bộ tư phápQUYẾT ĐỊNH CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP
Về việc ban hành Quy chế về tổ chức và hoạt động
của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng ngành Tư pháp
BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP
Căn cứ Nghị định số 62/2003/NĐ-CP ngày 06 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp;
Căn cứ Nghị định số 61/HĐBT ngày 16 tháng 6 năm 1983 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) về việc lập Hội đồng Thi đua các cấp;
Căn cứ vào Quyết định số 154/1998/QĐ-TTg ngày 25 tháng 8 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung nhiệm vụ và thành viên Hội đồng Thi đua - Khen thưởng các cấp;
Xét đề nghị của Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Ngành Tư pháp,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế về tổ chức và hoạt động của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng ngành Tư pháp.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3. Các đồng chí Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng ngành Tư pháp, Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ và Giám đốc Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm thi hành quyết định này./.
QUY CHẾ VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG
CỦA HỘI ĐỒNG THI ĐUA KHEN THƯỞNG NGÀNH TƯ PHÁP
(Ban hành kèm theo Quyết định số 501 /2003/QĐ-BTP
ngày 29 tháng 10 năm 2003 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp)
Chương I
TỔ CHỨC VÀ NGUYÊN TẮC HOẠT ĐỘNG
Điều 1. Hội đồng Thi đua - Khen thưởng ngành Tư pháp (sau đây gọi tắt là Hội đồng) được thành lập theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, có chức năng tư vấn, giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp về công tác thi đua khen thưởng trong ngành Tư pháp.
Điều 2.
1. Hội đồng gồm có Chủ tịch, Phó Chủ tịch, các Uỷ viên và Thường trực Hội đồng:
a. Chủ tịch Hội đồng là Thứ trưởng phụ trách công tác thi đua khen thưởng của ngành Tư pháp;
b. Phó Chủ tịch Hội đồng là Chánh Văn phòng Bộ;
c. Các Uỷ viên Hội đồng là Thường trực Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ ngành Tư pháp, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ có chức năng chỉ đạo nghiệp vụ đối với các lĩnh vực hoạt động của Ngành ở địa phương;
d. Các thành viên của Hội đồng hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm;
2. Thường trực Hội đồng gồm có Chủ tịch, Phó Chủ tịch, các Uỷ viên thường trực Hội đồng;
3. Phòng Thi đua khen thưởng là cơ quan giúp việc cho Hội đồng và Thường trực Hội đồng; Trưởng phòng Thi đua khen thưởng là Thư ký Hội đồng.
Điều 3. Hội đồng họp định kỳ 1 năm 3 phiên họp để sơ kết, tổng kết công tác thi đua và xét khen thưởng. Trường hợp đột xuất, Hội đồng có thể họp bất thường theo quyết định của Chủ tịch Hội đồng hoặc khi có ít nhất 1/3 tổng số thành viên của Hội đồng đề nghị.
Điều 4. Hội đồng làm việc theo chế độ tập thể và thực hiện nguyên tắc dân chủ, công khai, biểu quyết theo đa số. Quyết nghị của Hội đồng được thông qua khi có quá nửa tổng số thành viên của Hội đồng tán thành.
Chương II
NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN
Điều 5. Hội đồng có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
1. Thực hiện sự phối hợp giữa các cơ quan, đoàn thể trong việc tổ chức, hướng dẫn và chỉ đạo phong trào thi đua yêu nước trong toàn ngành Tư pháp, nhằm phát triển phong trào mạnh mẽ, rộng khắp, đúng hướng, có hiệu quả;
2. Tổng kết thực tiễn phong trào thi đua, từ đó nghiên cứu, đề xuất phương hướng, kế hoạch tổ chức, chỉ đạo các phong trào thi đua, nhân rộng các điển hình tiên tiến, xây dựng các quy định về thi đua khen thưởng trong ngành Tư pháp;
3. Tổ chức theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc và kiểm tra việc thực hiện công tác thi đua khen thưởng đối với các cơ quan, tổ chức, các khu vực thi đua thuộc ngành Tư pháp;
4. Xét chọn các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua của ngành Tư pháp trình Bộ trưởng Bộ Tư pháp khen thưởng đối với các danh hiệu thi đua, các hình thức khen thưởng thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hoặc để Bộ trưởng Bộ Tư pháp trình các cơ quan có thẩm quyền xét khen thưởng đối với các danh hiệu thi đua, các hình thức khen thưởng thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch nước;
5. Xét trình Bộ trưởng khen thưởng Huy chương (hoặc Kỷ niệm chương) "Vì sự nghiệp Tư pháp" cho các cá nhân trong và ngoài Ngành có đóng góp tích cực trong hoạt động của ngành Tư pháp;
6. Xem xét, kiến nghị giải quyết các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị về thi đua khen thưởng trong ngành Tư pháp; Xem xét trình các cấp có thẩm quyền thu hồi Quyết định khen thưởng đối với các trường hợp phát hiện có vi phạm các quy định về thi đua, khen thưởng;
7. Thực hiện các nhiệm vụ khác liên quan đến công tác thi đua khen thưởng do Bộ trưởng Bộ Tư pháp giao.
Điều 6. Thường trực Hội đồng có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
1. Xây dựng các chương trình, kế hoạch hoạt động của Hội đồng và chuẩn bị nội dung các phiên họp của Hội đồng; Tổ chức thực hiện các nội dung đã được Hội đồng thông qua và giải quyết các công việc hàng ngày của Hội đồng;
2. Tổng hợp tình hình, xây dựng báo cáo về công tác thi đua khen thưởng 6 tháng đầu năm và cả năm của ngành Tư pháp;
3. Chuẩn bị các Quyết định cử trưởng, Phó trưởng khu vực, các Quyết định tổ chức Hội nghị thi đua khu vực và dự kiến các đoàn đi dự các Hội nghị thi đua khu vực trình Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định;
4. Dự trù kinh phí thi đua khen thưởng của toàn ngành Tư pháp cũng như kinh phí hoạt động hàng năm của Hội đồng trình Bộ trưởng quyết định;
5. Phối hợp với các đơn vị, địa phương và các tổ chức quần chúng có liên quan xem xét, đánh giá thành tích của tập thể, cá nhân trong phong trào thi đua để:
a. Trình Bộ trưởng Bộ Tư pháp khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc đột xuất hoặc có thành tích xuất sắc về một lĩnh vực công tác, sau một cuộc vận động, một đợt thi đua ngắn ngày;
b. Trình Thứ trưởng phụ trách công tác thi đua khen thưởng của ngành Tư pháp ký văn bản hiệp y đề nghị Chính phủ, Chủ tịch nước khen thưởng đối với tập thể, cá nhân không thuộc thẩm quyền xét trình của Bộ Tư pháp theo đề nghị của Viện Thi đua khen thưởng Nhà nước, các Bộ ngành và Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Điều 7. Các thành viên của Hội đồng có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
1. Chủ tịch Hội đồng là người lãnh đạo, điều hành mọi hoạt động của Hội đồng và Thường trực Hội đồng;
2. Phó Chủ tịch Hội đồng giúp Chủ tịch Hội đồng thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của Chủ tịch Hội đồng. Phó Chủ tịch Hội đồng điều hành các hoạt động của Hội đồng khi Chủ tịch Hội đồng vắng mặt;
3. Các Uỷ viên Hội đồng thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của Chủ tịch Hội đồng, có trách nhiệm thực hiện đúng chương trình hoạt động của Hội đồng và tham dự đầy đủ các phiên họp của Hội đồng;
4. Các thành viên của Hội đồng chịu trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ thi đua khen thưởng thuộc phạm vi lĩnh vực mình phụ trách, tổng hợp tình hình, kết quả thực hiện và tham gia thảo luận tại các phiên họp. Những thông tin, nhận định, đánh giá được đưa ra thảo luận phải chính xác và có căn cứ.
Điều 8. Phòng Thi đua khen thưởng có nhiệm vụ giúp Hội đồng và Thường trực Hội đồng chuẩn bị các nội dung thuộc chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng và Thường trực Hội đồng; Thường xuyên cung cấp thông tin về công tác thi đua khen thưởng cho các thành viên của Hội đồng. Chức năng, nhiệm vụ cụ thể của Phòng Thi đua khen thưởng được quy định trong Quyết định thành lập của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
Trưởng Phòng Thi đua khen thưởng là Thư ký Hội đồng, có nhiệm vụ ghi biên bản kết quả phiên họp của Hội đồng.
Chương III
CHẾ ĐỘ LÀM VIỆC
Điều 9. Hội đồng họp định kỳ 1 năm 3 phiên họp ngoại trừ các trường hợp bất thường: phiên họp thứ nhất vào trung tuần tháng 3, phiên họp thứ hai vào trung tuần tháng 7 và phiên họp thứ ba vào trung tuần tháng 12 hàng năm.
Tài liệu phục vụ phiên họp phải được gửi tới các thành viên của Hội đồng chậm nhất là 3 ngày trước ngày Hội đồng họp, trừ trường hợp bất thường.
Điều 10. Các phiên họp của Hội đồng hợp lệ khi có ít nhất 2/3 tổng số thành viên trở lên tham dự. Trong trường hợp thành viên của Hội đồng vắng mặt thì có thể uỷ quyền cấp phó tham dự hoặc gửi ý kiến tham gia bằng văn bản trước phiên họp của Hội đồng. ý kiến của Cấp phó được uỷ quyền được coi là ý kiến của thành viên vắng mặt.
Điều 11. Thành phần tham dự các phiên họp của Hội đồng gồm các thành viên của Hội đồng. Trong trường hợp cần thiết, Chủ tịch Hội đồng có thể mời thêm đại diện có thẩm quyền của các đơn vị, đoàn thể khác tham dự phiên họp của Hội đồng, Thường trực Hội đồng. Đại diện được mời không có quyền tham gia biểu quyết tại phiên họp.
Điều 12. Trong thời gian giữa hai phiên họp của Hội đồng, tuỳ theo yêu cầu tình hình nhiệm vụ của công tác thi đua khen thưởng, Chủ tịch Hội đồng có thể quyết định lấy ý kiến của từng thành viên của Hội đồng bằng văn bản. Các thành viên của Hội đồng nêu các kiến nghị, đóng góp ý kiến cho Hội đồng qua Thường trực Hội đồng.
Điều 13. Hội đồng quyết định việc biểu quyết bằng hình thức giơ tay, bỏ phiếu kín hoặc bằng hình thức khác theo quyết nghị của Hội đồng. Riêng việc xét khen thưởng đối với Chiến sỹ thi đua Ngành, Chiến sỹ thi đua toàn quốc, Cờ thi đua của Ngành, Cờ thi đua của Chính phủ, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Huân chương các hạng, hình thức biểu quyết là bỏ phiếu kín.
Trường hợp có ý kiến trái ngược nhau mà tỷ lệ trong biểu quyết ngang nhau thì Hội đồng quyết nghị theo ý kiến của Chủ tịch Hội đồng. Những ý kiến khác nhau của các thành viên của Hội đồng được bảo lưu và báo cáo Bộ trưởng xem xét quyết định.
Điều 14. Các thành viên của Hội đồng có trách nhiệm thông tin về nội dung các quyết nghị đã được Hội đồng thông qua, không thông tin những ý kiến trao đổi của từng thành viên trong các phiên họp của Hội đồng. Đại diện của các đơn vị, đoàn thể được mời dự họp và cán bộ giúp việc cho phiên họp của Hội đồng, Thường trực Hội đồng không được phép thông tin về những ý kiến trao đổi của các thành viên Hội đồng trong các phiên họp.
Điều 15. Kinh phí hoạt động của Hội đồng được cấp từ nguồn kinh phí thi đua khen thưởng hàng năm của Ngành. Văn phòng Bộ chịu trách nhiệm bảo đảm các điều kiện cần thiết phục vụ cho hoạt động của Hội đồng./.