ủy ban nhân dânQUYẾT ĐỊNH CỦA UBND TỈNH LÂM ĐỒNG
V/v Ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số
09/1998/NQ-CP của Chính phủ và chương trình Quốc gia
phòng, chống tội phạm
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND (sửa đổi) ngày 21/6/1994;
Căn cứ Nghị quyết số 09/1998/NQ-CP ngày 31/7/1998 của Chính phủ về tăng cường công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới;
Căn cứ Quyết định số 138/1998/QĐ-TTg ngày 31/7/1998 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm;
QUYẾT ĐỊNH
Điều1:
Ban hành kèm theo Quyết định này kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 09/1998/NQ-CP ngày 31/7/1998 của Chính phủ và chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm.
Điều2: Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.
Điều3: Các ông: Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, Thị xã và Thành phố Đàlạt, các thành viên Ban chỉ đạo 138 của tỉnh chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này ./.
Kế hoạch Triển khai thực hiện Nghị quyết số 09/1998/NQ-CP
ngày 31/7/1998 của Chính phủ và chương trình
quốc gia phòng, chống tội phạm.
(Ban hành kèm theo Quyết định số 61/1999/QĐ-UB ngày 11/5/1999 của UBND tỉnh)
Trong những năm qua bên cạnh sự phát triển về kinh tế - xã hội, tình hình trật tự ATXH đã diễn ra phức tạp, tội phạm có chiều hướng ngày càng gia tăng, tính chất mức độ ngày càng nguy hiểm. Nổi lên là những tội phạm có tổ chức, sử dụng bạo lực, tội phạm hiếp dâm, nhất là hiếp dâm trẻ em, tội phạm tham nhũng, buôn lậu, tội phạm về ma túy, tội phạm hoạt động mang tính chất "xã hội đen" ... đã gây ra những hậu quả hết sức nghiêm trọng, gây lo lắng cho toàn xã hội.
Tình hình trên do nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu là do sự phối hợp giữa các ngành, các cấp, các cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm thiếu chặt chẽ, trách nhiệm quản lý Nhà nước của các ngành, các cấp trên lĩnh vực bảo vệ TTATXH còn bị xem nhẹ. Công tác phòng ngừa xã hội còn yếu, chưa khơi dậy được khí thế Cách mạng của quần chúng trong việc xây dựng phong trào sâu rộng tham gia phòng, chống tội phạm và tự quản về ANTT ở cơ sở; chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp của các ngành, các cấp, các đoàn thể, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác phòng ngừa và đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm tại địa phương. Thực hiện Nghị quyết 09/1998/NQ-CP ngày 31/7/1998 của Chính phủ về tăng cường công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới, Quyết định số 138/1998/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm. UBND tỉnh đề ra kế hoạch phòng ngừa, đấu tranh chống các loại tội phạm, bảo vệ TTATXH với nội dung sau:
I- Mục đích yêu cầu:
1/ Nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật trong nhân dân, tạo ra môi trường sống lành mạnh tại các cộng đồng dân cư, trong các nhà trường và gia đình, xây dựng nếp sống và làm việc theo pháp luật. Tổ chức xây dựng phong trào "toàn dân tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm; cảm hóa, giáo dục, cải tạo những người lầm lỗi tại gia đình và cộng đồng dân cư".
2/ Nâng cao hiệu lực điều hành, quản lý của UBND các cấp trong công tác quản lý hành chính Nhà nước về trật tự xã hội và phòng chống tội phạm. Đề cao trách nhiệm phối hợp của các tổ chức đoàn thể, xã hội. Phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị trên cơ sở xây dựng và thực hiện cơ chế phối hợp thường xuyên, có hiệu quả trong phòng chống tội phạm giữa các cơ quan bảo vệ pháp luật, các ngành, các cấp, các đoàn thể, tổ chức kinh tế - xã hội trong công tác phòng ngừa và đấu tranh với các loại tội phạm.
3/ Tạo ra được sự chuyển biến mạnh mẽ về trật tự an toàn xã hội ở địa phương, đến năm 2000 phải làm giảm tội phạm nói chung và làm giảm cơ bản các loại tội phạm nghiêm trọng nói riêng. Từng bước làm giảm các loại tội phạm có sử dụng bạo lực, đặc biệt là các tội phạm giết người, cướp tài sản, hiếp dâm, chống người thi hành công vụ, các tội xâm hại trẻ em, bắt cóc và mua bán phụ nữ ... Đẩy lùi một bước các loại tệ nạn ma túy, mại dâm. Kiên quyết truy bắt bọn tội phạm còn lẩn trốn. Thực hiện triệt để công tác thi hành án hình sự.
II- Các biện pháp chủ yếu:
1/ Tổ chức tuyên truyền giáo dục sâu rộng trong cán bộ, nhân dân về các chủ trương, biện pháp lớn của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới, về các mục tiêu, nội dung của chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm; nhằm nâng cao ý thức tôn trọng pháp luật của công dân. Đề cao trách nhiệm, vai trò chủ động của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội trong phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, tệ nạn xã hội.
2/ Tổ chức phát động mạnh mẽ phong trào quần chúng tham gia các cuộc vận động "Toàn dân tham gia quản lý giáo dục, cảm hóa những người lầm lỗi tại cộng đồng dân cư", vận động người phạm tội ra tự thú và truy bắt bọn tội phạm có lệnh truy nã, gắn với cuộc vận động "toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư".
3/ Nâng cao hiệu quả các mặt công tác quản lý Nhà nước về ANTT ... Lồng ghép việc thực hiện chương trình quốc gia, phòng, chống tội phạm với các chương trình hành động phòng, chống ma túy, chương trình phòng, chống tệ nạn xã hội và các chương trình kinh tế - xã hội khác. Thực hiện tốt công tác quản lý hộ khẩu, quản lý vũ khí, vật liệu nổ, phòng cháy, chữa cháy, an toàn giao thông nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, đồng bộ trên các lĩnh vực, hạn chế và từng bước loại trừ những nguyên nhân, điều kiện nảy sinh tội phạm, đảm bảo sự ổn địnhvững chắc về TTXH.
4/ Tổ chức lực lượng, sử dụng đồng bộ các biện pháp ngăn chặn, trấn áp kịp thời và kiên quyết đối với các loại tội phạm nghiêm trọng, nguy hiểm như: tội phạm có tổ chức, tội phạm tham nhũng, buôn lậu, giết người cướp của, các tội phạm xâm hại trẻ em, các hành vi côn đồ hung hãn, chống người thi hành công vụ, tội phạm mang tính chất "xã hội đen" tội phạm trong lứa tuổi vị thành niên. Thực hiện công tác bắt, giam giữ đúng pháp luật, đồng thời nâng cao hiệu quả công tác giáo dục cải tạo phạm nhân và các biện pháp xử lý vi phạm hành chính đối với người vi phạm pháp luật.
5/ Đề cao trách nhiệm của các ngành, các tổ chức đoàn thể trong công tác phòng, chống tội phạm, xây dựng lực lượng Công an và các cơ quan bảo vệ pháp luật thật sự trong sạch, vững mạnh để thực hiện và thực sự trở thành nòng cốt xung kích trong đấu tranh phòng, chống tội phạm. Củng cố, xây dựng chính quyền, đoàn thể, các tổ chức quần chúng ở cơ sở phường, xã, các cơ quan ... vững mạnh để tham gia phong trào bảo vệ ANTQ.
III- Nhiệm vụ cụ thể trong công tác phòng chống tội phạm:
Để thực hiện những biện pháp chủ yếu trên đây, UBND tỉnh đề ra nhiệm vụ cụ thể của các ban, ngành, đoàn thể, UBND các địa phương như sau:
1/ Công an tỉnh chủ trì phối hợp với các Ban, ngành có liên quan nâng cao hiệu quả các biện pháp quản lý Nhà nước về ANTT, củng cố các lực lượng nghiệp vụ trực tiếp phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm và các lực lượng ở cơ sở, bảo vệ dân phố, dân phòng, bảo vệ chuyên trách, bán chuyên trách các cơ quan xí nghiệp ... đẩy mạnh phong trào quần chúng bảo vệ ANTQ, kịp thời phát hiện, phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn các loại tội phạm. Phối hợp với các ngành nội chính tiến hành điều tra; truy tố xét xử kịp thời các đối tượng phạm tội. Là cơ quan đầu mối chủ trì việc phối hợp các hoạt động theo chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm, nghiên cứu dự báo tình hình tội phạm, đề xuất chủ trương biện pháp đấu tranh cho phù hợp.
Xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện 2 đề án: "Đấu tranh phòng chống các loại tội phạm có tổ chức, tội phạm hình sự nguy hiểm" và đề án "đấu tranh phòng chống các loại tội phạm xâm hại trẻ em, tội phạm trong lứa tuổi vị tuổi vị thành niên".
2/ Bộ chỉ huy quân sự tỉnh có trách nhiệm phòng ngừa ngăn chặn tội phạm trong quân nhân, kiểm tra chặt chẽ việc quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ trong quân đội; phối hợp cùng lực lượng Công an kiểm tra công tác sử dụng vũ khí, vật liệu trong các ngành các cơ quan, đơn vị, tổ chức ngoài quân đội; tổ chức thu hồi các loại vũ khí, vật liệu nổ tàng trữ sử dụng trái phép. Chỉ đạo lực lượng quân sự địa phương và dân quân tự vệ phối hợp với lực lượng CAND trong phòng chống các loại tội phạm trong và ngoài quân đội.
3/ Sở Văn hóa - thông tin có trách nhiệm hướng dẫn các cơ quan thông tin đại chúng phối hợp với Sở Tư pháp và các ngành hữu quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, ý thức tôn trọng và thi hành pháp luật, trách nhiệm của công dân trong phòng, chống tội phạm. Phản ánh kịp thời những gương người tốt việc tốt, những hiện tượng tiêu cực, góp phần phát hiện kịp thời những hành vi phạm tội. Thường xuyên kiểm tra và kiên quyết khắc phục những hiện tượng không lành mạnh trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ, báo chí, xuất bản. xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
4/ Thanh tra Nhà nước tỉnh tổ chức tốt công tác thanh tra, kiểm tra, phòng ngừa ngăn chặn các vi phạm pháp luật, phối hợp với các cơ quan bảo vệ pháp luật tổ chức thanh tra, kiểm tra hoạt động theo pháp luật của các ngành các địa phương, góp phần phòng ngừa đấu tranh chống tham nhũng và các vi phạm pháp luật.
5/ Sở Du lịch có nhiệm vụ hướng dẫn phòng ngừa, ngăn chặn các tội phạm, tệ nạn xã hội tại các điểm du lịch, các nhà hàng, khách sạn, quán trọ. Phối hợp với Công an tỉnh, các ngành hữu quan quản lý người nước ngoài đến tham quan du lịch, bảo đảm TTATXH.
6/ Sở Giáo dục đào tạo có trách nhiệm hướng dẫn, quản lý, giáo dục cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên các trường học thực hiện tốt chương trình phòng chống tội phạm. Đưa nội dung bảo vệ ANTT phòng, chống tội phạm vào chương trình giáo dục trong hệ thống nhà truờng theo hướng dẫn của Bộ giáo dục và đào tạo. Phối hợp với Công an tỉnh tổ chức phòng ngừa đấu tranh chống tội phạm và các vi phạm pháp luật trong học sinh, sinh viên, bảo vệ ANTT trong khu vực nhà trường.
7/ Sở Tư pháp nghiên cứu, rà soát đề xuất bổ sung, sửa đổi những văn bản pháp quy về phòng, chống tội phạm do UBND tỉnh và các ngành chức năng của tỉnh nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng, chống tội phạm. Phối hợp với các ngành liên quan, các cơ quan báo chí tổ chức "tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật". Mở chuyên mục giáo dục pháp luật thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Chủ trì xây dựng đề án "Tăng cường tuyên truyền giáo dục pháp luật và trách nhiệm của công dân bảo vệ ANTT".
8/ Sở LĐTBXH có nhiệm vụ hướng dẫn việc dạy nghề cho các đối tượng ở các trại giam, hỗ trợ giải quyết việc làm cho các đối tượng đã mãn hạn tù, cá đối tượng tệ nạn xã hội, giúp họ tái hòa nhập với cộng đồng. Thực hiện các chính sách khen thưởng đãi ngộ với những người có thành tích và những người hy sinh, bị thương, bị thiệt hại tài sản trong đấu tranh phòng, chống tội phạm.
9/ Sở Kế hoạch - đầu tư, Sở Tài chính-vật giá có trách nhiệm phân bổ kinh phí được cấp cho chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm; phối hợp với Công an tỉnh nghiên cứu đề xuất bảo đảm tranh bị phương tiện và từng bước hiện đại hóa phương tiện cho cơ quan bảo vệ pháp luật, đặc biệt là các cơ quan có trách nhiệm phát hiện điều tra xử lý tội phạm. Nghiên cứu đề xuất UBND tỉnh huy động sự đóng góp kinh phí của các tổ chức, cá nhân cho công tác phòng, chống tội phạm.
10/ Các ngành GTVT, Công nghiệp, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Thương mại, Ngân hàng Nhà nước, các cơ quan khác, kể cả cơ quan Trung ương đóng tại địa phương trên cơ sở chức năng của mình phối hợp với lực lượng Công an tăng cường công tác phòng ngừa, bảo vệ nội bộ và đấu tranh chống tội phạm thuộc các lĩnh vực do ngành phụ trách. Mỗi ngành phải có chương trình công tác tham gia phòng chống tội phạm và phối hợp có hiệu quả với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương.
11/ Đề nghị VKSND, TAND tỉnh phối hợp chặt chẽ với các cơ quan bảo vệ pháp luật đẩy mạnh công tác điều tra, truy tố, xét xử tội phạm một cách kịp thời và nghiêm minh, kiểm sát việc tuân theo pháp luật của các cấp, các ngành, các tổ chức, đoàn thể và công dân.
12/ Đề nghị UBMTTQVN tỉnh Lâm Đồng, Đoàn thanh niên CSHCM tỉnh Lâm Đồng, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam tỉnh Lâm Đồng, Liên đoàn lao động tỉnh, hội nông dân tỉnh, Hội cựu chiến binh tỉnh và các tổ chức xã hội khác phối hợp chặt chẽ với các ngành các cấp trong việc vận động giáo dục đoàn viên, hội viên của mình về ý thức chấp hành pháp luật, xây dựng cuộc sống mới và tích cực tham gia công tác phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội.
Ủ
y ban mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh trực tiếp xây dựng và tổ chức thực hiện đề án: "Phát động toàn dân tham gia phòng ngừa, phát hiện tố giác tội phạm, cảm hóa giáo dục cải tạo người phạm tội tại gia đình và cộng đồng dân cư".13/ UBND các huyện, Thị xã Bảo lộc, Thành phố Đà lạt có trách nhiệm chỉ đạo toàn bộ công tác quốc phòng, chống tội phạm tại địa phương. Xây dựng chương trình, kế hoạch, biện pháp cụ thể để chỉ đạo các phòng ban, các phường xã, thị trấn thực hiện tốt Nghị quyết và chương trình quốc gia phòng chống tội phạm.
IV- Tổ chức thực hiện:
1/
Ở tỉnh, thành lập Ban chỉ đạo thực hiện chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm (gọi tắt là BCĐ 138 của tỉnh) do một Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng ban, Giám đốc Công an tỉnh làm phó ban, Phó Giám đốc Công an tỉnh phụ trách lực lượng CSND làm ủy viên thường trực, Giám đốc các Sở: Kế hoạch Đầu tư, Tư pháp, Lao động Thương binh - xã hội, Văn hóa - Thông tin, Giáo dục Đào tạo, Tài chính, ủy ban Bảo vệ và chăm sóc trẻ em tỉnh, Chánh Văn phòng UBND tỉnh, chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, Chánh án TAND tỉnh, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh là ủy viên. Mời đại diện Lãnh đạo Văn phòng Tỉnh ủy, Ban nội chính Tỉnh ủy, MTTQVN tỉnh, Tỉnh đoàn thanh niên CSHCM, Hội Liên hiệp PNVN tỉnh, Hội nông dân tỉnh, Hội cựu chiến binh tỉnh tham gia Ban chỉ đạo. Xây dựng quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo. Bộ phận giúp việc cho Ban chỉ đạo 138 tỉnh do Phó Giám đốc Công an tỉnh phụ trách lực lượng CSND là ủy viên thường trực, trực tiếp chỉ đạo và các ngành Công an, Văn phòng UBND tỉnh, Sở Tư pháp cử cán bộ tham gia bộ phận này.2/ UBND các huyện, Thị xã Bảo Lộc, Thành phố Đà Lạt thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống tội phạm (gọi tắt là Ban chỉ đạo 138 cấp huyện) do một Phó Chủ tịch UBND các huyện, Thị xã, Thành phố làm trưởng ban, các thành viên tương ứng như BCĐ của tỉnh để giúp UBND các huyện, thị, thành chỉ đạo thực hiện chương trình quốc gia phòng chống tội phạm ở địa phương.
UBND các huyện, Thành phố Đà lạt, Thị xã Bảo lộc chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn có kế hoạch triển khai chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm ở cơ sở và thành lập Ban chỉ đạo ở cấp xã, phường, thị trấn (gọi tắt là Ban chỉ đạo 138 xã, phường, thị trấn - thay cho hội đồng bảo vệ ANTT trước đây). Ban chỉ đạo do Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn làm trưởng ban; trưởng Công an làm phó ban trực; Cơ quan Quân sự, Tư pháp, MTTQ, các đoàn thể là ủy viên.
3/ UBND tỉnh chọn Thành phố Đà Lạt, Thị xã Bảo Lộc, huyện Đức Trọng và huyện Lâm Hà làm trọng điểm để tổ chức triển khai kế hoạch phòng, chống tội phạm theo Kế hoạch này. Đồng thời chỉ đạo điểm để rút kinh nghiệm với các nội dung sau:
+ Tổ chức chỉ đạo điểm về việc thực hiện Nghị quyết 09/CP và chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm tại Thành phố Đà lạt .
+ Tổ chức chỉ đạo điểm về công tác xây dưng và củng cố các tổ chức cơ sở tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở tại huyện Đức trọng.
+ Tổ chức chỉ đạo điểm về công tác phát động phong trào quần chúng tham gia tố giác tội phạm, giáo dục, cải tạo nguời phạm tội tại cộng đồng dân cư tại Thị xã Bảo lộc.
+ Tổ chức chỉ đạo điểm về công tác đấu tranh chống tội phạm hoạt động lưu động, tội phạm sử dụng bạo lực tại huyện Lâm Hà.
Thời gian chỉ đạo là 1 năm, sau đó sẽ tổ chức tổng kết rút kinh nghiệm để chỉ đạo chung.
4/ Các cơ quan, ban, ngành đoàn thể của tỉnh, căn cứ vào Kế hoạch này tổ chức quán triệt nội dung Nghị quyết 09/CP và chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm trong cán bộ, nhân viên và xây dựng kế hoạch phòng chống tội phạm theo chức năng nhiệm vụ. Các ngành Công an tỉnh, Sở Tư pháp và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh xây dựng các đề án phòng, chống tội phạm theo nhiệm vụ được phân công và phối hợp với các ngành, các tổ chức đoàn thể, tổ chức thực hiện.
5/ Căn cứ kế hoạch của UBND tỉnh, UBND các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể có kế hoạch cụ thể tổ chức triển khai ở địa phương bắt đầu từ tháng 06 năm 1999.
Hàng tháng Ban chỉ đạo 138 các cấp, các ngành, các tổ chức, đoàn thể tổ chức họp đánh giá kết quả triển khai thực hiện. Ba tháng một lần đối với cấp xã, phường, thị trấn và cấp cơ sở, sáu tháng một lần đối với cấp huyện, Thành phố, Thị xã, các ngành, đoàn thể; một năm một lần đối với cấp tỉnh tổ chức sơ kết đánh giá kết quả thực hiện, rút ra những kinh nghiệm để tiếp tục chỉ đạo đạt kết quả.
Hàng tháng Ban chỉ đạo 138 các cấp có báo cáo chuyên đề kết quả triển khai thực hiện ở ngành, địa phương mình cho Thường trực Ban chỉ đạo cấp trên để theo dõi chỉ đạo.
6/ UBND tỉnh giao Ban chỉ đạo 138 của tỉnh hướng dẫn, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết quả này và thường xuyên có báo cáo UBND biết chỉ đạo./.