Văn bản pháp luật: Quyết định 417/CT

 
Toàn quốc
Công báo số 1/1992;
Quyết định 417/CT
Quyết định
26/12/1991
26/12/1991

Tóm tắt nội dung

Về việc sắp xếp lại tổ chức ngành điện ảnh

 
1.991
 

Toàn văn

QUYếT địNH

QUYẾT ĐỊNH

Về việc sắp xếp lại tổ chức ngành điện ảnh

 

Thực hiện Nghị quyết số 109-HĐBT ngày 12-4-1991 của Hội đồng Bộ trưởng về sắp xếp lại tổ chức biên chế hành chính sự nghiệp;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thông tin và Thể thao, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng quyết định việc sắp xếp lại tổ chức ngành điện ảnh như sau:

 

I. NGUYÊN TẮC VÀ PHƯƠNG HƯỚNG:

Điện ảnh là một ngành nghệ thuật tổng hợp quan trọng đồng thời là công cụ giáo dục chính trị và tư tưởng của Đảng và Nhà nước. Mặt khác hoạt động điện ảnh còn mang tính chất của một ngành sản xuất. Vì vậy, khi tiến hành sắp xếp phải quán triệt các nguyên tắc và phương hướng sau:

1. Bảo đảm sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước đối với hoạt động của ngành điện ảnh về những vấn đề có tính nguyên tắc trên cơ sở phân biệt chức năng quản lý Nhà nước của Bộ và Uỷ ban Nhân dân các cấp với chức năng sản xuất kinh doanh, sự nghiệp của các cơ sở; tạo điều kiện để các đơn vị và cá nhân hoạt động điện ảnh làm tốt chức năng chính là phục vụ chính trị, xã hội.

2. Khắc phục cách tổ chức gò bó, khép kín, phân tán, chia cắt; khuyến khích các đơn vị và cá nhân hoạt động điện ảnh phát huy khả năng chủ động sáng tạo, cạnh tranh nhau thông qua chất lượng sản phẩm điện ảnh phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị, xã hội; đồng thời khắc phục tình trạng buông lỏng "thương mại hoá" hoạt động điện ảnh.

3. Trên cơ sở lấy yêu cầu phục vụ nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ xã hội là chính, điện ảnh cũng phải thực hiện cơ chế quản lý mới: mọi hoạt động đều phải tính đến hiệu quả, tính toán chặt chẽ các khoản thu, chi, không tuỳ tiện làm với bất cứ giá nào, và phải chịu trách nhiệm về sản phẩm của mình. Nhưng do tính đặc thù của ngành điện ảnh tránh khuynh hướng xoá bao cấp tràn lan, phải phân biệt loại hoạt động và đơn vị tự trang trải, Nhà nước không tài trợ, loại hoạt động Nhà nước còn phải tài trợ một phần hoặc tài trợ hoàn toàn.

II. CHỦ TRƯƠNG SẮP XẾP:

1. Về tổ chức: Chấm dứt hoạt động của Liên hiệp điện ảnh. Tổ chức lại các khâu sản xuất, phát hành và chiếu phim trong ngành điện ảnh theo các chủ trương sau đây:

a) Về sản xuất: Tổ chức lại các đơn vị trong ngành điện ảnh thành một số hãng hoặc xí nghiệp, xưởng ... Mỗi đơn vị chuyên sản xuất một loại phim (phim truyện, thời sự, tài liệu, hoạt hình hoặc phim thiếu nhi v.v...) có thể làm thêm một vài loại khác ngoài phim chính.

Các đơn vị hoạt động điện ảnh, dù quy mô hay hình thức thế nào đều phải hạch toán (tính toán chặt chẽ các khoản thu, chi lỗ lãi) nhằm phấn đấu bảo đảm cân bằng thu, chi, tiến tới có lãi. Từ nay Nhà nước chỉ tài trợ (tuỳ từng trường hợp mà tài trợ một phần hay toàn bộ) cho các loại phim phục vụ yêu cầu chính trị (phim tư liệu, phim thiếu nhi); không tài trợ lan tràn hoặc tài trợ theo đơn vị. Việc cho vay vốn được giải quyết theo chu kỳ sản xuất kinh doanh điện ảnh.

Các đơn vị có thể kinh doanh độc lập hoặc có thể liên kết với nhau bằng các hình thức hợp tác, liên doanh hoặc lập các hiệp hội theo nguyên tắc tự nguyện, không gò bó, gán ép làm hạn chế quyền chủ động, sáng tạo của các đơn vị hoặc cá nhân hoạt động điện ảnh.

b) Về phát hành phim: Để thúc đẩy đơn vị sản xuất nâng cao chất lượng phim và chịu trách nhiệm đến cùng về sản phẩm của mình, đồng thời tránh khâu trung gian, bớt chi phí, từng đơn vị sản xuất phim được uỷ thác cho tổ chức phát hành hoặc tự phát hành phim dưới hình thức hợp đồng mua, bán hoặc cho thuê với các đơn vị chiếu bóng trong nước. Tăng cường quản lý xuất nhập khẩu phim. Đơn vị đủ tư cách pháp nhân được quyền xuất khẩu phim do mình làm ra và được nhập khẩu các thiết bị cho đơn vị mình.

Việc nhập khẩu các loại phim từ nước ngoài vào, dưới bất kỳ hình thức gì (mua, đại lý phát hành phim v.v...) đều do đơn vị quốc doanh được Bộ Văn hoá - Thông tin và Thể thao chỉ định đảm nhiệm.

c) Về chiếu phim: Các thành phần kinh tế đều được tham gia kinh doanh chiếu phim dưới hình thức cùng đơn vị quốc doanh xây dựng, quản lý các rạp hoặc tự bỏ vốn xây dựng, quản lý rạp chiếu phim. Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố thực hiện việc kiểm soát về nội dung các phim được chiếu, giấy phép về kinh doanh chiếu phim, về thuế và các mặt khác theo chức năng quản lý Nhà nước trên địa bàn lãnh thổ.

Mọi hoạt động chiếu phim do đơn vị có rạp chiếu phim tự trang trải là chính. Nhà nước chỉ tài trợ 100% kinh phí cho hoạt động chiếu phim ở miền núi, vùng đồng bào dân tộc, các vùng nông thôn hẻo lánh, hải đảo và có chính sách thuế ưu đãi đối với việc nhập khẩu phim cho thiếu nhi, phim tài liệu. Bộ Tài chính nghiên cứu trình Hội đồng Bộ trưởng về việc này.

d) Trên cơ sở tổ chức lại các khâu sản xuất, phát hành, chiếu phim, phải bổ sung, sửa đổi chính sách đối với các nghệ sĩ điện ảnh chuyên nghiệp theo hướng: lương cơ bản xếp theo trình độ, chất lượng cống hiến chứ không theo thâm niên, ngoài lương cơ bản có thưởng, phụ cấp tuỳ theo loại phim và chất lượng phim. Đối với loại phim mà Nhà nước còn tài trợ cũng có trợ cấp, có thưởng để khuyến khích nghệ sĩ phát huy tài năng.

Đối với cán bộ, nhân viên khác cũng cần có chính sách đãi ngộ phù hợp với đặc thù của hoạt động điện ảnh.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu gấp các thang lương, bậc lương của ngành điện ảnh theo hướng nói trên.

2. Bộ Văn hoá - Thông tin và Thể thao có trách nhiệm:

a) Tiến hành việc sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp, kinh doanh (thuộc Liên hiệp điện ảnh hiện nay) dưới các hình thức tổ chức thích hợp (hãng hoặc xí nghiệp, xưởng sản xuất, Công ty...) xác định những đơn vị cần tiếp tục giữ lại và củng cố, những đơn vị cần sáp nhập hoặc tổ chức lại, những đơn vị cần phân cấp cho địa phương quản lý, những đơn vị do Bộ trực tiếp quản lý, thực hiện tinh giản bộ máy và biên chế.

Thực hiện việc giao vốn, tài sản (bao gồm cả vốn, tài sản của Liên hiệp điện ảnh) cho các đơn vị đã được tổ chức lại, giải quyết chính sách, chế độ đối với những người không tiếp tục ở trong biên chế theo Nghị quyết 109 và Quyết định 111 của Hội đồng Bộ trưởng.

b) Chủ trì có sự phối hợp của các Bộ có liên quan nghiên cứu trình Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ban hành hoặc Liên bộ ban hành các quy định cụ thể để thực hiện chủ trương tổ chức lại ngành điện ảnh, trước hết là xác định những tổ chức và cá nhân được tham gia hoạt động điện ảnh, các chế độ về đầu tư, tài trợ kinh phí, cho vay tín dụng, thuế ... đối với đơn vị hoạt động điện ảnh; chế độ đối với nghệ sĩ và cán bộ, nhân viên ngành điện ảnh.

Các công việc nói ở các điểm a, b trên đây phải hoàn thành xong trong quý II năm 1992.

3. Về tổ chức quản lý:

a) Bộ Văn hoá - Thông tin và Thể thao chịu trách nhiệm quản lý Nhà nước toàn bộ các hoạt động điện ảnh (và video) trong cả nước. Nội dung quản lý Nhà nước của Bộ theo quy định ở Nghị định 196-HĐBT ngày 11-12-1989. Trong đó, Bộ phải đặc biệt coi trọng các khâu quy hoạch, kế hoạch, chính sách, luật pháp, kiểm tra, kiểm soát đối với tất cả các đơn vị tham gia hoạt động điện ảnh thuộc mọi thành phần kinh tế trong cả nước.

b) Thành lập Cục Điện ảnh trên cơ sở Vụ Điện ảnh hiện nay, có lựa chọn để bổ sung cho Cục một số cán bộ có kiến thức, kinh nghiệm ở cơ quan Liên hiệp điện ảnh hiện nay. Nhiệm vụ, bộ máy và biên chế của Cục Điện ảnh do Bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thông tin và Thể thao quy định.

c) Thành lập Hội đồng Điện ảnh để làm tư vấn cho Bộ trưởng trong việc xem xét nội dung các phim sản xuất và phim nhập khẩu; xem xét mức tài trợ đối với các phim sản xuất trong nước.

III. VIỆC THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH:

1. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ban hành. Bãi bỏ các quy định trước đây về tổ chức điện ảnh, về các chủ trương quản lý đối với hoạt động điện ảnh, trái với nội dung quyết định này.

2. Bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thông tin và Thể thao, các Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước, Thủ trưởng các cơ quan khác, thuộc Hội đồng Bộ trưởng, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 


Nguồn: vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=11435&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận