QUYẾT ĐỊNH CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Phê duyệt Quy hoạch phát triển Khu di tích lịch sử
Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ đến năm 2015
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Nghị định số 52/1999/NĐ-CP ngày 8 tháng 7 năm 1999 của Chính phủ ban hành Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng và Nghị định số 07/2003/NĐ-CP ngày 30 tháng 01 năm 2003 của Chính phủ quy định sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng;
Căn cứ Quyết định số 63/TTg ngày 08 tháng 02 năm 1994 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt dự án tổng thể Khu di tích lịch sử Đền Hùng; Quyết định số 89/QĐ-TTg ngày 12 tháng 7 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Khu rừng Quốc gia Đền Hùng và xây dựng dự án đầu tư Khu rừng Quốc gia Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ;
Xét đề nghị của Uỷ ban nhân dân tỉnh Phú Thọ (công văn số 2709 /TT -UB ngày 23 tháng 10 năm 2003), ý kiến thẩm định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (công văn số 7518 /BKH-TĐ&GSĐT ngày 9 tháng 12 năm 2003) về việc phê duyệt "Quy hoạch phát triển Khu di tích lịch sử Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ đến năm 2015",
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt "Quy hoạch phát triển Khu di tích lịch sử Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ đến năm 2015", với các nội dung như sau:
1. Tên: "Quy hoạch phát triển Khu di tích lịch sử Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ đến năm 2015".
2. Mục tiêu:
a) Xây dựng, trùng tu các công trình kiến trúc, tượng đài, đền thờ, tháp tưởng niệm thích hợp, tương đồng với lịch sử và mang tính truyền thống dân tộc để tưởng niệm, tôn vinh công lao các Vua Hùng và các bậc tiền nhân thời đại Hùng Vương, tái tạo một phần không gian xã hội gắn với thiên nhiên thời tiền sử.
Tạo cho khu di tích lịch sử Đền Hùng thật sự trở thành một điểm đến hấp dẫn của du lịch, làm động lực quan trọng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Phú Thọ.
b) Bảo tồn, tôn tạo, bảo vệ và phát huy các di tích lịch sử, rừng quốc gia, cảnh quan thiên nhiên môi trường sinh thái vùng Quy hoạch phát triển của Khu di tích lịch sử Đền Hùng.
c) Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, dân trí của nhân dân vùng Quy hoạch phát triển và các xã vùng ven Khu di tích lịch sử Đền Hùng; khơi dậy niềm tự hào ở mỗi người dân nơi đây, xây dựng, giáo dục nếp sống văn minh, phong cách văn hoá mẫu mực của người dân vùng Đất Tổ.
3. Phạm vi quy hoạch:
Khu di tích lịch sử Đền Hùng gồm Khu di tích và vùng đệm thuộc các xã Hy Cương, Chu Hoá, Tiên Kiên, Thanh Đình huyện Lâm Thao; các xã Kim Đức, Phù Ninh huyện Phù Ninh và xã Vân Phú thuộc thành phố Việt Trì, tổng diện tích tự nhiên khoảng 1.000 ha.
4. Phân khu chức năng :
a) Khu I: Diện tích 32 ha, bao gồm: Đền Thượng, Đền Trung, Đền Hạ, Đền Giếng, Lăng Vua Hùng, Chùa Hạ, Bảo tháp, Gác chuông, Nhà thờ Tổ, Cột đá thề, hệ thống đường bậc, đường hành hương và rừng nguyên sinh .
b) Khu II: Vùng cảnh quan bảo vệ Khu di tích và các công trình phục vụ lễ hội, có diện tích 998 ha, bao gồm các khu chức năng sau:
Rừng quốc gia Đền Hùng, diện tích 538 ha với mục tiêu: phục hồi và phát triển hệ sinh thái rừng tự nhiên bằng tập đoàn cây bản địa đặc trưng trong cả nước, phù hợp với sinh thái của Khu rừng quốc gia Đền Hùng; xây dựng các công trình hỗ trợ nhằm góp phần bảo tồn, tôn tạo và nâng cao giá trị của quần thể Khu di tích lịch sử - văn hoá Đền Hùng;
Khu Trung tâm Lễ hội gồm: Quảng trường Trung tâm, trục hành lễ, các tượng đài, phù điêu, nhà triển lãm chuyên đề (nhà Bảo tàng Hùng Vương hiện tại), khu nhà Ban Quản lý, tiếp đón, khu ngã 5 Đền Giếng, khu ngã ba Hy Cương, hồ Lạc Long Quân và các công trình văn hoá công cộng;
Khu Tháp Hùng Vương (tại đồi Con Gà);
Làng Du lịch văn hoá Hùng Vương tại khu đồi Sim, đồi Khang Phụ: bố trí xây dựng đền thờ Lạc Long Quân, nhà nghỉ và các công trình phục vụ du lịch sinh thái mang tính đặc trưng của các vùng đất nước;
Khu Nhà Văn hoá Hùng Vương xây dựng tại đồi Phân Bùng: là nơi tổ chức các hoạt động văn hoá, nghệ thuật, hội họp của thanh - thiếu niên các tỉnh trong khu vực và hoạt động giao lưu văn hoá của các tỉnh, thành phố trong cả nước;
Khu trồng cây lưu niệm phía Nam tại đồi Phân Đăng;
Khu trồng cây lưu niệm phía Bắc tại đồi Kiều, đồi Lềnh lớn, đồi Lềnh bé.
5. Các nhóm dự án, gồm :
a) Các nhóm dự án đã nêu trong Quyết định số 63/TTg ngày 8 tháng 02 năm 1994 của Thủ tướng Chính phủ:
Nhóm dự án bảo tồn, tôn tạo và bảo vệ khu di tích;
Khu trung tâm lễ hội;
Dự án bảo vệ tu bổ xây dựng khu rừng Quốc gia;
Hạ tầng kỹ thuật (bao gồm cả dự án cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới các tuyến đường giao thông cùng với bãi đỗ xe);
Hỗ trợ phát triển kinh tế vùng ven.
b) Các nhóm dự án bổ sung :
Tháp Hùng Vương;
Các công trình du lịch dịch vụ.
6. Về nguồn vốn:
Các nguồn vốn: Được huy động từ nhiều nguồn vốn hợp pháp khác nhau:
Vốn ngân sách Nhà nước;
Vốn ủng hộ - công đức xây dựng Đền Hùng;
Vốn đầu tư của các doanh nghiệp để thực hiện các dự án du lịch, dịch vụ;
Vốn tài trợ, viện trợ của các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi Chính phủ, các cá nhân trong nước và nước ngoài.
7. Thời gian thực hiện: đến năm 2015.
Điều 2. Tổ chức thực hiện.
1. Uỷ ban nhân dân tỉnh Phú Thọ có trách nhiệm:
a) Chuẩn xác về quy mô phạm vi Khu di tích, xác định rõ ranh giới, tiến hành công bố Quy hoạch phát triển Khu di tích lịch sử Đền Hùng.
b) Tiến hành lập, thẩm định, phê duyệt và triển khai các dự án thành phần theo quy định hiện hành.
Đối với mỗi dự án thành phần cần lưu ý lựa chọn chủ đầu tư và xác định nguồn vốn hợp lý; phối hợp với các bộ, ngành liên quan, các giới chuyên môn trong quá trình lập, phê duyệt và thực hiện đầu tư các dự án, để bảo đảm mục tiêu và các yêu cầu kiến trúc, kỹ thuật và môi trường cảnh quan của Khu di tích; tranh thủ sự tham gia đóng góp ý kiến của các chuyên gia đầu ngành có kinh nghiệm về bảo tàng, kiến trúc, lịch sử, mỹ thuật, nhằm bảo đảm tính chân thực lịch sử và chất lượng mỹ thuật của các hạng mục công trình.
c) Nghiên cứu, ban hành điều lệ, quy chế quản lý các hoạt động đầu tư xây dựng, các hoạt động kinh tế - văn hoá - xã hội trên địa bàn Khu di tích và các vùng ven có liên quan trực tiếp đến việc bảo vệ Khu di tích. Cần có các biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời các hoạt động vi phạm tới các di tích đã được xếp hạng, cảnh quan thiên nhiên và môi trường của toàn thể Khu di tích (đặc biệt là khu rừng Quốc gia và rừng tự nhiên thuộc khu I).
d) Thực hiện công tác giám sát đầu tư đối với việc triển khai quy hoạch ngay từ khâu chuẩn bị đầu tư các dự án thành phần cho đến khi triển khai thực hiện và đưa vào khai thác sử dụng nhằm bảo đảm đúng mục tiêu, chất lượng công trình (bao gồm kỹ thuật, mỹ thuật, tính trung thực lịch sử) và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư.
đ) Việc xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, các công trình kiến trúc phục vụ lễ hội truyền thống hàng năm, phục vụ khách hành hương và tham quan du lịch phải bảo đảm không phá vỡ cảnh quan kiến trúc, cảnh quan văn hoá truyền thống, bảo đảm an toàn tuyệt đối khu rừng quốc gia. Riêng "Làng Du lịch văn hoá thời Hùng Vương" và "Làng Du lịch sinh thái đặc trưng các vùng miền đất nước" cần được nghiên cứu kỹ về nội dung khoa học, hình thức thể hiện, tránh sự trùng lặp với các dự án khác có nội dung tương tự đã và đang triển khai ở nước ta, xây dựng phương thức quản lý và cơ chế huy động vốn đầu tư.
e) Đối với các xã vùng ven Khu di tích cần lập dự án riêng, trong đó thể hiện rõ các mối quan hệ giữa các hoạt động bảo tồn, tôn tạo khu di tích với phát triển kinh tế - xã hội bền vững nhằm bảo vệ và phát huy giá trị của di tích, đồng thời bảo đảm ổn định sản xuất và nâng cao đời sống nhân dân. Việc di dời dân và tái định cư phải thực hiện đúng các quy định hiện hành của Nhà nước và địa phương, bảo đảm công bằng và hợp lý.
2. Bộ Văn hoá - Thông tin chịu trách nhiệm thẩm định về chuyên môn đối với các dự án thành phần, các hạng mục bảo tồn, tôn tạo và xây dựng mới; theo dõi, giám sát việc triển khai thực hiện quy hoạch đảm bảo đúng mục tiêu đề ra.
3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình xem xét cân đối phần vốn thuộc ngân sách Nhà nươc để thực hiện các dự án trong phạm vi Quy hoạch này.
Các bộ, ngành liên quan có trách nhiệm phối hợp, theo dõi, giám sát, tạo điều kiện giúp đỡ để việc triển khai thực hiện quy hoạch bảo đảm phù hợp với quy hoạch ngành trên địa bàn thuộc phạm vi Khu di tích lịch sử Đền Hùng.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo.
Bộ trưởng các bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Văn hoá - Thông tin, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Phú Thọ; các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.