QUYẾT ĐỊNH CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ
Về việc ban hành Quy chế thông tin, báo cáo bệnh truyền nhiễm gây dịch
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ
Căn cứ Nghị định số 68/CP ngày 11/10/1993 của Chính phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy Bộ Y tế;
Căn cứ Quyết định số 630/TTg ngày 31/12/1993 của Thủ tướng Chính phủ về việc lập danh mục bí mật Nhà nước trong ngành Y tế;
Theo đề nghị của Ông Vụ trưởng Vụ Y tế dự phòng - Bộ Y tế,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này "Quy chế thông tin, báo cáo bệnh truyền nhiễm gây dịch"
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký, ban hành và thay thế Chỉ thị số 10/1998/CT-BYT ngày 28/12/1998 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc thông tin, báo cáo dịch và Quyết định số 986/2002/QÐ-BYT ngày 26/3/2002 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc thông báo tình hình các bệnh truyền nhiễm gây dịch.
Điều 3. Các Ông, Bà: Chánh Văn phòng, Chánh Thanh tra, Vụ trưởng Vụ Y tế dự phòng và Vụ trưởng các Vụ thuộc Bộ Y tế; Cục trưởng Cục Quản lý Dược Việt Nam; Cục trưởng Cục quản lý Chất lượng vệ sinh, an toàn thực phẩm; Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ; Giám đốc Sở Y tế, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
QUY CHẾ
THÔNG TIN, BÁO CÁO BỆNH TRUYỀN NHIỄM GÂY DỊCH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 4880/2002/QÐ-BYT
ngày 06 tháng 12 năm 2002 của Bộ trưởng Bộ Y tế)
Chương I
Những quy định chung
Điều 1
Quy chế này quy định về chế độ thông tin, báo cáo bệnh truyền nhiễm gây dịch (sau đây viết tắt là BTNGD) trong nước và thông báo BTNGD quốc tế.
Điều 2
Quy chế này áp dụng đối với Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên, Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh, Viện Pasteur Nha Trang và các Viện khác thuộc hệ thống Y tế dự phòng; Sở Y tế; Trung tâm Y tế dự phòng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là tỉnh); bệnh viện tuyến trung ương; bệnh viện tỉnh; trung tâm Y tế quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là huyện); Phòng khám đa khoa khu vực; các trạm Y tế xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là xã).
Điều 3
1. Trong Quy chế này, một số từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
2. Báo cáo BTNGD tuần là báo cáo BTNGD trong khoảng thời gian từ ngày thứ 2 đến ngày chủ nhật của tuần.
3. Báo cáo BTNGD tháng là báo cáo BTNGD trong khoảng thời gian từ ngày đầu tiên đến ngày cuối cùng của tháng.
4. BTNGD trong diện quản lý gồm các bệnh từ số thứ tự 1-24 trong Phụ lục 1 kèm theo Quy chế này và những bệnh mới xuất hiện theo thông báo của Bộ Y tế. Riêng HIV/AIDS và Sốt rét được quy định báo cáo theo hệ thống báo cáo riêng.
5. Thông báo BTNGD quốc tế là việc thông báo tình hình BTNGD cho Tổ chức Y tế thế giới (WHO), các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ, đoàn ngoại giao, doanh nghiệp nước ngoài, cơ quan thông tấn, báo chí nước ngoài...
6. E-mail là hình thức thư điện tử để gửi báo cáo hoặc số liệu dưới dạng file đính kèm (attached file).
Điều 4
Vụ Y tế dự phòng - Bộ Y tế chịu trách nhiệm tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Y tế thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong việc chỉ đạo phòng chống BTNGD và thông tin, báo cáo BTNGD trên phạm vi cả nước.
Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên, Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh, Viện Pasteur Nha Trang và các Viện khác thuộc hệ thống Y tế dự phòng chịu trách nhiệm trước Bộ Y tế về công tác phòng chống BTNGD, xác minh các thông tin, báo cáo tình hình BTNGD tại khu vực phụ trách và trực tiếp giúp địa phương dập dịch khi có dịch xảy ra.
Sở Y tế tỉnh chịu trách nhiệm tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh trong việc chỉ đạo phòng chống BTNGD và thông tin, báo cáo dịch tại địa phương.
Chương II
Quy định về Thông tin, báo cáo dịch trong nước
Điều 5
Hệ thống thông tin, báo cáo BTNGD:
1. Hệ Y tế dự phòng:
a. Các trạm y tế xã có trách nhiệm giám sát BTNGD và báo cáo lên Trung tâm Y tế huyện (Ðội Y tế dự phòng).
b. Các Trung tâm Y tế huyện (Ðội Y tế dự phòng) có trách nhiệm chỉ đạo y tế xã thực hiện giám sát BTNGD trên địa bàn phụ trách và báo cáo lên Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh.
c. Các Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo các đơn vị Y tế dự phòng trực thuộc và phối hợp với các đơn vị thuộc hệ điều trị thực hiện giám sát BTNGD trên địa bàn phụ trách và báo cáo lên Viện Vệ sinh dịch tễ, Pasteur phụ trách khu vực và Bộ Y tế (Vụ Y tế dự phòng).
d. Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên, Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh, Viện Pasteur Nha Trang và các Viện khác thuộc hệ thống Y tế dự phòng có trách nhiệm chỉ đạo các Trung tâm Y tế dự phòng thuộc khu vực được phân công phụ trách và phối hợp với các đơn vị thuộc hệ Ðiều trị thực hiện giám sát BTNGD và báo cáo lên Bộ Y tế (Vụ Y tế dự phòng).
2. Hệ Ðiều trị:
Các phòng khám đa khoa khu vực; phòng khám, khoa lây, khoa nhi của bệnh viện huyện, tỉnh; Viện Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới; các viện, bệnh viện trực thuộc Bộ có cán bộ chuyên giám sát BTNGD và thông báo kịp thời cho các đơn vị Y tế dự phòng cùng cấp khi có ca bệnh được chẩn đoán thuộc BTNGD trong diện quản lý hoặc các bệnh lạ, chưa rõ nguyên nhân.
Điều 6
Thông tin, báo cáo dịch khẩn cấp:
Trong vòng 24 giờ kể từ khi phát hiện các bệnh, hội chứng thuộc diện kiểm dịch quốc tế, các BTNGD thuộc diện quản lý, các bệnh lạ chưa rõ nguyên nhân có số mắc hoặc tử vong cao bất thường tại địa phương, các cơ sở y tế theo qui định tại Ðiều 5 của Quy chế này phải báo cáo khẩn cấp lên cơ quan y tế cấp trên và báo cáo vượt cấp lên Bộ Y tế (Vụ Y tế dự phòng), Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên, Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh, Viện Pasteur Nha Trang (bằng điện thoại, fax, e-mail...), nêu rõ thời gian, địa điểm, số trường hợp mắc, tử vong, đồng thời báo cáo việc triển khai các biện pháp chống dịch, sau đó tiếp tục báo cáo hàng ngày về diễn biến tình hình dịch cho đến khi hết dịch.
Điều 7
Báo cáo BTNGD tuần:
Hàng tuần, các Trung tâm y tế dự phòng tỉnh phải báo cáo BTNGD tại địa phương lên Viện Vệ sinh dịch tễ, Pasteur phụ trách khu vực và Bộ Y tế (Vụ Y tế dự phòng); Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên, Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh, Viện Pasteur Nha Trang phải báo cáo BTNGD thuộc khu vực phụ trách lên Bộ Y tế (Vụ Y tế dự phòng). Trong báo cáo phải nêu rõ số mắc, tử vong, nguyên nhân gây bệnh, nhận định diễn biến tình hình BTNGD, các biện pháp đã triển khai, các đề nghị (nếu có). Báo cáo ghi rõ tuần thứ bao nhiêu trong năm, nếu trong tuần không có trường hợp mắc nào cũng phải báo cáo theo phụ lục kèm theo Quy chế này (Mẫu 1a dùng cho các Trung tâm Y tế dự phòng, Mẫu 1b dùng cho các Viện Vệ sinh dịch tễ, Pasteur). Nếu có số liệu bổ sung, điều chỉnh báo cáo tuần trước thì phải ghi rõ tại mục ghi chú.
Điều 8
Báo cáo BTNGD tháng:
Hàng tháng, các Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên, Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh, Viện Pasteur Nha Trang phải báo cáo BTNGD trong diện quản lý lên Bộ Y tế (Vụ Y tế dự phòng) theo phụ lục kèm theo Quy chế này (Mẫu 2a dùng cho các Trung tâm Y tế dự phòng, Mẫu 2b dùng cho các Viện Vệ sinh dịch tễ, Pasteur), nếu có số liệu bổ sung, điều chỉnh báo cáo tháng trước thì phải ghi rõ tại mục ghi chú, những bệnh không ghi nhận trong tháng cũng phải báo cáo.
Chương III
Quy định Thông tin, báo cáo BTNGD quốc tế
Điều 9
Vụ Y tế dự phòng - Bộ Y tế là cơ quan duy nhất được Bộ trưởng Bộ Y tế ủy quyền thông báo BTNGD quốc tế
Điều 10
Nội dung thông báo BTNGD quốc tế bao gồm:
1.1. Thông báo hàng tháng số mắc của các bệnh thuộc diện kiểm dịch quốc tế là Tả, Dịch hạch, Sốt vàng đã được chẩn đoán xác định trong phòng thí nghiệm.
1.2. Thông báo hàng tháng số mắc lâm sàng, số chết, số xét nghiệm dương tính của một số BTNGD chủ yếu.
1.3. Thông báo hội chứng đối với các bệnh lạ, chưa rõ nguyên nhân.
Chương IV
Tổ chức thực hiện
Điều 11
Vụ Y tế dự phòng - Bộ Y tế có trách nhiệm báo cáo hàng tuần, hàng tháng tình hình các bệnh truyền nhiễm gây dịch trong nước, có điểm tình hình bệnh truyền nhiễm gây dịch trên thế giới theo thông báo của Tổ chức Y tế giới (WHO), mạng Internet và các kênh thông tin khác (nếu có) với Lãnh đạo Bộ.
Điều 12
Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên, Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh, Viện Pasteur Nha Trang có nhiệm vụ báo cáo Bộ Y tế (Vụ Y tế dự phòng) vào ngày thứ năm hàng tuần (đối với báo cáo tuần) và ngày 05 hàng tháng (đối với báo cáo tháng) tình hình BTNGD trong khu vực được phân công phụ trách.
Điều 13
Các Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh có trách nhiệm giám sát và thu thập số liệu các bệnh truyền nhiễm từ các xã qua đội Y tế dự phòng, bệnh viện, phòng khám đa khoa khu vực, huyện và bệnh viện tỉnh để báo cáo Bộ Y tế (Vụ Y tế dự phòng) và các Viện Vệ sinh dịch tễ, Pasteur phụ trách vào ngày thứ tư hàng tuần (đối với báo cáo tuần) và ngày 03 hàng tháng (đối với báo cáo tháng).
Điều 14
Ðối với báo cáo tuần, nếu thứ sáu của tuần đó trùng với ngày lễ thì các đơn vị phải báo cáo sớm trước một ngày so với qui định. Nếu ngày báo cáo của đơn vị trùng với ngày lễ thì đơn vị phải báo cáo trước 9 giờ sáng ngày tiếp theo đồng thời gửi trước bằng fax, e-mail hoặc báo cáo qua điện thoại.
Ðối với báo cáo tháng, nếu ngày báo cáo trùng với ngày thứ bảy thì đơn vị phải báo cáo vào ngày thứ sáu, nếu trùng với ngày chủ nhật thì đơn vị phải báo cáo vào ngày thứ hai tuần tiếp theo.
Tất cả các báo cáo phải được thực hiện dưới hình thức văn bản có chữ ký của Lãnh đạo đơn vị và đóng dấu. Trong trường hợp đến thời hạn báo cáo mà Lãnh đạo đơn vị đi vắng hoặc khẩn cấp thì có thể gửi báo cáo trước bằng fax, điện thoại, e-mail nhưng sau đó vẫn phải gửi bằng văn bản chính thức.
Điều 15
Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên, Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh, Viện Pasteur Nha Trang chịu trách nhiệm hàng tháng tổng hợp và thông báo lại tình hình BTNGD trong tháng cho các đơn vị Y tế dự phòng thuộc khu vực phụ trách.
Điều 16
Khi nắm tình hình BTNGD, các cơ sở Y tế dự phòng phối hợp chặt chẽ với các cơ sở Ðiều trị, các đơn vị Y tế trong lực lượng quân đội và công an đóng trên địa bàn để cùng phối hợp cộng tác.
Phụ lục 1
Danh mục các bệnh truyền nhiễm gây dịch
(Ban hành kèm theo Quyết định số 4880/2002/QÐ-BYT
ngày 06 tháng 12 năm 2002 của Bộ trưởng Bộ Y tế)
TT | Tên bệnh | Mã số (theo "Bảng phân loại quốc tế bệnh tật của Tổ chức Y tế thế giới" ICD-10 được Bộ Y tế ban hành năm 2000) |
1 | Tả | A00 |
2 | Thương hàn và Phó thương hàn | A01 |
3 | Lỵ trực trùng | A03 |
4 | Lỵ amíp | A06 |
5 | Hội chứng lỵ | |
6 | Tiêu chảy | A09 |
7 | Viêm não vi rút | A83-A89 |
8 | Sốt dengue/Sốt xuất huyết Dengue | A90, A91 |
9 | Viêm gan vi rút A, B, C, D, E | B15-B19 |
10 | Bệnh dại | A82 |
11 | Viêm màng não do não mô cầu | A39.0 |
12 | Thủy đậu - Zona | B01, B02 |
13 | Bạch hầu | A36 |
14 | Ho gà | A37 |
15 | Uốn ván sơ sinh | A33 |
16 | Uốn ván khác | A35 |
17 | Liệt mềm cấp nghi Bại liệt | A80 |
18 | Sởi | B05 |
19 | Quai bị | B26 |
20 | Cúm | J10, J11 |
21 | APC - Adeno vi rút | B30 |
22 | Dịch hạch | A20 |
23 | Than | A22 |
24 | Leptospira | A27 |
25 | HIV/AIDS | B20 - B24 |
26 | Sốt rét | B50 - B54 |