Văn bản pháp luật: Thông tư 03/2014/TT-BTC

Trần Văn Hiếu
Toàn quốc
Công báo số 119+120, năm 2014
Thông tư 03/2014/TT-BTC
Thông tư
15/02/2014
02/01/2014

Tóm tắt nội dung

Hướng dẫn về việc bàn giao đường giao thông, hệ thống điện, công trình thủy lợi, trường học của các đơn vị thành viên thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam về địa phương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam quản lý

Tài chính
Thứ trưởng
2.014
Bộ Tài chính

Toàn văn

THÔNG TƯ

Hướng dẫn về việc bàn giao đường giao thông, hệ thống điện, công trình thủy lợi,

trường học của các đơn vị thành viên thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su

Việt Nam về địa phương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam quản lý

___________________

 

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước số 01/2002/QH11 ngày 16/12/2002;

Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27/11/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức bộ máy Bộ Tài chính;

Thực hiện Quyết định số 1362/QĐ-TTg ngày 08/8/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc bàn giao đường giao thông, hệ thống điện, công trình thủy lợi, trường học của các đơn vị thành viên thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam về địa phương quản lý;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp.

Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn việc bàn giao đường giao thông, hệ thống điện, công trình thủy lợi, trường học của các đơn vị thành viên thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam về địa phương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam quản lý như sau:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn việc bàn giao tài sản là đường giao thông, hệ thống điện, công trình thủy lợi, trường học do các đơn vị thành viên thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đầu tư xây dựng để phục vụ chung trên địa bàn về Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (hoặc đơn vị được Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ủy quyền tiếp nhận) và Tập đoàn Điện lực Việt Nam quản lý, sử dụng theo Quyết định số 1362/QĐ-TTg ngày 08/8/2013 của Thủ tướng Chính phủ, cụ thể:

1. Đường giao thông bao gồm: Đường giao thông phục vụ chung cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam và dân cư trên địa bàn.

2. Công trình thủy lợi bao gồm: Đập nước, hồ nước, hệ thống kênh mương phục vụ chung cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam và dân cư trên địa bàn.

3. Hệ thống điện bao gồm: Đường điện trung thế, hạ thế và trạm biến áp phục vụ chung cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị thuộc Tập đoàn Cao su Việt Nam và dân cư trên địa bàn.

4. Trường học bao gồm: Trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông được các đơn vị thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam hỗ trợ về kinh phí hoạt động theo chế độ hiện hành.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Bên giao: Đại diện theo pháp luật của các nông lâm trường, công ty, xí nghiệp là các đơn vị thành viên thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đang quản lý tài sản thuộc diện bàn giao.

2. Bên nhận:

a) Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc đại diện theo pháp luật của đơn vị được Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ủy quyền để tiếp nhận tài sản đối với các chuyên ngành giao thông, thủy lợi, giáo dục;

b) Tập đoàn Điện lực Việt Nam hoặc đại diện theo pháp luật của đơn vị được Tập đoàn Điện lực Việt Nam ủy quyền để tiếp nhận tài sản đối với ngành điện.

3. Đơn vị chủ trì thực hiện bàn giao: Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam.

Điều 3. Nguyên tắc bàn giao

1. Bàn giao nguyên trạng về tài sản, giảm vốn chủ sở hữu của Bên giao tại thời điểm bàn giao đã được kiểm toán và được xử lý như sau:

a) Bên giao: Hạch toán giảm tài sản, giảm vốn chủ sở hữu kể từ ngày biên bản bàn giao được Bên giao, Bên nhận ký. Đối với tài sản được đầu tư bằng nguồn vốn nhà nước thì ghi giảm vốn chủ sở hữu. Đối với tài sản đầu tư bằng nguồn vốn vay, nguồn Quỹ phúc lợi (có hồ sơ tài liệu chứng minh) đến thời điểm bàn giao chưa trả hết nợ và đang được hạch toán theo dõi trên sổ sách kế toán thì Bên giao sử dụng nguồn lợi nhuận sau thuế để trả hết nợ vốn vay đầu tư chưa thanh toán và nguồn Quỹ phúc lợi trước khi thực hiện phân phối lợi nhuận theo quy định.

b) Bên nhận: Thực hiện việc tiếp nhận tài sản, vốn và hạch toán tăng tài sản, tăng vốn theo kết quả bàn giao thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước kể từ ngày Biên bản bàn giao được Bên giao, Bên nhận ký và có trách nhiệm thực hiện quản lý tài sản theo tính chất hoạt động của đơn vị (đơn vị sản xuất kinh doanh, đơn vị sự nghiệp có thu hoặc đơn vị hành chính sự nghiệp).

2. Trường hợp tài sản đã khấu hao hết nhưng còn giá trị sử dụng và đang được theo dõi trên sổ sách kế toán: Bên giao báo cáo Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam để Tập đoàn chủ trì phối hợp với Sở Tài chính địa phương và Bên giao, Bên nhận xác định lại giá trị tài sản theo quy định để thực hiện bàn giao.

3. Trường hợp đến thời điểm bàn giao, tài sản đầu tư đã hoàn thành và đưa vào sử dụng nhưng chưa được quyết toán vốn đầu tư thì Bên giao thực hiện bàn giao tài sản cho Bên nhận theo giá tạm tính. Bên giao có trách nhiệm quyết toán vốn đầu tư trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định hiện hành và thông báo cho Bên nhận để làm căn cứ điều chỉnh sổ sách.

4. Trường hợp đến thời điểm bàn giao, tài sản đầu tư chưa hoàn thành để đưa vào sử dụng thì Bên giao tiếp tục thực hiện đầu tư cho đến khi hoàn thành. Sau khi đầu tư hoàn thành, Bên giao khẩn trương thực hiện quyết toán vốn đầu tư trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt để thực hiện bàn giao tài sản. Bên giao, Bên nhận căn cứ vào quy định tại Điều 3 Thông tư này để tổ chức hạch toán các nghiệp liên quan về tài sản, vốn.

Điều 4. Hồ sơ bàn giao

- Quyết định đầu tư tài sản bàn giao;

- Thiết kế kỹ thuật tài sản bàn giao;

- Biên bản nghiệm thu công trình;

- Dự toán, quyết toán vốn đầu tư tài sản;

- Biên bản bàn giao tài sản do cơ quan chủ trì bàn giao tài sản lập theo phụ lục xác định các chỉ tiêu tài chính liên quan đến tài sản bàn giao (nguyên giá tài sản, giá trị đã khấu hao, giá trị còn lại, nguồn vốn đầu tư, nợ vay chưa trả) được Bên giao, Bên nhận và các cơ quan chứng kiến ký;

- Hồ sơ đất cho hành lang tuyến dây và mặt bằng trạm biến áp (đối với hệ thống điện).

Trường hợp khi bàn giao hệ thống điện, Bên giao chưa có hồ sơ đất cho hành lang tuyến dây và mặt bằng trạm biến áp thì vẫn thực hiện bàn giao. Bên giao chủ trì phối hợp với Bên nhận lập hồ sơ đất cho hành lang tuyến dây và mặt bằng trạm biến áp theo Nghị định số 106/2005/NĐ-CP ngày 17/08/2005 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật điện lực về bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp để trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (hoặc cơ quan thẩm quyền) phê duyệt.

Bên giao có trách nhiệm chuẩn bị đầy đủ các hồ sơ, tài liệu liên quan đến tài sản bàn giao, trường hợp nếu thiếu hồ sơ vẫn thực hiện bàn giao và ghi rõ cụ thể từng hồ sơ còn thiếu, nguyên nhân việc thiếu hồ sơ để Bên giao có trách nhiệm bổ sung và chịu trách nhiệm về việc thiếu hoặc không bổ sung đầy đủ hồ sơ tài liệu.

Điều 5. Trách nhiệm của Bên giao, Bên nhận và các cơ quan có liên quan

1. Bên giao:

a) Chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, tài liệu để bàn giao theo nội dung quy định nêu tại Điều 4 Thông tư này và hạch toán giảm tài sản, giảm vốn sau khi tài sản đã bàn giao.

b) Có công văn đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp nhận tài sản hoặc ủy quyền cho đơn vị chuyên ngành tiếp nhận tài sản đối với các ngành giao thông, thủy lợi, giáo dục.

c) Có công văn đề nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam tiếp nhận tài sản hoặc ủy quyền cho đơn vị tiếp nhận tài sản đối với ngành điện lực.

2. Bên nhận

a) Tiếp nhận tài sản, hồ sơ, tài liệu liên quan đến tài sản nhận bàn giao.

b) Hạch toán tăng tài sản, tăng vốn và có trách nhiệm quản lý, vận hành tài sản theo tính chất hoạt động của đơn vị (đơn vị sản xuất kinh doanh, đơn vị sự nghiệp có thu hoặc cơ quan hành chính nhà nước).

3. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các đơn vị được ủy quyền thuộc địa phương tiếp nhận, quản lý và vận hành tài sản theo đúng tính chất hoạt động của đơn vị (đơn vị sản xuất kinh doanh, đơn vị sự nghiệp có thu hoặc cơ quan hành chính nhà nước).

4. Tập đoàn Điện lực Việt Nam chỉ đạo các đơn vị được ủy quyền thuộc ngành điện thực hiện tiếp nhận, quản lý và vận hành tài sản theo đúng quy định.

5. Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam chỉ đạo các đơn vị thành viên thuộc Tập đoàn thực hiện bàn giao và chủ trì phối hợp với các đơn vị, cơ quan liên quan thực hiện bàn giao tài sản theo quy định tại Thông tư này. Kết thúc năm 2015, tổng hợp kết quả thực hiện bàn giao tài sản của các đơn vị thành viên, báo cáo Bộ Tài chính để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Điều 6. Thời hạn thực hiện bàn giao tài sản

Việc bàn giao tài sản là đường giao thông, hệ thống điện, công trình thủy lợi, trường học của các đơn vị thành viên thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam về cho Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam thực hiện trong năm 2014, 2015 và hoàn thành, kết thúc trước ngày 31 tháng 12 năm 2015.

Điều 7. Chi phí cho công tác giao nhận tài sản

Đối với chi phí liên quan đến công tác giao, nhận tài sản (chi phí đi lại, ăn nghỉ, công tác phí), cơ quan cử cán bộ tham gia công tác bàn giao có trách nhiệm thanh toán theo chế độ quy định.

Các chi phí chung liên quan đến công tác bàn giao (in ấn tài liệu, hội họp liên quan đến công tác bàn giao) thực hiện theo quy định. Bên giao có trách nhiệm chi trả và được hạch toán vào chi phí quản lý tài chính doanh nghiệp.

Điều 8. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 02 năm 2014.

2. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị các cơ quan, đơn vị phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để nghiên cứu bổ sung, sửa đổi./.


Nguồn: vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=33598&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận