QUYẾT ĐỊNH CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Về việc phê duyệt "Quy hoạch tổng thể Hệ thống Bảo tàng thiên nhiên
ở Việt Nam đến năm 2020"
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Quyết định số 156/2005/QĐ-TTg ngày 23 tháng 06 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể Hệ thống Bảo tàng Việt Nam đến năm 2020;
Xét đề nghị của Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam tại các văn bản số 213/TTr-KHCNVN ngày 04 tháng 03 năm 2005 và 1056/KHCNVN-VP ngày 21 tháng 09 năm 2005; của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại văn bản số 469/BKH-TĐ&GSĐT ngày 20 tháng 01 năm 2006 về Quy hoạch tổng thể Hệ thống Bảo tàng thiên nhiên ở Việt Nam đến năm 2020,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt "Quy hoạch tổng thể Hệ thống Bảo tàng thiên nhiên ở Việt Nam đến năm 2020" với những nội dung chủ yếu sau đây:
I. Mục tiêu:
1. Mục tiêu tổng quát:
Xây dựng và đưa vào hoạt động hệ thống bảo tàng thiên nhiên hoàn chỉnh về cơ cấu; hiện đại về kỹ thuật; khoa học, hiệu quả và phong phú về nội dung hoạt động; phục vụ tốt nhu cầu nghiên cứu, giảng dạy, tham quan, học tập, phổ biến kiến thức về quá trình phát triển lịch sử tự nhiên ở Việt Nam.
2. Mục tiêu cụ thể:
- Xây dựng và đưa vào hoạt động có hiệu quả các công trình thuộc Hệ thống Bảo tàng thiên nhiên ở Việt Nam.
- Xây dựng các bộ sưu tập mẫu vật cấp quốc gia, khu vực, chuyên ngành và cấp cơ sở về thực vật, động vật, địa chất, khoáng vật và các lĩnh vực khác.
- Xây dựng các vườn thực vật, vườn động vật, khu trưng bày ngoài trời cấp quốc gia và khu vực.
- Đào tạo đội ngũ cán bộ và mở rộng hợp tác quốc tế phục vụ hoạt động và phát triển Hệ thống Bảo tàng thiên nhiên ở Việt Nam nói chung và các thành phần thuộc Hệ thống nói riêng.
II. Quan điểm:
Quy hoạch tổng thể Hệ thống Bảo tàng thiên nhiên ở Việt Nam đến năm 2020 phải bảo đảm được: tính thống nhất trong đa dạng của thiên nhiên, tính xã hội, tính khoa học - kỹ thuật, tính thực tiễn và tính khả thi cao khi thực hiện.
III. Cơ cấu Hệ thống Bảo tàng thiên nhiên ở Việt Nam:
Hệ thống Bảo tàng thiên nhiên ở Việt Nam bao gồm:
1. Bảo tàng thiên nhiên trưng bày các cấp:
a) Căn cứ vào tính chất khoa học, phạm vi, quy mô và nội dung trưng bày có các loại bảo tàng sau:
- Bảo tàng thiên nhiên quốc gia (Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam).
- Bảo tàng thiên nhiên khu vực.
- Bảo tàng thiên nhiên chuyên ngành.
- Bảo tàng thiên nhiên cơ sở.
b) Căn cứ vào kiến trúc, xây dựng, đối tượng và phương pháp trình bày có các loại hình sau:
- Nhà bảo tàng.
- Khu trưng bày ngoài trời.
2. Bộ sưu tập mẫu vật (từ cấp quốc gia đến cấp cơ sở).
3. Vườn thực vật, vườn động vật cấp quốc gia, cấp khu vực.
IV. Căn cứ, tiêu chí xây dựng và chức năng các loại hình bảo tàng thiên nhiên:
1. Căn cứ để xây dựng các loại hình bảo tàng thiên nhiên bao gồm: tính đa dạng của thiên nhiên ở Việt Nam, tính xã hội, tính hệ thống của việc chuyển tải kiến thức, tính cộng đồng và tính thực tiễn.
2. Tiêu chí xây dựng và chức năng các loại hình bảo tàng thiên nhiên:
a) Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam:
- Là bảo tàng thiên nhiên cấp quốc gia, đầu hệ trong hệ thống mạng lưới các bảo tàng thiên nhiên ở nước ta; có chức năng nghiên cứu, sưu tầm, lưu giữ, trưng bày, phổ biến kiến thức, giới thiệu và quảng bá một cách đầy đủ, toàn cảnh và toàn diện nhất về các giá trị thiên nhiên của đất nước; bảo đảm chức năng là bảo tàng thiên nhiên cấp quốc gia, đầu hệ trong Hệ thống, có đủ năng lực hướng dẫn, hỗ trợ nghiệp vụ chuyên môn cho các bảo tàng thiên nhiên khác, đồng thời phối hợp có hiệu quả các hoạt động trong toàn bộ Hệ thống Bảo tàng thiên nhiên ở Việt Nam.
- Cơ cấu thành phần gồm: nhà bảo tàng, vườn thực vật, vườn động vật, bộ sưu tập mẫu vật quốc gia, các khu trưng bày ngoài trời.
- Nhà bảo tàng được xây dựng tại thành phố Hà Nội, có cơ sở hạ tầng kỹ thuật thuận lợi, cơ sở vật chất, mẫu vật và nguồn nhân lực cần thiết để thực hiện được các chức năng của một bảo tàng thiên nhiên cấp quốc gia.
b) Bảo tàng thiên nhiên khu vực:
- Là bảo tàng thiên nhiên cấp khu vực; có chức năng nghiên cứu, sưu tầm, lưu giữ, trưng bày, phổ biến kiến thức, giới thiệu và quảng bá một cách đầy đủ và chuyên sâu về các giá trị thiên nhiên của khu vực; có đủ cơ sở vật chất kỹ thuật và nguồn nhân lực cần thiết để thực hiện chức năng của một bảo tàng thiên nhiên cấp khu vực.
- Cơ cấu thành phần gồm: nhà bảo tàng, bộ sưu tập mẫu vật về thiên nhiên khu vực, vườn thực vật, vườn động vật, khu trưng bày ngoài trời.
- Bảo tàng thiên nhiên khu vực được xây dựng tại những vùng thiên nhiên tiêu biểu cho khu vực, có điều kiện tự nhiên cần thiết cho việc xây dựng bảo tàng, là trung tâm kinh tế - xã hội hoặc trung tâm du lịch của khu vực.
c) Bảo tàng thiên nhiên chuyên ngành:
- Là bảo tàng thiên nhiên về một chuyên ngành cụ thể, có chức năng nghiên cứu, sưu tầm, lưu giữ, trưng bày, phổ biến kiến thức, giới thiệu và quảng bá một cách đầy đủ, chi tiết và chuyên sâu về một lĩnh vực chuyên ngành có ý nghĩa quan trọng về giá trị thiên nhiên; được xây dựng ở một số Bộ, ngành có liên quan.
- Cơ cấu thành phần gồm: nhà bảo tàng, bộ sưu tập mẫu vật chuyên ngành và khu trưng bày ngoài trời.
- Bảo tàng thiên nhiên chuyên ngành được xây dựng ở những cơ quan có đủ cơ sở vật chất kỹ thuật và nguồn nhân lực cần thiết để thực hiện chức năng của một bảo tàng thiên nhiên chuyên ngành.
d) Bảo tàng thiên nhiên cơ sở:
Là bảo tàng thiên nhiên cấp cơ sở; có chức năng sưu tầm, lưu giữ và trưng bày bộ mẫu vật ở cơ sở nhằm phục vụ các yêu cầu nghiên cứu, giảng dạy, đào tạo, tuyên truyền giáo dục của một đơn vị cơ sở cụ thể; được xây dựng ở một số trường đại học, đại học quốc gia, viện nghiên cứu và địa phương nơi có đủ cơ sở vật chất kỹ thuật và nguồn nhân lực cần thiết để thực hiện chức năng của một bảo tàng thiên nhiên cấp cơ sở.
đ) Khu trưng bày ngoài trời:
Được xây dựng ở địa điểm có diện tích, điều kiện môi trường, sinh thái thích hợp, thuận lợi cho việc nuôi trồng tự nhiên, bán tự nhiên các loài thực vật, động vật, phục vụ tốt yêu cầu trưng bày, trình diễn cho khách tham quan và nhu cầu nghiên cứu của các nhà khoa học, giáo dục, đồng thời phải bảo đảm được an toàn cho cộng đồng.
V. Quản lý nhà nước và quan hệ giữa các thành phần trong Hệ thống Bảo tàng thiên nhiên ở Việt Nam:
1. Quản lý nhà nước đối với Hệ thống Bảo tàng thiên nhiên ở Việt Nam:
- Hệ thống Bảo tàng thiên nhiên ở Việt Nam là một bộ phận nằm trong Hệ thống bảo tàng Việt Nam; chịu sự quản lý nhà nước và hướng dẫn nghiệp vụ về bảo tàng của Bộ Văn hóa - Thông tin.
- Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam trực thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, là bảo tàng cấp quốc gia, đầu hệ trong hệ thống mạng lưới các bảo tàng thiên nhiên ở nước ta, do Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam trực tiếp quản lý; đồng thời chịu sự quản lý nhà nước và hướng dẫn nghiệp vụ về bảo tàng của Bộ Văn hóa - Thông tin.
- Các thành phần khác trong Hệ thống Bảo tàng thiên nhiên ở Việt Nam trực thuộc các trường đại học, đại học quốc gia, viện nghiên cứu, địa phương... về mặt tổ chức (như: bảo tàng thiên nhiên khu vực, bảo tàng thiên nhiên chuyên ngành, bảo tàng thiên nhiên cơ sở, nhà bảo tàng, khu trưng bày ngoài trời, các bộ sưu tập mẫu vật, vườn thực vật, vườn động vật) do các Bộ, ngành, địa phương chủ quản trực tiếp quản lý; đồng thời chịu sự quản lý nhà nước và hướng dẫn nghiệp vụ về bảo tàng của Bộ Văn hóa - Thông tin; được Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam hỗ trợ về mặt khoa học - kỹ thuật, nghiệp vụ bảo tàng thiên nhiên và phối hợp hoạt động trên cơ sở cùng xây dựng mối quan hệ làm việc, trao đổi và chia sẻ thông tin, báo cáo.
2. Quan hệ giữa các thành phần trong Hệ thống Bảo tàng thiên nhiên ở Việt Nam:
Các thành phần trong Hệ thống bảo tàng thiên nhiên ở Việt Nam do các Bộ, ngành và địa phương khác nhau trực tiếp quản lý, có nội dung khoa học, phương thức hoạt động cụ thể khác nhau nhưng phải bảo đảm nguyên tắc đầu tư phát triển trong một hệ thống tổng thể, thống nhất trong đa dạng; có sự phối hợp công tác chặt chẽ trên cơ sở cùng xây dựng mối quan hệ làm việc, trao đổi và chia sẻ thông tin, báo cáo, kinh nghiệm và kết quả hoạt động cũng như thường xuyên hỗ trợ, bổ sung lẫn nhau nhằm thực hiện có hiệu quả mục tiêu phát triển chung của Hệ thống.
VI. Quy hoạch xây dựng mới hoặc cải tạo nâng cấp các công trình thuộc Hệ thống Bảo tàng thiên nhiên ở Việt Nam đến năm 2020:
1. Quy hoạch xây dựng mới hoặc cải tạo nâng cấp các công trình thuộc Hệ thống Bảo tàng thiên nhiên ở Việt Nam đến năm 2020 bao gồm:
a) Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam: là bảo tàng cấp quốc gia và đầu hệ trong hệ thống mạng lưới các bảo tàng thiên nhiên ở nước ta, gồm có: nhà bảo tàng, vườn thực vật, vườn động vật, bộ sưu tập mẫu vật quốc gia, các khu trưng bày ngoài trời, được xây dựng tại thành phố Hà Nội, tỉnh Vĩnh Phúc, tỉnh Hà Tây.
b) Các bảo tàng thiên nhiên khu vực: gồm 04 bảo tàng, được xây dựng tại thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Lâm Đồng, tỉnh Thừa Thiên Huế và tỉnh Điện Biên.
c) Các bảo tàng thiên nhiên chuyên ngành, bao gồm: Bảo tàng Hải dương học Nha Trang, Bảo tàng Hải dương học Đồ Sơn (Hải Phòng), Bảo tàng Địa chất (tại thành phố Hà Nội), Bảo tàng Tài nguyên rừng (tại thành phố Hà Nội).
d) Bảo tàng thiên nhiên cơ sở: trước mắt được xây dựng tại Đại học quốc gia Hà Nội.
2. Phê duyệt về nguyên tắc danh mục 12 dự án đầu tư xây dựng mới hoặc cải tạo nâng cấp các công trình bảo tàng thiên nhiên được ưu tiên thực hiện trong giai đoạn 2006 - 2020 (Phụ lục kèm theo).
3. Tổng mức vốn và định hướng huy động vốn để đầu tư xây dựng mới hoặc cải tạo nâng cấp các công trình thuộc Hệ thống Bảo tàng thiên nhiên ở Việt Nam đến năm 2020:
- Tổng mức vốn đầu tư xây dựng Hệ thống Bảo tàng thiên nhiên ở Việt Nam đến năm 2020 dự kiến khoảng 2.500 tỷ đồng; tổng mức vốn đầu tư thực hiện sẽ được xác định cụ thể trên cơ sở từng dự án khả thi được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật.
- Định hướng huy động vốn để xây dựng: vốn ngân sách nhà nước (ngân sách trung ương, ngân sách địa phương) và các nguồn vốn hợp pháp khác (hỗ trợ quốc tế; tài trợ hoặc đầu tư của các tổ chức và cá nhân ở trong nước và nước ngoài). Ngân sách nhà nước chỉ tập trung đầu tư cho việc quy hoạch, chuẩn bị đầu tư và đầu tư các hạng mục không có khả năng thu hồi vốn. Các hạng mục có khả năng thu hồi vốn đầu tư, chủ đầu tư huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện theo quy hoạch và quy định được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Điều 2. Tổ chức thực hiện Quy hoạch:
Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương và cơ quan có liên quan tổ chức thực hiện các nội dung của Quy hoạch; định kỳ hàng năm tổng hợp kết quả thực hiện, báo cáo Thủ tướng Chính phủ; chỉ đạo Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam - bảo tàng thiên nhiên cấp quốc gia, đầu hệ trực thuộc Viện phối hợp công tác chặt chẽ với các bảo tàng thiên nhiên khác trong Hệ thống trên cơ sở cùng xây dựng mối quan hệ làm việc, trao đổi và chia sẻ thông tin, báo cáo, bảo đảm thực hiện có hiệu quả mục tiêu phát triển chung của Hệ thống.
- Các Bộ, ngành, địa phương và cơ quan có liên quan là chủ đầu tư hay chủ quản đầu tư các dự án bảo tàng thiên nhiên có nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư, phê duyệt theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án, quản lý thực hiện đầu tư và đưa các công trình bảo tàng thiên nhiên vào khai thác, sử dụng theo đúng quy định của pháp luật.
- Bộ Văn hóa - Thông tin có nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với Hệ thống Bảo tàng thiên nhiên ở Việt Nam và hướng dẫn nghiệp vụ về bảo tàng cho các cơ sở bảo tàng thiên nhiên thành phần thuộc Hệ thống này.
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính cân đối, bố trí vốn trong kế hoạch hàng năm và dài hạn để đầu tư xây dựng, bảo đảm đúng tiến độ và đạt chất lượng đối với các công trình thuộc Hệ thống Bảo tàng thiên nhiên ở Việt Nam được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Chủ tịch Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.