QUYẾT ĐỊNH CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
Về việc uỷ quyền cho Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hà Tây trong việc hình thành dự án; tiếp nhận, thẩm định hồ sơ dự án;
cấp, điều chỉnh, thu hồi Giấy phép đầu tư và quản lý hoạt động các dự án đầu tư nước ngoài trong các khu công nghiệp, khu chế xuất.
BỘ TRƯỞNG BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
Căn cứ Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam ngày 12 tháng 11 năm 1996 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 2000;
Căn cứ Nghị định số 24/2000/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2000 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và Nghị định số 27/2003/NĐ-CP ngày 19 tháng 3 năm 2003 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 24/2000/NĐ-CP của Chính phủ;
Căn cứ Quy chế Khu công nghiệp, Khu chế xuất, Khu công nghệ cao ban hành kèm theo Nghị định số 36/CP ngày 24 tháng 4 năm 1997 của Chính phủ;
Căn cứ Nghị định số 61/2003/NĐ-CP ngày 6 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
Căn cứ Quyết định số 233/1998/QĐ-TTg ngày 1 tháng 12 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc phân cấp, uỷ quyền cấp giấy phép đầu tư đối với các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài;
Căn cứ Quyết định số 49/2003/QĐ-TTg ngày 14 tháng 4 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hà Tây;
Theo đề nghị của Uỷ ban nhân dân tỉnh Hà Tây tại công văn số 2905 CV/UB-NV ngày 14 tháng 7 năm 2004,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
1. Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hà Tây (sau đây gọi là Ban quản lý) là đầu mối hướng dẫn các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào các khu công nghiệp, khu chế xuất hoạt động theo Quy chế Khu công nghiệp, Khu chế xuất, Khu công nghệ cao ban hành kèm theo Nghị định số 36/CP ngày 24 tháng 4 năm 1997 của Chính phủ trên địa bàn tỉnh Hà Tây.
Hồ sơ dự án đầu tư được lập theo hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
2. Uỷ quyền Ban quản lý tiếp nhận, thẩm định hồ sơ dự án; cấp, điều chỉnh, thu hồi giấy phép đầu tư và quản lý hoạt động các dự án đầu tư nước ngoài đầu tư vào các khu công nghiệp, khu chế xuất quy định tại Quyết định này.
Điều 2.
Các dự án đầu tư Ban quản lý được uỷ quyền cấp Giấy phép đầu tư phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
1. Phù hợp với Quy hoạch và Điều lệ khu công nghiệp hoặc khu chế xuất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
2. Là dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ công nghiệp có quy mô vốn đầu tư đến 40 triệu đôla Mỹ, trừ những dự án thuộc Nhóm A theo quy định tại Điều 114 Nghị định số 24/2000/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2000 và được bổ sung, sửa đổi tại Khoản 26 Điều 1 Nghị định số 27/2003/NĐ-CP ngày 19 tháng 3 năm 2003 của Chính phủ.
3. Thiết bị, máy móc và công nghệ đáp ứng các quy định hiện hành; trường hợp không đáp ứng các quy định đó phải được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quản lý ngành kinh tế - kỹ thuật chấp thuận.
4. Đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường, an toàn lao động và phòng, chống cháy, nổ.
Điều 3:
Việc xem xét cấp Giấy phép đầu tư theo quy trình đăng ký cấp giấy phép đầu tư hoặc quy trình thẩm định cấp giấy phép đầu tư do Ban quản lý thực hiện với sự phối hợp chặt chẽ với Sở Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan chức năng của địa phương theo quy định tại các Điều số 104, 105, 106, 107, 108, Nghị định số 24/2000/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2000 và được bổ sung, sửa đổi tại các Khoản 22, 23 Điều 1 Nghị định số 27/2003/NĐ-CP ngày 19 tháng 3 năm 2003.
Ban quản lý có trách nhiệm xây dựng Quy chế phối hợp làm việc với các cơ quan chức năng của địa phương, trình Uỷ ban nhân dân tỉnh Hà Tây phê duyệt và thông báo cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Điều 4:
1. Ban quản lý tổ chức thẩm định và tự quyết định việc cấp Giấy phép đầu tư đối với các loại dự án sau:
Các doanh nghiệp chế xuất có quy mô vốn đầu tư đến 40 triệu đôla Mỹ;
Các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp và doanh nghiệp dịch vụ công nghiệp có quy mô vốn đầu tư đến 5 triệu đôla Mỹ và đáp ứng các quy định tại Điều 2 Quyết định này.
2. Thời hạn Ban quản lý thẩm định và cấp Giấy phép đầu tư là 15 ngày làm việc kể từ khi tiếp nhận hồ sơ dự án, không kể thời gian chủ đầu tư sửa đổi, bổ sung hồ sơ xin cấp Giấy phép đầu tư theo yêu cầu của Ban quản lý.
Mọi yêu cầu của Ban quản lý đối với nhà đầu tư về việc sửa đổi, bổ sung hồ sơ xin cấp Giấy phép đầu tư, Giấy phép điều chỉnh được thực hiện trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ dự án.
3. Đối với các dự án đầu tư nằm ngoài các quy định nêu tại Khoản 1, Điều này thì trước khi ra quyết định, Ban quản lý có trách nhiệm gửi Tóm tắt dự án tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư; lấy ý kiến các Bộ, ngành về những vấn đề thuộc thẩm quyền của các Bộ, ngành.
Các Bộ, ngành được lấy ý kiến về dự án, kể cả trường hợp điều chỉnh Giấy phép đầu tư, có nhiệm vụ trả lời bằng văn bản trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ dự án; quá thời hạn nói trên mà không có ý kiến bằng văn bản thì coi như chấp thuận dự án.
Điều 5:
Giấy phép đầu tư được soạn thảo theo mẫu do Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn.
Trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày cấp Giấy phép đầu tư, Giấy phép điều chỉnh, Ban quản lý gửi Giấy phép đầu tư, Giấy phép điều chỉnh về Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Uỷ ban nhân dân tỉnh Hà Tây (bản chính) và Bộ Tài chính, Bộ Thương mại, Bộ quản lý ngành kinh tế- kỹ thuật và các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan (bản sao).
Điều 6:
Đối với các dự án Ban quản lý không được uỷ quyền cấp giấy phép đầu tư, sau khi tiếp nhận, Ban quản lý giữ lại 1 bộ hồ sơ (bản sao) và chuyển toàn bộ số hồ sơ dự án còn lại kèm theo ý kiến của Ban quản lý về dự án đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổ chức thẩm định và cấp Giấy phép đầu tư theo quy định tại các Điều 109 và 114 Nghị định số 24/2000/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2000 và Nghị định số 27/2003/NĐ-CP ngày 19 tháng 3 năm 2003 của Chính phủ.
Điều 7.
1. Ban quản lý hướng dẫn các chủ đầu tư triển khai thực hiện dự án; thực hiện quản lý Nhà nước đối với các hoạt động trong các khu công nghiệp, khu chế xuất theo các quy định tại Quy chế Khu công nghiệp, Khu chế xuất, Khu công nghệ cao ban hành kèm theo Nghị định 36/CP ngày 24 tháng 4 năm 1997 của Chính phủ.
2. Ban quản lý thực hiện việc điều chỉnh Giấy phép đầu tư đối với các dự án đầu tư đã được ủy quyền cấp Giấy phép đầu tư trong phạm vi hạn mức vốn đầu tư được uỷ quyền.
3. Những trường hợp Ban quản lý quyết định với sự thoả thuận của Bộ Kế hoạch và Đầu tư:
Do điều chỉnh Giấy phép đầu tư mà vượt quá hạn mức vốn đầu tư được uỷ quyền, thay đổi mục tiêu hoặc bổ sung mục tiêu dự án thuộc Danh mục lĩnh vực đầu tư có điều kiện.
Giảm tỷ lệ góp vốn pháp định của Bên Việt Nam trong các trường hợp liên doanh hoặc chuyển hình thức liên doanh sang đầu tư 100% vốn nước ngoài.
Giải thể doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoặc chấm dứt hợp đồng hợp tác kinh doanh trước thời hạn.
4. Ban quản lý quyết định giải thể doanh nghiệp và thu hồi các Giấy phép đầu tư theo quy định hiện hành.
Điều 8.
Hàng quý, 6 tháng và hàng năm, Ban quản lý tổng hợp việc cấp Giấy phép đầu tư, điều chỉnh Giấy phép đầu tư, tình hình hoạt động của các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, khu chế xuất thuộc phạm vi quản lý và gửi báo cáo tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư, uỷ ban Nhân dân tỉnh Hà Tây.
Điều 9.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư tạo mọi điều kiện thuận lợi và kiểm tra Ban quản lý thực hiện các việc được uỷ quyền theo đúng quy định, chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Chính phủ về việc uỷ quyền quy định tại Quyết định này.
Điều 10.
Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo.