Văn bản pháp luật: Quyết định 73/2005/QĐ-TTg

Phan Văn Khải
Toàn quốc
Công báo số 14 - 04/2005;
Quyết định 73/2005/QĐ-TTg
Quyết định
03/05/2005
06/04/2005

Tóm tắt nội dung

Ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 37/2004/QH11 khoá XI, kỳ họp thứ sáu của Quốc hội về giáo dục

Thủ tướng
2.005
Thủ tướng Chính phủ

Toàn văn

QUYẾT ĐỊNH CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết

số 37/2004/QH11 khoá XI, kỳ họp thứ sáu của Quốc hội về giáo dục


THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Nghị quyết số 37/2004/QH11 khoá XI, kỳ họp thứ sáu của Quốc hội về giáo dục;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo,


QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 37/2004/QH11 khoá XI, kỳ họp thứ sáu của Quốc hội về giáo dục.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.


CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA CHÍNH PHỦ

Thực hiện Nghị quyết số 37/2004/QH11 khoá XI,

kỳ họp thứ sáu của Quốc hội về giáo dục

(Ban hành kèm theo Quyết định số 73/2005/QĐ-TTg ngày 06/04/2005

của Thủ tướng Chính phủ)

A. MỤC TIÊU CỦA CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG

Chương trình hành động này xác định nhiệm vụ của Chính phủ trong việc tổ chức thực hiện Nghị quyết số 37/2004/QH11 khoá XI, kỳ họp thứ sáu của Quốc hội về giáo dục trong giai đoạn 2005 đến 2010.

B. NỘI DUNG CỦA CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG

I. ĐỔI MỚI NỘI DUNG, CHƯƠNG TRÌNH, PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC; MỞ RỘNG QUY MÔ HỢP LÝ, NÂNG CAO RÕ RỆT CHẤT LƯỢNG, HIỆU QUẢ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

1. Phát triển giáo dục mầm non: tiếp tục triển khai thực hiện Quyết định số 161/2002/QĐ-TTg ngày 15 tháng 12 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ. Xây dựng và triển khai thực hiện Đề án Phát triển giáo dục mầm non giai đoạn từ nay đến năm 2010 nhằm bảo đảm tất cả các địa bàn cấp xã đều có cơ sở giáo dục mầm non; đến năm 2010 hầu hết trẻ dưới 6 tuổi đều được chăm sóc, giáo dục bằng những hình thức thích hợp; tăng nhanh tỷ lệ huy động và sớm thực hiện được mục tiêu hầu hết trẻ em 5 tuổi được đến mẫu giáo để chuẩn bị vào lớp 1.

2. Phát triển giáo dục phổ thông theo hướng tiếp tục triển khai, nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện Nghị quyết số 40/2000/QH10 và Nghị quyết số 41/2000/QH10 của Quốc hội:

a) Hoàn thành Chương trình Đổi mới giáo dục phổ thông trên cơ sở nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động triển khai thực hiện Nghị quyết số 40/2000/QH10 của Quốc hội;

- Tổ chức rà soát, chỉnh lý, giảm tải nội dung hợp lý nhằm hoàn thiện chương trình, sách giáo khoa ở bậc tiểu học và trung học cơ sở.

- Điều chỉnh phương án phân ban ở trung học phổ thông theo hướng bảo đảm nội dung thống nhất theo một chương trình chuẩn, có sự phân hoá nhằm phân luồng, hướng nghiệp cho học sinh sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông.

- Thực hiện đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy và học. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động của nhà trường. Đẩy mạnh chương trình dạy ngoại ngữ, chủ yếu là tiếng Anh và tin học trong các cơ sở giáo dục, đặc biệt là từ bậc trung học cơ sở trở lên.

b) Xây dựng kế hoạch, quy hoạch phát triển hệ thống giáo dục phổ thông nhằm đáp ứng nhu cầu tăng quy mô; củng cố kết quả phổ cập giáo dục tiểu học, xoá mù chữ; thực hiện phân luồng sau trung học cơ sở và trung học phổ thông.

c) Chỉ đạo thực hiện và nâng cao chất lượng công tác phổ cập giáo dục trung học cơ sở, bảo đảm hoàn thành kế hoạch đúng tiến độ theo tinh thần Nghị quyết số 41/2000/QH10 của Quốc hội, chú trọng tập trung đối với các tỉnh khó khăn.

3. Phát triển giáo dục đại học trên cơ sở xây dựng và tổ chức thực hiện Đề án Đổi mới giáo dục đại học theo hướng tập trung vào các vấn đề sau:

a) Xây dựng kế hoạch phát triển tăng quy mô đào tạo đại học, cao đẳng với mức tăng quy mô trung bình 10%/năm trong giai đoạn từ 2005 để đến năm 2010 đạt 200 sinh viên/1 vạn dân.

b) Đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp, phương thức đào tạo và công tác biên soạn tài liệu trong các cơ sở đào tạo đại học, cao đẳng đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng, hội nhập quốc tế, chú trọng nhiệm vụ đào tạo nhân lực trình độ cao, bồi dưỡng nhân tài về khoa học, công nghệ, quản lý kinh tế - xã hội.

c) Điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, quy chế đào tạo, tuyển sinh theo hướng mở rộng áp dụng học chế tín chỉ trong đào tạo đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp; đổi mới quy trình, phương thức kiểm tra, đánh giá, thi cử, công nhận tốt nghiệp. Quy định việc sử dụng song ngữ (tiếng Việt và tiếng nước ngoài) trong đào tạo đối với một số cơ sở giáo dục. Thể chế hoá các yêu cầu, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, ứng dụng thực tiễn nhằm gắn với nhiệm vụ giảng dạy của giảng viên các trường đại học, cao đẳng. Quy định chế độ kiêm nhiệm, cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, các viện nghiên cứu và các cơ sở đào tạo. Sửa đổi, hoàn thiện Quy chế đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ bảo đảm chất lượng của các bậc đào tạo này.

d) Xây dựng quy trình, tiêu chuẩn đánh giá và triển khai thực hiện kế hoạch kiểm định chất lượng các cơ sở đào tạo đại học, cao đẳng nhằm đánh giá, phân loại năng lực, chất lượng của các cơ sở này.

4. Phát triển giáo dục nghề nghiệp trên cơ sở xây dựng và tổ chức thực hiện Đề án Đổi mới giáo dục nghề nghiệp theo hướng tập trung vào các vấn đề sau:

a) Xây dựng kế hoạch phát triển nhằm tăng nhanh mạng lưới các cơ sở dạy nghề, trung học chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực, phù hợp thực tiễn, thu hút học sinh sau trung học cơ sở và trung học phổ thông.

b) Mở rộng quy mô, tăng chỉ tiêu đào tạo nghề và trung học chuyên nghiệp hàng năm nhằm thực hiện mục tiêu đạt tỷ lệ 40% lao động đã qua đào tạo vào năm 2010.

c) Tập trung xây dựng chương trình, giáo trình, tài liệu học tập và giảng dạy; đổi mới phương pháp, phương thức đào tạo trong các trường trung học chuyên nghiệp, dạy nghề. Mở rộng chương trình đào tạo liên thông giữa các trường và các cấp, bậc đào tạo nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người học được đào tạo ở trình độ cao hơn.

II. XÂY DỰNG, HOÀN THIỆN QUY HOẠCH MẠNG LƯỚI, CỦNG CỐ HỆ THỐNG GIÁO DỤC BẢO ĐẢM LIÊN THÔNG, ĐÁP ỨNG PHÂN LUỒNG SAU TRUNG HỌC CƠ SỞ

1. Chỉ đạo xây dựng quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục các cấp, bậc học (cả cơ sở công lập, ngoài công lập, đào tạo chính quy, không chính quy, cơ sở giáo dục cộng đồng) ở các địa phương.

2. Tiếp tục chỉ đạo hoàn thiện, triển khai quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng theo hướng phát triển mạnh cơ sở ngoài công lập nhằm đạt 40% số lượng sinh viên được đào tạo trong các cơ sở này vào năm 2010. Tập trung đầu tư xây dựng các trường đại học trọng điểm và 1 đến 2 trường đại học ngang tầm khu vực và quốc tế.

III. TĂNG CƯỜNG HUY ĐỘNG NGUỒN LỰC ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC, ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC XÃ HỘI HOÁ, ĐỔI MỚI CƠ CHẾ QUẢN LÝ, PHÂN BỔ NGÂN SÁCH GIÁO DỤC

1. Xây dựng, điều chỉnh cơ cấu đầu tư giáo dục từ ngân sách nhà nước theo hướng ưu tiên thực hiện phổ cập giáo dục, phát triển giáo dục vùng khó khăn, bảo đảm chính sách xã hội, chăm lo đối tượng người nghèo, thực hiện các Chương trình trọng điểm, gắn các chương trình phát triển giáo dục với các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, xoá đói giảm nghèo... của Chính phủ để nâng cao hiệu quả đầu tư.

2. Xây dựng lộ trình tăng tỷ lệ ngân sách nhà nước đầu tư hàng năm cho giáo dục theo tiêu chí phấn đấu đạt tỷ lệ 20% tổng chi ngân sách nhà nước trước năm 2010.

3. Xây dựng, thực hiện các cơ chế, chính sách nhằm đẩy mạnh công tác xã hội hoá giáo dục:

a) Ban hành cơ chế, quy định về điều kiện, thủ tục chuyển đổi giữa các loại hình nhà trường. Xây dựng kế hoạch và thực hiện chuyển một số trường đại học, cao đẳng thuộc loại hình bán công, công lập sang loại hình ngoài công lập. Bổ sung, hoàn thiện các quy chế tổ chức và hoạt động của các cơ sở giáo dục ngoài công lập.

b) Ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ các cơ sở ngoài công lập về đất đai, cơ sở vật chất, vay vốn ưu đãi.

c) Đổi mới chính sách học phí, học bổng, trợ cấp xã hội trong các cơ sở giáo dục, đào tạo thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.

d) Triển khai thực hiện Đề án xây dựng xã hội học tập; Đề án phát triển giáo dục từ xa. Thành lập kênh truyền hình riêng về giáo dục, đào tạo và dạy nghề.

4. Điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện các quy định nhằm thu hút, sử dụng và quản lý hiệu quả các nguồn đầu tư, hợp tác, liên kết đào tạo quốc tế, tổ chức du học; tăng cường công tác quản lý học sinh, sinh viên Việt Nam học tập ở nước ngoài và học sinh, sinh viên nước ngoài học tập tại Việt Nam.

IV. XÂY DỰNG ĐỘI NGŨ NHÀ GIÁO VÀ CÁN BỘ QUẢN LÝ GIÁO DỤC

1. Tập trung chỉ đạo, thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục theo yêu cầu, nhiệm vụ nêu tại Quyết định số 09/2005/QĐ-TTg ngày 11 tháng 01 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ.

2. Bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục.

V. ĐỔI MỚI CƠ CHẾ, NÂNG CAO HIỆU LỰC, HIỆU QUẢ QUẢN LÝ GIÁO DỤC

1. Tổ chức đánh giá việc thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục 2001 - 2010 nhằm xác định, điều chỉnh, bổ sung các nhiệm vụ, chỉ tiêu, giải pháp cho giai đoạn 2 (2006 - 2010). Trên cơ sở đó, xây dựng Chiến lược phát triển giáo dục dài hạn đến 2020 và những năm tiếp theo.

2. Hoàn thiện dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) trình Quốc hội. Soạn thảo các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Giáo dục (sửa đổi) để triển khai thực hiện ngay sau khi được thông qua. Tiếp tục rà soát hệ thống các văn bản pháp quy nhằm hoàn thiện, bổ sung, điều chỉnh nội dung cho phù hợp thực tiễn, đặc biệt là các quy định về quản lý đầu tư, nhân sự, đất đai, tài chính và quy chế hoạt động của các cơ sở giáo dục.

3. Thực hiện tốt trách nhiệm quản lý nhà nước theo đúng tinh thần của Nghị định số 166/2004/NĐ-CP ngày 16 tháng 09 năm 2004 của Chính phủ. Bổ sung, ban hành các quy định, hướng dẫn cụ thể nhằm tăng cường việc phân cấp cho các địa phương; nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ sở giáo dục.

4. Tiếp tục cải tiến công tác thi cử, đánh giá nhằm bảo đảm tính khách quan, hiệu quả, nghiêm túc, thiết thực. Ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực, tư tưởng chạy theo thành tích. Giảm một số kỳ thi không cần thiết, tăng cường áp dụng hình thức xét tuyển học sinh vào các lớp đầu cấp, bậc học. Nâng cao chất lượng công tác thi đua khen thưởng, báo cáo.

5. Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính trong các cơ quan quản lý giáo dục các cấp.

VI. ĐỔI MỚI VÀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC THANH TRA GIÁO DỤC. KHẮC PHỤC NHỮNG HẠN CHẾ, YẾU KÉM

1. Củng cố tổ chức, nâng cao trách nhiệm, quyền hạn các cấp thanh tra giáo dục. Đẩy mạnh công tác thanh tra, bảo đảm tính khách quan, độc lập và hiệu quả của Thanh tra giáo dục.

2. Tập trung xây dựng nền nếp, kỷ cương trong dạy và học. Thực hiện các giải pháp đồng bộ, kiên quyết nhằm ngăn chặn, xử lý nghiêm các hiện tượng tiêu cực trong công tác giáo dục, đào tạo, quản lý. Tăng cường quản lý, thực hiện các biện pháp hữu hiệu nhằm chấn chỉnh, chấm dứt việc dạy thêm học thêm mang tính chất vụ lợi, áp đặt ở trong và ngoài nhà trường. Ngăn chặn và xử lý nghiêm khắc các hành vi gian dối trong giáo dục, đào tạo. Chú trọng công tác giáo dục toàn diện cho học sinh, sinh viên.

VII. THỰC HIỆN CÔNG BẰNG XÃ HỘI TRONG GIÁO DỤC, ƯU TIÊN PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC ÍT NGƯỜI

1. Tập trung đầu tư thực hiện các Chương trình mục tiêu nhằm củng cố, hoàn thiện mạng lưới trường phổ thông dân tộc nội trú. Xây dựng và thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển các trường, lớp bán trú dân nuôi ở những vùng khó khăn, vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo và vùng đồng bào dân tộc ít người.

2. Điều chỉnh, bổ sung các quy định, tiêu chuẩn, chế độ, chính sách cử tuyển đào tạo, dự bị đại học đối với học sinh người dân tộc các vùng kinh tế xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn, trong đó đặc biệt chú trọng ưu tiên đối với các dân tộc ít người chưa có người được đào tạo trình độ đại học, cao đẳng.

3. Điều chỉnh chế độ học bổng với đối tượng học sinh, sinh viên cử tuyển, học dự bị đại học và học trong các trường dân tộc nội trú. Chăm lo chế độ, chính sách đối với các cán bộ, giáo viên làm việc trong các trường dân tộc nội trú.

4. Xây dựng chương trình giáo dục trẻ em khuyết tật.

C. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

I. CÔNG TÁC TƯ TƯỞNG, THÔNG TIN, TUYÊN TRUYỀN

Bộ Văn hoá - Thông tin chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố và các cơ quan có liên quan triển khai công tác tuyên truyền, quán triệt nội dung Nghị quyết số 37/2004/QH11 khoá XI, kỳ họp thứ sáu của Quốc hội về giáo dục và Chương trình hành động này của Chính phủ.

II. TỔ CHỨC, THEO DÕI THỰC HIỆN

1. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ vào Chương trình hành động của Chính phủ và danh mục công việc kèm theo, cụ thể hoá, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện theo chức năng và trách nhiệm được giao.

2. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Chương trình hành động này, định kỳ sáu tháng một lần, tổng hợp tình hình, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

3. Chính phủ đề nghị các cơ quan Trung ương của các đoàn thể, tổ chức xã hội tích cực hưởng ứng tham gia thực hiện Chương trình hành động này của Chính phủ./.


Nguồn: vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=15999&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận