THÔNG TƯ LIÊN TỊCH
Hướng dẫn chế độ lao động, dạy nghề và sử dụng kết quả
lao động của phạm nhân trong trại giam
______________________
Căn cứ Pháp lệnh Thí hành án phạt tù năm 1993;
Căn cứ Quy chế trại giam ban hành kèm theo Nghị định số 60/CP ngày 16/9/1993 của Chính phủ;
Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và Bộ Tài chính thống nhất hướng dẫn chế độ lao động, dạy nghề và sử dụng kết quả lao động của phạm nhân trong trại giam như sau:
I. CHẾ ĐỘ LAO ĐỘNG CỦA PHẠM NHÂN TRONG THỜI GIAN CHẤP HÀNH HÌNH PHẠT TÙ Ở TRAI GIAM
1. Trong thời gian chấp hành án phạt tù tại trại giam, phạm nhân phải lao động để cải tạo. Căn cứ vào sức khỏe, lứa tuổi, giới tính, mức án, tính chất tội phạm của phạm nhân, Giám thị trại giam bố trí công việc cho từng người một cách thích hợp.
2. Phạm nhân lao động 8 giờ trong 1 ngày, được nghỉ các ngày lễ, Tết, thứ 7, chủ nhật theo quy định của pháp luật. Thời gian phạm nhân học văn hóa, học nghề, nghe phổ biến thời sự, chính sách, pháp luật, học chương trình giáo dục công dân, được trừ vào thời gian lao động. Khi thời vụ hoặc trong trường hợp đột xuất, Giám thị trại giam có thể yêu cầu phạm nhân làm thêm giờ nhưng không được quá 2 giờ trong một ngày hoặc lao động trong các ngày thứ 7, chủ nhật nhưng không quá 8 giờ trong 1 ngày. Thời gian phạm nhân lao động thêm giờ hoặc lao động trong các ngày thứ 7, chủ nhật sẽ được nghỉ bù.
3. Những phạm nhân dưới đây được miễn lao động nặng nhọc, độc hại theo danh mục quy định của pháp luật:
a) Phạm nhân là nam từ 55 tuổi trở lên;
b) Phạm nhân là người chưa thành niên;
c) Phạm nhân là nữ;
d) Phạm nhân có bệnh kinh niên, mãn tính được y tế của trại giam xác định;
4. Những phạm nhân thuộc các trường hợp sau đây được nghỉ lao động:
a) Phạm nhân nữ có thai được nghỉ lao động trước và sau khi đẻ theo quy định chung của Nhà nước;
b) Phạm nhân ốm đau được y tế của trại giam xác định; phạm nhân đang nằm điều trị tại trạm xá, bệnh xá hoặc bệnh viện;
c) Phạm nhân có con nhỏ dưới 2 tuổi đang ở cùng trong trại giam bị ốm đau được y tế của trại giam xác định.
II. TỔ CHỨC LAO ĐỘNG, DẠY NGHỀ CHO PHẠM NHÂN
1. Lập và phê duyệt kế hoạch lao động, dạy nghề cho phạm nhân
1.1. Hàng năm vào trước ngày 05 tháng 7, Giám thị trại giam căn cứ vào số lượng phạm nhân; sức khỏe, lứa tuổi, giới tính, mức án, tính chất tội phạm của phạm nhân; tính chất trại giam; điều kiện đất đai, tài nguyên, các ngành nghề và trang thiết bị, phương tiện, vật tư, nguồn vốn mà trại đang quản lý, lập kế hoạch lao động, dạy nghề cho phạm nhân trong năm kế hoạch, gửi về Cục Quản lý trại giam, cơ sở giáo dục và trường giáo dưỡng Bộ Công an (đối với các trại giam do Bộ Công an quản lý), Cục Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng (đối với các trại giam do Bộ Quốc phòng quản lý), Phòng Điều tra hình sự Quân khu (đối với các trại giam do Quân khu quản lý). Kế hoạch lao động, dạy nghề cho phạm nhân phải đảm bảo các chỉ tiêu cơ bản sau:
- Tổng số lao động được sử dụng (bao gồm cả lao động trực tiếp và lao động gián tiếp);
- Ngành nghề (bao gồm cả chỉ tiêu định mức lao động của từng ngành nghề);
- Nguồn vốn sử dụng;
- Tổng chi phí trong quá trình tổ chức lao động, dạy nghề;
- Tổng thu;
- Chênh lệch thu, chi;
- Dự kiến kế hoạch sử dụng số thu từ hoạt động lao động, dạy nghề của phạm nhân được trích theo tỷ lệ quy định tại Thông tư này để đầu tư trở lại cho việc tổ chức lao động, dạy nghề của phạm nhân.
1.2. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được bản kế hoạch lao động, dạy nghề của trại giam gửi về, Cục trưởng Cục Quản lý trại giam, cơ sở giáo dục và trường giáo dưỡng Bộ Công an, Cục trưởng Cục Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng, Trưởng phòng điều tra hình sự Quân khu phải tiến hành xong việc thẩm định và ra quyết định phê duyệt kế hoạch lao động, dạy nghề của trại giam, gửi trả lại trại giam để thực hiện, đồng thời tổng hợp số liệu, tình hình báo cáo cấp trên (lãnh đạo Bộ Công an, lãnh đạo Bộ Quốc phòng, lãnh đạo Quân khu, đồng gửi cơ quan tài chính của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Quân thu để theo dõi).
2. Tổ chức lao động, dạy nghề cho phạm nhân
2.1. Căn cứ kế hoạch lao động, dạy nghề đã được Cục trưởng Cục Quản lý trại giam, cơ sở giáo dục và trường giáo dưỡng Bộ Công an, Cục trưởng Cục Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng, Trưởng phòng điều tra hình sự Quân khu phê duyệt, Giám thị trại giam tổ chức cho phạm nhân lao động, học nghề và có các biện pháp khuyến khích phạm nhân tích cực lao động, phát huy sáng kiến tăng năng suất lao động, hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch lao động, dạy nghề được giao.
2.2. Trong quá trình tổ chức cho phạm nhân lao động, học nghề nếu có những biến động bất khả kháng như thiên tai v.v... mà trại giam không thể hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch được giao thì trong thời hạn 15 ngày, kể từ khi xảy ra thiên tai v.v..., Giám thị trại giam phải gửi báo cáo (bằng văn bản) về Cục trưởng Cục Quản lý trại giam, cơ sở giáo dục và trường giáo dưỡng Bộ Công an (đối với các trại giam do Bộ Công an quản lý), Cục trưởng Cục Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng (đối với các trại giam do Bộ Quốc phòng quản lý), Trưởng phòng điều tra hình sự Quân khu (đối với các trại giam do Quân khu quản lý), để đề nghị điều chỉnh kế hoạch lao động, dạy nghề cho phạm nhân. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được báo cáo của Giám thị trại giam, Cục trưởng Cục quản lý trại giam, cơ sở giáo dục và trường giáo dưỡng Bộ Công an, Cục trưởng Cục Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng, Trưởng phòng điều tra hình sự Quân khu phải tiến hành thẩm định và ra quyết định điều chỉnh kế hoạch lao động, dạy nghề cho phạm nhân, gửi trại giam để thực hiện, đồng thời tổng hợp kế hoạch đã điều chỉnh báo cáo cấp trên (lãnh đạo Bộ Công an, lãnh đạo Bộ Quốc phòng, lãnh đạo Quân khu, đồng gửi cơ quan tài chính của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Quân thu) để theo dõi, quản lý.
3. Hạch toán kế toán lao động, dạy nghề cho phạm nhân
3.1. Các trại giam phải mở đầy đủ hệ thống sổ sách kế toán và việc ghi chép, hạch toán các nghiệp vụ thu, chi tài chính phát sinh, báo cáo tài chính phải thực hiện theo đúng các quy định hiện hành về chế độ kế toán hành chính sự nghiệp. Mọi khoản thu, chi từ hoạt động lao động, dạy nghề của phạm nhân phải được phản ánh thông qua hệ thống tài vụ - kế toán của trại giam theo chế độ kế toán, thống kê hiện hành của Nhà nước.
3.2. Tập hợp đầy đủ các chi phí hợp lý trong lao động, dạy nghề vào giá thành sản phẩm. Chi phí hợp lý trong lao động, dạy nghề bao gồm: chi phí vật tư, nguyên liệu, tiền công thuê lao động bên ngoài (nếu có), chi phí điện, nước, tiền ăn thêm do lao động nặng nhọc theo ngành nghề (không tính tiền ăn của phạm nhân theo tiêu chuẩn do ngân sách Nhà nước cấp), khấu hao tài sản, chi phí quản lý, các loại thuế (nếu có) và các chi phí khác phục vụ trực tiếp cho hoạt động lao động, dạy nghề của phạm nhân.
4. Lập báo cáo kết quả thu, chi và phê duyệt báo cáo kết quả thu, chi từ hoạt động lao động, dạy nghề của phạm nhân
4.1. Báo cáo kết quả thu, chi từ hoạt động lao động, dạy nghề của phạm nhân trong các trại giam là báo cáo tổng hợp về số liệu, tình hình và kết quả thu, chi từ hoạt động tổ chức lao động, dạy nghề cho phạm nhân của trại giam. Giám thị trại giam chịu trách nhiệm về việc lập báo cáo tổng hợp và báo cáo thuyết minh chi tiết về kết quả thu, chi từ hoạt động lao động, dạy nghề của phạm nhân theo biểu mẫu kèm theo Thông tư này gửi về Cục Quản lý trại giam, cơ sở giáo dục và trường giáo dưỡng Bộ Công an (đối với trại giam do Bộ Công an quản lý), Cục Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng (đối với trại giam do Bộ Quốc phòng quản lý), Phòng điều tra hình sự Quân khu (đối với trại giam do Quân khu quản lý). Thời gian nộp báo cáo trên thực hiện cùng kỳ với báo cáo quyết toán ngân sách hàng quý, năm theo quy định hiện hành.
4.2. Cục trưởng Cục Quản lý trại giam, cơ sở giáo dục và trường giáo dưỡng Bộ Công an, Cục trưởng Cục Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng, Trưởng phòng điều tra hình sự Quân khu chịu trách nhiệm thẩm định và phê duyệt báo cáo kết quả thu, chi từ hoạt động lao động, dạy nghề cho phạm nhân của các trại giam thuộc quyền; tổng hợp báo cáo lãnh đạo Bộ Công an, lãnh đạo Bộ Quốc phòng, lãnh đạo Quân khu, đồng gửi cơ quan tài chính của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Quân khu để tổng hợp chung và báo cáo quyết toán ngân sách hàng năm của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng theo các quy định hiện hành.
III. SỬ DỤNG KẾT QUẢ LAO ĐỘNG CỦA PHẠM NHÂN
Phần chênh lệch thu lớn hơn chi từ hoạt động lao động, dạy nghề của phạm nhân, sau khi trừ các chi phí hợp lý theo quy định tại mục 3.2 điểm 3 phần II Thông tư này, được sử dụng như sau:
1. Trích 50% đầu tư trở lại cho trại giam để tổ chức lao động, dạy nghề cho phạm nhân; mua sắm trang thiết bị, phương tiện, công cụ lao động, dạy nghề và xây dựng cơ sở vật chất phục vụ trực tiếp cho lao động, dạy nghề của phạm nhân, trong đó:
a) Nộp 30% vào tài khoản tạm thu của Bộ Công an (đối với các trại giam do Bộ Công an quản lý), tài khoản tạm thu của Bộ Quốc phòng (đối với các trại giam do Bộ Quốc phòng quản lý), tài khoản tạm thu của Quân khu (đối với các trại giam do Quân khu quản lý) mở tại kho bạc nhà nước để tạo nguồn vốn đầu tư chung cho tất cả các trại giam.
Cục trưởng Cục quản lý trại giam, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng Bộ Công an, Cục trưởng Cục điều tra hình sự Bộ Quốc phòng, Trưởng phòng điều tra hình sự Quân khu căn cứ quy hoạch về phát triển, mở rộng sản xuất, tổ chức lao động, dạy nghề cho phạm nhân và tình hình đặc điểm cụ thể của từng trại giam, hướng dẫn các trại giam lập kế hoạch, dự án, tổ chức thẩm định kế hoạch, dự án đó, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định tại mục b điểm 1 Phần IV Thông tư này.
b) Nộp 20% vào tài khoản tạm thu của Cục quản lý trại giam, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng Bộ Công an (đối với các trại giam do Bộ Công an quản lý), tài khoản tạm thu của Bộ Quốc phòng (đối với các trại giam do Bộ Quốc phòng quản lý), tài khoản tạm thu của Quân khu (đối với các trại giam do Quân khu quản lý) mở tại kho bạc nhà nước để tạo nguồn vốn đầu tư trực tiếp trở lại cho từng trại giam.
Giám thị trại giam căn cứ vào tình hình đặc điểm và khả năng nguồn vốn của trại giam do mình phụ trách trong năm để lập kế hoạch mua sắm trang, thiết bị hoặc lập kế hoạch, phương án, dự án đầu tư theo các quy định hiện hành, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định tại mục b điểm 1 Phần IV Thông tư này.
2. Trích 26% để bồi dưỡng thêm cho phạm nhân làm các công việc lao động nặng nhọc; thưởng cho phạm nhân vượt chỉ tiêu kế hoạch, tăng năng suất lao động.
Giám thị trại giam chịu trách nhiệm xem xét, quyết định, xử lý nguồn kinh phí được trích nói trên và phổ biến cho tập thể phạm nhân biết thông qua Hội đồng tự quản của phạm nhân để bảo đảm công khai, dân chủ và đúng đối tượng được hưởng. Phạm nhân được sử dụng số tiền nói trên để ăn thêm, mua các vật dụng sinh hoạt hoặc gửi lưu ký tại trại giam và nhận lại khi ra trại.
3. Trích 7% để thưởng cán bộ, chiến sỹ của trại giam có thành tích trong việc tổ chức, quản lý có hiệu quả hoạt động lao động, dạy nghề cho phạm nhân.
4. Trích 15% để làm quỹ phúc lợi của trại giam.
5. Trích 2% nộp Cục quản lý trại giam, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng Bộ Công an (đối với các trại giam do Bộ Công an quản lý), Cục điều tra hình sự Bộ Quốc phòng (đối với các trại giam do Bộ Quốc phòng quản lý), Phòng điều tra hình sự Quân khu (đối với các trại giam do Quân khu quản lý) để thưởng chung cho các trại giam và hỗ trợ hoạt động quản lý lao động, dạy nghề hàng năm.
IV. NGUỒN VỐN LAO ĐỘNG, DẠY NGHỀ VÀ CHẾ ĐỘ QUẢN LÝ,
SỬ DỤNG NGUỒN VỐN NÀY TRONG TRẠI GIAM
1. Nguồn vốn lao động, dạy nghề trong các trại giam bao gồm:
Giá trị quyền sử dụng đất, tài sản, vật tư, tiền vốn do ngân sách nhà nước cấp; vốn được trích lại theo tỷ lệ quy định tại điểm 1 phần III Thông tư này và các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
a) Đối với nguồn vốn từ ngân sách nhà nước cấp
Ngoài nguồn vốn được trích để lại từ nguồn thu kết quả lao động, dạy nghề cho phạm nhân trong trại giam theo tỷ lệ quy định tại điểm 1 phần III Thông tư này, hàng năm căn cứ vào điều kiện đất đai, tài nguyên, năng lực lao động, dạy nghề hiện có, phương án, kế hoạch tổ chức lao động, dạy nghề cho phạm nhân của từng trại giam, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng tổng hợp nhu cầu kinh phí của các trại giam thuộc quyền quản lý của Bộ mình để mua sắm vật tư, nguyên nhiên liệu, công cụ lao động, dạy nghề, trang thiết bị, phương tiện, cơ sở vật chất phục vụ trực tiếp cho hoạt động lao động, dạy nghề của phạm nhân vào dự toán ngân sách hàng năm, theo quy định của pháp luật và gửi Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
b) Đối với nguồn kinh phí được trích lại theo tỷ lệ quy định tại điểm 1 phần III Thông tư này
Sau 15 ngày, kể từ khi Cục trưởng Cục quản lý trại giam, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng Bộ Công an, Cục trưởng Cục điều tra hình sự Bộ Quốc phòng, Trưởng phòng điều tra hình sự Quân khu phê duyệt báo cáo kết quả thu, chi từ hoạt động lao động, dạy nghề của phạm nhân trong các trại giam, Giám thị trại giam phải nộp đủ tỷ lệ 30% và 20% theo quy định tại điểm 1 phần III Thông tư này để tạo nguồn vốn đầu tư trở lại, phục vụ trực tiếp quá trình lao động, dạy nghề cho phạm nhân trong trại giam.
Nguồn vốn này được sử dụng như sau:
Đối với nguồn trích lại 30% tư tài khoản tạm thu của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Quân khu:
Hàng năm, căn cứ hướng dẫn của Cục trưởng Cục quản lý trại giam, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng Bộ Công an, Cục trưởng Cục điều tra hình sự Bộ Quốc phòng, Trưởng phòng điều tra hình sự Quân khu, Giám thị trại giam lập kế hoạch, dự án đầu tư theo quy định của pháp luật về quản lý đầu tư, gửi Cục trưởng Cục quản lý trại giam, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng, chủ trì phối hợp với cơ quan tài chính cùng cấp thẩm định, bảo cáo lãnh đạo Bộ Công an phê duyệt (đối với các trại giam do Bộ Công an quản lý); Cục trưởng Cục điều tra hình sự Bộ Quốc phòng chủ trì phối hợp với cơ quan tài chính cùng cấp thẩm định, báo cáo lãnh đạo Bộ Quốc phòng phê duyệt (đối với các trại giam do Bộ Quốc phòng quản lý); Trưởng Phòng điều tra hình sự Quân khu chủ trì phối hợp với cơ quan tài chính cùng cấp thẩm định, báo cáo lãnh đạo Quân khu phê duyệt (đối với các trại giam do Quân khu quản lý).
- Đối với nguồn trích lại 20% từ tài khoản tạm thu của Cục quản lý trại giam, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng Bộ Công an, Cục điều tra hình sự Bộ Quốc phòng, Quân khu:
Lãnh đạo Bộ Công an ủy quyền cho Cục trưởng Cục Quản lý trại giam, cơ sở giáo dục và trường giáo dưỡng Bộ Công an, lãnh đạo Bộ Quốc phòng ủy quyền cho Cục trưởng Cục Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng, lãnh đạo Quân khu ủy quyền cho Trưởng phòng điều tra hình sự Quân khu, xem xét, phê duyệt kế hoạch mua sắm trang bị hoặc kế hoạch, phương án, dự án đầu tư; phê duyệt quyết toán của trại giam từ nguồn trích lại 20% nói trên.
Khi có nhu cầu đầu tư cho hoạt động lao động, dạy nghề của phạm nhân như mua sắm trang thiết bị, vật tư phục vụ sản xuất, phương tiện, dụng cụ, công cụ lao động, xây dựng cơ sở vật chất phục vụ trực tiếp cho hoạt động lao động, dạy nghề của phạm nhân, Giám thị trại giam lập kế hoạch mua sắm trang bị hoặc lập kế hoạch, phương án, dự án đầu tư theo các quy định hiện hành, gửi Cục trưởng Cục quản lý trại giam, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng Bộ Công an (đối với các trại giam do Bộ Công an quản lý); Cục trưởng Cục điều tra hình sự Bộ Quốc phòng đối với các trại giam do Bộ Quốc phòng quản lý); Trưởng Phòng điều tra hình sự Quân khu (đối với các trại giam do Quân khu quản lý).
c) Việc quản lý, cấp phát và thanh, quyết toán kinh phí của các phương án, kế hoạch, dự án đầu tư từ nguồn kinh phí được trích lại nói ở mục b điểm 1 phần IV này được thực hiện theo các quy định hiện hành của Nhà nước.
Hàng năm, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng có trách nhiệm tổng hợp dự toán chi từ ngân sách nhà nước và từ nguồn kinh phí được trích lại theo tỷ lệ quy định tại điểm 1 phần III Thông tư này cho hoạt động lao động, dạy nghề của phạm nhân ở các trại giam gửi Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp vào dự toán ngân sách nhà nước, trình cấp có thẩm quyền quyết định.
2. Trách nhiệm bảo toàn, phát triển nguồn vốn lao động, dạy nghề cho phạm nhân của Giám thị trại giam
Ngoài các nhiệm vụ được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật khác, trong việc tổ chức lao động, dạy nghề cho phạm nhân, Giám thị trại giam có trách nhiệm bảo toàn, phát triển nguồn vốn lao động, dạy nghề cho phạm nhân, cụ thể như sau:
a) Thực hiện nghiêm chỉnh việc trích nộp đầy đủ, đúng hạn các khoản phải trích nộp theo tỷ lệ quy định tại phần III Thông tư này.
b) Tổ chức kiểm kê, đánh giá lại tài sản, vật tư, tiền vốn lao động, dạy nghề của đơn vị vào 0 giờ ngày 01 tháng 01 hàng năm; báo cáo về kế hoạch lao động dạy nghề; kết quả thu, chi từ hoạt động lao động, dạy nghề cho phạm nhân theo đúng các quy định hiện hành.
c) Chịu trách nhiệm về việc quản lý nguồn vốn lao động, dạy nghề cho phạm nhân trong trại giam; sử dụng, bảo toàn, phát triển số vốn của trại giam theo quy định tại điểm 1 phần IV Thông tư này.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo và thay thế Thông tư số 09/NV-QP-TC ngày 31/12/1994 của liên Bộ Nội vụ, Quốc phòng, Tài chính hướng dẫn về chế độ lao động và sử dụng kết quả lao động của phạm nhân trong trại giam.
2. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc hoặc cần phải giải thích, hướng dẫn bổ sung, các đơn vị, địa phương phản ảnh cho Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính để có sự giải thích, hướng dẫn bổ sung kịp thời./.