QUYẾT ĐỊNH CỦA UBND TỈNH BẮC NINH
Về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy và
mối quan hệ công tác của Sở Tư pháp
UBND TỈNH BẮC NINH
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 21/6/1994;
Căn cứ Thông tư Liên Bộ số 12/TT-LB ngày 26/7/1993 của Bộ Tư pháp và Ban Tổ chức cán bộ Chính phủ hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy cơ quan tư pháp địa phương;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp và Trưởng ban Tổ chức chính quyền,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này bản quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy và mối quan hệ công tác của Sở Tư pháp.
Điều 2: Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký. Những quy định trước đây của UBND tỉnh về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy và mối quan hệ công tác Sở Tư pháp trái với quy định này đều bị bãi bỏ.
Điều 3: Giám đốc Sở Tư pháp, Trưởng ban Tổ chức chính quyền, Thủ trưởng các cơ quan thuộc UBND tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
QUY ĐỊNH
Về chức năng, nhiệm vụ quyền hạn, tổ chức bộ máy,
mối quan hệ công tác của Sở Tư pháp
(Ban hành kèm theo Quyết định số 66/1998/QĐ-UBngày 31 tháng 8 năm 1998 của UBND tỉnh Bắc Ninh)
Điều 1: Chức năng của Sở Tư pháp:
Sở Tư pháp là cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh có chức năng giúp UBND tỉnh thực hiện việc quản lý Nhà nước về công tác tư pháp trong phạm vi tỉnh; thực hiện một số chức năng, nhiệm vụ do Bộ trưởng Bộ Tư pháp uỷ quyền, phân cấp và chịu sự chỉ đạo, quản lý về chuyên môn nghiệp vụ của Bộ Tư pháp.
Điều 2: Sở Tư pháp có nhiệm vụ quyền hạn sau:
1- Giúp UBND tỉnh quản lý thống nhất việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) của UBND các cấp trong địa bàn tỉnh.
a) Phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh lập chương trình xây dựng văn bản QPPL của UBND tỉnh hàng năm trình UBND tỉnh quyết định.
b) Chủ trì soạn thảo hoặc tham gia soạn thảo các văn bản QPPL theo sự phân công của UBND tỉnh.
c) Được UBND tỉnh uỷ nhiệm xem xét, có ý kiến về mặt pháp lý các dự thảo văn bản QPPL do các cơ quan khác soạn thảo trước khi trình UBND tỉnh quyết định ban hành.
d) Tổ chức lấy ý kiến, tổng hợp kết quả lấy ý kiến đóng góp cho các Dự án Luật, Pháp lệnh theo sự chỉ đạo của HĐND tỉnh và UBND tỉnh, Đoàn Đại biểu Quốc Hội tỉnh và hướng dẫn của Bộ Tư pháp.
đ) Đôn đốc kiểm tra và hướng dẫn nghiệp vụ đối với các cơ quan thuộc UBND tỉnh và UBND huyện, thị xã trong việc ban hành văn bản, rà soát, hệ thống hoá văn bản QPPL ở địa phương; phát hiện những văn bản trái pháp luật kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, đình chỉ hoặc huỷ bỏ.
2- Giúp UBND tỉnh thực hiện việc phổ biến giáo dục pháp luật trong phạm vi tỉnh:
a) Xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình phổ biến giáo dục pháp luật cho các tầng lớp nhân dân trong tỉnh.
b) Phối hợp với các ngành, các cấp, các cơ quan thông tin đại chúng tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật cho các tầng lớp nhân dân trong tỉnh.
c) Phối hợp với Sở Giáo dục-Đào tạo và các cơ quan có liên quan hướng dẫn thực hiện chương trình giảng dạy pháp luật trong trường học.
3- Quản lý về mặt tổ chức cán bộ các Toà án nhân dân huyện, thị xã trong tỉnh theo sự phân cấp của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
4- Quản lý công tác tổ chức cán bộ, công tác Thi hành án dân sự tại địa phương theo quy định pháp luật và hướng dẫn của Bộ Tư pháp.
5- Quản lý tổ chức và hoạt động của Đoàn Luật sư, các tổ chức tư vấn pháp luật, các chi nhánh tổ chức luật sư nước ngoài theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của Bộ Tư pháp.
6- Quản lý tổ chức và hoạt động của các Phòng Công chứng Nhà nước; hướng dẫn, kiểm tra hoạt động công chứng ở các huyện, thị xã theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của Bộ Tư pháp.
7- Quản lý công tác giám định tư pháp, lý lịch tư pháp và thống kê tư pháp theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của Bộ Tư pháp.
8- Giúp UBND tỉnh thực hiện việc đăng ký, quản lý công tác hộ tịch thuộc thẩm quyền; chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ và kiểm tra việc thực hiện công tác hộ tịch ở địa phương theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của Bộ Tư pháp.
9- Quản lý tổ chức và hoạt động của Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản, Trung tâm trợ giúp Pháp lý cho người nghèo và đối tượng chính sách theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của Bộ Tư pháp.
10- Giúp UBND tỉnh quản lý tổ chức và hoạt động của Trung tâm Trọng tài kinh tế theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của Bộ Tư pháp .
11- Thực hiện thanh tra chuyên ngành, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của Pháp luật, hướng dẫn của thanh tra Nhà nước tỉnh và Bộ Tư pháp.
12- Thực hiện quyền hạn của mình theo "Quy định phân cấp quản lý tổ chức và cán bộ" tại Quyết định số 99/UB ngày 01/4/1997 của UBND tỉnh Bắc Ninh.
13- Hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ cho cơ quan tư pháp cấp huyện, cấp xã trong tỉnh.
14- Chỉ đạo, hướng dẫn tổng kết công tác hoà giải ở cơ sở trong địa bàn tỉnh.
15- Định kỳ báo cáo công tác hàng tháng, quý, Sơ kết 6 tháng, Tổng kết năm và báo cáo đột xuất với UBND tỉnh và Bộ Tư pháp.
16- Thực hiện các nhiệm vụ khác được UBND tỉnh và Bộ Tư pháp giao.
Điều 3: Tổ chức bộ máy của Sở Tư pháp:
1- Sở Tư pháp do Giám đốc Sở lãnh đạo. Giám đốc Sở chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh và Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của Sở. Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, các chức Giám đốc Sở Tư pháp do Chủ tịch UBND tỉnh quyết định sau khi thống nhất ý kiến bằng văn bản với Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
Giúp việc cho Giám đốc Sở Tư pháp có các Phó Giám đốc Sở. Phó Giám đốc Sở thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của Giám đốc và chịu trách nhiệm trước Giám đốc về nhiệm vụ được giao. Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm cách chức phó Giám đốc Sở do Chủ tịch UBND tỉnh quyết định theo đề nghị của Giám đốc Sở và Trưởng Ban Tổ chức chính quyền tỉnh.
2- Sở Tư pháp có các phòng và đơn vị tương đương như sau:
a) Các phòng và đơn vị tương đương do UBND tỉnh thành lập:
Phòng Hành chính-Tổng hợp;
Phòng Tổ chức - cán bộ và quản lý Toà án cấp huyện;
Phòng Văn bản và phổ biến, giáo dục pháp luật;
Phòng Hộ tịch và quản lý các hoạt động bổ trợ tư pháp;
Thanh tra Sở;
Phòng Công chứng Nhà nước;
Trung tâm trợ giúp pháp lý cho người nghèo và đối tượng chính sách;
Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản.
b) Phòng do Bộ Tư pháp thành lập, uỷ quyền cho Sở Tư pháp quản lý: Phòng Thi hành án dân sự.
c) Các cơ quan khác theo quy định của Pháp luật.
Lãnh đạo phòng và các đơn vị tương đương có 1 Trưởng phòng và 1 Phó Trưởng phòng (Hoặc các chức vụ tương đương). Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Trưởng phòng và các chức vụ tương đương do Chủ tịch UBND tỉnh quyết định theo đề nghị của Giám đốc Sở và Trưởng ban Tổ chức chính quyền tỉnh.
Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Trưởng phòng và các chức vụ tương đương do Giám đốc Sở quyết định sau khi thống nhất ý kiến bằng văn bản với Trưởng ban Tổ chức chính quyền tỉnh.
Đối với cơ quan Thanh tra việc bổ nhiệm, miễn nhiệm cách chức Chánh Thanh tra, Phó Chánh Thanh tra còn có sự thoả thuận bằng văn bản của Chánh Thanh tra Nhà nước tỉnh.
Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức lãnh đạo và Chấp hành viên Phòng thi hành án, Đội thi hành án thực hiện theo Nghị định số 30/CP ngày 02/6/1993 của Chính phủ về công tác quản lý thi hành án dân sự và hướng dẫn của Bộ Tư pháp.
Điều 4: Mối quan hệ công tác:
1- Quan hệ với Tỉnh uỷ, HĐND tỉnh và UBND tỉnh và Bộ Tư pháp:
Sở Tư pháp chịu sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh và UBND tỉnh, đồng thời chịu sự chỉ đạo về chuyên môn, nghiệp vụ của Bộ Tư pháp, thực hiện một số nhiệm vụ do Bộ trưởng Bộ Tư pháp uỷ quyền, phân cấp.
2- Quan hệ với các cơ quan, ban, ngành của tỉnh:
Sở Tư pháp phối hợp với các cơ quan, ban, ngành của tỉnh trong việc quản lý, chỉ đạo công tác tư pháp và thực hiện các công việc khác do Tỉnh uỷ, HĐND tỉnh và UBND tỉnh giao.
3- Quan hệ với Huyện uỷ, Thị uỷ và UBND các huyện, thị xã:
Sở Tư pháp phối hợp cùng với Huyện uỷ, Thị uỷ và UBND huyện, thị xã trong việc quản lý về mặt tổ chức các Toà án nhân dân huyện, thị xã; chỉ đạo hoạt động của Phòng Tư pháp, Đội thi hành án và việc quản lý Nhà nước về công tác tư pháp trong phạm vi huyện, thị xã.
4- Quan hệ với Toà án nhân dân tỉnh:
Giám đốc Sở Tư pháp phối hợp với Chánh án Toà án nhân dân tỉnh trong việc quản lý về mặt tổ chức các Toà án nhân dân huyện, thị xã theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của Bộ Tư pháp.
5- Quan hệ với Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh:
Sở Tư pháp phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh trong công tác kiểm tra việc ban hành các văn bản và thực hiện rà soát các văn bản QPPL của các ngành, các địa phương trong tỉnh; kịp thời kiến nghị với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, đình chỉ hoặc bãi bỏ những văn bản trái với pháp luật hoặc đã hết hiệu lực.
6- Quan hệ với Công an tỉnh:
Sở Tư pháp phối hợp với Công an tỉnh trong việc đăng ký, quản lý hộ tịch có nhân tố nước ngoài, cấp xác nhận lý lịch tư pháp cho công dân khi có yêu cầu. Phối hợp với Công an tỉnh trong việc bảo vệ an ninh chính trị nội bộ và bí mật Nhà nước trong công tác của mình.
Điều 5: Tổ chức thực hiện
Giám đốc Sở Tư pháp căn cứ vào quy định này để xây dựng Quy chế làm việc của Sở Tư pháp.
Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có vấn đề phát sinh hoặc gặp khó khăn vướng mắc, Giám đốc Sở Tư pháp và Trưởng ban Tổ chức chính quyền phải kịp thời báo cáo UBND tỉnh để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.