QUYếT địNHQUYẾT ĐỊNH
Ban hành bản quy định tạm thời về việc bán đấu giá hàng hoá, tang vật đã có quyết định xử phạt tịch thu
TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC HẢI QUAN
Căn cứ Nghị định 16/CP ngày 07/3/1994;
Căn cứ Nghị định 232/HĐBT ngày 25/6/1992;
Xét đề nghị của đồng chí Cục trưởng Cục kiểm tra và thu thuế xuất nhập khẩu, Vụ trưởng Vụ pháp chế;
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Nay ban hành kèm theo Quyết định này bản Quy định tạm thời về việc bán đấu giá hàng hoá, tang vật đã có Quyết định xử phạt tịch thu.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thì hành kể từ ngày ký.
Điều 3. Các ông Cục trưởng Cục Hải quan các tỉnh, thành phố và cấp tương đương, Vụ trưởng, Cục trưởng và Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Tổng cục Hải quan có trách nhiệm thi hành Quyết định này.
QUY ĐỊNH TẠM THỜI
VỀ VIỆC BÁN ĐẤU GIÁ HÀNG HOÁ, TANG VẬT ĐÃ CÓ QUYẾT ĐỊNH XỬ PHẠT TỊCH THU
(Ban hành kèm theo Quyết định số 70/TCHQ ngày 30/5/1994)
Để việc giải quyết hàng hoá, tang vật đã có Quyết định xử phạt tịch thu được thống nhất, chặt chẽ, Tổng cục Hải quan quy định tạm thời việc bán đấu giá hàng hoá, tang vật tịch thu như sau:
I- NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
1. Hàng hoá bán đấu giá theo quy định này là các loại hàng hoá đã có Quyết định xử phạt tịch thu, hàng vô chủ, hàng không người nhận, hàng có chủ nhưng từ chối nhận (dưới đây gọi chung là hàng hoá bán đấu giá).
2. Người được mua hàng hoá theo quy định này được lưu thông trên thị trường như hàng nhập khẩu đã hoàn thành thủ tục Hải quan; hàng hoá là phương tiện giao thông được đăng ký lưu hành.
II- HỘI ĐỒNG ĐỊNH GIÁ VÀ BÁN HÀNG TỊCH THU.
1. Căn cứ vào quy định này, Cục trưởng Hải quan tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc cấp tương đương thành lập "Hội đồng định giá và bán hàng tịch thu" (gọi là "Hội đồng bán hàng"). Hội đồng do một Cục phó làm Chủ tịch và các thành viên khác gồm:
Trưởng phòng Kiểm tra và thu thuế xuất nhập khẩu là uỷ viên thường trực; nơi nào không có Phòng Kiểm tra và thu thuế xuất nhập khẩu thì Trưởng phòng Kế toán - Tài vụ là uỷ viên thường trực.
Đại diện phòng Xử lý tố tụng (hoặc cán bộ phụ trách công tác xử lý tố tụng) là uỷ viên.
Đại diện cơ quan Tài chính - Vật giá tỉnh (đối với những hàng hoá khó xác định giá; hàng là xe ô tô, xe gắn máy; các loại hàng hoá khác có trị giá từ 100 triệu đồng trở lên).
Trường hợp hàng hoá bán đấu giá là tang vật của vụ án mà Hải quan chuyển Viện Kiểm sát Nhân dân hoặc cơ quan điều tra, sau đó các cơ quan trên chuyển lại Hải quan để xử lý hành chính, thì mời đại diện Viện kiểm sát nhân dân hoặc đại diện cơ quan điều tra tham gia Hội đồng bán hàng.
2. Ngoài việc bán hàng theo quy định này, Chủ tịch Hội đồng có trách nhiệm chỉ đạo việc thanh lý hàng tồn kho theo các quy định hiện hành về thanh lý hàng hoá và kế toán, thống kê.
-
III- CƠ SỞ ĐỊNH GIÁ HÀNG HOÁ BÁN ĐẤU GIÁ.
Lấy giá bán buôn tại thị trường ở thời điểm giao bán làm cơ sở. Trong một số trường hợp cụ thể mà mặt hàng khó xác định giá, cần tham khảo ý kiến thủ trưởng cơ quan Tài chính - Vật giá cùng cấp, giá bán tối thiểu không thấp hơn 90% giá bán lẻ ở thị trường địa phương.
IV- ĐỐI TƯỢNG THAM GIA ĐẤU GIÁ MUA HÀNG
Là tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế có giấy phép kinh doanh hoặc sản xuất theo quy định của pháp luật hiện hành, phù hợp với mặt hàng tham giá đấu giá.
V - CHUẨN BỊ CHO VIỆC BÁN ĐẤU GIÁ
1. Khi thực hiện Quyết định xử phạt, kế toán hàng vi phạm hành chính về Hải quan, lập danh mục từng loại hàng sẽ bán để báo cáo Chủ tịch "Hội đồng bán hàng". Chủ tịch mời các thành viên Hội đồng bán hàng họp, thảo luận tập thể để định giá khởi diểm: Biên bản cuộc họp phải có đủ chữ ký của các thành viên tham dự.
Giá khởi điểm phải được giữ bí mật tới thời điểm thực hiện đấu giá.
Những hàng hoá khó bảo quản cần được giải quyết kịp thời để tránh hư hỏng gây tổn thất.
2. Thông báo việc đấu giá cho khách hàng biết, hướng dẫn khách hàng xem hàng, nhận hàng mẫu (với loại hàng cần phải lấy mẫu).
VI- PHƯƠNG PHÁP ĐẤU GIÁ.
Tuỳ từng địa phương hoặc từng loại hàng, có thể áp dụng phương pháp đấu giá công khai hoặc đấu giá kín.
1. Phương pháp đấu giá công khai:
Giá khởi điểm do "Hội đồng bán hàng" định ra được công bố công khai vào thời điểm thực hành bán đấu giá; người trả giá cao nhất là người trúng giá mua hàng.
2. Phương pháp đấu giá kín:
Trên cơ sở "Hội đồng bán hàng" công bố giá khởi điểm, người tham gia đấu giá ghi giá vào phiếu bỏ trong phong bì kín (ghi rõ họ, tên, địa chỉ); Khi đã nhận được số phiếu của người tham gia đấu giá thì Đại diện "Hội đồng bán hàng" mời các thành viên tham gia đấu giá tới, công bố công khai giá đã trả ghi trong từng phiếu. Người được mua là người trả giá cao nhất.
Biên bản đấu giá hàng được lập tại chỗ, có chữ ký của các bên liên quan và những người tham gia đấu giá.
Trường hợp sau cuộc bán đấu giá mà khách hàng trả dưới giá khởi điểm thì "Hội đồng bán hàng" họp quyết định tổ chức bán đấu giá lần sau vào thời điểm thích hợp.
Người được mua hàng phải ký hợp đồng mua, bán hàng với Hội đồng bán hàng.
3. Tiền bảo chứng tham gia đấu giá:
Tuỳ trị giá từng lô hàng mà trước khi tham gia đấu giá, mỗi khách hàng phải đặt trước một khoản tiền bảo chứng, với mức cao nhất không quá 5 triệu đồng;
Khách hàng được mua hàng thì trong thời hạn chậm nhất là 7 ngày, phải hoàn tất thủ tục mua hàng với Hải quan và trả đủ số tiền mua hàng ghi trên hợp đồng (tiền bảo chứng được trừ vào tiền mua hàng).
Sau khi nhận hàng xong, trong thời hạn 5 ngày khách hàng phải đến làm thủ tục thành lý hợp đồng. Nếu có khiếu nại của khách hàng. Chủ tịch "Hội đồng bán hàng" sẽ giải quyết sau khi có ý kiến của Cục trưởng Cục Hải quan.
Trường hợp khách hàng không trúng giá mua hàng thì được nhận lại số tiền bảo chứng đặt trước; khách hàng đã trúng giá mua hàng mà sau 7 ngày (không kể ngày lễ và ngày chủ nhật) không đến làm hợp đồng mua hàng hoặc từ chối mua hàng thì tiền bảo chứng đặt trước không được trả lại mà sung vào công quỹ.
VII- TRƯỜNG HỢP BÁN ĐẤU GIÁ TẠI TỔNG CỤC HẢI QUAN.
Căn cứ vào quy định này, đồng chí Cục trưởng Cục kiểm tra và thu thuế xuất nhập khẩu được uỷ quyền làm Chủ tịch Hội đồng bán hàng.
Các thành viên gồm:
Đại diện Vụ pháp chế - Uỷ viên.
Đại diện Cục Điều tra chống buôn lậu -
Uỷ viênTrưởng phòng thu thuế xuất nhập khẩu - Uỷ viên thường trực.
Đại diện Bộ Tài chính (Vụ I) - uỷ viên.
Trong quá trình thực hiện quy định tạm thời này, phải tuân theo chế độ kế toán thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu hiện hành, kịp thời báo cáo và tham gia ý kiến để Tổng cục xem xét và ban hành chính thức quy định này./.