Văn bản pháp luật: Quyết định 532/2007/QĐ-BCA

Lê Hồng Anh
Toàn quốc
Công báo số 362 & 363/2007;
Quyết định 532/2007/QĐ-BCA
Quyết định
28/06/2007
22/05/2007

Tóm tắt nội dung

Về việc ban hành quy định chế độ bồi thường chi phí đào tạo đối với một số trường hợp cán bộ, chiến sĩ, công nhân, viên chức chuyển ra ngoài lực lượng Công an nhân dân

Bộ trưởng
2.007
Bộ Công an

Toàn văn

QUYẾT ĐỊNH CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG AN

Về việc ban hành quy định chế độ bồi thường chi phí đào tạo đối với

một số trường hợp cán bộ, chiến sĩ, công nhân, viên chức chuyển ra

ngoài lực lượng Công an nhân dân

BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG AN

Căn cứ Nghị định số 136/2003/NĐ-CP ngày I4/11/2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an;

Căn cứ Nghị định số 54/2005/NĐ-CP ngày 19/4/2005 của Chính phủ về chế độ thôi việc, chế độ bồi thường chi phí đào tạo đối với cán bộ, công chức;

Căn cứ Thông tư số 130/2005/TT-BNV ngày 07/12/2005 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 54/2005/NĐ-CP ngày 19/4/2005 của Chính phủ về chế độ thôi việc, chế độ bồi thường chi phí đào tạo đối với cán bộ, công chức;

Theo đề nghị của đồng chí Tổng cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng Công an nhân dân,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này "Quy định chế độ bồi thường chi phí đào tạo đối với một số trường hợp cán bộ, chiến sĩ, công nhân, viên chức chuyển ra ngoài lực lượng Công an nhân dân".

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Các quy định trước đây về bồi thường chi phí đào tạo trái với quy định tại Quyết định này đều bãi bỏ.

Điều 3. Các đồng chí Tổng cục trưởng, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ, Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

QUY ĐỊNH

Chế độ bồi thường chi phí đào tạo đối với một số trường hợp cán bộ,

chiến sĩ, công nhân, viên chức chuyển ra ngoài lực lượng Công an nhân dân

(Ban hành kèm theo Quyết định số 532/2007/QĐ-BCA

ngày 22/5/2007 của Bộ trưởng Bộ Công an)

I. ĐỐI TƯỢNG, PHẠM VI ÁP DỤNG

1. Việc bồi thường chi phí đào tạo đối với cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân

a) Trường hợp phải bồi thường chi phí đào tạo

- Sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kĩ thuật Công an nhân dân (sau đây gọi chung là cán bộ, chiến sĩ đã được cử đi đào tạo các khóa tập trung trong nước và ngoài nước từ 03 (ba) tháng trở lên (kế cả đào tạo tại chức) mà xin xuất ngũ, xin chuyển ngành; bị kỷ luật cho xuất ngũ, cho chuyển ngành hoặc bị kỷ luật tước danh hiệu Công an nhân dân (sau đây gọi chung là chuyển ra ngoài lực lượng Công an nhân dân) khi chưa đủ thời gian yêu cầu phục vụ nêu tại khoản 1 , mục II của Quy định này.

- Cán bộ, chiến sĩ, học viên Công an nhân dân đang trong thời gian theo học các khóa đào tạo tập trung trong nước và ngoài nước mà tự thôi học, vi phạm kỷ luật bị buộc thôi học.

b) Trường hợp không phải bồi thường chi phí đào tạo

- Cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân được cử đi đào tạo tập trung trong nước và ngoài nước từ 03 (ba) tháng trở lên, chưa đủ thời gian yêu cầu phục vụ như quy định tại khoản 1, mục II Quy định này nhưng được nghỉ công tác để hưởng chế độ hưu trí; chuyển ra ngoài lực lượng Công an nhân dân do sắp xếp tổ chức, giảm biên chế; do sức khỏe hoặc năng lực chuyên môn không đáp ứng yêu cầu công tác theo quyết định của cấp có thẩm quyền.

- Cán bộ, chiến sĩ được cử đi đào tạo nhưng chưa làm thủ tục nhập học mà chuyển ra ngoài lực lượng Công an nhân dân.

- Cán bộ, chiến sĩ được cử đi đào tạo ở các trường ngoài ngành Công an nhưng phải tự túc kinh phí thì khi chuyển ra ngoài lực lượng Công an nhân dân không phải bồi thường chi phí đào tạo.

2. Việc bồi thường chi phí đào tạo đối với công nhân, viên chức Công an nhân dân thực hiện như đối với cán bộ, công chức quy định tại Nghị định số 54/2005/NĐ-CP ngày 19/4/2005 của Chính phủ và Thông tư số 130/2005/TT-BNV ngày 07/12/2005 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 54/2005/NĐ-CP về chế độ thôi việc, chế độ bồi thường chi phí đào tạo đối với cán bộ, công chức.

II. CHẾ ĐỘ BỒI THƯỜNG CHI PHÍ ĐÀO TẠO ĐỐI VỚI CÁN BỘ, CHIẾN SĨ

1. Thời gian yêu cầu phục vụ

Thời gian yêu cầu phục vụ sau khi đã hoàn thành khóa đào tạo được tính gấp 03 lần so với thời gian của khóa đào tạo.

2. Cách tính chi phí bồi thường

a) Đối với cán bộ, chiến sĩ, học viên Công an nhân dân đang trong thời gian được cử đi đào tạo mà tự ý bỏ học, vi phạm kỷ luật bị đuổi học hoặc chuyển ra ngoài lực lượng Công an nhân dân thì phải bồi thường toàn bộ chi phí đào tạo của khóa học đó;

b) Đối với các trường hợp sau khi hoàn thành khóa đào tạo mới chuyển ra ngoài lực lượng Công an nhân dân:

Căn cứ vào thời gian yêu cầu phục vụ, thời gian cán bộ, chiến sĩ làm việc liên tục tại đơn vị sau khi hoàn thành khóa đào tạo và chi phí của khóa đào tạo để tính mức bồi thường chi phí đào tạo theo công thức:

Chi phí đào tạo phải bồi thường

=

Thời gian yêu cầu phục vụ

-

Thời gian làm việc sau khi đào tạo

x

Chi phí của khoá đào tạo

Thời gian yêu cầu phục vụ

Trong đó, chi phí của khóa đào tạo được tính để bồi thường bao gồm: các khoản chi cho khóa đào tạo (kể cả chi phí đi lại) tính theo từng người được đào tạo có thời gian từ 03 (ba) tháng trở lên từ nguồn ngân sách nhà nước, nguồn tài chính viện trợ chính thức của nước ngoài, nguồn tài chính của Công an đơn vị, địa phương.

Ví dụ 1: Đồng chí N công tác tại Công an tỉnh B, được đơn vị cử đi học lớp cao học có thời gian đào tạo 2 năm. Chi phí đào tạo khóa cao học hiện nay được xác định là 15 triệu đồng. Sau khi hoàn thành khóa đào tạo cao học đồng chí N mới phục vụ trong Công an nhân dân được 2 năm thì xin xuất ngũ. Như vậy chi phí đào tạo đồng chí N phải bồi thường là:

(2 năm x 3) – 2 năm

x 15 triệu đồng = 10 triệu đồng.

2 năm x 3

Trường hợp ngay sau khi hoàn thành khóa đào tạo nói trên, đồng chí N chuyển ra ngoài lực lượng Công an nhân dân thì đồng chí N phải bồi thường toàn bộ chi phí của khóa đào tạo là 15 triệu đồng.

Nếu sau khi hoàn thành khóa đào tạo đồng chí N phục vụ trong lực lượng Công an nhân dân 6 năm tiếp theo, thì khi chuyển ra ngoài lực lượng Công an nhân dân sẽ không phải bồi thường chi phí của khóa đào tạo đó.

Ví dụ 2: Đồng chí G được đào tạo đại học Cảnh sát nhân dân hệ chính quy, có thời gian đào tạo là 5 năm. Chi phí đào tạo của khóa học hiện nay được xác định là 18 triệu đồng. Sau khi hoàn thành khóa đào tạo, đồng chí G mới phục vụ được 6 năm đã chuyển ra ngoài lực lượng Công an nhân dân. Như vậy, chi phí đào tạo đồng chí G phải bồi thường là:

(5 năm x 3) – 6 năm

x 18 triệu đồng = 10,80 triệu đồng.

5 năm x 3

Trường hợp ngay sau khi hoàn thành khóa đào tạo nói trên mà đồng chí G chuyển ra ngoài lực lượng Công an nhân dân thì phải bồi thường toàn bộ chi phí của khóa đào tạo là 18 triệu đông.

Nếu sau khi hoàn thành khóa đào tạo, đồng chí G phục vụ trong Công an nhân dân 15 năm tiếp theo thì khi chuyển ra ngoài lực lượng Công an nhân dân đồng chí G không phải bồi thường chi phí của khóa đào tạo đó.

c) Đối với trường hợp cán bộ, chiến sĩ được cử đi đào tạo nhiều khóa học không liên tục hoặc trong cùng một thời gian được cử đi đào tạo nhiều khóa học, mà thời gian phục vụ chưa đủ theo quy định đã chuyển ra ngoài lực lượng Công an nhân dân, thì chi phí phải bồi thường là tổng của toàn bộ chi phí các khóa học đó so với tổng thời gian phục vụ tại Công an đơn vị, địa phương kể từ khi trở về làm việc sau khóa học đầu tiên.

Ví dụ 3: Đồng chí M công tác tại Công an tỉnh H, được đơn vị cử đi học lớp cao học có thời gian đào tạo 2 năm, với chi phí đào tạo là 15 triệu đồng. Sau khi hoàn thành khóa cao học, đồng chí M phục vụ trong Công an nhân dân 3 năm thì lại được cử đi nghiên cứu sinh có thời gian đào tạo là 3 năm, chi phí đào tạo là 20 triệu đồng. Sau khi hoàn thành lớp nghiên cứu sinh, đồng chí M về phục vụ tiếp trong lực lượng Công an 4 năm lại được đơn vị cử đi học lớp cao cấp chính trị có thời gian đào tạo là 1 năm, chi phí đào tạo là 5 triệu đồng. Trong thời gian học lớp cao cấp chính trị đồng chí M xin xuất ngũ. Như vậy, chi phí đào tạo đồng chí M phải bồi thường là:

((2 + 3 + 1) x 3 – (3 + 4)) năm

x (15 + 20 + 5) triệu đồng = 24,44 triệu đồng.

(2 + 3 + 1) năm x 3

Ví dụ 4: Đồng chí Q công tác tại Công an tỉnh K, được đơn vị cử đi học đại học có thời gian đào tạo 4 năm, chi phí đào tạo là 20 triệu đồng. Đồng thời, trong thời gian này đồng chí Q được đơn vị cho đi học lớp ngoại ngữ trình độ B có thời gian đào tạo 6 tháng, chi phí đào tạo là 2 triệu đồng. Sau khi tốt nghiệp đại học và hoàn thành lớp đào tạo ngoại ngữ trình độ B, đồng chí Q về đơn vị phục vụ được 2 năm thì bị kỷ luật cảnh cáo và được giải quyết cho xuất ngũ. Như vậy, chi phí đào tạo đồng chí Q phải bồi thường là:

((4 +0,5) năm x 3) – 2 năm

x (20 +2 triệu đồng) = 18,74 triệu đồng.

(4 +0,5) năm x 3)

3. Thủ tục xét bồi thường chi phí đào tạo

a) Thành phần họp xét bồi thường chi phí đào tạo:

Thủ trưởng Công an đơn vị, địa phương (bao gồm cả nhà trường) chủ trì tổ chức họp để xem xét việc bồi thường chi phí đào tạo của cán bộ, chiến sĩ, học viên.

- Lãnh đạo cơ quan Tổ chức cán bộ phụ trách công tác đào tạo của Công an đơn vị, địa phương.

- Lãnh đạo cơ quan Tài chính hoặc lãnh đạo cơ quan Hậu cần phụ trách công tác tài chính - kế toán của Công an đơn vị, địa phương.

- Lãnh đạo đơn vị trực tiếp của cán bộ, chiến sĩ, học viên phải bồi thường chi phí đào tạo.

b) Quy trình xét bồi thường chi phí đào tạo:

- Lãnh đạo cơ quan Tổ chức cán bộ phụ trách công tác đào tạo báo cáo nội dung liên quan đến các quy định về chế độ bồi thường chi phí đào tạo và đề xuất mức bồi thường.

- Lãnh đạo đơn vị có cán bộ, chiến sĩ, học viên phải bồi thường chi phí đào tạo báo cáo quá trình công tác, học tập của cán bộ, chiến sĩ, học viên đó.

- Căn cứ vào quá trình công tác, cống hiến của cán bộ, chiến sĩ, học viên, các thành viên thống nhất về mức bồi thường chi phí đào tạo theo quy định tại khoản 2, mục II của Quy định này. Mức bồi thường chi phí đào tạo được lập thành văn bản đề nghị Thủ trưởng Công an đơn vị, địa phương quyết định.

c) Thẩm quyền quyết định bồi thường chi phí đào tạo:

Thủ trưởng Công an đơn vị, địa phương trực tiếp quản lý, trả lương cho cán bộ, chiến sĩ, học viên căn cứ kết quả cuộc họp xem xét việc bồi thường chi phí đào tạo để quyết định việc bồi thường chi phí đào tạo của cán bộ, chiến sĩ, học viên đó.

4. Thu hồi chi phí đào tạo

a) Cán bộ, chiến sĩ, học viên phải bồi thường chi phí đào tạo có trách nhiệm nộp trả khoản tiền phải bồi thưởng cho Công an đơn vị, địa phương trong thời hạn 3 (ba) tháng kể từ ngày nhận được quyết định của Thủ trưởng Công an đơn vị, địa phương. Việc bồi thường chi phí đào tạo có thể vận dụng khấu trừ trong khoản tiền trợ cấp khi cán bộ, chiến sĩ, học viên chuyển ra ngoài lực lượng Công an nhân dân;

b) Cán bộ, chiến sĩ, học viên phải bồi thường chi phí đào tạo nếu thấy không thỏa đáng vẫn phải chấp hành quyết định bồi thường chi phí đào tạo, nhưng có quyền khiếu nại với đơn vị hoặc cấp trên trực tiếp của đơn vị xem xét, giải quyết;

c) Công an đơn vị, địa phương nhận được khiếu nại của cán bộ, chiến sĩ, học viên có trách nhiệm trả lời đương sự theo thẩm quyền và theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo;

d) Trường hợp cán bộ, chiến sĩ, học viên phải bồi thường chi phí đào tạo không thực hiện nộp trả khoản tiền bồi thường thì Công an đơn vị, địa phương không làm thủ tục chuyển ra ngoài lực lượng Công an nhân dân và không xác nhận vào các giấy tờ cần thiết khác đối với cán bộ, chiến sĩ, học viên đó;

e) Chi phí đào tạo được giải quyết như sau:

- Đối với đơn vị sự nghiệp có thu tự đảm bảo chi phí hoạt động thường xuyên; đơn vị sự nghiệp có thu tự đảm bảo một phần chi phí hoạt động thường xuyên và các doanh nghiệp công ích trong Công an nhân dân thì chi phí bồi thường đào tạo thu hồi được do đơn vị quyết định để đảm bảo cho công tác đào tạo, bồi dưỡng của đơn vị theo quy định của pháp luật.

- Đối với các đơn vị còn lại trong Công an nhân dân (kinh phí hoạt động thường xuyên do ngân sách đảm bảo) thì chi phí bồi thường đào tạo thu hồi được nộp ngân sách Nhà nước.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Tổng cục Xây dựng lực lượng Công an nhân dân và Vụ Tài chính có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Quy định này.

2. Công an các đơn vị, địa phương có trách nhiệm thực hiện đúng Quy định này; và lưu giữ, bảo quản hồ sơ về bồi thường chi phí đào tạo của cán bộ, chiến sĩ, học viên, công nhân, viên chức theo quy định về công tác quản lý hồ sơ hiện hành.

Quá trình thực hiện nếu có vướng mắc Công an các đơn vị, địa phương báo cáo về Bộ (qua Tổng cục III và V22) để nghiên cứu, giải quyết./.


Nguồn: vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=13859&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận