Văn bản pháp luật: Quyết định 82/1998/QĐ-UB

Hồ Xuân Hùng
Nghệ An
STP tỉnh Nghệ An;
Quyết định 82/1998/QĐ-UB
Quyết định
07/01/1998
07/01/1998

Tóm tắt nội dung

Về việc ban hành " Quy ước thực hiện nếp sống văn hoá trong việc cưới, việc tang, ngày giỗ, ngày hội và bài trừ hủ tục, mê tín, dị đoan"

Chủ tịch
1.998
UBND tỉnh Nghệ An

Toàn văn

quyết định

QUYẾT ĐỊNH CỦA UBND TỈNH NGHỆ AN

Về việc ban hành "Quy ước thực hiện nếp sống văn hoá

trong việc cưới, việc tang, ngày giỗ, ngày hội và bài trừ hủ tục, mê tín, dị đoan"

 

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN

Căn cứ luật tổ chức HĐND và UBND các cấp (sửa đổi) ngày 21 tháng 6 năm 1994.

Căn cứ nghị quyết số 06 NQ/TU ngày 22 tháng 5 năm 1997 của Ban thường vụ tỉnh uỷ Nghệ An về "Đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng nếp sống văn hoá, gia đình văn hoá, bài trừ hủ tục, mê tín, dị đoan trong tình hình hiện nay".

Căn cứ nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An khoá XIII - kỳ họp thứ 6 về việc giao cho UBND tỉnh ban hành" quy ước thực hiện nếp sống văn hoá trong việc cưới, việc tang, ngày giỗ, ngày hội và bài trừ hủ tục, mê tín, dị đoan".

 

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1: Ban hành kèm theo quyết định này "Quy ước thực hiện nếp sống văn hoá trong việc cưới, việc tang, ngày giỗ, ngày hội và bài trừ hủ tục, mê tín, dị đoan ".

Điều 2: Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký. Những quy định trước đây trái với quy ước này đều bị bãi bỏ.

Điều 3: Các ông Chánh văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở văn hoá - thông tin, Giám đốc các Sở, thủ trưởng các ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

QUY ƯỚC

Thực hiện nếp sống văn hoá trong việc cưới,

việc tang, ngày giỗ, ngày hội và bài trừ hủ tục, mê tín, dị đoan

(Ban hành kèm theo quyết định số 82/QĐ-UB ngày 07 tháng 01 năm 1998 của UBND tỉnh Nghệ An).

 

PHẦN MỞ ĐẦU

Trong những năm qua, phong trào xây dựng nếp sống văn hoá của tỉnh được các ngành, các cấp quan tâm và nhân dân ủng hộ nên đã thu được nhiều kết quả, góp phần đẩy lùi các tệ nạn xã hội, tạo môi trường văn hoá trong sạch, lành mạnh. Thời gian gần đây, do ảnh hưởng mặt trái của cơ chế thị trường, các thủ tục và mê tín, dị đoan đang phục hồi trong việc cưới , việc tang, ngày giỗ, ngày hội, làm tổn hại đến đời sống tình cảm, đạo đức và thuần phong mỹ tục tốt đẹp của dân tộc. Để góp phần hướng dẫn nhân dân có nhận thức đúng đắn, tích cực xây dựng và giữ gìn xã hội có nếp sống lành mạnh,phù hợp với thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. UBND tỉnh ban hành "Quy ước thực hiện nếp sống văn hoá trong việc cưới, việc tang, ngày giỗ, ngày hội và bài trừ hủ tục, mê tín, dị đoan".

Chương I

VIỆC CƯỚI

Điều 1: Việc kết hôn phải thực hiện đúng Luật hôn nhân và gia đình. Chính quyền địa phương thường xuyên tạo điều kiện thuận lợi và hướng dẫn mọi người cùng thực hiện.

Lễ trao và nhận giấy chứng nhận kết hôn là lễ thức bắt buộc, UBND các xã, phường, thị trấn cần tổ chức nghiêm túc, trang trọng, tạo được không khí vui vẻ, gây được ấn tượng đẹp và niềm vui hạnh phúc cho đôi tân hôn.

Những địa phương có điệu kiện nên tổ chức cho đôi vợ chồng mới cưới dâng hương hoa tại nhà truyền thống, đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ, hoặc trồng cây lưu niệm tại một điểm sinh hoạt văn hoá công cộng.

Điều 2: Tiệc cưới nên tổ chức gọn nhẹ, không phô trương lãng phí vượt quá khả năng kinh tế của gia đình. Vui văn nghệ trong đám cưới không quá 22 giờ 30 phút (trừ những nơi đồng bào dân tộc thiểu số có phong tục riêng). Khi tổ chức rước dâu phải chấp hàng đúng luật lệ giao thông.

Đối với những gia đình chính sách, khó khăn, cần được sự giúp đỡ của địa phương, của đoàn thể, bàn bè.

Điều 3: Các tục lệ truyền thống như: Lễ chạm ngõ, lễ ăn hỏi, lễ lại mặt nên làm gọn nhẹ, tình cảm, vui tươi. Khuyến khích hình thức báo hỷ. Bỏ tục lệ "trả nợ miệng" trong tiệc cưới. Không lợi dụng việc cưới để đầu cơ trục lợi. Cấm lấy công quỹ làm quà cá nhân để biếu xén, ban ơn.

Điều 4: Việc đám cưới cần phải kết hợp chặt chẽ với việc thực hiện cuộc vân động dân số kế hoạch hoá gia đình. Chính quyền địa phương vận động đôi tân hôn làm đơn cam kết thực hiện kế hoạch hoá gia đình (theo mẫu do Uỷ ban dân số kế hoạch hoá gia đình tỉnh ban hành) trước khi giao giấy chứng nhận kết hôn.

 

Chương II

VIỆC TANG

Điều 5: Việc tang nhằm bày tỏ lòng tưởng nhớ chân thành của người đang sống đối với người đã chết, cần được tổ chức chu đáo, trang nghiêm. Mỗi thôn, xóm nên có Ban lễ tang và những điều kiện cần thiết cho việc tang.

Điều 6: Khi có người chết, gia đình hoặc thân nhân phải kịp thời báo với chính quyền và Ban tang lễ. Việc khâm liệm, chôn cất người chất phải thực hiện đúng quy định của Bộ Y tế tại Thông tư số 29/BYT-TT ngày 21 tháng 10 năm 1971 về giữ gìn vệ sinh. Không để người chết trong nhà 24 tiếng đồng hồ. Trường hợp để lâu hơn phải đảm bảo điều kiện vệ sinh môi trường nhưng không được để quá 48 tiếng đồng hồ.

Người chết vì dịch bệnh, sau khi có ý kiến của chính quyền, của cơ quan chức năng, phải chôn cất ngay và thực hiện các biện pháp bảo đảm vệ sinh đúng quy định của Nhà nước.

Điều 7: Việc thăm viếng người chết, nên dùng hương hoa. Hạn chế dùng rượu và phúng trướng mang tính chất phô trương lãng phí. Đối với gia đình khó khăn cần có sự giúp đỡ thiết thực của địa phương, cơ quan,đoàn thể, các hội. Không tổ chức mời khách ăn uống trong ngày chôn cất và 3 ngày. Lễ cúng 50 ngày hoặc 100 ngày nên làm trong nội bộ anh em thân thích. Cấm lợi dụng việc tang để hành nghề mê tín dị đoan dưới mọi hình thức.

Điều 8: Người chết là cán bộ lãnh đạo, là người có công với cách mạng, lễ tang phải tổ chức theo quy định tại Quyết định số 597/QĐ-BU ngày 17 tháng 02 năm 1997 của UBND tỉnh.

Đối với người chết không có gia đình, chính quyền địa phương phải chôn cất chu đáo.

Điều 9: Các xã, phường, thị trấn có nơi chôn cất người chết thuộc phạm vi mình quản lý, phải quản lý việc quy tập mồ mả, xây lăng mộ của nhân dân theo đúng quy hoạch của địa phương, tạo điều kiện dể chôn cất người chết ở những phường không có nghĩa trang.

 

Chương III

NGÀY GIỖ, NGÀY HỘI

Điều 10: Ngày giỗ, ngày tế họ là dịp để con cháu nhớ và phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình và dòng họ. Vì vậy cần tổ chức trang nghiêm, vui vẻ, đoàn kết và tiết kiệm, tránh phô trương lãng phí.

Điều 11: Những gia đình có ông bà, cha, mẹ từ 60 tuổi trở lên, nếu có điều kiện có thể tổ chức mừng thọ. Lễ mừng thọ không kéo dài ngày, không phô trương lãng phí quá khả năng kinh tế của gia đình.

Vào dịp đầu xuân năm mới, các địa phương nên tổ chức gặp gỡ những người cao tuổi để động viên thăm hỏi. Nên có quà phù hợp để tặng các cụ có tuổi thọ cao (trên 70 tuổi).

Điều 12: Việc tổ chức lễ sinh nhật tuỳ thuộc nhu cầu của từng cá nhân và gia đình. Nếu tổ chức phải đảm bảo văn minh, lịch sự, có ý nghiã thiết thực. Tránh đua đòi, phô trương hoặc vi phạm pháp luật.

Điều 13: Tiết Nguyên Đán là tết truyền thống của dân tộc. Chính quyền địa phương cần hướng dẫn cho nhân dân tổ chức nhiều hoạt động văn hoá vui chơi giải trí lành mạnh, bổ ích, trên cơ sở kế thừa và phát huy bản sắc văn hoá tốt đẹp của dân tộc, loại trừ các tập tục lạc hậu. Cấm sản xuất, tàng trữ, vận chuyển và sử dụng các loại pháo, cấm các hành vi đánh bạc, say rượu và tệ nạn xã hội khác.

Điều 14: Lễ hội là sinh hoạt văn hoá truyền thống của dân tộc. Tổ chức lễ hội nhằm bảo tồn và phát huy vốn văn hoá truyền thống tốt đẹp đó, đồng thời tạo điều kiện cho nhân dân tham gia các hoạt động văn hoá vui chơi giải trí. Cấm việc lợi dụng lễ hội để hành nghề mê tín, dị đoan.

Các địa phương, đơn vị tổ chức lễ hội phải thực hiện đúng "Pháp lệnh bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử văn hoá và danh lam thắng cảnh" của Hội đồng Nhà nước và" Quy chế lễ hội" số 636/QĐ-QC ngày 21 tháng 05 năm 1994 của Bộ Văn hoá Thông tin.

 

Chương IV

BÀI TRỪ HỦ TỤC, MÊ TÍN, DỊ ĐOAN

Điều 15: Thờ cúng tổ tiên, đi nhà thờ, thắp hương ở các đền chùa... là tín ngưỡng của mọi người. Xem bói, xem số, gọi hồn, lên đồng, xóc thẻ, yểm bùa, đội bát nhang, chữa bệnh bằng phù phép... là hình thức để lợi dụng mê tín . dị đoan . Công dân có quyền tự do tín ngưỡng nhưng không được lợi dụng để thực hiện các hành vi mê tín, dị đoan đã bị pháp luật nghêm cấm.

Điều 16: Cấm việc lợi dụng các di tích lịch sử văn hoá (kể cả di tích chưa được xếp hạng) làm nơi hành nghề hoặc hoạt động mê tín, dị đoan.

Chính quyền địa phương phải quản lý chặt chẽ và ngăn chăn kịp thời các hành vi xâm phạm các di tích lịch sử văn hoá. Có biện pháp tích cực để giáo dục mọi người có ý thức trách nhiệm trong việc bảo vệ các di sản văn hoá của dân tộc.

Cấm sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán và sử dụng hàng mã.

 

Chương V

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 17: UBND các huyện, thành thị, các ban ngành và đoàn thể cấp tỉnh có trách nhiệm phổ biến, hướng dẫn và tổ chức thực hiện nội dung bản Quy ước này đến tận cơ sở. Cán bộ Đảng viên phải gương mẫu trong việc thực hiện quy ước và xây dựng nếp sống văn hoá ở địa phương.

Điều 18: UBND các huyện, thành thị nhất là những nơi có đồng bào dân tộc thiểu số, tôn giáo, cần có hướng dẫn cụ thể thêm một số nội dung phù hợp với tình hình đặc điểm của từng địa phương, phong tục tập quán của từng dân tộc và tín ngưỡng của đồng bào, nhưng không trái vơi nội dung của quy ước này.

Điều 19: Những cá nhân và tập thể thực hiện tốt quy ước sẽ được khen thưởng trong phong trào thi đua của địa phương. Ai vi phạm hoặc làm trái với quy ước sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.


Nguồn: vbpl.vn/nghean/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=5243&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận