QUYẾT ĐỊNH CỦA BỘ TRƯỞNG,
CHỦ NHIỆM UỶ BAN THỂ DỤC THỂ THAO
Ban hành "Quy định tiêu chuẩn cơ bản về đạo đức nghề nghiệp
của huấn luyện viên, trọng tài thể thao"
BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM UỶ BAN THỂ DỤC THỂ THAO
Căn cứ Pháp lệnh Thể dục, thể thao đã được Uỷ ban thường vụ Quốc hội khoá X thông qua ngày 25 tháng 09 năm 2000;
Căn cứ Nghị định số 22/2003/NĐ-CP ngày 11 tháng 03 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Uỷ ban thể dục thể thao;
Theo đề nghị của ông Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao I, II, TDTT quần chúng,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này "Quy định tiêu chuẩn cơ bản về đạo đức nghề nghiệp của huấn luyện viên, trọng tài thể thao".
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Điều 3. Vụ trưởng, thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Uỷ ban Thể dục thể thao; Giám đốc Sở Thể dục thể thao các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cơ quan quản lý thể dục thể thao các ngành, các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
QUY ĐỊNH
Tiêu chuẩn cơ bản về đạo đức nghề nghiệp
của huấn luyện viên, trọng tài thể thao
(ban hành kèm theo Quyết định số 02/2007/QĐ-UBTDTT ngày 04/05/2007
của Bộ trưởng, chủ nhiệm Uỷ ban Thể dục thể thao)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
Quy định này quy định tiêu chuẩn cơ bản về đạo đức nghề nghiệp áp dụng cho tất cả huấn luyện viên, trọng tài thể thao.
Điều 2. Tiêu chuẩn đạo đức chung của huấn luyện viên
1. Yêu nghề: Huấn luyện viên phải say mê nghề nghiệp, không ngừng học tập nâng cao trình độ chuyên môn, tích cực nghiên cứu và chủ động áp dụng các thành tựu khoa học trong công tác huấn luyện.
2. Tận tụy: Huấn luyện viên phải có lương tâm và trách nhiệm, rèn luyện phẩm chất đạo đức, sẵn sàng vượt mọi khó khăn gian khổ vì sự nghiệp đào tạo, huấn luyện vận động viên.
3. Độc lập: Khi làm nhiệm vụ huấn luyện, huấn luyện viên độc lập, tự chủ, không bị bất kỳ lợi ích vật chất hoặc tinh thần nào chi phối làm ảnh hưởng đến sự trung thực, tính độc lập nghề nghiệp.
4. Thận trọng: Huấn luyện viên phải thận trọng trong mọi quyết định để hạn chế tối đa những sai sót ảnh hưởng đến quá trình huấn luyện và sự phát triển thể lực, trí lực của vận động viên.
5. Bảo mật: Huấn luyện viên phải tuyệt đối tôn trọng và bảo vệ các thông tin quan trọng có ảnh hưởng đến công tác huấn luyện; giữ gìn bí mật quốc gia trong phạm vi chuyên môn của mình.
Điều 3. Tiêu chuẩn đạo đức chung của trọng tài thể thao
1. Khách quan: Trọng tài phải khách quan, vô tư, công bằng, không được thành kiến với huấn luyện viên, vận động viên, khán giả.
2. Trung thực: Trọng tài phải điều khiển trận đấu đúng luật; nghiêm khắc xử lý các hành vi phi thể thao; giáo dục vận động viên nghiêm chỉnh chấp hành tinh thần thể thao cao thượng.
3. Chính xác: Trọng tài cần phải chính xác, thận trọng trong việc xử lý các tình huống, các hành vi; không lạm dụng tiếng còi, các ký hiệu làm thay đổi liên tục các quyết định.
Chương II
TIÊU CHUẨN ĐẠO ĐỨC TRONG THỰC THI NHIỆM VỤ CỤ THỂ
Mục 1
TIÊU CHUẨN ĐẠO ĐỨC HUẤN LUYỆN VIÊN
Điều 4. Trong công tác tuyển chọn vận động viên
Huấn luyện viên phải khách quan và có chính kiến rõ ràng trong công tác tuyển chọn vận động viên và chỉ tuân theo các tiêu chuẩn chuyên môn nghề nghiệp và tiêu chuẩn tuyển chọn vận động viên đã được quy định.
Điều 5. Trong công tác đào tạo, giảng dạy
Huấn luyện viên phải xây dựng mối quan hệ tốt với vận động viên; hướng dẫn vận động viên tận tình, chu đáo, hết lòng để vận động viên phấn đấu hết mình đạt thành tích cao nhất, tránh được những rủi ro nghề nghiệp.
Điều 6. Trong công tác chỉ đạo thi đấu.
Huấn luyện viên phải tôn trọng, có cách ứng xử văn hoá với Ban tổ chức, trọng tài, huấn luyện viên và vận động viên đội bạn; không chỉ đạo vận động viên thực hiện hành vi bạo lực trong trận đấu; không được vì lợi ích cá nhân mà có những quyết định ảnh hưởng đến kết quả trận đấu.
Điều 7. Trong công tác giáo dục phẩm chất đạo đức cho vận động viên.
Huấn luyện viên phải luôn gắn việc đào tạo và huấn luyện chuyên môn với việc giáo dục văn hoá, các phẩm chất chính trị, đạo đức; coi giáo dục chính trị, đạo đức là việc làm thường xuyên và xuyên suốt trong quá trình huấn luyện vận động viên; xây dựng tập thể vận động viên đoàn kết, thân ái, giúp đỡ nhau.
Huấn luyện viên phải gương mẫu và có lòng nhân ái; hướng dẫn, giáo dục cho vận động viên lối sống, sinh hoạt, hướng tới chân, thiện, mỹ.
Mục II
TIÊU CHUẨN ĐẠO ĐỨC CỦA TRỌNG TÀI THỂ THAO
Điều 8. Trong công tác chuẩn bị trước trận đấu.
Trọng tài thể thao phải chuẩn bị tốt các điều kiện về chuyên môn, kỹ thuật, trang thiết bị dụng cụ phục vụ cho trận đấu và các điều kiện khách quan để bảo đảm an toàn, an ninh của giải đấu, trận đấu.
Điều 9. Trong thi đấu.
Trọng tài thể thao phải điều khiển trận đấu chính xác, chỉ tuân theo luật thi đấu từng môn thể thao và điều lệ giải đã được quy định; không thiên lệch để làm sai kết quả trận đấu; bình tĩnh, tự tin và cương quyết khi xử lý các tình huống, có cử chỉ, hành động thái độ đúng mực với vận động viên, huấn luyện viên và khán giả.
Điều 10. Kết thúc trận đấu.
Trọng tài phải thể hiện thái độ động viên, thân thiện với tất cả các vận động viên, cổ động viên và khán giả hâm mộ.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 11. Điều khoản thi hành
1. Vụ trưởng, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Uỷ ban Thể dục thể thao, Giám đốc Sở Thể dục thể thao các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cơ quan quản lý thể dục thể thao các ngành, các Liên đoàn, hiệp hội thể thao quốc gia và các tổ chức, cá nhân có liên quan có trách nhiệm tổ chức thực hiện Quy định này.
2. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị phản ánh về Uỷ ban Thể dục thể thao để nghiên cứu sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.