Định hướng dài hạn và kế hoạch 5 năm 1996-2000 về phát triển thuỷ lợi, giao thông, xây dựng nông thôn vùng đồng bằng sông Cửu Long nhằm ổn định đời sồng nhân dân, phát triển sản xuất toàn diện, xây dựng nông thôn vùng đồng bằng sông Cửu Long theo hướng công nghiệp hoá và hiện đại hoá, góp phần bảo đảm an toàn lương thực quốc gia, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Công tác thuỷ lợi vùng đồng bằng sông Cửu Long phải nhằm sử dụng và khai thác triệt để và hợp lý nhất nguồn nước sông Mê Kông là tài nguyên thiên nhiên to lớn và rất quý giá, đồng thời phải có biện pháp hạn chế tối đa tác hại do lũ lụt gây ra.
Từng bước hình thành hệ thống thuỷ lợi hoàn chỉnh bao gồm các công trình tưới, tiêu, thau chua, xổ phèn, ngăn mặn, và kiểm soát lũ đồng bộ từ công trình đầu mối, kênh trục các cấp đến hệ thống nội đồng để bảo đảm nước tưới cho diện tích canh tác khoảng 2,0 triệu ha, trong đó, mở rộng diện tích gieo trồng lúa do tăng vụ và khai hoang thêm khoảng 600.000-700.000 ha, bảo đảm cuộc sống ổn định cho 10 triệu dân trong vùng ngập lụt và cải thiện môi trường sinh thái.
1- Hoàn thành 3 chương trình trọng điểm Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên, Tây sông Hậu để gieo trồng 2 vụ - 3 vụ/năm.
2- Hoàn thành chương trình ngọt hoá bán đảo Cà Mau, Gò Công, Nam Măng Thít để khai hoang, tăng vụ và phát triển sản xuất ổn định.
3- Đối với cây trồng ngắn ngày vùng ngập lụt:
Để bảo đảm ăn chắc 2 vụ đông xuân và hè thu trong vùng ngập sâu, (có mức ngập trên 1m), tuỳ theo yêu cầu về thời gian thu hoạch vụ hè thu ở các vùng khác nhau cần áp dụng biện pháp thích nghi với lũ, phòng tránh lũ, chuyển dịch mùa vụ để bảo đảm thu hoạch vụ hè thu trước thượng tuần hoặc hạ tuần tháng 8 hàng năm.
- Từng bước tiến tới kiểm soát lũ cả năm ở vùng ngập nông (có mức ngập dưới 1m), ở những nơi có điều kiện có thể đắp bờ bao nhưng phải bảo đảm không cản trở việc thoát lũ và phải theo đúng quy định cụ thể trong quy hoạch.
4- Đối với cây trồng lâu năm vùng ngập lụt:
Có biện pháp chủ động kiểm soát lũ cả năm. Riêng vùng ngập sâu cần nghiên cứu giống cây trồng thích hợp để có thể chịu ngập ngắn ngày.
Phải thực hiện đúng Chỉ thị 815/TTg ngày 12 tháng 12 năm 1995 của Thủ tướng Chính phủ.
Riêng đối với vùng ngập lụt, phải bảo đảm an toàn và ổn định đời sống cho nhân dân ở nông thôn và các đô thị, các cơ sở sản xuất công nghiệp, dịch vụ và cơ sở hạ tầng với mức lũ năm 1961, đồng thời phải tạo điều kiện thuận lợi để từng bước phát triển theo hướng văn minh, hiện đại.
1- Đối với khu dân cư ở nông thôn: Hình thành các cụm dân cư hoặc các tuyến dân cư được bảo đảm an toàn không bị ngập lụt bằng cách đào ao, hồ lất đất tôn nền theo cụm, đào kênh lấy đất tồn nền dọc bờ kênh, đắp bờ bao khu dân cư hoặc làm nhà trên cọc, kết hợp với việc bố trí hợp lý các công trình phúc lợi công cộng.
2- Đối với các thị xã, thị trấn, thị tứ, khu trung tâm các cụm dân cư được bảo đảm an toàn không bị ngập lụt bằng cách đào ao, hồ để lấy đất tôn nền hoặc đắp bờ bao, tuỳ theo điều kiện cụ thể từng nơi. Việc đắp bờ bao các khu dân cư phải thực hiện theo quy định của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn để tránh làm dâng cao mực nước được kiểm soát.
Điều 2. Tiếp tục nghiên cứu các phương án thuỷ lợi cơ bản cho chiến lược phòng chống lũ lụt ở đồng bằng sông Cửu Long theo hướng:
1- Nghiên cứu các biện pháp thoát lũ tràn từ biên giới Cam-pu-chia theo hướng đưa qua sông Vàm Cỏ và Vịnh Thái Lan.
2- Theo dõi diễn biến môi trường sinh thái và trạng thái dòng chảy.
3- Nghiên cứu hệ thống công trình đồng bộ để từng bước tiến tới chủ động kiểm soát việc tưới, tiêu, phòng chống lũ.
Điều 3. Từ năm 1996 đến năm 2000. Mục tiêu phải đạt được của việc phát triển thuỷ lợi, giao thông và xây dựng nông thôn vùng đồng bằng sông Cửu Long là:
1- Quy hoạch và phát triển cơ sở hạ tầng, các dịch vụ kinh tế - xã hội ở đồng bằng sông Cửu Long bảo đảm cho dân cư trong vùng có cuộc sống ổn định và ngày càng được cải thiện, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại về người và của do lũ lụt gây ra.
2- Xây dựng các công trình thuỷ lợi cần thiết nhằm mở rộng thêm 500.000 ha gieo trồng lúa, đưa diện tích gieo trồng lúa đạt trên 3,5 triệu ha.
(Danh mục các công trình xem phụ lục kèm theo)
3- Khai thác tốt tiềm năng đất đai để phát triển sản xuất nông nghiệp, trước hết là tăng nhanh sản lượng lương thực bảo đảm đạt trên 15 - 16 triệu tấn/năm.
Điều 4. Việc phát triển thuỷ lợi, giao thông và xây dựng các khu dân cư ở đồng bằng sông Cửu Long do nhân dân và chính quyền các địa phương làm là chủ yếu, có sự hỗ trợ tích cực của Nhà nước.
1- Đối với thuỷ lợi:
Vốn ngân sách Nhà nước đầu tư cho việc xây dựng mới, nạo vét và tu bổ các kênh trục chính, kênh cấp I, xây dựng các công trình lớn, phức tạp và công trình chống sạt lở nguy hiểm. Trước hết tập trung đầu tư vào các công trình thuỷ lợi kết hợp giao thông tại địa bàn xây dựng các khu dân cư và các các công trình thuỷ lợi trọng điểm phục vụ yêu cầu khai hoang tăng vụ, phát triển sản xuất lúa.
Vốn ngân sách địa phương cần đầu tư cho việc xây dựng mới, mở rộng, nạo vét và tu bổ các kênh cấp II, các công trình trên kênh cấp II, các cống dưới bờ bao. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh phải dành 45% nguồn thu từ thuế sử dụng đất nông nghiệp để lại, để ưu tiên đầu tư cho các công trình thuỷ lợi và một phần nguồn thu từ xổ số kiến thiết để xây dựng trường học, bệnh xá.
Nhân dân đóng góp công sức để xây dựng bờ bao, hệ thống thuỷ lợi nội đồng và xây dựng đồng ruộng.
2- Đối với vùng khai hoang, kinh tế mới: thực hiện Quyết định số 773/TTg ngày 21 tháng 12 năm 1994 của Thủ tướng Chính phủ.
3- Đối với khu dân cư: Nhân dân góp công sức và tự bỏ vốn ra để tôn nền, làm bờ bao và các cơ sở phúc lợi công cộng tại chỗ. Ngoài việc huy động lao động nghĩa vụ theo quy định của pháp luật, Hội đồng nhân dân các cấp có thể huy động lao động và tiền vốn của nhân dân để thực hiện.
Nhà nước có chính sách cho vay vốn trung hạn và dài hạn theo chế độ ưu đãi đối với các hộ thuộc diện chính sách và các hộ nghèo để các hộ này tôn nền hoặc làm nhà trên cọc. Giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì cùng với các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Lao động - Thương binh và Xã hội, Ngân sách Nhà nước Việt Nam, Quỹ hỗ trợ đầu tư quốc gia xây dựng các tiêu chuẩn và chế độ cho vay cụ thể cho từng loại hộ. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh xét duyệt các đối tượng cụ thể để làm cơ sở cho vay.
Uỷ ban nhân dân các tỉnh lập quy hoạch sử dụng đất làm thuỷ lợi, giao thông và xây dựng các điểm dân cư trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh xử lý các vấn đề cụ thể phát sinh do lấy đất để xây dựng thuỷ lợi, giao thông và các khu dân cư, bảo đảm công bằng hợp lý; quy định cụ thể chế độ giao đất để làm nhà ở theo quy định của pháp luật.
4- Đối với giao thông:
Vốn ngân sách Nhà nước đầu tư cho việc nâng cấp, cải tạo và xây dựng mới các tuyến giao thông (thuỷ và bộ) trọng yếu, các công trình có yêu cầu kỹ thuật phức tạp. Việc phân định nguồn vốn giữa trung ương và địa phương để đầu tư cho chương trình này thực hiện theo chế độ phân cấp quản lý ngân sách hiện hành.
Các tỉnh có cơ chế, chính sách huy động sự đóng góp của nhân dân và các nguồn vốn khác để đầu tư phát triển hệ thống giao thông nông thôn ở địa phương.
Việc nâng cấp, cải tạo xây dựng mới các công trình thuộc hệ thống giao thông nông thôn (tỉnh, huyện, xã) nhất thiết phải tuân thủ quy hoạch chung mạng lưới giao thông khu vực về hướng tuyến, quy mô, yêu cầu thoát lũ và bảo vệ công trình.
Điều 5. Về thực hiện kế hoạch năm 1996:
Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính cân đối và huy động các nguồn vốn ngân sách, vốn hoàn trả của các dự án thuỷ lợi do ADB và WB tài trợ trong những năm vừa qua và các nguồn vốn ODA khác để thi công ngay những công trình thuỷ lợi cấp bách theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Trong điều kiện các nguồn vốn trên chưa đủ cân đối, giao cho Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước phát hành tín phiếu kho bạc.
Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng và các Bộ, ngành có liên quan triển khai thực hiện theo kế hoạch 1996 của ngành.
Uỷ ban nhân dân các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long căn cứ vào Điều 4 của Quyết định này bố trí kế hoạch để triển khai thực hiện ngay từ đầu năm 1996.
(Kèm theo bản tổng hợp xây dựng cơ bản thuỷ lợi năm 1996 vùng đồng bằng sông Cửu Long).
Điều 6. Các chương trình Quốc gia do các Bộ quản lý phải phối hợp đồng bộ với nội dung của quyết định này, bao gồm các chương trình: 327, 773; sắp xếp lao động và giải quyết việc làm; giáo dục; y tế; văn hoá; dân số và kế hoạch hoá gia đình; nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; phát triển công nghệ thông tin; phủ sóng phát thanh vùng núi, vùng cao, biên giới, hải đảo và vùng sâu; phủ sóng truyền hình, đưa truyền hình về vùng núi, vùng cao, biên giới và hải đảo; chăm sóc và bảo vệ trẻ em; hỗ trợ đồng bào dân tộc đặc biệt khó khăn...
Điều 7. Tổ chức thực hiện:
1- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì cùng các Bộ, ngành và địa phương có liên quan tiếp tục nghiên cứu bổ sung, hoàn chỉnh quy hoạch phòng chống lũ ở đồng bằng sông Cửu Long.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì việc tổ chức thực hiện Quyết định này. Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Tài chính, Lao động - Thương binh và Xã hội, Xây dựng, Giao thông vận tải, Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, mỗi Bộ cử một cơ quan đầu mối và có cán bộ chuyên trách để phối hợp.
2- Mỗi tỉnh thành lập một Ban chỉ đạo thực hiện quyết định này có sự tham gia của các ngành có liên quan, do một đồng chí Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh làm Trưởng ban, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm Uỷ viên thường trực.
3- Bộ Giao thông vận tải chủ trì phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Uỷ ban nhân dân các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long lập quy hoạch hệ thống giao thông (thuỷ và bộ) để trình Thủ tướng Chính phủ.
4- Bộ Xây dựng chủ trì phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Uỷ ban nhân dân các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long lập quy hoạch các vùng dân cư, thiết kế mẫu các loại khu dân cư và nhà ở cho nhân dân.
5- Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì phối hợp với Bộ Xây dựng và Uỷ ban nhân dân các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long quy hoạch các hệ thống trường học.
6- Bộ Y tế chủ trì phối hợp với Bộ Xây dựng và Uỷ ban nhân dân các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long quy hoạch và thiết kế các bệnh viện, bệnh xá, trạm xã cho các điểm dân cư.
7- Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường và Trung tâm khoa học tự nhiên và Công nghệ quốc gia tham gia quy hoạch phòng chống lũ và chỉ đạo các Viện Nghiên cứu khoa học nghiên cứu các vấn đề có liên quan về môi trường sinh thái, trạng thái dòng chảy.
Điều 8. Các Bộ trưởng, Thủ trửơng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
CÁC DỰ ÁN THUỶ LỢI PHỤC VỤ SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔNG ĐBSCL 5 NĂM 1996 - 2000
BẢNG THỐNG KÊ SƠ ĐỒ KHẢ NĂNG BỐ TRÍ DÂN CƯ VÙNG NGẬP LỤT SÂU ĐBSCL - KẾ HOẠCH 5 NĂM 1996 - 2000