QUY?T Đ?NH C?A ?Y BAN NHÂN DÂN T?NH NINH THU?NQUYẾT ĐỊNH CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NINH THUẬN
Về việc ban hành Quy định về chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí trông giữ phương tiện tham gia giao thông bị tạm giữ do vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NINH THUẬN
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân;
Căn cứ Pháp lệnh phí, lệ phí;
Căn cứ Nghị định số 57/2002/NĐ-CP ngày 03-6-2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh phí và lệ phí; Thông tư số 63/2002/TT-BTC ngày 24-7-2002 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện các quy định pháp luật về phí và lệ phí;
Căn cứ Thông tư số 15/2003/TT-BTC ngày 07-3-2003 của Bộ Tài chính hướng dẫn về phí trông giữ xe đạp, xe máy, ô tô bị tạm giữ do vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông;
Căn cứ Công văn số 251/CV-TTHĐ ngày 14-5-2003 của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh và theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài chính Vật giá tại Tờ trình số 630/TTr-STCVG ngày 22 tháng 4 năm 2003.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo quyết định này Quy định về chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí trông giữ phương tiện tham gia giao thông bị tạm giữ do vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 3: Các ông Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Tài chính Vật giá, Giám đốc Công an tỉnh, Cục Thuế tỉnh, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
QUY ĐỊNH
Chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí trông giữ phương tiện tham gia giao thông bị tạm giữ do vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận
(Ban hành kèm theo Quyết định số 62/2003/QĐ-UB ngày 20-5-2003 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1: Phạm vi điều chỉnh:
Quyết định này qui định việc thu, nộp quản lý và sử dụng phí trông giữ phương tiện tham gia giao thông bị tạm giữ do vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh được qui định tại Danh mục chi tiết phí, lệ phí ban hành kèm theo Nghị định số 57/2002/NĐ-CP ngày 03-6-2002 của Chính phủ "Qui định chi tiết thi hành Pháp lệnh phí và lệ phí".
Điều 2. Đối tượng nộp phí:
Là người sử dụng các loại phương tiện tham gia giao thông bị tạm giữ xe do vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.
Điều 3. Cơ quan nộp phí:
Là các tổ chức được quyền xử phạt vi phạm hành chính về giao thông đường bộ theo Nghị định số 15/2003/NĐ-CP ngày 19-02-2003 của Chính phủ "Qui định xử phạt hành chính về giao thông đường bộ".
Chương II
NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 4. Mức thu phí:
1. Mức thu đối với xe đạp: 1.000đ/ngày/xe.
2. Mức thu đối với môtô (xe máy), xe gắn máy, ba-gác máy, xe xích lô đạp, xe súc vật kéo: 2.000đ/ngày/xe.
3. Mức thu đối với ôtô và các loại xe có kết cấu tương tự xe ôtô tương đương:
3.1. Ôtô chở người:
Từ 9 chỗ trở xuống: 10.000đ/ngày/xe.
Từ 10 chỗ đến 30 chỗ: 20.000đ/ngày/xe.
Trên 30 chỗ: 30.000đ/ngày/xe.
3.2. Ôtô vận tải:
Dưới 3,5 tấn: 20.000đ/ngày/xe.
Từ 3,5 tấn trở lên (kể cả các loại xe chuyên dùng khác): 30.000đ/ngày/xe.
Tạm giữ dưới 24 giờ thì thu bằng mức 1 ngày.
Trường hợp phương tiện tham gia giao thông bị tạm giữ nhưng sau đó xác định người sử dụng phương tiện tham gia giao thông không có lỗi trong việc vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông thì người sử dụng phương tiện tham gia giao thông không phải nộp phí trông giữ xe. Nếu người sử dụng phương tiện đã nộp phí thì đơn vị thu phải hoàn trả lại tiền phí cho người sử dụng phương tiện.
Điều 5. Tổ chức thu, nộp:
Tổ chức, cá nhân thu phí trông giữ phương tiện tham gia giao thông bị tạm giữ phải thực hiện các qui định sau:
1. Thông báo và niêm yết công khai mức thu phí tại điểm thu ở vị trí thuận tiện để các đối tượng nộp phí biết.
2. Phải đăng ký tại cơ quan Thuế trực tiếp quản lý để được cấp biên lai thu phí và quản lý, sử dụng theo đúng qui định của Bộ Tài chính về phát hành, quản lý, sử dụng và thanh quyết toán trên biên lai thu phí.
3. Khi thu phí trông giữ xe phải cấp cho người nộp tiền biên lai thu phí; phải thực hiện đăng ký, kê khai, thu, nộp, quyết toán tiền thu phí theo quy định tại Thông tư số 63/2002/TT-BTC ngày 24-7-2002 của Bộ Tài chính "Hướng dẫn thực hiện các qui định pháp luật về phí và lệ phí".
Điều 6. Quản lý và sử dụng:
1. Phí trông giữ phương tiện tham gia giao thông bị tạm giữ do tổ chức thu thuộc cấp nào sẽ nộp vào ngân sách cấp đó.
2. Cơ quan thu phí được cấp lại 60% số phí trông giữ xe bị tạm giữ thực nộp ngân sách để chi dùng cho các nội dung có liên quan đến công tác thu phí như: trả tiền mua chứng từ thu, trả công (hoặc thù lao) cho cán bộ, nhân viên trực tiếp thu, trông giữ xe, chi sửa chữa, mở rộng kho giữ xe, văn phòng phẩm, vật tư văn phòng, điện thoại, điện, nước, công tác phí, công vụ phí và các khoản chi phí khác có liên quan trực tiếp đến việc tạm giữ phương tiện tham gia giao thông, theo tiêu chuẩn, định mức hiện hành; trích quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi cho cán bộ, nhân viên trực tiếp thu phí theo chế độ đã qui định. Cuối năm, cơ quan thu phí được chuyển số còn lại sang năm sau sử dụng.
3. Nộp ngân sách Nhà nước cùng cấp với cơ quan thu phí: 40%.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 7. Sở Tài chính Vật giá có trách nhiệm phối hợp với Cục Thuế tỉnh, các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã hướng dẫn việc lập dự toán thu, chi, quản lý việc sử dụng và thanh quyết toán phí trông giữ xe.
Điều 8. Cục Thuế tỉnh có trách nhiệm tổ chức in, phát hành biên lai thu phí và hướng dẫn việc quản lý, sử dụng, thanh quyết toán chứng từ thu; tổ chức thu, nộp.
Chương IV
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 9. Giám đốc Sở Tài chính Vật giá phối hợp với Cục trưởng Cục Thuế, Giám đốc Kho bạc Nhà nước, Thủ trưởng các Sở, ngành liên quan tổ chức triển khai và hướng dẫn thực hiện Quyết định này.