Quyết địnhQUYẾT ĐỊNH CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Về định hướng dài hạn và kế hoạch 5 năm
1996 – 2000 phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh miền núi phía Bắc
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Xét đề nghị của Bộ trưởng các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Giao thông Vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc và Miền núi,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh miền núi phía Bắc là huy động cho được nguồn lực của địa phương, của mọi thành phần kinh tế trong nước, ngoài nước, cùng sự hỗ trợ và đầu tư của Nhà nước để phát triền kinh tế - xã hội nhằm khai thác cho được mọi lợi thế về tiềm năng đất đai, khí hậu, rừng và khoáng sản v.v... của các tỉnh miền núi phía Bắc, từng bước cải thiện đời sống của đồng bào các dân tộc, giữ vững cân bằng sinh thái môi trường cho vùng và hạ lưu đồng bằng Bắc Bộ, tăng cường vị trí chiến lược về an ninh, quốc phòng, bảo vệ vững chắc biên cương của Tổ quốc.
Điều 2. Định hướng dài hạn và kế hoạch 5 năm 1996 - 2000 về phát triển kinh tế - xã hội miền núi phía Bắc trước hết là phát triển cơ sở hạ tầng trong đó: tập trung quy hoạch và huy động cho được mọi nguồn lực để xây dựng đường giao thông là nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu của các tỉnh miền núi trong thời kỳ 1996 - 2000.
Phát triển cơ sở hạ tầng giao thông phải được đi trước một bước làm cơ sở cho việc quy hoạch, xây dựng các cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội khác, bố trí sắp xếp lại dân cư, định canh, định cư, xây dựng các trung tâm kinh tế, dịch vụ, văn hoá - xã hội, trung tâm xã, cụm xã, các chợ, chợ phiên v..v... tạo điều kiện thúc đẩy và bảo đảm cho các ngành kinh tế - xã hội miền núi phát triền và an ninh quốc phòng.
1. Phương hướng phát triển giao thông ở các tỉnh miền núi phía Bắc đến năm 2000 và chuẩn bị cho bước phát triển tiếp theo sau năm 2000 là:
a) Phải quy hoạch lại hệ thống giao thông bao gồm đường bộ, đường sắt, đường thuỷ, hàng không trong đó đường bộ là trọng tâm chủ yếu, bảo đảm có đường giao thông thông suốt cả bốn màu (nhất là mùa mưa) phục vụ cho các vùng dân cư tập trung, các vùng kinh tế, các trung tâm văn hoá - xã hội, các huyện và trung tâm cụm xã, các tuyến vành đai biên giới, liên tỉnh và các trục đường giao thông nối với các tỉnh đồng bằng trung du Bắc bộ và thủ đô Hà Nội.
Giao Bộ giao thông Vận tải chủ trì cùng Uỷ ban nhân dân các tỉnh miền núi lập quy hoạch, kế hoạch phát triển đường bộ đến trung tâm các huyện trình Thủ tướng Chính phủ duyệt trong tháng 6 năm 1997.
Uỷ ban nhân dân các tỉnh duyệt quy hoạch, kế hoạch phát triển giao thông từ huyện đến các trung tâm cụm xã, xã trong quý I năm 1997 để sớm triển khai.
b) Đối với các tuyến đường giao thông do Trung ương đầu tư và quản lý, Bộ Giao thông Vận tải cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư lựa chọn thứ tự ưu tiên từ nay đến năm 2000 theo hướng: bố trí hợp lý và ưu tiến có trọng điểm trong kế hoạch Ngân sách hàng năm và từ nguồn vốn ODA để dầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp các trục đường quốc lộ, liên tỉnh lộ, tỉnh lộ và các trục đường quan trọng, cấp bách cho phát triển kinh tế và phục vụ dân sinh trong vùng.
c) Từ này đến năm 2000 các tỉnh phải ưu tiên nguồn vốn Ngân sách địa phương và vốn hỗ trợ của Trung ương để xây dựng, nâng cấp, cải tạo các tuyến đường từ trung tâm tỉnh đến trung tâm các huyện và từ huyện đến các vùng kinh tế, các trung tâm cụm xã trọng điểm và tuyến vành đai biên giới. Phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các huyện, xã có kế hoạch cụ thể tạo cho được thành phong trào quần chúng làm đường giao thông vì lợi ích kinh tế và phục vụ dân sinh của chính huyện mình, xã mình.
2. Việc xây dựng đường giao thông ở các tỉnh miền núi từ nay đến năm 2000 phải huy động mọi nguồn lực của nhân dân và địa phương là chủ yếu, có sự hỗ trợ của Nhà nước và tranh thủ sự hợp tác đầu tư của nước ngoài cụ thể là:
a) Uỷ ban nhân dân các tỉnh cần xây dựng phương án huy động cho được mọi nguồn lực trong dân (huy động mức đóng góp về tiền và lao động của mọi tầng lớp dân cư và mọi thành phần kinh tế) để làm đường, xin ý kiến cấp uỷ và trình Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định để thực hiện.
b) Bộ kế hoạch và đầu tư chủ trì cùng các Bộ giao thông vận tải tìm nguồn và cân đối kế hoạch đầu tư của Nhà nước (bao gồm cả nguồn vốn ODA, vốn của các tổ chức quốc tế khác v.v...) để đưa vào kế hoạch hàng năm, ngay từ năm 1997 và đến năm 2000.
c) Bộ Lao động thương binh và Xã hội chủ trì cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Giao thông Vận tải thống nhất phương án dành một phần thích đáng quỹ hỗ trợ xoá đói, giảm nghèo cho phát triển giao thông để thanh toán công lao động bằng lương thực hoặc bằng tiền cho các hộ thuộc diện xoá đói giảm nghèo tham gia làm đường giao thông để vừa xoá đói, giảm nghèo, vừa tạo công ăn việc làm cho các hộ được trợ cấp.
d) Trên địa bàn tỉnh cần phối hợp lồng ghép một số chương trình quốc gia trên địa bản như chương trình 327, chương trình định canh định cư kinh tế mới, chương trình hỗ trợ một số vùng dân tộc đặc biệt khó khăn, chương trình có mục tiêu xây dựng trung tâm cụm xã, chương trình giải quyết việc làm v.v... phải dành một phần để làm đường giao thông như mục tiêu đã để ra, đồng thời phục vụ cho chính chương trình, dự án đó.
đ) Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì cùng Bộ Tài chính và các Bộ ngành có liên quan sớm nghiên cứu phương án điều chỉnh các chương trình quốc gia thuộc lĩnh vực phát triển kinh tế cho miền núi để tập trung cho xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, huy động sức dân và hình thức trả công lao động tham gia làm đường giao thông, nhất là lao động chưa có việc làm, thiếu việc làm, lúc nông nhàn để tạo điều kiện cho đồng bào vừa có việc làm, vừa có thu nhập gón phần xoá đói giảm nghèo, chấm dứt tình trạng phá rừng, đốt nương làm rẫy.
e) Bộ Giao thông Vận tải chọn một số tuyến đường giao thông làm thử việc đầu tư BOT, hoặc thực hiện đầu tư theo hình thức vốn ngân sách Nhà nước là 40%, vốn tín dụng của Ngân hàng là 30%, trái phiếu công trình và nguồn khác là 30%. Sau khi hoàn thành thu phí giao thông để hoàn vốn.
g) Khuyến khích và động viên các doanh nghiệp trong cả nước tự bỏ vốn đầu tư xây dựng phát triển giao thông, đặc biệt đối với địa bàn biên giới. Sau khi hoàn thành được thu phí giao thông để hoàn vốn. h) Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các địa phương nghiên cứu hình thành quỹ hỗ trợ phát triển giao thông nông thôn miền núi trình Thủ tướng Chính phủ quyết định trong năm 1997.
Điều 3. Tiếp tục đầu tư xây dựng các công trình thuỷ lợi, cung cấp nước sạch, điện phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân.
1. Về thuỷ lợi:
Đầu tư thuỷ lợi ở các tỉnh miền núi phía Bắc chủ yếu là đầu tư để tạo điều kiện cho ổn định và phát triển sản xuất nông nghiệp, trước hết là sản xuất lương thực, đồng thời là tạo điều kiện góp phần thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội khác như định canh định cư, xoá đói giảm nghèo, bảo vệ và cải tạo môi trường.
Đến năm 2000, thuỷ lợi phải bảo đảm nước tưới cho 270.000 ha lúa mùa, 130.000 ha lúa xuân, 10.000 ha cây công nghiệp, cây ăn quả. Phát triển thuỷ lợi phải gắn với việc xây dựng hồ chứa nước, kết hợp với thuỷ điện nhỏ để cung cấp nước, điện cho đời sống và sản xuất ở những vùng thiếu nước, vùng sâu, vùng xa theo hướng:
Nâng cấp tu bổ và kiên cố các công trình và cụm công trình đầu mối, hoàn chỉnh các hệ thống kênh mương, để phát huy cao nhất hiệu suất các công trình hiện có.
Xây dựng một số công trình mới tại các khu vực sản xuất lương thực tập trung và có tiềm năng, kết hợp với việc cấp nước cho các cụm dân cư, thị trấn, thị xã, khu công nghiệp.
Tăng cường trồng cây rừng kết hợp với làm hồ chứa nước nhỏ, ruộng bậc thang nhằm bảo vệ tầng phủ, giảm lũ, giữ ẩm và tăng nguồn sinh thuỷ.
Nghiên cứu xây dựng kè bảo vệ các đoạn sông biên giới, kiểm soát nguồn nước và theo dõi chất lượng nước vào lãnh thổ Việt Nam.
Nhà nước đầu tư vốn Ngân sách cho việc xây dựng các công trình thuỷ lợi đầu mối, địa phương huy động nhân dân đóng góp công lao động để xây dựng, tu bổ các hệ thống kênh mương.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn lựa chọn các công trình có tính cấp bách, gắn với phát triển giao thông, bố trí lại dân cư, định canh định cư và phát triển thuỷ điện nhỏ v.v... để ưu tiên đầu tư từ nay đến năm 2000, lập kế hoạch cụ thể để bố trí nguồn vốn hàng năm để triển khai ngay từ năm 1997.
2. Về cấp nước sinh hoạt:
Mục tiêu đến năm 2000 phải bảo đảm 60% số dân được dùng nước sạch và sau năm 2000 toàn bộ số dân có đủ nước sinh hoạt hợp vệ sinh bằng những giải pháp hồ chứa nước, giếng khoan, đào giếng mới, mạch lộ, bể chứa nước mưa, bể lọc chậm, các hệ thống tự chảy kể cả biện pháp di chuyển dân từ nơi không có nguồn nước đến ven trục đường giao thông có nguồn nước.
Việc đầu tư giải quyết nước sinh hoạt ở các tỉnh miền núi trước hết phải khai thác, tận dụng được các nguồn nước từ các công trình thuỷ lợi, thuỷ điện, ưu tiên các nguồn vốn ODA, tranh thủ sự tài trợ của các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ, tổ chức từ thiện và nguồn lực của nhân dân để thực hiện mục tiêu đề ra.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trì cùng với Bộ Kế hoạch và Đầu tư có quy hoạch và phương án cụ thể chỉ đạo thức hiện chương trình này.
3. Về điện:
Đến năm 2000 hoàn thành việc kéo lưới điện quốc gia đến các tỉnh lý, huyện lỵ, các trung tâm cụm xã để đạt được 60% số xã có điện. - Đối với số xã còn lại kết hợp với việc sắp xếp bố trí lại dân cư đến nơi có đường giao thông, có điện, phải nghiên cứu phát triển các dự án thuỷ điện nhỏ, cực nhỏ và nguồn năng lượng khác để đồng bào vùng dân tộc và miền núi được dùng điện trong sản xuất và sinh hoạt.
Việc xây dựng, cải tạo nguồn điện, lưới điện (cao, trung, hạ thế), để đưa điện về các cụm dân cư thì thực hiện theo cơ chế Nhà nước và nhân dân cùng làm. Bộ Công nghiệp, Tổng công ty điện lực Việt Nam phải có kế hoạch và dự án cụ thể theo hướng:
Đối với nguồn điện và lưới điện cao thế: Nhà nước cân đối từ nguồn vốn Ngân sách, vốn ODA, vốn vay tín dụng của Nhà nước.
Đối với lưới điện trung thế do Ngân sách trung ương, Ngân sách địa phương đầu tư là 30% - 40%, vốn tín dụng với lãi suất ưu đãi là 30%, số còn lại phát hành trái phiếu công trình và các nguồn khác.
Đối với lưới điện hạ thế khuyến khích, huy động mọi nguồn lực (vốn, công lao động) của nhân dân ở địa phương để xây dựng, đa dạng hoá các loại hình tổ chức trong việc xây dựng và quản lý lưới điện như: Ban quản lý điện, Hợp tác xã điện, Công ty điện tư nhân ... để đưa điện đến hộ gia đình và cụm dân cư.
Gắn việc hình thành các cụm dân cư với việc xây dựng, cải tạo lưới điện đến cụm dân cư. Đối với các khu vực đồng bào dân tộc sống quá xa, thưa dân kết hợp với việc di chuyển đến nơi có làng, bản hoặc ven đường giao thông có điện với việc tìm nguồn tài trợ nhân đạo cho phát triển nguồn điện tại chỗ (thuỷ điện nhỏ, cực nhỏ, điện gió, điện mặt trời...).
Điều 4. Quy hoạch và bố trí dân cư, định canh, định cư, xoá đói giảm nghèo.
1. Quy hoạch và bố trí dân cư phải dựa vào quy hoạch phát triển hệ thống giao thông và quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ 1996 - 2000 của địa phương, đối với vùng biên giới phải kết hợp phát triển kinh tế với an ninh quốc phòng để hình thành, bố trí các cụm dân cư, các thị trấn, thị tứ, các Trung tâm cụm xã, các vùng kinh tế hàng hoá cho phù hợp.
Đối với những nơi đã hình thành cụm dân cư, đã có đường giao thông, trường học, trạm xã thì tiếp tục hỗ trợ để ổn định lâu dài.
Ở
những nơi đồng bào còn đang sống rải rác, phân tán thì vận động đồng bào tự động di chuyển vào các làng, bản gần đường giao thông hoặc sẽ mở đường giao thông và vùng đã được quy hoạch có điều kiện phát triển sản xuất, nhất là dọc đường giao thông biên giới.Trong năm 1997, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với Uỷ ban Dân tộc và Miền núi và các Bộ, ngành có liên quan tổng kết việc xây dựng các trung tâm cụm xã thí điểm để nhân ra diện rộng, đến năm 2000 hoàn thành được 500 Trung tâm cụm xã, làm động lực phát triển kinh tế - xã hội ở tiểu vùng và làm cơ sở cho việc bố trí sắp xếp lại dân cư và định canh, định cư.
2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng các tỉnh miền núi phải xác định số hộ còn du canh, du cư trên địa bản từng tỉnh, tổng kết công tác định canh định cư và kinh tế mới thời gian qua, để có giải pháp cụ thể có hiệu quả theo hướng:
Quy hoạch lại đất đai gắn liền với quy hoạch và phát triển giao thông, nguồn nước nhất là những vùng còn nhiều đất đai, vùng biên giới để định canh định cư trên địa bàn lập dự án kinh tế mới lấy điều chỉnh nội bộ và tại chỗ là chính.
3. Bố trí lại dân cư trở lại vùng biên giới phải gắn với nhiệm vụ an ninh quốc phòng, rà phá bom mìn và xây dựng cụm kinh tế - xã hội, cửa khẩu, Trung tâm cụm xã, tạo điều kiện cho các xã biên giới sản xuất phát triển, ổn định đời sống nhân dân, bảo đảm an ninh, quốc phòng.
4. Đối với vùng quy hoạch xây dựng các công trình thuỷ điện Sơn La, ngay từ năm 1997 Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thống nhất với Bộ Giao thông Vận tải phải quy hoạch vùng di dân lòng hồ, bố trí dân cư vào nơi quy hoạch, trước hết là đường giao thông và bảo đảm các điều kiện sản xuất, dân sinh để ổn định nơi cư trú và sinh hoạt lâu dài cho đồng bào.
5. Phấn đấu đến năm 2000 không còn du canh, du cư, giảm số hộ nghèo xuống dưới 30% đến hết năm 1998 cơ bản không còn đói đứt bữa, đói giáp hạt.
Bộ lao động Thương binh và xã hội cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và các địa phương phải trên cơ sở điều tra phân loại các hộ nghèo, nguyên nhân nghèo đói, tạo điều kiện để các hộ tự vươn lên khắc phục khó khăn, sản xuất có hiệu quả, tăng thu nhập theo hướng:
Đối với những hộ đói nghèo vì thiếu đất sản xuất phải đi phá rừng làm rẫy trồng lương thực, Uỷ ban nhân dân các cấp cần có ngay biện pháp để giao đất, khoán rừng cho hộ để các hộ có đất để sản xuất theo hướng nông lâm kết hợp, đồng thời hỗ trợ lương thực trong thời gian một vài năm đầu để các hộ có điều kiện tự sản xuất và ổn định đời sống.
Đối với những hộ đói nghèo vì thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm sản xuất, Uỷ ban nhân dân các cấp cần tạo điều kiện giúp các hộ được vay vốn của Ngân hàng phục vụ người nghèo bằng các hình thức tổ chức vay vốn tự nguyên, tín chấp..., gắn việc vay vốn với hướng dẫn các biên pháp khuyến nông, khuyến lâm có hiệu quả.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phải dành đủ nguồn vốn ngắn hạn và trung hạn tiến tới tăng nguồn vốn dài hạn bảo đảm nhu cầu vay vốn của nhân dân cho phát triển sản xuất và phục vụ đời sống.
Đối với các hộ đói nghèo thuộc diện chính sách do không có sức lao động, Uỷ ban nhân dân các cấp cần có thống kế thật cụ thể đưa vào diện đối tượng trợ cấp xã hội hàng năm để có chính sách hỗ trợ lương thực cho các hộ này.
Điều 5. Phát triển sản xuất.
1. Lâm nghiệp:
Bảo vệ và phát triển vốn rừng, nâng cao độ che phủ toàn vùng từ 20% hiện nay lên 30% vào năm 2000 và 50% vào năm 2010. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng với Bộ ngành có liên quan và các địa phương triển khai một số giải pháp chính sau:
Nghiên cứu ngay phương án đóng cửa rừng trong một thời gian để bảo vệ và phát triển vốn rừng, theo hướng chỉ cho phép khai thác gỗ trụ mỏ, gỗ nguyên liệu cho công nghiệp giấy với số lượng được Chính phủ cho phép và theo đúng quy trình, quy phạm quy định, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định trong năm 1997.
Sớm hoàn thành việc giao đất, giao và khoán rừng cho hộ gia đình, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâu dài cho hộ, để hộ thực sự là người chủ của rừng, yên tâm tự bỏ vốn, công sức để chăm sóc bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh, trồng mới và không chặt, đốt phá rừng, tạo thành phong trào quần chúng mọi nhà, mọi người tham gia chăm sóc, bảo vệ và trồng thêm rừng mới.
Đối với rừng phòng hộ ngoài phần quy hoạch làm rừng đặc dụng, chuyển toàn bộ rừng tự nhiên hiện có làm rừng phòng hộ thì phải khoán đến hộ gia đình, đối với nơi thưa dân hoặc ít dân thì khoán cho cộng đồng bản, làng, xã hoặc tập thể cơ quan, trường học, đơn vị lực lượng vũ trang bảo vệ, khoanh nuôi, trồng mới theo quy hoạch và được trợ cấp kinh phí bảo vệ, trồng rừng mới một số năm, chủ rừng được khai thác cây kinh tế và sản phẩm khác của rừng theo quy định của Nhà nước, nhưng phải duy trì vốn rừng và bảo vệ chức năng phòng hộ của rừng.
Đối với rừng đặc dụng, các Ban quản lý chịu trách nhiệm quản lý và phát triển rừng theo quy định hiện hành của Nhà nước.
Đối với rừng trồng là rừng sản xuất thì giao đất trống, đồi núi trọc, rừng nghèo kiệt cho các hộ để chủ động bảo vệ, khoanh nuôi phục hồi và trồng mới, Nhà nước hỗ trợ giống để trồng rừng theo quy hoạch ở vùng cao (trên 800m), cho vay với lãi suất ưu đãi theo chu kỳ khai thác từng loại cây để trồng rừng ở vùng thấp.
Từ năm 1997 trở đi phát động cho được phong trào mỗi gia đình trồng thêm 1 đến 2 ha rừng trở lên (bao gồm rừng vườn, cây công nghiệp, cây ăn quả), để sớm đạt được mục tiêu đã đề ra.
Giao Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định và hướng dẫn cụ thể mức hỗ trợ và lãi suất cho vay ưu đãi cụ thể để các địa phương thực hiện các mục tiêu trên.
2. Nông nghiệp:
Tuỳ theo điều kiện cụ thể của từng địa phương để lựa chọn cơ cấu cây trồng vật nuôi phù hợp nhằm phát triền nền nông nghiệp hàng hoá có hiệu quả, ổn định lâu dài phù hợp với cơ chế thị trường.
Phát triển cây công nghiệp, cây ăn quả phù hợp với lợi thế đất đai, khí hậu ở các tiểu vùng như: cây chè, cây cà phê, đậu tương, mía, cây có sợi, thuốc lá, chuối, nhãn, vải, hồng, quýt, mận v.v...
Cùng với việc phát triển chăn nuôi gia đình về trâu bò, lợn, gia cầm cần phát triền chăn nuôi bò sữa tập trung ở Mộc Châu (Sơn La), nuôi bò thịt chất lượng cao, ngựa, hươu, nai, ong v.v....
Khuyến khích sản xuất lương thực ở nơi có điều kiện nhưng không được phá rừng và làm sói mòn đất.
Đối với diện tích lúa nước hiện có thì thâm canh, sử dụng các giống lúa lai có năng suất cao, giảm dần diện tích lúa nương trên đất dốc, chấm dứt tệ phá rừng làm lúa nương. Khuyến khích tập quán canh tác truyền thống của đồng bào dân tộc trồng lúa trên ruộng bậc thang với việc đầu tư thâm canh chống sói mòn và bảo vệ đất.
Mở rộng giống ngô lai có năng suất cao, khuyến khích trồng khoai tây vụ đông và vụ xuân ở những tiểu vùng có đất đai khí hậu thích hợp.
3. Để phát triển sản xuất nông lâm nghiệp theo hướng trên đây cần phải tiếp tục tăng cường hệ thống tổ chức khuyến nông, khuyến lâm từ tỉnh đến các bản làng, khuyến khích phát triển các tổ chức khuyến nông, khuyến lâm tự nguyện, khuyến nông của các tổ chức doanh nghiệp Nhà nước, đa dạng hoá các hình thức khuyến nông, khuyến lâm phù hợp với trình độ và tập quán của từng vùng, từng dân tộc.
Từ 1997 trở đi công tác khuyến nông, khuyến lâm phải được xác định là một trong những nhiệm vụ của chương trình công tác và chỉ đạo trọng tâm của các cấp uỷ Đảng, Chính quyền các cấp, của các tổ chức đoàn thể quần chúng của các hội nghề nghiệp và của các doanh nghiệp Nhà nước, giúp đồng bào biết cách sản xuất, tiếp thu tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ, góp phần tăng thu nhập, xoá đói giảm nghèo.
4. Phát triển sản xuất công nghiệp trước hết nhằm phục vụ phát triển kinh tế hàng hoá của vùng như: công cụ sản xuất nông lâm nghiệp. Hình thành các doanh nghiệp vừa và nhỏ kết hợp từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu, trước mắt là công nghiệp chế biến đường, chè, chế biến thức ăn chăn nuôi, chế biến rau quả, công nghiệp giấy v. v...
5. Phát triển thương mại, dịch vụ nhằm thúc đẩy phát triền kinh tế hàng hoá, đặc biệt là chợ, chợ phiên, trung tâm thương mại dịch vụ, khu thương mại tự do biên giới, du lịch dân tộc miền núi, nhằm giúp cho đồng bào không chỉ trao đổi mua bán hàng hoá mà còn là nơi giao lưu văn hoá, tình cảm của họ, góp phần thúc đẩy xây dựng nông thôn, bản làng văn minh, văn hoá.
Điều 6. Phát triển giáo dục, y tế, văn hoá.
1- Giáo dục: tập trung một số nội dung chủ yếu sau đây:
Tập trung đầu tư xây dựng các trường lớp theo hướng trường ra trường, lớp ra lớp, trước hết là trường tiểu học để đến năm 2.000 đạt 100% số xã có trường tiểu học. Khuyến khích việc mở rộng các lớp nội trú, bán trú đối với những nơi dân sống phân tán theo phương thức bán công "Nhà nước và nhân dân cùng làm". Đối với những nơi chưa có điều kiện xây dựng kiến cố thì tận dụng nguyên liệu tại chố như gỗ, tre, nữa, lá gồi để xây dựng nhưng phải khang trang, gọn đẹp ấm về mùa đông, mát về mùa hè và nhất thiết mỗi trường học phải có sân chơi, cây xanh tạo cảnh quan môi trường.
Mở rộng mô hình các trường dân tộc nội trú ở tỉnh, huyện để đào tạo cán bộ từ con em đồng bào dân tộc đáp ứng được yêu cầu phục vụ trước mắt và lâu dài ở địa phương. Đổi mới nội dung đào tạo gắn việc học văn hoá với dạy nghề cho phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội miền núi.
Bộ giáo dục và Đào tạo nghiên cứu mô hình trường đại học kết hợp với các trường trung cấp dạy nghề theo hướng đa ngành để đào tạo cán bộ có trình độ đáp ứng yêu cầu tại chỗ cho vùng.
2. Về y tế:
Tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật và nâng cao chất lượng phòng bệnh chữa bệnh của các cơ sở y tế huyện, Trung tâm cụm xã, cung cấp đủ muôi i ốt cho mọi người dân để giảm bệnh bướu cổ xuống dưới 20% khống chế sốt rét, thanh toán bệnh phong, thực hiện rộng rãi kế hoạch hoá gia đình.
3. Truyền thanh, truyền hình là lĩnh vực có thể thực hiện sớm nhất để thu hẹp khoảng cách miền núi và các vùng khác trong cả nước.
Ưu tiên chương trình phủ sóng truyền thanh, truyền hình, thực hiện trước ở vùng cao, vùng sâu, vùng biên giới, lựa chọn thiết bị phù hợp xây dựng các trạm phát hình, phát thanh có hiệu quả, phục vụ thiết thực cho đồng bào ở các tiểu vùng, trung tâm cụm xã, các tụ điểm dân cư.
Đài phát thanh, phát hình Trung ương và địa phương, cần tăng thời lượng phát bằng tiếng dân tộc về những vấn đề phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
4. Khuyến khích việc phục hồi các lễ hội truyền thống mang tính bản sắc dân tộc, các hình thức giao lưu văn hoá như chợ phiên, tết cổ truyền, hội hè ... nhưng phải chống các hủ tục lạc hậu và mê tín di đoan, các tệ nạn xã hội, nhất là việc chuyển hướng sản xuất thay thế cây thuốc phiện để bài trừ tệ nạn nghiện hút trong đồng bào, nhằm xây dựng bản, làng văn minh, văn hoá và mang tính bản sắc dân tộc.
Điều 7. Tổ chức thực hiện:
1. Các bộ, ngành căn cứ vào chức năng và quyền hạn của mình chủ trì cùng các tỉnh miền núi phía Bắc, tổ chức chỉ đạo thực hiện các chương trình, dự án thuộc phạm vi chỉ đạo của Bộ, ngành mình theo mục tiêu, nội dung và chương trình của Quyết định này.
Trên cơ sở các chương trình, dự án đã và sẽ được phê duyệt từ nay đến năm 2000, trước mắt cần có kế hoạch thật cụ thể hàng năm và bắt đầu từ năm 1997, tổ chức chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc thực hiện có kết quả chương trình, dự án đã đề ra.
2. Uỷ ban nhân dân các cấp ở các tỉnh miền núi phía Bắc phải xác định các nội dung trong Quyết định này là một nhiệm vụ chủ yếu của cấp uỷ Đảng và Chính quyền địa phương để lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện.
3. Thành lập Ban chỉ đạo Phát triển miền núi phía Bắc thời kỳ 1996 - 2000 do đồng chí Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn làm Trưởng Ban. Uỷ ban Dân tộc và miền núi, Bộ Giao thông Vận tải làm Phó Ban thường trực, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và một số Bộ ngành có liên quan tham gia.
Điều 8. Quyết định này có hiệu lực từ ngày ban hành; các quy định tại Quyết định 72/HĐBT ngày 23 tháng 3 năm 1990 và các văn bản có liên quan không trái với Quyết định này vẫn có hiệu lực thi hành.
Các tỉnh miền núi ở duyên hải miền Trung cũng được vận dụng thực hiện theo quy định của Quyết định này.
Điều 9. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh miền núi phía Bắc chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.