QUYẾT ĐỊNH CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
Về việc phê duyệt Quy hoạch chi tiết Khu vực nút giao thông Bưởi-
Nghĩa Đô tỷ lệ 1/500
(Phần Quy hoạch giao thông và Quy hoạch kiến trúc)
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân;
Căn cứ Pháp lệnh Thủ đô Hà Nội;
Căn cứ Nghị định số 91/CP ngày 17 tháng 8 năm 1994 của Chính phủ ban hành Điều lệ quản lý quy hoạch đô thị;
Căn cứ Quyết định số 108/1998/QĐ-TTg ngày 20 tháng 6 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2020;
Căn cứ Quyết định số 322 BXD/ĐT ngày 28 tháng 12 năm 1993 của Bộ trưởng bộ Xây dựng về việc ban hành quy định lập các đồ án quy hoạch xây dựng đô thị;
Xét đề nghị của Sở Quy hoạch Kiến trúc tại Tờ trình số 11/TTr-QHKT, ngày 10/1/2003 và số 17/QHKT-DA ngày 14/5/2003,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch chi tiết Khu vực nút giao thông Bưởi-Nghĩa Đô, tỉ lệ 1/500, quy mô 36 ha do Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội lập tháng 10 năm 2002 với các nội dung chủ yếu như sau:
1. Vị trí, ranh giới:
Nút giao thông Bưởi-Nghĩa Đô trong Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2020 được xác định là giao cắt của đường Vành đai 2 với tuyến đường Hoàng Quốc Việt, Hoàng Hoa Thám. Khu vực quy hoạch nút nằm trong địa giới hành chính của các phường Cống Vị- quận Ba Đinh, phuờng Nghĩa Đô - quận Cầu Giấy, phường Bưởi - quận Tây Hồ.
2. Quy mô:
Tổng diện tích đất trong phạm vi quy hoạch là 360.000m2 (36 ha) bao gồm: đất dân cư, đất cơ quan đang sử dụng, đất chợ, đất đình, chùa, di tích, đất đường, đất sông, đất mương, đất đê và đất cây xanh.
3. Nội dung quy hoạch chi tiết:
3.1. Mục tiêu:
Từng bước thực hiện "Điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2020" đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt tại quyết định số 108/1998/QĐ-TTg ngày 20/6/1998.
Từng bước cải tạo, xây dựng hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông đô thị của Thành phố, đáp ứng nhu cầu giao thông, phục vụ phát triển kinh tế- xã hội và bảo vệ an ninh, quốc phòng Thủ đô.
3.2. Quy hoạch giao thông:
3.2.1. Nút giao thông:
Hình thức giao cắt của nút là: Giao khác cốt
Giải quyết các mối liên hệ 2 chiều cơ bản như sau: hướng từ đường Hoàng Quốc Việt đến đường Hoàng Hoa Thám, hướng từ đường Hoàng Hoa Thám đến cầu Nhật Tân, hướng Cầu Giấy-cầu Nhật Tân (Vành đai 2). Ưu tiên luồng giao thông từ sân bay quốc tế Nội Bài và ga Phú Diễn về trung tâm thành phố.
Đảm bảo tổ chức giao thông cho các loại phương tiện khi đi vào nút được thuận lợi, đặc biệt là phương tiện thô sơ.
Có tính đến phuơng án thiết kế nút khi xử lý đê Bưởi.
Các tiêu chuẩn áp dụng và thông số kỹ thuật cơ bản của nút Bưởi-Nghĩa Đô:
Hướng vượt (lên cao): theo hướng Cầu Giấy-cầu Nhật Tân (vành đai 2), với cầu vượt đảm bảo 6 làn xe (2 chiều).
Hướng từ đường Hoàng Quốc Việt đến đường Hoàng Hoa Thám đảm bảo 6 làn xe (2 chiều).
Tĩnh không dưới cầu vượt H³4,5m.
3.2.2. Mạng đường trong khu vực nút giao thông Bưởi-Nghĩa Đô:
Đường cấp thành phố và liên khu vực:
Đường Vành đai 2 có bề rộng mặt cắt ngang quy hoạch điển hình khi bắt đầu đi vào nút B=57,5m gồm 6 làn xe cơ giới, 4 làn xe thô sơ, vỉa hè mỗi bên rộng 6m cùng các dải phân cách.
Đường Hoàng Quốc Việt có bề rộng mặt cắt ngang quy hoạch khi bắt đầu đi vào nút B=50m, gồm 6 làn xe, dải phân cách trung tâm rộng 13m (có tính để dự trữ), vỉa hè mỗi bên rộng 8m.
Đường Hoàng Hoa Thám (đoạn từ nút Bưởi đến trường THCS Hoàng Hoa Thám) có bề rộng mặt cắt ngang khi bắt đầu đi vào nút B=50m, gồm 8 làn xe dải phân cách trung tâm rộng 8m (có tính để dự trữ), vỉa hè mỗi bên rộng 6m.
Đường phân khu vực:
Đảm bảo hỗ trợ cho nút giao thông, không gây rối loạn cho các luồng giao thông chính đi vào nút, gồm các đường sau:
Đường Lạc Long Quân là đường phân khu vực, có bề rộng mặt cắt ngang B=25m, gồm 4 làn xe, vỉa hè mỗi bên rộng 5m.
Đường Thuỵ Khuê có mặt cắt ngang rộng 19m đến 20,5m gồm 2 đến 3 làn xe, vỉa hè mỗi bên rộng 5 m.
Đường nhánh gồm: Loại đường có bề rộng mặt cắt ngang: B=15,5m đến 17,5 m (Đường ven sông Tô Lịch, đuờng Hoàng Hoa Thám cũ…) với 2 làn xe, vỉa hè mỗi bên rộng 3m đến 5,0m. Loại đường có bề rộng mặt cắt ngang: B=11,5m đến 13,5m, với lòng đường đạt 1 đến 2 làn xe, vỉa hè mỗi bên rộng 3m.
3.2.3. Bãi đỗ xe:
Trong khu vực nút giao thông Bưởi-Nghĩa Đô có 4 bãi đỗ xe, trong đó bãi đỗ xe P3 có diện tích 576m2 Các bãi đỗ xe P1, P2, P4 được bố trí trong đất dự kiến xây dựng các công trình công cộng trong khu vực quy hoạch nút như: chợ, trụ sở, trung tâm giao dịch… đảm bảo nhu cầu đỗ xe của bản thân công trình và đáp ứng một phần cho nhu cầu công cộng khu vực xung quanh.
BẢNG TỔNG HỢP CÁC CHI TIẾT SỬ DỤNG ĐẤT GIAO THÔNG
TT | HẠNG MỤC | DIỆN TÍCH ĐẤT | TỈ LỆ | CHÚ THÍCH |
M2 | % | |
1 | 2 | 4 | 5 | 6 |
1 | NÚT GIAO THÔNG | 72050 | 20,01 | |
2 | ĐƯỜNG THÀNH PHỐ VÀ LIÊN KHU VỰC | 46580 | 12,94 | |
3 | ĐƯỜNG PHÂN KHU VỰC | 14360 | 3,99 | |
4 | ĐƯỜNG NHÁNH | 17214 | 4,78 | |
5 | BÃI ĐỖ XE (ĐIỂM P3) | 576 | 0,16 | Bãi đỗ P1, P2, P4 đã tính trong đất công cộng |
| TỔNG CỘNG | 150780 | 41,88 | Trong tổng diện tích 36ha lập quy hoạch nút |
3.3. Quy hoạch kiến trúc:
3.3.1. Quy hoạch sử dụng đất:
Các chỉ tiêu cơ bản
Với nhà ở xây dựng mới
Mật độ xây dựng khoảng : 40%
Tầng cao bình quân: 5 tầng
Tiêu chuẩn diện tích sàn nhà ở: 24m2 sàn/người.
Với làng xóm cải tạo:
Mật độ xây dựng 45¸55%
Tầng cao 2¸3 tầng.
BẢNG TỔNG HỢP CÁC CHỈ TIÊU SỬ DỤNG ĐẤT
TT | | KÝ | D.T.ĐẤT | TỈ LỆ | M.ĐỘ X.D | H.SỐ SDĐ | T.C.B.Q |
HẠNG MỤC | HIỆU | M2 | % | % | LẦN | TẦNG |
1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 |
I | CƠ QUAN, VIỆN NGHIÊN CỨU, TRƯỜNG ĐÀO TẠO | CQ | 33300 | 9,25 | 29,65 | 1,97 | 6,65 |
II | ĐẤT Ở | Ơ | 107110 | 29,75 | 35,12 | 1,08 | 3,09 |
III | TRƯỞNG HỌC | TH | 7900 | 2,19 | 15,97 | 0,48 | 3,00 |
IV | NHÀ TRẺ-MẪU GIÁO | NT | 2330 | 0,65 | 24,81 | 0,50 | 2,00 |
V | ĐẤT HỖN HỢP | HH | 30500 | 8,47 | 21,84 | 0,85 | 3,89 |
VI | DI TÍCH (BAO GỒM CẢ HÀNH LANG BẢO VỆ) | DT | 11350 | 3,15 | | | |
VII | ĐẤT CÂY XANH | CX | 1060 | 0,29 | | | |
VIII | ĐẤT GIAO THÔNG | | 150780 | 41,88 | | | |
IX | ĐẤT KHÁC (CÂY XANH CÁCH LY SÔNG, MƯƠNG, CỐNG …) | CL | 15670 | 4,35 | | | |
| TỔNG CỘNG | | 360000 | 100,00 | | | |
3.3.2. Tổ chức không gian kiến trúc, cảnh quan:
Nút giao thông Bưởi-Nghĩa Đô được chia thành hai khu vực chính là khu phía Đông đường Vành đai 2 và khu phía Tây đường Vành đai 2 cụ thể như sau:
a. Khu phía Đông: Là khu vực nằm trong vùng hạn chế phát triển của Thủ đô gồm khu làng cổ Võng Thị, chủ yếu cải tạo chỉnh trang theo quy hoạch, các công trình nhà ở của nhân dân ở mặt đường phía Nam đường Hoàng Hoa Thám (mới) được cải tạo xây dựng với chiều cao từ 3 đến 5 tầng, hình thức kiến trúc (các công trình bám mặt đường) phải được quản lý và hướng dẫn xây dựng, cải tạo nhằm tạo bộ mặt kiến trúc hài hoà, đảm bảo một không gian mặt phố có tổ chức. Đối với các công trình nằm phía sau được cải tạo, xây dựng từ 2 đến 3 tầng với mật độ xây dựng thấp, kết hợp với không gian cây xanh, di tích hiện có, tạo nên không gian truyền thông của làng cổ.
Ngoài ra khu vực này còn là cửa ngõ phía Tây của thành phố, nơi có lưu lượng lớn khách từ sân bay quốc tế Nội Bài và từ ga Phú Diễn đi qua để vào trung tâm thành phố. Khoảng đất giữa đường Hoàng Hoa Thám cũ và đường Hoàng Hoa Thám mới có không gian và tầm nhìn lớn được dành để xây dựng tổ hợp công trình hỗn hợp, văn phòng có chiều cao từ 9 đến 15 tầng. Hình thức kiến trúc mang tính dân tộc, có tính chất điển hình độc đáo.
Ngoài tổ hợp công trình trên, các lô đất thuộc các cơ quan, đơn vị nằm trong khu vưjc này được thiết kế hợp khối cao từ 5 đến 7 tầng mang hình thức kiến trúc dân tộc.
Tại góc phía Đông Nam của nút giao thông Bưởi-Nghĩa Đô, bố trí tổ hợp công trình cao 9 đến 12 tầng.
b. Khu phía Tây: Là khu vực nằm trong vùng phát triển đô thị của Thủ đô. Đón hướng từ trung tâm thành phố ra là tổ hợp công trình cao 15 tầng nằm ở phía Bắc đường Hoàng Quốc Việt, công trình có hình thức kiến trúc hiện đại, mở đầu cho quần thể các công trình sẽ xây ựng trên trục khu khoa học Nghĩa Đô.
Phía Nam đường Hoàng Quốc Việt hiện là khu nhà dân xây dựng lộn xộn, sẽ được xây dựng lại thành các chung cư cao tầng hiện đại và tiện nghi nhằm tạo bộ mặt cho trục đường, đồng thời giải quyết nhu cầu di dân tại chỗ và di dân giải phóng mặt bằng khi mở đường.
Điều 2: Giao Sở Quy hoạch Kiến trúc chủ trì, phối hợp với Uỷ ban nhân dân các quân Ba Đình, Cầu Giấy và Tây Hồ tổ chức công bố công khai Quy hoạch chi tiết khu vực nút giao thông Bưởi - Nghĩa Đô, tỉ lệ 1/500 được phê duyệt cho các tổ chức, cơ quan và nhân dân biết thực hiện, đồng thời chịu trách nhiệm kiểm tra, ký xác nhận hồ sơ bản vẽ thiết kế theo quy hoạch chi tiết được phê duyệt trong vòng 15 ngày kể từ ngày ký quyết định này để quản lý và thực hiện.
Khi lập dự án đầu tư xây dựng nút giao thông Bưởi - Nghĩa Đô, chủ đầu tư chịu trách nhiệm tổ chức lập báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, trình cấp có thẩm quyền xem xét, thẩm định và phê duyệt.
Giao Chủ tịch UBND các quận Ba Đình, Cầu Giấy và Tây Hồ tổ chức quản lý xây dựng trên địa bàn theo quy hoạch được duyệt, kiểm tra xử lý các trường hợp xây dựng sai quy hoạch theo thẩm quyền và quy định của pháp luật.
Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký.
Điều 3: Chánh Văn phòng HÐND và UBND Thành phố, Giám đốc các Sở: Quy hoạch Kiến trúc, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Giao thông công chính, Địa chính Nhà đất; Chủ tịch UBND các quận Ba Đình, Cầu Giấy và Tây Hồ; Chủ tịch UBND các phường Cống vị, Nghĩa Đô, Bưởi; các Sở, ban, ngành, các tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.