Văn bản pháp luật: Quyết định 879/TTg

 
Công báo điện tử;
Quyết định 879/TTg
Quyết định
23/11/1996
23/11/1996

Tóm tắt nội dung

Quyết định phê duyệt quy hoạt tổng thể phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Thanh Hoá thời kỳ 1996-2000

 
1.996
 

Toàn văn

Quyết định

QUYẾT ĐỊNH

CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 879/TTG NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 1996 PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI CỦA TỈNH THANH HOÁ TRONG THỜI KỲ 1996 - 2010

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;

Xét đề nghị của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Thanh Hoá tại tờ trình số 1859/UBTH ngày 18 tháng 10 năm 1996 và đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Công văn số 5486/VP-VCLPT ngày 25 tháng 10 năm 1996,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1.- Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hoá thời kỳ 1996 -2010 với những nội dung chủ yếu như sau:

I- Mục tiêu phát triển

Phát huy lợi thế, khai thác tiềm năng của tỉnh để phát triển toàn diện và bền vững kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh; đạt tốc độ tăng trưởng cao về kinh tế và tiến bộ xã hội, sớm khắc phục tình trạng kém phát triển; đến năm 2000 đạt mức bình quân GDP gấp đôi năm 1995 và có bước phát triển nhanh hơn ở giai đoạn sau năm 2000, đồng thời góp phần tích cực hơn vào chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

II- Những định hướng và mục tiêu chủ yếu phát triển kinh tế-xã hội

1. Những định hướng phát triển chủ yếu:

- Tiếp tục phát triển kinh tế nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước, theo định hướng xã hội chủ nghĩa, đồng thời tranh thủ thời cơ, huy động tối đa các nguồn lực đầu tư trong nước và nước ngoài để phát triển kinh tế với tốc độ nhanh, ổn định, tạo ra một số khu công nghiệp, dịch vụ lớn, tham gia vào sự phát triển vùng kinh tế động lực phía Bắc.

- Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá trên cơ sở khai thác có hiệu quả các tiềm năng phong phú, đa dạng của tỉnh áp dụng các tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới, sản xuất hàng hoá với khối lượng sản phẩm ngày càng lớn, chất lượng ngày càng cao, phù hợp với yêu cầu xuất khẩu và tiêu dùng.

- Đẩy mạnh phát triển các lĩnh vực văn hoá, xã hội nâng cao chất lượng đời sống của nhân dân các dân tộc, đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển mới, bảo đảm sự phát triển hài hoà giữa kinh tế và xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, phòng chống thiên tai có hiệu quả.

- Từng bước thu hẹp khoảng cách giầu nghèo giữa các vùng lãnh thổ, chú ý đối với miền núi và miền biển, quan tâm các đối tượng chính sách và xoá đói giảm nghèo.

- Kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng, an ninh trên đất liền, trên biển và hải đảo.

2. Những nhiệm vụ phát triển chủ yếu:

a) Về phát triển nông lâm ngư nghiệp:

Chuyển đổi nhanh cơ cấu nông, lâm, ngư nghiệp theo hướng công nghiệp hoá, khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai, rừng, biển, hạn chế tác hại của hạn hán, lụt bão, tạo điều kiện vật chất cho sản xuất phát triển bền vững.

Thâm canh cao, tăng nhanh sản xuất lương thực để có sản lượng hàng hoá, tham gia chiến lược an toàn lương thực của Quốc gia. Mở rộng diện tích rau, quả, cây công nghiệp hình thành một số vùng chuyên canh lạc, vừng, cói, mía, cao su, chè, luồng, quế, cây ăn quả bảo đảm cân đối sản xuất nguyên liệu với năng lực chế biến và nhu cầu thị trường. Xây dựng sớm các vùng nguyên liệu cung cấp cho các nhà máy lớn như: nhà máy đường Lam Sơn, Vân Du, Tây Nam Nông Cống, nhà máy giấy 5-10 vạn tấn và các nhà máy chế biến nông, lâm, thuỷ sản khác. Phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm cung cấp thịt, sữa, trứng quy mô phù hợp với từng vùng (miền núi, đồng bằng) nhằm đáp ứng nhu cầu chế biến nội địa và xuất khẩu.

Huy động mọi nguồn lực chăm sóc, tu bổ, trồng rừng phủ xanh đất trống đồi núi trọc, tăng dần độ che phủ. Bảo vệ rừng đầu nguồn, rừng đặc dụng, phát triển rừng nguyên liệu, gắn khai thác với trồng mới và chế biến lâm sản.

Phát triển đồng bộ các lĩnh vực trong ngành thuỷ sản, đẩy mạnh nuôi trồng thuỷ sản nước ngọt, nước lợ từng bước tăng cường năng lực đánh bắt xa bờ, đồng thời phát triển các cơ sở dịch vụ và chế biến như các trung tâm dịch vụ nghề cá: Cảng Hới, cảng Lạch Bạng, cảng cá Đảo Mê, các xí nghiệp đông lạnh và chế biến hải sản để tăng nhanh sản phẩm hải sản xuất khẩu.

b) Về phát triển công nghiệp:

Đẩy nhanh tốc độ phát triển công nghiệp để tạo chuyển biến tích cực trong việc chuyển đổi cơ cấu sử dụng lao động và chiếm tỷ trọng ưu thế trong cơ cấu nền kinh tế trên cơ sở phát triển công nghiệp nông thôn và hình thành một số khu công nghiệp tập trung.

Phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để quy hoạch và xây dựng khu công nghiệp có cảng biển nước sâu Nghi Sơn - Tĩnh Gia; đồng tời đẩy nhanh tốc độ phát triển công nghiệp của tỉnh, trước hết là các ngành chế biến nông lâm, thuỷ sản, vật liệu xây dựng, hàng tiêu dùng thiết yếu Quy hoạch các khu công nghiệp: Thành phố Thanh Hoá-Sầm Sơn, Bỉm Sơn-Thạch Thành, Mục Sơn - Lam Sơn phù hợp với khả năng về vốn, công nghệ, thị trường nhằm tạo động lực cho tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá; phục hồi và phát triển các ngành nghề tiểu - thủ công nghiệp trong nhân dân góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế, sử dụng lao động ở các vùng nông thôn, miền núi.

c) Về phát triển thương mại dịch vụ:

Phát triển màng lưới thương mại, bảo đảm cung ứng hàng hoá, dịch vụ và tiêu thụ sản phẩm cho nhân dân, góp phần mở rộng thị trường nội địa và xuất khẩu. Phát triển và nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động du lịch, xây dựng một số khu du lịch, nghỉ ngơi ở các vùng có tiềm năng như: Sầm Sơn, Lam Kinh, Bến En, Động Từ Thức Nga Sơn, Thành Nhà Hồ, Hàm Rồng - Thành phố Thanh Hoá, hoà nhập vào tuyến du lịch toàn quốc.

Phát triển các hoạt động vận tải, bưu điện và các hoạt động tài chính, ngân hàng, bảo hiểm... theo chủ trương của Đảng và Nhà nước phục vụvụốt sản xuất kinh doanh và đời sống. Nâng dần tỷ trọng thu ngân sách, tỷ lệ đầu tư so với GDP.

d) Về phát triển cơ sở hạ tầng:

Phát triển nhanh giao thông đường bộ, đường thuỷ, tạo sự gắn kết giữa miền núi và miền xuôi trong tỉnh, giữa tỉnh với đồng bằng sông Hồng và các tỉnh lân cận, chú trọng giao thông nông thôn, miền núi. Nâng cấp và xây dựng mới các tuyến đường 1A, 15, 47, 45, 217. Phát triển hệ thống cảng sông, nâng cấp cảng Lễ Môn, xây dựng cảng biển nước sâu Nghi Sơn (Tĩnh Gia) trong hệ thống cảng biển toàn quốc. Phát triển hệ thống thuỷ lợi vừa bảo đảm cung cấp nước cho sản xuất, đời sống vừa hạn chế tác tại của hạn hán, bão lụt: Xây dựng đập sông Lèn, hồ đập cửa Đạt. Bảo đảm các yêu cầu về điện năng, thông tin liên lạc, nước sạch... cho sản xuất kinh doanh và sinh hoạt. Cần có phương án kết hợp kinh tế với quốc phòng để sử đụng sân bay Sao Vàng, hoặc xây dựng sân bay mới.

e) Về phát triển giáo dục, văn hoá - xã hội:

Cần phát triển và nâng cao chất lượng của hệ thống giáo dục, đào tạo nhằm đáp ứng nguồn nhân lực cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Xây dựng trường Đại học hoặc Cao đẳng phù hợp với yêu cầu đào tạo nguồn lực cho tỉnh và khu vực. Phát triển mạng lưới chăm sóc sức khoẻ, khám chữa bệnh cho nhân dân, thực hiện tốt chương trình dân số, kế hoạch hoá gia đình. Mở rộng mạng lưới phát thanh truyền hình, phát hành sách báo... đẩy mạnh phong trào xoá đói giảm nghèo, chăm sóc các gia đình thuộc diện chính sách. Vận động nhân dân xây dựng nếp sống văn minh, bài trừ tệ nạn xã hội.

g) Về phát triển các vùng lãnh thổ:

Phát huy thế mạnh của 3 vùng để hỗ trợ lẫn nhau:

- Miền núi của Thanh Hóa diện tích và dân số khá lớn, cần được chú ý đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt là giao thông, điện và các tụ điểm kinh tế; đồng thời tạo ra các vùng cây nguyên liệu cây công nghiệp dài ngày, cây ăn quả có giá trị, phát triển chăn nuôi gia súc có sừng gắn với công nghiệp chế biến. Thực hiện tốt chính sách phát triển vùng dân tộc và miền núi của Đảng và Nhà nước. Khai thác có hiệu quả các tiềm năng để đẩy nhanh sự phát triển về mọi mặt từng bước khắc phục nghèo nàn, rút ngắn khoảng cách về đời sống kinh tế - xã hội so với miền xuôi.

- Đồng bằng: Cần đẩy mạnh thâm canh tăng năng suất cây trồng, bảo đảm ổn định lương thực đi đôi với chuyển đổi cơ cấu cây trồng; vật nuôi theo hướng có sản lượng hàng hoá giá trị kinh tế cao. Phát triển ngành nghề công nghiệp, tiêu thủ công nghiệp, dịch vụ giải quyết nhiều việc làm.

- Miền biển: Đầu tư một số vùng trọng điểm, để có tốc độ phát triển cao hơn các vùng khác; phát triển kinh tế biển, xây dựng cơ sở hạ tầng phù hợp với yêu cầu mở cửa kinh tế hàng hoá như: Cảng biển, đường vào các khu công nghiệp, các đô thị dịch vụ và du lịch.

Quy hoạch rõ cơ cấu, quy mô, chức năng các đô thị, khu công nghiệp làm động lực cho phát triển kinh tế xã hội toàn tỉnh: Các đô thị khu công nghiệp Nghi Sơn, Vân Du, Lam Sơn; nâng cấp và mở rộng thành phố Thanh Hoá, thị xã Sầm Sơn, Bỉm Sơn theo tiêu chuẩn đô thị mới tiến lên hiện đại.

Xây dựng vùng nông thôn ngày càng phát triển, bố trí lại dân cư theo hướng đô thị hoá, mở mang sản xuất công nghiệp, dịch vụ để phân công lại lao động, giải quyết việc làm tại chỗ, quan tâm các vùng nghèo, miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo có nhiều khó khăn.

III- Những giải pháp chủ yếu

Phải có hệ thống biện pháp đồng bộ nhằm huy động các nguồn lực trong nước, ngoài nước để đầu tư thực hiện quy hoạch. Xây dựng các chương trình dự án khả thi, kế hoạch trung hạn, ngắn hạn phù hợp mục tiêu phương hướng nhiệm vụ của quy hoạch. Đồng thời theo sát điễn biến của tình hình để có những điều chỉnh cần thiết.

Nghiên cứu đề xuất với Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các cơ chế chính sách có hiệu quả về huy động vốn đầu tư, phát triển thị trường phát triển nguồn nhân lực phát triển về khoa học và công nghệ xây dựng đô thị và phát triển nông thôn, miền núi.

Điều 2.- Uỷ ban nhân dân tỉnh Thanh Hoá phải có kế hoạch tổ chức thực hiện một cách chặt chẽ nhằm hoàn thành và hoàn thành vượt mức các mục tiêu nhiệm vụ được nêu trong quy hoạch.

Các Bộ, ngành ở trung ương căn cứ chức năng của mình có trách nhiệm phối hợp giúp đỡ tỉnh Thanh Hoá trong quá trình thực hiện quy hoạch, trong đó phải chú ý bảo đảm sự thống nhất giữa quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hoá với quy hoạch phát triển vùng kinh tế trọng điểm, quy hoạch phát triển các ngành, các lĩnh vực chủ yếu, đồng thời phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.

Điều 3.- Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Thanh Hoá và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương liên quan có trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 


Nguồn: vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=8914&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận