Văn bản pháp luật: Quyết định 875/TTg

Võ Văn Kiệt
Toàn quốc
Công báo điện tử;
Quyết định 875/TTg
Quyết định
Hết hiệu lực toàn bộ
01/01/1997
21/11/1996

Tóm tắt nội dung

Quyết định về việc giải quyết cho công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài hồi hương về Việt Nam

Thủ tướng
1.996
Thủ tướng Chính phủ

Toàn văn

Quyết định

QUYẾT ĐỊNH CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Về việc giải quyết cho công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài hồi hương về Việt Nam

 

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao,

 

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài xin hồi hương về Việt Nam (sau đây gọi tắt là người xin hồi hương) có đủ các điều kiện quy định tại Điều 2 của Quyết định này sẽ được xem xét giải quyết cho hồi hương.

Điều 2. Người được phép hồi hương phải là người có đủ các điều kiện sau đây:

1- Có Quốc tịch Việt Nam và mang hộ chiếu Việt Nam; nếu có quốc tịch Việt Nam, đồng thời mang hộ chiếu nước ngoài thì phải có xác nhận đã đăng ký công dân tại một cơ quan Đại diện nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài;

2- Thái độ chính trị rõ ràng: Hiện tại không tham gia hoặc ủng hộ các tổ chức chống phá Tổ quốc, không có hành động chống đối Chính phủ Việt Nam và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài;

3- Có khả năng bảo đảm cuộc sống ở Việt Nam sau khi hồi hương.

4- Có một cơ quan hoặc thân nhân ở Việt Nam nêu dưới đây bảo lãnh:

a) Cơ quan cấp bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ hoặc Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bảo lãnh đối với trường hợp xin hồi hương để tham gia xây dựng đất nước như: có vốn đầu tư, chấp nhận việc sử dụng trình độ học vấn hoặc tay nghề cao tại một cơ sở thuộc ngành hoặc địa phương,...

b) Thân nhân đủ 18 tuổi có hộ khẩu thường trú tại Việt Nam (cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em và người trong dòng tộc) bảo lãnh đối với các trường hợp xin hồi hương vì mục đích đoàn tụ gia đình và nhân đạo như: bảo đảm về nơi ăn ở, việc làm (nếu còn sức lao động), nơi nương tựa (nếu tuổi già sức yếu),...

Điều 3. Những người có đủ các điều kiện quy định tại Điều 2 của Quyết định này nhưng bản thân họ chưa biết rõ hoặc cố ý không khai rõ nguồn gốc, lai lịch (nơi sinh, quê quán, nơi cư trú cuối cùng trước khi xuất cảnh) và hoàn cảnh phải ra đi định cư ở nước ngoài, thì không được xét cho hồi hương.

Điều 4.

1- Hồ sơ xin hồi hương gồm:

a) Đơn xin hồi hương (theo mẫu của Bộ Nội vụ).

b) Các giấy tờ chứng minh rõ lý do, mục đích và bảo đảm đủ điều kiện hồi hương theo quy định tại Điều 2 của Quyết định này.

2- Hồ sơ xin hồi hương có thể nộp tại một trong 2 nơi dưới đây:

a) Tại nước ngoài: Cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự hoặc cơ quan khác của Việt Nam ở nước ngoài được uỷ quyền cấp thị thực Việt Nam (sau đây gọi là cơ quan Đại diện Việt Nam ở nước ngoài).

b) Tại Việt Nam: Bộ Nội vụ (Cục Quản lý xuất nhập cảnh) hoặc Sở công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi thuận tiện nhất cho đương sự.

Điều 5.

1- Cơ quan Đại diện Việt Nam ở nước ngoài có trách nhiệm:

Hướng dẫn thủ tục và tiếp nhận hồ sơ của người xin hồi hương; trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ phải gửi hồ sơ kèm theo ý kiến nhận xét, đề xuất về Bộ Nội vụ (Cục Quản lý xuất nhập cảnh).

Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo của Bộ Nội vụ về kết quả việc xem xét hồ sơ (cho phép hồi hương hoặc lý do không cho phép hồi hương) phải báo cho đương sự kết quả đó.

2- Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải gửi hồ sơ kèm theo ý kiến nhận xét, đề xuất về Cục Quản lý xuất nhập cảnh.

3- Bộ Nội vụ (Cục Quản lý xuất nhập cảnh) trong thời gian 60 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ (nhận ở trong nước hay do cơ quan Đại diện Việt Nam ở nước ngoài chuyển về), phải hoàn thành việc xem xét và thông báo cho Bộ ngoại giao (Uỷ ban về người Việt Nam ở nước ngoài) và cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài hoặc thân nhân của người xin hồi hương (nếu nộp hồ sơ tại Việt Nam) biết kết quả (cho phép hồi hương hoặc lý do không được hồi hương).

Điều 6. Căn cứ thông báo cho phép hồi hương của Bộ Nội vụ, cơ quan Đại diện Việt Nam ỏ nước ngoài cấp giấy thông hành hồi hương cho đương sự nhập cảnh Việt Nam. Giấy thông hành hồi hương có giá trị nhập cảnh trong 12 tháng kể từ ngày cấp và không được gia hạn.

Bộ Nội vụ ban hành mẫu giấy thông hành hồi hương.

Điều 7.

1- Người xin hồi hương phải nộp cho cơ quan tiếp nhận hồ sơ một khoản lệ phí hồi hương theo quy định của Bộ Tài chính.

2- Người được phép hồi hương khi về nước được mang về Việt Nam ngoại tệ và tài sản theo quy định của pháp luật Việt Nam.

3- Người được phép hồi hương khi về Việt Nam, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhập cảnh, phải xuất trình các giấy từ tuỳ thân với công an tỉnh, thành phố nơi cư trú để làm thủ tục đăng ký hộ khẩu thường trú, và xin cấp giấy chứng minh nhân dân.

4- Người hồi hương đã đăng ký thường trú tại Việt Nam, được hưởng mọi quyền và có trách nhiệm thực hiện mọi nghĩa vụ của công dân Việt Nam.

Điều 8. Bộ Tài chính quy định việc thu nộp, sử dụng lệ phí hồi hương sau khi trao đổi ý kiến với Bộ Nội vụ và Bộ Ngoại giao.

Điều 9. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 1997 và thay thế Quyết định số 59/TTg ngày 04 tháng 02 năm 1994 của Thủ tướng Chính phủ.

Quyết định này không áp dụng đối với những người Việt Nam đã ra nước ngoài nhưng không được nước ngoài cho phép cư trú hoặc bị trục xuất.

Điều 10. Bộ trưởng Bộ Nội vụ chịu trách nhiệm hướng dẫn thi hành Quyết định này sau khi trao đổi ý kiến với các Bộ có liên quan.

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 


Nguồn: vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=8917&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận