Quyết địnhQUYẾT ĐỊNH CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Về việc xử lý tồn tại về mở thư tín dụng
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Xét đề nghị của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Doanh nghiệp nhập khẩu được Ngân hàng bảo lãnh mở thư tín dụng trả chậm, khi đến hạn thanh toán phải chấp hành nghiêm chỉnh nghĩa vụ thanh toán nợ với nước ngoài. Trong trường hợp doanh nghiệp chậm hoặc chưa có khả năng thanh toán với nước ngoài, Ngân hàng bảo lãnh phải thanh toán thay để bảo đảm tín nhiệm trong thanh toán quốc tế và doanh nghiệp phải nhận nợ bắt buộc với Ngân hàng.
Điều 2. Số nợ doanh nghiệp nhận nợ bắt buộc do Ngân hàng bảo lãnh thanh toán thay, không tính trong hạn mức dư nợ của doanh nghiệp và được xem xét phân loại xử lý như sau:
a. Đối với thiết bị vật tư, hàng hoá nhập khẩu phục vụ trực tiếp cho dự án, nếu do nguyên nhân khách quan dẫn đến công trình đưa vào hoạt động không đúng tiến độ, nên không có khả năng trả nợ đúng hạn cho nước ngoài, thì Ngân hàng bảo lãnh xem xét cho vay bình thường để thanh toán cho nước ngoài. Thời hạn cho vay do Ngân hàng và doanh nghiệp thoả thuận căn cứ vào chu kỳ sản xuất kinh doanh và thời hạn thu hồi vốn để quyết định cụ thể.
b. Đối với hàng hoá nhập khẩu trả chậm chưa tiêu thụ, Ngân hàng căn cứ vào số lượng và giá trị hàng hoá tồn kho có khả năng tiêu thụ để cho vay bình thường (không chuyển nợ quá hạn) và quy định thời hạn thu hồi nợ theo khả năng tiêu thụ hàng hoá của doanh nghiệp.
c. Đối với các doanh nghiệp đã sử dụng vốn nhập hàng trả chậm vào kinh doanh bất động sản hoặc vào việc khác, Ngân hàng Thương mại được phép phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm kê, đánh giá hàng hoá nhập khẩu, tài sản thế chấp và các tài sản khác liên quan, làm thủ tục xiết nợ, phát mại tài sản theo quy định của pháp luật để thu hồi nợ.
d. Đối với số vốn nhập hàng trả chậm bị thất thoát do biển thủ, tham ô phải truy tố thủ phạm theo quy định của pháp luật.
đ. Đối với trường hợp hàng hoá nhập khẩu bị thất thoát do nguyên nhân khách quan như: thiên tai, hoả hoạn... đã được các cơ quan chức năng xác nhận, giao Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính và cơ quan cấp trên của doanh nghiệp kiểm tra xác minh, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định việc xử lý nợ cho doanh nghiệp.
e. Những doanh nghiệp đã nhập khẩu trả chậm những mặt hàng theo chỉ đạo của Chính phủ do biến động tỷ giá nên phát sinh lỗ, giao Bộ Tài chính trực tiếp kiểm tra xác minh báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét hỗ trợ phần lỗ do rủi ro về tỷ giá cho doanh nghiệp.
Điều 3. Trường hợp thư tín dụng trả chậm chưa đến hạn thanh toán với nước ngoài, nhưng doanh nghiệp đã nộp tiền vào Ngân hàng, khi thư tín dụng đến hạn việc thanh toán cho nước ngoài do Ngân hàng Thương mại hoàn toàn chịu trách nhiệm.
Điều 4. Tổ chức hay cá nhân bảo lãnh cho doanh nghiệp mở rộng thư tín dụng trả chậm hoặc bảo lãnh cho doanh nghiệp trong nước mua lại hàng hoá của các doanh nghiệp nhập khẩu hàng trả chậm, nếu đến hạn thanh toán doanh nghiệp nhập khẩu không có khả năng thanh toán thì tổ chức, cá nhân bảo lãnh phải chịu trách nhiệm thanh toán. Tổ chức, cá nhân bảo lãnh không thanh toán được, Ngân hàng được phép kê biên tài sản và phát mại để thu hồi nợ, nếu vi phạm nghiêm trọng phải truy tố theo quy định của pháp luật.
Điều 5. Đối với tài sản, hàng hoá mà các doanh nghiệp đã thế chấp, cầm cố với Ngân hàng để được mở thư tín dụng nhập hàng trả chậm hoặc thế chấp để bảo lãnh mua chịu hàng hoá nhập khẩu trả chậm, hoặc tài sản xiết nợ, cho phép Ngân hàng Thương mại được phép phát mại để thu hồ nợ.
Đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và yêu cầu Bộ Nội vụ, Uỷ ban nhân dân các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp và tạo điều kiện cho các Ngân hàng Thương mại thực hiện được việc phát mại tài sản, hàng hoá theo đúng quy định của pháp luật, để thu hồi nợ mà các Ngân hàng Thương mại đã thanh toán thay cho doanh nghiệp.
Điều 6. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và Bộ trưởng Bộ Tài chính căn cứ nội dung quyết định này để hướng dẫn cụ thể việc thực hiện và có trách nhiệm báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả việc xử lý thanh toán.
Điều 7. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.