểm tra giám sát việc thực hiện bảo đảm tiến độ và chất lượng đúng chế độ chính sách và thực hiện đúng quy định về báo cáo, theo hệ thống thông tin quản lý và đánh giá (MILS.)

Điều 18: Hoạt động đào tạo nước ngoài của toàn chương trình do Văn phòng Ban Chương trình chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện trên cơ sở Kế hoạch hoạt động hàng năm đã được duyệt - ngân sách cho đào tạo nước ngoài nằm trong kế hoạch hàng năm của các dự án.

Điều 19: Điều chỉnh kế hoạch hoạt động năm:

1. Căn cứ tình hình kết quả thực hiện kế hoạch 6 tháng đầu năm, những phát sinh mới nếu cần điều chỉnh Kế hoạch hoạt động hàng năm thì giám đốc dự án đề nghị Ban Chương trình và SIDA cho phép điều chỉnh kế hoạch hoạt động năm của dự án.

2. Việc điều chỉnh chỉ thực hiện khi có sự phê duyệt của Ban Chương trình và SIDA

CHƯƠNG VI

QUẢN LÝ TÀI CHÍNH VÀ TỔ CHỨC KẾ TOÁN

Điều 20: Lập dự toán, mở tài khoản, giải ngân và xác nhận viện trợ

1. Lập dự toán ngân sách của chương trình

a. Dự toán ngân sách của chương trình bao gồm kinh phí viện trợ của Thuỵ Điển và kinh phí đóng góp theo hình thức vốn đối ứng của Việt Nam được quy định cụ thể trong cả giai đoạn 5 năm, chia ra từng năm.

b. Việc thay đổi cơ cấu, các khoản mục chi tiết của chương trình chỉ được thực hiện trên cơ sở thoả thuận giữa Bộ NN&PTNT và SIDA.

c. Hàng năm chương trình phải lập dự toán thu, chi ngân sách theo đúng nội dung, mẫu biểu quy định và gửi đúng thời hạn cho SIDA và Bộ NN&PTNT (Vụ Kế hoạch và Quy hoạch, Vụ Tài chính Kế toán).

d. Căn cứ để lập dự toán ngân sách là kế hoạch khối lượng hoạt động của chương trình, các định mức chi phí đã được SIDA và Bộ NN&PTNT cho phép và khả năng thực tế thực hiện chương trình trong năm.

đ. Dự toán ngân sách của chương trình được Bộ NN&PTNT phê duyệt hàng năm.

g. Chi tiêu cho các hoạt động phải căn cứ vào APO và phải lập dự toán được Trưởng Ban Quản lý dự án các cấp phê duyệt mới được thực hiện.

Cấp thôn bản lập dự toán phải có xác nhận của Ban quản lý xã.

Ban quản lý xã tổng hợp dự toán của xã và các nhóm thôn bản được Ban quản lý huyện xác nhận trước khi làm thủ tục nhận tiền tại Kho bạc hoặc ngân hàng.

2. Mở tài khoản:

a. Văn phòng Ban Chương trình

Mở tài khoản ngoại tệ tại Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam để tiếp nhận nguồn vốn viện trợ của SIDA.

Mở tài khoản tiền gửi tại Kho bạc nhà nước Hà Nội để tiếp nhận tiền vốn đối ứng cho Văn phòng Ban chương trình.

Trưởng Ban của Ban quản lý các dự án lâm nghiệp được đăng ký chủ tài khoản và Trưởng phòng Tài chính kế toán của Ban được đăng ký Kế toán trưởng của hai tài khoản nói trên. Việc uỷ quyền giao dịch với Ngân hàng, Kho bạc do Trưởng Ban quản lý các dự án lâm nghiệp quyết định.

b. Dự án Tăng cường khả năng tư vấn cấp Bộ

Dự án này do lãnh đạo Vụ Chính sách NN&PTNT làm Giám đốc dự án. Tài khoản của dự án được mở tại Ngân hàng do Chánh Văn phòng Bộ đăng ký chủ tài khoản, Kế toán trưởng Văn phòng Bộ đăng ký Kế toán trưởng của tài khoản.

c. Nghiên cứu chiến lược:

Tài khoản của dự án được mở tại Ngân hàng do Chánh văn phòng Bộ đăng ký chủ tài khoản, Kế toán trưởng Văn phòng Bộ đăng ký Kế toán trưởng của tài khoản.

Văn phòng Bộ NN&PTNT giúp hai dự án quản lý tài chính và tổ chức kế toán đảm bảo thực hiện tốt mục tiêu và kế hoạch hoạt động của chương trình theo quy định hiện hành của nhà nước và hướng dẫn của Bộ NN&PTNT.

d. Điều phối ngành:

Nhận tiền tại tài khoản của Văn phòng Ban Chương trình

đ. Ban quản lý dự án tỉnh, huyện, xã

Các ban quản lý dự án tỉnh, huyện, xã thuộc vùng dự án được mở tài khoản tại Ngân hàng hoặc Kho bạc nhà nước tỉnh, huyện để tiếp nhận vốn viện trợ từ Văn phòng Ban chương trình và vốn đối ứng thuộc ngân sách địa phương.

3. Giải ngân:

a. Căn cứ vào kế hoạch và dự toán ngân sách đã được phê duyệt hàng năm, Văn phòng chương trình chuyển tiền cho các dự án.

b. Chuyển tiền nguồn Thuỵ Điển đóng góp

Văn phòng chương trình chuyển tiền vào tài khoản dự án các tỉnh, dự án Tăng cường khả năng tư vấn cấp Bộ, Nghiên cứu chiến lược 3 tháng/lần gồm ngân sách của Tỉnh, huyện, xã và thôn bản.

Dự án tỉnh chuyển tiền cho huyện, gồm:

Tài khoản dự án huyện: phần kế hoạch của huyện (3 tháng/lần)

Tài khoản dự án xã tại huyện: phần kế hoạch của xã và của thôn bản (6 tháng/lần)

Thôn bản nhận tiền trực tiếp tại xã

c. Chuyển tiền nguồn Việt Nam đóng góp

Văn phòng chương trình và dự án Tăng cường khả năng tư vấn cấp Bộ do Bộ NN&PTNT cấp

Các Dự án Tỉnh, huyện, xã, thôn bản do Uỷ ban Nhân dân Tỉnh cấp.

4. Xác nhận viện trợ

Thực hiện theo quy định tại Thông tư số 22/1999/TT/BTC ngày 26/2/1999 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ quản lý tài chính nhà nước đối với nguồn viện trợ không hoàn lại.

Giấy xác nhận tiền, hàng viện trợ được lập theo mẫu số 1 và số 2. Trưởng Ban quản lý các dự án lâm nghiệp là người ký bản kê khai xác nhận viện trợ.

Điều 21: Mua sắm tài sản, thiết bị, vật tư, đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý tài sản cố định

1. Mua sắm tài sản, thiết bị, vật tư

a. Chương trình chỉ được mua sắm tài sản, thiết bị, vật tư trong kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo Hiệp định và kế hoạch hàng năm và phải thực hiện đúng quy chế mua sắm hiện hành.

b. Đối với thiết bị vật tư nhập khẩu: Văn phòng Ban chương trình báo cáo Trưởng ban quản lý các dự án lâm nghiệp tổ chức thực hiện.

c. Thiết bị vật tư trong ngước: Thực hiện theo phân cấp cho các cấp được phản ánh trong kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

d. Việc mua sắm vật tư thiết bị thực hiện theo quy định cụ thể của văn kiện chương trình tháng 5 năm 1996 và Hiệp định về hợp tác phát triển nông thôn miền núi giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Vương quốc Thuỵ Điển ký ngày 22/8/1996.

2. Đầu tư xây dựng cơ bản

a. Theo kế hoạch ngân sách của chương trình, đầu tư xây dựng cơ bản chủ yếu là xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn.

b. Trên cơ sở kế hoạch xây dựng và thiết kế dự toán đã được phê duyệt, Giám đốc dự án có trách nhiệm thực hiện quy chế quản lý đầu tư và xây dựng ban hành kèm theo Nghị định số 52/1999/NĐ-CP, ngày 8/7/1999 của Chính phủ và quy chế đấu thầu ban hành kèm theo Nghị định số 88/1999/NĐ-CP, ngày 1/9/1999 của Chính phủ.

3. Quản lý tài sản cố định

a. Những tài sản của chương trình do mua sắm, xây dựng hoàn thành có đủ tiêu chuẩn tài sàn cố định phải được tổ chức quản lý, theo dõi, phản ánh đầy đủ, chính xác, kịp thời cả về mặt số lượng, giá trị và hiện trạng.

b. Trong suốt quá trình hoạt động, chương trình không được điều động, trao đổi, mua bán tài sản cố định.

c. Riêng đối với xe máy, ngoài quy định nêu trên, dù giao hẳn cho cá nhân sử dụng để phục vụ Chương trình, nhất thiết phải đăng ký biển xe công (biển xanh). Khi thay đổi công tác phải thu hồi ngay để giao cho người khác đúng đối tượng sử dụng.

Điều 22: Phân cấp quản lý chi tiêu

1. Nguyên tắc chung

Chi tiêu cho mọi hoạt động của chương trình bằng nguồn vốn viện trợ của Thuỵ Điển cũng như nguồn kinh phí đối ứng của Việt Nam đều phải đảm bảo đủ các điều kiện sau đây:

a. Đúng mục tiêu của Chương trình trong kế hoạch hoạt động được duyệt.

b. Đúng định mức cho phép, bằng hoặc ít hơn dự toán được duyệt. Nếu vượt dự toán phải giải trình rõ và phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

c. Đúng quy trình mua sắm, quy chế đấu thầu hiện hành.

d. Đúng quyền hạn, trách nhiệm theo phân cấp quản lý.

đ. Có đủ chứng từ hợp lệ, hợp pháp, hợp lý để chứng minh.

2. Phân cấp quản lý chi tiêu

a. Các đơn hàng mua sắm thiết bị vật tư và các hợp đồng dịch vụ đã có đủ các điều kiện trên đây, chủ dự án được quyết định mức chi tiêu như sau:

b. Giám đốc dự án tỉnh, bộ: Dưới 50 triệu đồng

c. Trưởng ban quản lý dự án huyện: Dưới 10 triệu đồng

d. Trưởng ban quản lý dự án xã: Dưới 5 triệu đồng

Những khoản chi tiêu vượt mức nói trên phải báo cáo cơ quan quản lý cấp trên xem xét giải quyết.

Điều 23: Chế độ phụ cấp cho nhóm quản lý dự án xã và thôn bản

Để sử dụng ngân sách dự án có hiệu quả cho cộng đồng xã và thôn bản, đồng thời thù lao một phần công sức của những người tham gia công việc chung của dự án ở địa phương, Bộ NN&PTNT nhất trí yêu cầu của SIDA, ban hành chế độ phụ cấp cho nhóm quản lý dự án xã và thôn bản như sau:

1. Nguồn kinh phí

Vốn viện trợ của Thuỵ Điển trong dự toán ngân sách hàng năm của dự án xã và thôn bản đã được Ban quản lý dự án tỉnh xét duyệt.

2. Đối tượng thu hưởng

Thành viên ban quản lý dự án xã, gồm 3 - 4 người

Nhóm quản lý thôn, bản từ 3 - 5 người do dân bầu

3. Mức phụ cấp

a. Phụ cấp hàng tháng cho các thành viên tham gia dự án thuộc các đối tượng nói trên và hỗ trợ chi phí giấy bút để ghi chép, theo dõi, nước uống khi hội họp bằng 15% tổng dự toán ngân sách hàng năm của dự án xã, thôn bản.

b. Mức phụ cấp cụ thể cho từng đối tượng do Uỷ ban nhân dân xã đề nghị, Uỷ ban nhân dân huyện xét duyệt.

Điều 24: Chế độ kế toán, kiểm toán và quyết toán

1. Chế độ kế toán

a. Văn phòng Ban Chương trình cũng như ở Ban quản lý dự án tỉnh và dự án Bộ thuộc Chương trình phát triển nông thôn miền núi Việt Nam - Thuỵ Điển đều phải tổ chức kế toán dự án riêng. Toàn bộ chứng từ, hồ sơ, tài liệu kế toán phải được hệ thống hoá, tập hợp phản ánh vào các sổ kế toán tổng hợp và sổ kế toán chi tiết theo quy định hiện hành của nhà nước.

b. Ngoài việc thực hiện quy chế báo cáo tài chính theo yêu cầu của SIDA, Chương trình phát triển nông thôn miền núi Việt Nam - Thuỵ Điển phải thực hiện chế độ báo cáo tài chính định kỳ, thẩm tra báo cáo quyết toán hàng năm theo quy định tại Quyết định số 999-TC/QĐ/CĐKT, ngày 2/11/1996 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc ban hành Hệ thống chế độ kế toán hành chính sự nghiệp, Thông tư số 22/1999/TT/BTC, ngày 26/2/1999 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ quản lý tài chính nhà nước đối với nguồn viện trợ không hoàn lại và các văn bản hướng dẫn cụ thể của Bộ NN&PTNT.

c. Căn cứ nội dung hoạt động của các dự án và các quy định cụ thể của chế độ kế toán nói trên, Chương trình lựa chọn hệ thống chứng từ phù hợp, hình thức kế toán hợp lý là "Nhật ký - sổ cái". Trường hợp thực hiện vào sổ kế toán trên máy vi tính thì hàng tháng phải được in ra giấy, đóng thành quyển và chấp hành đúng các quy định hiện hành về sổ kế toán.

Thực hiện chế độ kế toán đối với dự án nghiên cứu chiến lược và dự án điều phối ngành

Dự án nghiên cứu chiến lược do Vụ Khoa học công nghệ và Chất lượng sản phẩm, Bộ NN&PTNT làm chủ dự án nên cũng giống như dự án Bộ, công tác quản lý tài chính và tổ chức kế toán dự án được thực hiện tại Văn phòng Bộ NN&PTNT.

Dự án điều phối ngành do Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ NN&PTNT làm chủ dự án, nhận tiền từ văn phòng Ban chương trình và tự tổ chức kế toán theo dõi theo hình thức báo sổ, chịu trách nhiệm thanh quyết toán với Văn phòng Ban chương trình.

2. Kiểm toán

a. Kiểm toán quốc tế theo yêu cầu của SIDA được thực hiện bằng nguồn kinh phí viện trợ của Thuỵ Điển.

b. Kiểm toán độc lập trong nước được thực hiện bằng nguồn kinh phí đối ứng hàng năm của Chính phủ.

c. Hợp đồng kiểm toán phải căn cứ kết quả đấu thầu.

d. Những ý kiến đề nghị, đề xuất của cơ quan kiểm toán cần được thực hiện nghiêm túc trước khi báo cáo tài chính được gửi cho SIDA và Bộ NN&PTNT.

3. Báo cáo quyết toán dự án hoàn thành và bàn giao tài sản

a. Hàng năm và khi kết thúc chương trình, các dự án có trách nhiệm báo cáo quyết toán thu, chi ngân sách phát sinh tại đơn vị. Sau khi đã có kết quả kiểm toán, Văn phòng Chương trình sẽ tổng hợp chung quyết toán năm, quyết toán dự án hoàn thành của toàn chương trình.

b. Vụ Tài chính kế toán của Bộ NN&PTNT chủ trì việc thẩm tra quyết toán dự án hàng năm và tổng quyết toán dự án hoàn thành của toàn chương trình, trình Bộ trưởng Bộ NN&PTNT ra quyết định phê duyệt quyết toán dự án theo quy định hiện hành.

c. Sau khi phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp với Bộ Tài chính tổ chức việc bàn giao tài sản của Chương trình phát triển nông thôn miền núi Việt Nam - Thuỵ Điển cho các đơn vị quản lý sử dụng.

CHƯƠNG VII

CÔNG TÁC QUẢN LÝ KỸ THUẬT

Điều 25: Công tác quản lý kỹ thuật cấp Chương trình do Văn phòng Ban chương trình thực hiện. Cấp dự án do các bộ phận (nhóm) chuyên môn (khuyến nông, tín dụng, tiết kiệm, phát triển kinh doanh, phát triển cân bằng giới, phát triển nhân lực..) thực hiện dưới sự chỉ đạo của Giám đốc dự án.

Điều 26: Quản lý kỹ thuật được thực hiện theo các điều khoản của các quy chế và quy định đã được ban hành theo các lĩnh vực chuyên môn như quy định về nghiên cứu ứng dụng, quy chế phát triển kinh doanh, quy chế hoạt động tín dụng - tiết kiệm.

Điều 27: Yêu cầu về phát triển kỹ thuật của các địa phương (dự án) phải được thể hiện trong các nội dung hoạt động trong Kế hoạch hoạt động hàng năm và được đánh giá thông qua các báo cáo quý và báo cáo năm, các đánh giá chuyên đề và các hội thảo đánh giá kỹ thuật hàng năm của Chương trình và các dự án.

CHƯƠNG VIII

CỐ VẤN CỦA CHƯƠNG TRÌNH

Điều 28:

1. Nhóm cố vấn cho chương trình bao gồm cố vấn là người nước ngoài và người trong nước làm việc dài hạn hoặc ngắn hạn - là một bộ phận giúp việc cho Ban chương trình, bên cạnh Văn phòng Ban Chương trình - việc tuyển chọn cố vấn cho chương trình có sự thống nhất giữa Công ty Tư vấn và Ban chương trình.

2. Nhiệm vụ của nhóm cố vấn:

a. Chịu trách nhiệm cung cấp hỗ trợ cho tất cả các hoạt động theo yêu cầu và theo ngân sách đã phê duyệt trong Kế hoạch hoạt động hàng năm.

b. Hỗ trợ Văn phòng Ban Chương trình và Giám đốc điều hành báo cáo và theo dõi thường xuyên hoạt động của các dự án.

c. Hỗ trợ Ban Chương trình, Văn phòng Ban Chương trình và tất cả các dự án tiếp xúc với SIDA để tăng cường hiểu biết chung.

3. Chi phí của nhóm cố vấn (những khoản chi trực tiếp tại Văn phòng chương trình).

a. Nhóm cố vấn sẽ được Văn phòng Ban Chương trình hỗ trợ hành chính, đi lại và phiên dịch. Các cố vấn sẽ làm việc với một hoặc nhiều tổ công tác.

b. Tất cả cố vấn đều làm việc tại Văn phòng Ban Chương trình, và được phân công cụ thể hỗ trợ các dự án theo yêu cầu.

c. Chi phí cho tất cả các hoạt động của cố vấn thực hiện trên cơ sở hợp đồng tư vấn giữa Bộ NN&PTNT và công ty tư vấn SCC - sẽ được xác định cụ thể theo kế hoạch hàng năm - Ngân sách này SIDA chuyển vào tài khoản của công ty tư vấn để thực hiện các nội dung đã cam kết. Riêng các chi phí về xe cộ đi lại, văn phòng phẩm và dịch vụ văn phòng được chi tại tài khoản văn phòng chương trình.

d. Thanh quyết toán các chi phí của công ty tư vấn với SIDA phải thông qua Giám đốc điều hành chương trình xác nhận.

Điều 29: Quan hệ làm việc giữa cố vấn trưởng và giám đốc điều hành chương trình.

Hàng tháng cố vấn trưởng và giám đốc điều hành, thảo luận và thống nhất chương trình nội dung công tác của từng cố vấn trong tháng (kể cả việc đi hiện trường)

Cố vấn trưởng và giám đốc điều hành mỗi tuần họp 1 lần để xem xét đánh giá các hoạt động của chương trình, thống nhất những vấn đề cần giải quyết.

Cố vấn trưởng sẽ điều phối, báo cáo các kế hoạch hoạt động và quản lý nhân sự của nhóm cố vấn.

Kết thúc một nhiệm kỳ công tác, và hoạt động năm, các cố vấn có báo cáo kết quả nội dung hoạt động của mình.

Điều 30:

1. Các nội dung hoạt động chuyên môn của cố vấn được phối hợp chặt chẽ với các bộ phận có liên quan của Văn phòng Ban Chương trình và các dự án tại các cấp hoạt động.

2. Chương trình làm việc của cố vấn được thông báo đến các dự án theo quy định nhằm tạo điều kiện thuận lợi và an toàn cho cố vấn khi đến làm việc với các dự án. 

CHƯƠNG IX

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 31. Bản quy chế này ban hành làm cơ sở cho việc thực hiện Chương trình Phát triển nông thôn miền núi Việt Nam - Thuỵ Điển. Có hiệu lực theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc Ban quản lý dự án các cấp phải phản ánh kịp thời cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu xem xét sửa đổi cho phù hợp với điều kiện thực tế của Chương trình./.

 


Nguồn: vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=6224&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận