Văn bản pháp luật: Quyết định 725/QĐ-UBND

Trịnh Quang Sử
Quyết định 725/QĐ-UBND
Quyết định
Chưa xác định
...
27/04/2007

Tóm tắt nội dung

Về việc Phê duyệt đề án Rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn Hải Phòng đến năm 2020

Nông nghiệp và phát triển nông thôn
Phó Chủ tịch
2.007
UBND thành phố Hải Phòng

Toàn văn

 

 

 

 

ỦY BAN NHÂN DÂN

THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG


 

Số: 725/QĐ-UBND

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 

 

Hải Phòng, ngày 27 tháng 4 năm 2007

 

 

QUYẾT ĐỊNH

Về việc Phê duyệt đề án Rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn Hải Phòng đến năm 2020

 

 

UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

 

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân thành phố năm 2003;

Căn cứ Quyết định số 1879/QĐ-UBND ngày 05/8/2005 của Uỷ ban nhân dân thành phố về việc phê duyệt đề cương đề án Rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn Hải Phòng đến năm 2020;

Xét đề nghị của Thường trực Hội đồng thẩm định quy hoạch phát triển các ngành kinh tế- xã hội thành phố tại Tờ trình số 83/TTr-HĐTĐQH ngày 23 tháng 4 năm 2007 về việc phê duyệt đề án Rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn Hải Phòng đến năm 2020000,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt đề án Rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn Hải Phòng đến năm 2020 với nội dung chủ yếu sau:

1. Quan điểm phát triển:

a) Phát huy tối đa lợi thế đặc thù được tạo ra gắn với qúa trình hội nhập kinh tế và phát triển của thành phố.

b) Đẩy nhanh phát triển nông nghiệp nông thôn theo hướng công nghiệp hóa- hện đại hóa, sản xuất hàng hóa góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng thành phố Hải Phòng sớm trở thành đô thị đầu tàu trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

c) Tập trung cao độ hơn cho phát triển nông nghiệp nông thôn trên cơ sở xác định đúng trọng tâm, trọng điểm phát triển.

d) Gắn phát triển kinh tế- xã hội với bảo vệ môi trường, an ninh quốc phòng, xây dựng nông thôn mới.

2. Mục tiêu phát triển đến năm 2020

- Tốc độ tăng trưởng:

            + Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân/năm trên địa bàn nông thôn giai đoạn 2006-2010 là 9,06%, giai đoạn 2011-2015 là 10,58% và giai đoạn 2016-2010 là 11,42%. Mức tăng trưởng GDP tương ứng với các giai đoạn trên của ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản là: 5,34%, 6,3% và 6,58%; ngành công nghiệp- xây dựng là: 13,5%, 14,0%, 14,5%; dịch vụ là: 13,0%, 14,25% và 14,0%.

            + Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân năm đạt 4% gia đoạn 206-2010, 3,8% giai đoạn 2011-2015 và 3,5% giai đoạn 2016-2020. Mức tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân năm tương ứng trong các giai đoạn trên đối với trồng trọt là 1,5%, 1,35% và 1,2%; chăn nuôi là 7,95%, 61,5% và 5,1%; với dịch vụ nông nghiệp là 10,5%, 12,3% và 10,2%.

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn: Nâng tỷ trọng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và xây dựng trong nông thôn đạt từ 30%-35% vào năm 2010 và 40%-45% vào năm 2020; tỷ trọng các ngành dịch vụ trong nông thôn lên 18%-21,6% vào năm 2010 và 24%-27% vào năm 2020; tỷ trọng nông, lâm, thủy sản sẽ giảm từ 52%-43,4% năm 2010 xuống còn 36%-28% vào năm 2020.

            - Xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn đồng bộ đáp ứng yêu cầu sản xuất và đời sống. Phát triển kinh tế gắn với xây dựng quốc phòng toàn dân. Xây dựng nông thôn Hải Phòng có an ninh chính trị, trật tự xã hội tốt, có đời sống kinh tế ổn định vững chắc, có trình độ dân trí cao, có nếp sống văn minh, hiện đại, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc.

            - Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 6,555 triệu vào năm 2010, 14,28 triệu vào năm 2015 và 37,96 triệu vào năm 2020.

            - Giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 5% vào năm 2010 và 1% vào năm 2020 (theo chuẩn mới).

            - Tỷ lệ sử dụng thời gian lao động ở nông thôn đạt 90% vào năm 2010 và 95% vào năm 2020.

            - Tỷ lệ số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế xã hội là 90% vào năm 2010 và 100% vào năm 2020.

3. Quy hoạch phát triển các ngành kinh tế:

            a) Đối với ngành nông nghiệp:

            + Phát triển nông nghiệp Hải Phòng theo mô hình nông nghiệp sinh thái, phát triển vùng sản xuất hàng hóa tập trung với đầu tư thâm canh, ứng dụng rộng rãi các tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ cao trong các khâu sản xuất, bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nhằm tạo ra sản phẩm hàng hóa có chất lượng cao, hạ giá thành, nâng cao cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, phục vụ du lịch, xuất khẩu và đảm bảo yêu cầu trong tiến trình chủ động hội nhập kinh tế- quốc tế; không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nông dân ở nông thôn.

            + Các mục tiêu chủ yếu đến năm 2010 và 2020:

            - Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất gia đoạn 2006-2010 là 4,0%/năm, giai đoạn 2011-2015 là 3,8%/năm và giai đoạn 2016-2020 là 3,5%/năm. Trong đó tăng trưởng trồng trọt tương ứng là 1,5%, 1,35% và 1,2%; chăn nuôi là 7,95%, 6,15% và 5,1% và dịch vụ là 10,5%, 12,3% và 10,2%.

            - GDP có mức tăng trưởng là 3,0% giai đoạn 2006-2010, 2,6% giai đoạn 2011-2015 và 2,5% giai đoạn 2010-2020.

            - Cơ cấu sản xuất nông nghiệp năm 2010: trồng trọt 57%, chăn nuôi 40% và dcịh vụ 3%; đến năm 2020 cơ cấu này là 40%, 50% và 10%.

Trong đó:

Ngành trồng trọt:

- Chuyển dịch cơ cấu trồng trọt từ sản xuất lương thục là chính sang rau đậu, quả, thực phẩm, hoa cây cảnh. Tiếp tục xây dựng các vùng sản xuất theo hướng tập trung, thâm canh, tạo sản phẩm hàng hóa gắn với thị trường.

- Hiện đại hóa khâu giống cây trồng, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất. Tăng cường hội nhập và khảo nghiệm giống cây trồng mới phù hợp với điều kiện khí hậu Hải Phòng có chất lượng cao thay thế các giống cũ.

- Hiện đại hóa khâu kỹ thuật canh tác và bảo quản sau thu hoạch nhằm nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm trồng trọt.

Ngành chăn nuôi:

- Phát triển nhanh ngành chăn nuôi theo hướng CNH, HĐH, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa và xuất khẩu.

- Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu sản xuất ngành chăn nuôi, coi trọng phát triển những vật nuôi có lợi thế có thị trường và công nghệ như: lợn, gia cầm, bò thịt, trong đó chăn nuôi lợn là chủ lực.

- Phát triển các vùng nuôi tập trung sản xuất hàng hóa, quy mô trang trại.

- Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ mới vào phát triển chăn nuôi và tập trung trước hết vào các khâu giống, thú y, sản xuất, chế biến thức ăn và công tác quản lý, nhằm đảm bảo cho ngành chăn nuôi phát triển nhanh, sản xuất ra nhiều sản phẩm hàng hóa có chất lượng và sức cạnh tranh trên thị trường.

b) Quy hoạch phát triển lâm nghiệp:

- Phát triển lâm nghiệp theo hướng khai thác tổng hợp gắn với bảo vệ môi trường sinh thái trong mối quan hệ liên ngành để bảo vệ sản xuất, đời sống, an ninh, quốc phòng, đảm bảo phát triển bền vững.

- Phát triển lâm nghiệp toàn diện nhằm khai thác tiềm năng và lợi thế đặc thù của lâm nghiệp Hải Phòng.

- Phát triển lâm nghiệp theo hướng xã hội hóa, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong sản xuất và cung ứng giống, trong quản lý, khai thác, sử dụng và bảo vệ rừng.

- Phát triển lâm nghiệp chủ yếu là bảo tồn, tu bổ các diện tích rừng hiện có, trồng mới rừng phòng hộ.

c) Quy hoạch phát triển diêm nghiệp:

- ổn định diện tích sản xuất muối từ nay đến 2010 là 130ha.

- Đầu tư nâng cấp đồng bộ cho vùng sản xuất muối tậpt rung để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, chú trọng đầu tư cho chế biến và lưu thông, nâng cao khả năng tiêu thụ, cải thiện đời sống của người làm muối.

d) Định hướng phát triển tiểu thủ công nghiệp và các làng nghề:

- Đẩy mạnh phát triển tiểu thủ công nghiệp, nhất là nghề thủ công truyền thống nhằm đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển hàng hóa trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Tập trung phát triển các ngành chế biến và bảo quản thủy sản, nông sản, dệt may, sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí nhỏ ở nông thôn, đồ gỗ, đúc kim loại, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ...

- Phát triển các nghề theo hướng khuyến khích mở rộng quy mô, tập trung vốn, thu hút đầu tư liên doanh, liên kết hình thành các công ty, xí nghiệp... thuộc nhiều thành phần kinh tế.

- Xây dựng các doanh nghiệp có vai trò là đầu tàu thúc đẩy phát triển thủ công mỹ nghệ, xuất khẩu. Phát triển công nghiệp chế biến nông sản gắn với cơ sở nuôi trồng cung cấp nguyên liệu theo quy mô tập trung với năng suất chất lượng cao. Khuyến khích, hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp ngành nghề nông thôn vừa và nhỏ để là nguồn động lực chính cho phát triển ngành nghề nông thôn.

đ) Định hướng phát triển các ngành dịch vụ:

- Phát triển đồng bộ các ngành dịch vụ ở nông thôn đáp ứng nhu cầu cho sản xuất, đáp ứng nhu cầu đa dạng ngày càng tăng của người dân nông thôn.

- Chuyển dịch cơ cấu phát triển nhanh các ngành dịch vụ có lợi thế, các dịch vụ mới có giá trị gia tăng cao, tăng tỷ trọng của khu vực kinh tế tư nhân trong các hoạt động dịch vụ.

- Phát triển dịch vụ gắn với các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội, du lịch..., với bảo vệ môi trường sinh thái để phát triển bền vững.

4. Quy hoạch không gian lãnh thổ.

- Khu vực đô thị: Đến năm 2020, hệ thống đô thị Hải Phòng gồm các khu đô thị hiện có ở các quận nội thành, các khu đô thị mới gồm khu đô thị Tây Bắc, khu đô thị Ngã năm- sân bay Cát Bi, khu đô thị đường 353, khu đô thị Bắc Sông Cấm; các khu đô thị vệ tinh gồm Minh Đức- Bến Rừng, Đồ Sơn, Núi Đèo, An Lão, Kiến Thụy, Cát Bà và ở các thị trấn gồm An Dương, Tiên Lãng, Vĩnh Bảo, Cát Hải.

- Khu vực nông thôn: Định hướng phát triển các vùng kinh tế nông nghiệp.

- Vành đai 1: Phát triển sản xuất rau, hoa, cây cảnh: Tập trung chủ yếu ở các phường, xã: Đằng Lâm, Đằng Hải (quận Hải An), Hồng Thái, An Đồng (huyện An Dương), Hoa Động, Lâm Động, Tân Dương, Dương Quan, Thủy Đường (huyện Thủy Nguyên).

- Vành đai 2: Phát triển sản xuất lương thực, thực phẩm: Tập trung chủ yếu ở các xã: Hồng Thái, Đồng Thái (huyện An Dương), Hưng Nhân, Vĩnh An, Nhân Hòa, Hòa Bình, Trấn Dương, Cộng Hiền, Vĩnh Phong, Tiền Phong (huyện Vĩnh Bảo), Tiên Thắng, Quyết Tiến, Tiên Thanh, Tự Cường, Đại Thắng, Tiên Cường, Cấp Tiến, Hùng Thắng (huyện Tiên Lãng), Tân Viên, Quang Trung (huyện An Lão), Ngũ Phúc, Kiến Quốc, Tân Trào (huyện Kiến Thụy).

- Vành đai 3.Vùng phát triển lương thực, cây ăn quả: Vùng này gồm 2 tiểu vùng chính là huyện Thủy Nguyên (gồm các xã Kỳ Sơn, Liên Khê, Chính Mỹ, Lưu Kiếm, Kênh Giang) và huyện An Lão (gồm các xã Bát Trang, Trường Thành, Trường Thọ, Quang Hưng).

- Vành đai 4: Vùng sản xuất lương thực chăn nuôi tập trung: Tập trung ở các huyện Thủy Nguyên, Vĩnh Bảo, Tiên Lãng.

5. Các giải pháp thực hiện quy hoạch:

a) Huy động và sử dụng nguồn vốn đầu tư.

Tổng nhu cầu vốn đầu tư ước tính cho toàn bộ thời kỳ quy hoạch là 5812 đến 6205 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2006-2010 khoảng 3392 đến 3535 tỷ đồng.

Sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ngân sách cho đầu tư phát triển, không đầu tư tràn lan; lựa chọn các công trình đầu tư trọng điểm trong một giai đoạn hay hàng năm và đầu tư dứt điểm để nhanh chóng đưa công trình vào sử dụng. Phân cấp đầu tư và thực hiện tốt các quy định của nhà nước và của thành phố về đầu tư xây dựng cơ bản để chống thất thoát trong đầu tư.

b) Phát triển nguồn nhân lực.

- Phát động và duy trì thường xuyên phong trào học tập văn hóa, học tập nghề nghiệp trong toàn dân, đặc biệt là trong thanh niên để họ có đủ trình độ đáp ứng yêu cầu làm kinh tế trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, diêm nghiệp hay các hoạt động kinh tế khác ở nông thôn trong điều kiện hội nhập, cạnh tranh, yêu cầu chất lượng và hiệu quả cao; đáp ứng yêu cầu tìm được việc làm phi nông nghiệp trên địa bàn hoặc ở ngoài khu vực nông thôn.

- Xã hội hóa và khuyến khích mọi hình thức dạy và học nghề từ thấp đến cao.

- Thúc đẩy hình thành thị trường lao động ở cả nông thôn và thành thị.

c) Tăng cường giải pháp về khoa học và công nghệ là nền tảng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh của hàng nông sản và các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ nông thôn.

- Kiện toàn, củng cố, nâng cấp hệ thống giống để đáp ứng đủ nhu cầu giống có chất lượng cao cho sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, trồng rừng. Có biện pháp quản lý giống chặt chẽ.

- Củng cố, nâng cấp, khuyến khích và quản lý tốt các hoạt động của các cơ sở sản xuất, kinh doanh phân phối các sản phẩm, chế phẩm dùng làm thức ăn chăn nuôi gia súc gia cầm; các sản phẩm, chế phẩm bảo vệ cây trồng, vật nuôi.

- Hiện đại hóa các khâu kỹ thuật canh tác và bảo quản, chế biến sau thu hoạch.

- Khuyến khích mạnh mẽ các tổ chức khuyến nông, khuyến lâm, khuyến công thương nghiệp dưới mọi hình thức.

d) Phát triển thị trường cung ứng đầu vào và tiêu thụ sản phẩm.

- Xây dựng hệ thống hạ tầng cho thương mại dịch vụ nông thôn, gồm hệ thống các quầy hàng trong các siêu thị; các cửa hàng bán lẻ rau quả thực phẩm sạch trong các khu dân cư tập trung; quy hoạch và xây dựng hệ thống chộ nông thôn bao gồm cả chợ trung tâm phát luồng và các chợ xã hay chợ trung tâm cụm xã.

e) Tăng cường các giải pháp phát triển nông nghiệp nông thôn gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, an ninh quốc phòng.

6. Tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch.

Sau khi quy hoạch được phê duyệt, khẩn trương tuyên truyền, công bố quy hoạch để các cơ quan, đơn vị và nhân dân nắm được, cụ thể hóa các nội dung của quy hoạch cho phù hợp với tình hình thực tế thành các kế hoạch 5 năm và hàng năm, có biện pháp giám sát, đánh giái việc thực hiện đầu tư phát triển quy hoạch và trong kỳ kế hoạch 5 năm, xây dựng chương trình hoạt động và các chương trình phát triển ngành từng thời kỳ theo định hướng của quy hoạch. Đồng thời thường xuyên cập nhật, tổng kết đánh giá sự phù hợp và không phù hợp với thực tế để kịp thời trình Uỷ ban nhân dân thành phố điều chỉnh, bổ sung quy hoạch.

Điều 2. Quy hoạch được phê duyệt là cơ sở cho việc lập, trình duyệt và triển khai thực hiện các quy hoạch chuyên ngành, lĩnh vực, các dự án đầu tư trên địa bàn thành phố theo quy định.

Điều 3. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, các địa phương có liên quan xây dựng các kế hoạch cụ thể để tổ chức triển khai thực hiện các nội dung quy hoạch đã được Uỷ ban nhân dân thành phố phê duyệt, đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất với quy hoạch từng ngành, từng lĩnh vực liên quan, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế- xã hội và quy hoạch chung về xây dựng trên địa bàn thành phố.

Điều 4. Các ông (bà): Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân thành phố, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Thủ trưởng các ngành, cấp có liên quan có trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ

CHỦ TỊCH

 

 

Trịnh Quang Sử

 


Nguồn: vbpl.vn/haiphong/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=36634&Keyword=


Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận