THÔNG TƯ
Quy định việc kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể và lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể để đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
_______________________________________________________
Căn cứ Luật di sản văn hóa số 28/2001-QH 10, ngày 29 tháng 6 năm 2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật di sản văn hóa số 32/2009-QH 12, ngày 18 tháng 6 năm 2009;
Căn cứ Nghị định số 185/2007/NĐ-CP, ngày 25 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch;
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định việc kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể và lập hồ sơ khoa học di sản văn hoá phi vật thể để đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia như sau:
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Đối tượng, phạm vi điều chỉnh
1. Thông tư này quy định việc kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể và lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể để đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
2. Thông tư này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam; cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể và lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể để đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tại Việt Nam.
Điều 2. Giải thích từ ngữ
Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Nhận diện và xác định giá trị là hoạt động nghiên cứu nhằm xác định tên gọi, loại hình, chủ thể văn hóa, không gian văn hóa, sức sống, đặc điểm và giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học của di sản văn hóa phi vật thể;
2. Tư liệu hóa là hoạt động phỏng vấn, ghi chép, ghi âm, ghi hình (bao gồm hình ảnh tĩnh và hình ảnh động) và các hoạt động khác nhằm lập hồ sơ lưu giữ phục vụ việc nghiên cứu và bảo tồn lâu dài di sản văn hóa phi vật thể;
3. Chủ thể văn hóa là cộng đồng, nhóm người hoặc cá nhân sở hữu, thực hành và sáng tạo di sản văn hóa phi vật thể;
4. Không gian văn hóa liên quan là nơi di sản văn hóa phi vật thể được sáng tạo, thực hành và lưu truyền.
Điều 3. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân đối với việc kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể và lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể để đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
1. Trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh):
a) Chỉ đạo xây dựng kế hoạch kiểm kê, phê duyệt kế hoạch kiểm kê và bố trí kinh phí cho việc kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể theo quy định của Luật ngân sách;
b) Quyết định thành lập ban kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể. Thành viên ban kiểm kê gồm đại diện của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã; Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn; chủ thể văn hóa, tổ chức và cá nhân có liên quan, do lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm trưởng ban.
2. Trách nhiệm của Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch:
a) Lập kế hoạch kiểm kê ngắn hạn và dài hạn trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt và tổ chức thực hiện;
b) Giới thiệu, quảng bá mục đích, nhiệm vụ kiểm kê nhằm nâng cao nhận thức và thu hút sự tham gia của cộng đồng.
3. Cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế và cá nhân có trách nhiệm tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân có thẩm quyền và được giao nhiệm vụ tiến hành kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể và lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể để đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Chương II
NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Mục 1. KIỂM KÊ DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ
Điều 4. Đối tượng kiểm kê
1. Đối tượng kiểm kê là di sản văn hóa phi vật thể đang tồn tại, bao gồm các loại hình sau đây:
a) Tiếng nói, chữ viết của các dân tộc Việt Nam;
b) Ngữ văn dân gian, bao gồm sử thi, ca dao, dân ca, tục ngữ, hò, vè, câu đố, truyện cổ tích, truyện trạng, truyện cười, truyện ngụ ngôn, hát ru và các biểu đạt khác được chuyển tải bằng lời nói hoặc ghi chép bằng chữ viết;
c) Nghệ thuật trình diễn dân gian, bao gồm âm nhạc, múa, hát, sân khấu và các hình thức trình diễn dân gian khác;
d) Tập quán xã hội, bao gồm luật tục, hương ước, chuẩn mực đạo đức, nghi lễ và các phong tục khác;
đ) Lễ hội truyền thống;
e) Nghề thủ công truyền thống;
f) Tri thức dân gian, bao gồm tri thức về thiên nhiên, đời sống con người, lao động sản xuất, y, dược học cổ truyền, ẩm thực, trang phục và các tri thức dân gian khác.
2. Ưu tiên kiểm kê di sản văn hoá phi vật thể đang bị mai một cần bảo vệ khẩn cấp.
Điều 5. Nội dung kiểm kê
Việc kiểm kê cần thu thập thông tin có nội dung sau đây:
1. Tên gọi: Xác định tên thường gọi và tên gọi khác (nếu có);
2. Loại hình: Căn cứ vào khoản 1, Điều 4 Thông tư này để xác định loại hình di sản văn hóa phi vật thể. Trường hợp di sản văn hóa phi vật thể thuộc nhiều loại hình thì xác định đầy đủ các loại hình có liên quan;
3. Địa điểm: Xác định địa danh nơi di sản văn hóa phi vật thể đang tồn tại; di sản văn hóa phi vật thể tồn tại ở nhiều địa điểm trong tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thì ghi cụ thể đến cấp phường, xã, thị trấn;
4. Chủ thể văn hóa:
a) Trường hợp chủ thể văn hóa là một cá nhân: Xác định rõ họ và tên, tuổi, dân tộc, nghề nghiệp, địa chỉ và những thông tin liên quan đến quá trình thực hành di sản văn hóa phi vật thể;
b) Trường hợp chủ thể văn hóa là cộng đồng, nhóm người: Xác định tên thường gọi của cộng đồng, nhóm người và thông tin về những người đại diện cho cộng đồng, nhóm người đó. Thông tin về những người đại diện cần xác định như quy định tại điểm a khoản này.
5. Miêu tả:
a) Quá trình ra đời, tồn tại của di sản văn hóa phi vật thể;
b) Hình thức biểu hiện, quy trình thực hành, công trình kiến trúc, hiện vật và không gian văn hóa liên quan cùng với các sản phẩm vật chất, tinh thần được tạo ra trong quá trình thực hành di sản văn hóa phi vật thể;
6. Hiện trạng: Xác định khả năng duy trì, nguy cơ, nguyên nhân mai một của di sản văn hóa phi vật thể;
7. Đánh giá giá trị: Xác định giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học và vai trò của di sản văn hóa phi vật thể đối với đời sống cộng đồng hiện nay;
8. Đề xuất biện pháp bảo vệ;
9. Lập thư mục tài liệu có liên quan tới di sản văn hóa phi vật thể, bao gồm các xuất bản phẩm, tư liệu khảo sát điền dã và tài liệu khác.
Điều 6. Phương pháp kiểm kê
1. Khảo sát điền dã, phỏng vấn, ghi chép, ghi âm, chụp ảnh, quay phim để thu thập thông tin và tư liệu hóa di sản văn hóa phi vật thể.
2. Phân tích, đối chiếu, so sánh, đánh giá, tổng hợp các tư liệu về di sản văn hóa phi vật thể.
Điều 7. Quy trình tổ chức kiểm kê
1. Quy trình kiểm kê:
a) Nghiên cứu thu thập tư liệu, thông tin hiện có liên quan đến đối tượng kiểm kê;
b) Tập huấn cho những người tham gia kiểm kê;
c) Khảo sát điền dã, thu thập tư liệu, thông tin về đối tượng kiểm kê theo nội dung quy định tại Điều 5 Thông tư này;
d) Lập phiếu kiểm kê (Mẫu số 1 ban hành kèm theo Thông tư này);
đ) Lập danh mục kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể. Căn cứ quy định tại Điều 5 Thông tư này để điền nội dung danh mục kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể (Mẫu số 2 ban hành kèm theo Thông tư này);
e) Tổng hợp, đánh giá, báo cáo kết quả kiểm kê sơ bộ và thông báo với cộng đồng địa phương;
g) Lập hồ sơ kiểm kê.
2. Trong quá trình kiểm kê, khi phát hiện di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để kịp thời có biện pháp bảo vệ.
Điều 8. Hồ sơ kiểm kê
1. Hồ sơ kiểm kê bao gồm:
a) Báo cáo kết quả kiểm kê: Trình bày thông tin cơ bản về quá trình kiểm kê, số lượng, tên gọi, loại hình, giá trị, hiện trạng, biện pháp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể. Báo cáo kiểm kê phải có chữ ký của trưởng ban kiểm kê;
b) Phiếu kiểm kê;
c) Danh mục kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể;
d) Băng ghi âm, ghi hình, ảnh, sơ đồ, bản đồ, bản vẽ;
đ) Nhật ký khảo sát điền dã và các tài liệu khác có liên quan.
2. Hồ sơ kiểm kê được lưu giữ tại Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Điều 9. Báo cáo và công bố kết quả kiểm kê
1. Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh kết quả kiểm kê và công bố kết quả kiểm kê.
2. Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm báo cáo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch kết quả kiểm kê ở địa phương hằng năm. Thời hạn báo cáo chậm nhất là ngày 31 tháng 10.
Mục 2. LẬP VÀ THẨM ĐỊNH HỒ SƠ KHOA HỌC DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ ĐỂ ĐƯA VÀO DANH MỤC DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ QUỐC GIA
Điều 10. Tiêu chí lựa chọn di sản văn hóa phi vật thể để lập hồ sơ khoa học
Di sản văn hóa phi vật thể được lập hồ sơ khoa học để đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia phải có đủ các tiêu chí sau đây:
1. Có tính đại diện, thể hiện bản sắc của cộng đồng, địa phương;
2. Phản ánh sự đa dạng văn hóa và sự sáng tạo của con người, được kế tục qua nhiều thế hệ;
3. Có khả năng phục hồi và tồn tại lâu dài;
4. Được cộng đồng đồng thuận, tự nguyện đề cử và cam kết bảo vệ.
Điều 11. Trình tự, thủ tục lập và gửi hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể để đề nghị đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
1. Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để đề nghị Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
2. Hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể bao gồm:
a) Lý lịch di sản văn hóa phi vật thể (Mẫu số 3 ban hành kèm theo Thông tư này);
b) Ảnh: Ít nhất 10 ảnh màu, khổ 10cm x 15cm, chú thích đầy đủ, đảm bảo đủ cơ sở để nhận diện di sản văn hóa phi vật thể. Khuyến khích gửi kèm theo ảnh lưu trữ trên các phương tiện kỹ thuật số;
c) Bản ghi hình: Ghi trên băng hoặc đĩa, độ dài tối thiểu 10 phút, hình ảnh rõ nét, đảm bảo đủ cơ sở để nhận diện di sản văn hóa phi vật thể;
d) Bản ghi âm: Ghi trên băng hoặc đĩa, âm thanh rõ nét, đảm bảo đủ cơ sở để nhận diện di sản văn hóa phi vật thể;
đ) Bản đồ phân bố vị trí di sản văn hóa phi vật thể;
e) Tư liệu khảo sát điền dã có liên quan tới di sản văn hóa phi vật thể;
g) Bản cam kết bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể của cá nhân hoặc đại diện của nhóm, cộng đồng chủ thể văn hóa, người thực hành di sản văn hóa phi vật thể (Mẫu số 4 ban hành kèm theo Thông tư này);
h) Văn bản của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao quyền sử dụng các tư liệu kèm theo hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Mẫu số 5 ban hành kèm theo Thông tư này);
i) Bản danh mục các tài liệu trong hồ sơ.
3. Hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể được lưu giữ tại Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Cục Di sản văn hóa.
Điều 12. Thẩm định Hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể
1. Cục trưởng Cục Di sản văn hóa trình Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét, quyết định thành lập Hội đồng thẩm định hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể (sau đây gọi là Hội đồng thẩm định) để tư vấn giúp Bộ trưởng quyết định đưa di sản văn hóa phi vật thể vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
2. Thành phần Hội đồng thẩm định gồm các nhà quản lý và khoa học hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể có uy tín.
3. Cục trưởng Cục Di sản văn hóa căn cứ ý kiến thẩm định của Hội đồng thẩm định trình Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định việc đưa di sản văn hóa phi vật thể vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Chương III
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 13. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 8 năm 2010.
2. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan có trách nhiệm tổ chức tuyên truyền thường xuyên, rộng rãi và tổ chức hướng dẫn thực hiện đầy đủ các quy định của Thông tư này.
Điều 14. Tổ chức thực hiện
Trong quá trình thực hiện nếu có vấn đề phát sinh, vướng mắc, các tổ chức, cá nhân phản ánh về Cục Di sản văn hóa để đề nghị Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch kịp thời sửa đổi, bổ sung./.