Thông tưTHÔNG TƯ
Hướng dẫn thực hiện Nghị định số 36/CP ngày 24/4/1997 của Chính phủ đối với việc lập,
xét duyệt quy hoạch chi tiết, quản lý xây dựng theo quy hoạch và thẩm định thiết kết kỹ thuật công trình
thuộc các dự án đầu tư vào khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao
Căn cứ "Quy chế khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao" được ban hành kèm theo Nghị định số 36/CP ngày 24/4/1997 của Chính phủ;
Căn cứ "Điều lệ quản lý quy hoạch đô thị" được ban hành kèm theo Nghị định số 91/CP ngày 17/8/1994 của Chính phủ; "Điều lệ quản lý đầu tư và xây dựng" được ban hành kèm theo Nghị định số 42/CP ngày 16/7/1996 của Chính phủ; Nghị định số 12/CP ngày 18/2/1997 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam;
Căn cứ Nghị định số 15/CP ngày 04/3/1994 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ xây dựng; Bộ xây dựng hướng dẫn việc lập, xét duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng khu công nghiệp, khu chế xuất và khu công nghệ cao (gọi chung và viết tắt là KCN), quản lý xây dựng KCN theo quy hoạch và thẩm định thiết kế kỹ thuật công trình thuộc các dự án đầu tư vào KCN, như sau:
I. LẬP, XÉT DUYỆT QUY HOẠCH CHI TIẾT VÀ QUẢN LÝ
XÂY DỰNG KHU KCN THEO QUY HOẠCH
1. Lập và xét duyệt quy hoạch chi tiết KCN:
1.1. Quy hoạch chi tiết KCN được duyệt là một trong những cơ sở pháp lý để quản lý đầu tư và xây dựng KCN.
1.2. Quy hoạch chi tiết KCN phải phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển các KCN, quy hoạch chung xây dựng đô thị, hoặc các KCN được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và được lập trên nền bản đồ địa hình tỷ lệ 1/500-1/2.000 tuỳ thuộc vào quy mô KCN, trong đó phải phân chia và quy định cụ thể chức năng các khu đất dành để xây dựng các công trình công nghiệp khác nhau; trung tâm dịch vụ công cộng; khu cây xanh; dịch vụ kỹ thuật KCN; mạng lưới đường giao thông và các công trình kỹ thuật hạ tầng (cấp năng lượng, cấp thoát nước, xử lý chất thải, thông tin liên lạc); quy định việc giữ gìn, tôn tạo cảnh quan thiên nhiên, bảo đảm an toàn phòng cống cháy nổ, bảo vệ môi trường.
Những chỉ tiêu được sử dụng để lập quy hoạch chi tiết KCN phải tuân thủ Quy chuẩn Xây dựng Việt Nam, phù hợp với các tiêu chuẩn, quy phạm và pháp luật của Nhà nước. Trường hợp sử dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng nước ngoài thì phải được Bộ xây dựng chấp thuận.
1.3. Hồ sơ trình duyệt quy hoạch chi tiết KCN gồm:
a. Phần tài liệu viết:
Tờ trình;
Thuyết minh tổng hợp;
Thuyết minh tóm tắt;
Dự thảo Điều lệ quản lý xây dựng KCN theo quy hoạch (theo mẫu tại Phụ lục số 1);
b. Phần bản vẽ:
Sơ đồ vị trí đất KCN, tỷ lệ 1/5.000-1/10.000;
Bản đồ đánh giá hiện trạng và quỹ đất xây dựng, tỷ lệ 1/500-1/2.000;
Sơ đồ cơ cấu quy hoạch (tối thiểu có 2 phương án để so sánh lựa chọn), tỷ lệ 1/5.000;
Bản đồ quy hoạch sử dụng đất đai, tỷ lệ 1/500-1/2.000, trong đó xác định ranh giới từng khu đất và lô đất theo tính chất, chức năng sử dụng đối với đất xây dựng các loại xí nghiệp công nghiệp, công trình dịch vụ công cộng, đường giao thông, khu cây xanh, công trình đầu mối kỹ thuật hạ tầng...; các yêu cầu về quản lý sử dụng đất (tầng cao xây dựng, mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất,...), tổ chức không gian quy hoạch kiến trúc và cảnh quan;
Các bản đồ quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật KCN, tỷ lệ 1/500-1/2.000 (có kèm theo các bản vẽ thiết kế chi tiết) gồm: hệ thống giao thông chính trong và ngoài KCN; san nền, thoát nước mưa; cấp năng lượng, cấp nước; thoát nước bẩn; thu gom và xử lý chất thải; thông tin...;
Bản đồ tổng hợp đường dây, đường ống kỹ thuật, tỷ lệ 1/500-1/2.000;
Bản đồ cắm mốc chỉ giới đường đỏ và chỉ giới xây dựng các tuyến đường, tỷ lệ 1/500-1/2.000;
Sơ đồ phân đợt đầu tư và xây dựng, tỷ lệ 1/500-1/2.000;
Đối với KCN có diện tích lớn hơn 200 ha thì quy hoạch thi tiết được lập trên bản đồ địa hình tỷ lệ 1/2.000; đối với KCN có diện tích nhỏ hơn 200 ha, thì quy hoạch chi tiết được lập trên bản đồ tỷ lệ 1/500-1/1.000.
1.4. Tổ chức việc lập và xét duyệt quy hoạch chi tiết KCN:
Ban quản lý KCN cấp tỉnh nơi có KCN chịu trách nhiệm cung cấp yêu cầu, nội dung lập quy hoạch chi tiết KCN theo đề nghị của Công ty phát triển hạ tầng KCN.
Công ty phát triển hạ tầng KCN là chủ đầu tư dự án xây dựng và kinh hoanh kết cấu hạ tầng của KCN chịu trách nhiệm tổ chức việc lập quy hoạch chi tiết KCN trình Ban quản lý KCN và Uỷ ban Nhân dân cấp tỉnh nơi có KCN thông qua và trình Bộ xây dựng phê duyệt.
Quy hoạch chi tiết KCN phải do một tổ chức chuyên môn của Việt Nam được Nhà nước công nhận lập. Trường hợp tổ chức tư vấn nước ngoài lập quy hoạch chi tiết KCN, thì phải được Bộ xây dựng cho phép và tổ chức tư vấn nước ngoài đó phải liên doanh với tổ chức chuyên môn của Việt Nam.
Khi lập quy hoạch chi tiết KCN, tổ chức chuyên môn lập quy hoạch chi tiết phải làm việc với các cơ quan hữu quan để thoả thuận trước những vấn đề liên quan đến quy hoạch chi tiết KCN về giao thông (đường sắt, đường bộ, đường thuỷ); an ninh quốc phòng; nguồn cấp năng lượng, cấp nước; nước thải, vệ sinh môi trường; phòng chống cháy nổ; bảo tồn, tôn tạo các di tích, kiến trúc, danh lam thắng cảnh.
2. Quản lý xây dựng KCN theo quy hoạch chi tiết được duyệt:
2.1. Các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư, xây dựng và quản lý KCN (Ban quản lý KCN, doanh nghiệp KCN, doanh nghiệp dịch vụ KCN, tổ chức tư vấn xây dựng, các tổ chức, cá nhân thầu xây dựng và các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan) phải tuân thủ quy hoạch chi tiết KCN được duyệt.
2.2. Trường hợp quy hoạch chi tiết khu công nghiệp được duyệt, nếu cần điều chỉnh một trong những nội dung sau, thì phải được Bộ Xây dựng chấp thuận:
a. Vị trí, quy mô, tính chất, ranh giới của KCN;
b. Tính chất ranh giới của từng khu chức năng trong KCN, gồm khu các xí nghiệp công nghiệp; khu trung tâm dịch vụ công cộng và khu cây xanh sử dụng chung;
c. Những chỉ tiêu chính về quản lý sử dụng đất như: tầng cao xây dựng, mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất, tỷ lệ cây xanh công cộng, tổ chức không gian quy hoạch kiến trúc và cảnh quan...
d. Cao độ nền khống chế;
e. Mạng lưới các công trình kỹ thuật hạ tầng chủ yếu:
Các tuyến đường giao thông chính trong KCN, mặt cắt ngang đường chính, chỉ giới đường đỏ, chỉ giới xây dựng, khoảng lùi, cốt khống chế tuyến đường, hành lang và cao độ các công trình kỹ thuật ngầm, các nút giao cắt các loại đường;
Đặc trưng kỹ thuật của hệ thống cấp năng lượng, cấp thoát nước và công trình kỹ thuật đầu mối (đường kính, chiều dài, độ dốc, quy mô, công suất, cốt công trình v.v...); hướng thải nước mưa, nước bẩn; vị trí và diện tích các công trình kỹ thuật đầu mối (trạm xử lý nước bẩn, khu xử lý rác...);
Những quy định về các khu bảo vệ và khoảng cách ly an toàn giữa các xí nghiệp công nghiệp với công trình thuỷ lợi, đê điều; công trình giao thông, (đường sắt, thuỷ, bộ, sân bay); tuyến điện cao áp;
f. Những quy định về khoảng cách ly vệ sinh giữa các cụm xí nghiệp công nghiệp có tính chất khác nhau; giữa xí nghệp công nghiệp với khu dân cư, công trình cấp nước (nguồn, nhà máy), trạm bơm, trạm xử lý chất thải, bãi rác, nghĩa trang;
g. Những quy định về phòng chống cháy nổ;
h. Những quy định về bảo vệ di tích, danh lam thắng cảnh;
2.3. Ban quản lý KCN có quyền cho phép các chủ đầu tư điều chỉnh, bổ sung một số nội dung quy hoạch chi tiết KCN được duyệt, như sau;
Diện tích khu đất cho dự án đầu tư mà không làm thay đổi chức năng sử dụng khu đất;
Đường nội bộ trong các khu chức năng KCN;
Tuyến nhánh cấp năng lượng, cấp nước, thông tin;
Vị trí các cơ sở hạ tầng xã hội trong KCN như: công trình y tế, văn hoá, thương nghiệp, dịch vụ công cộng;
Vị trí các khu cây xanh, công viên, mặt nước.
2.4. Giới thiệu, thoả thuận địa điểm xây dựng và cấp chứng chỉ quy hoạch.
Căn cứ vào quy hoạch chi tiết KCN được duyệt, Ban quản lý KCN cấp tỉnh có trách nhiệm giới thiệu, thoả thuận địa điểm và cấp chứng chỉ quy hoạch theo yêu cầu của chủ đầu tư. Đơn xin thoả thuận địa điểm, cấp chứng chỉ quy hoạch và chứng chỉ quy hoạch được lập theo mẫu tại Phụ lục số 2 của Thông tư này.
II. THẨM ĐỊNH THIẾT KẾ KỸ THUẬT (TKKT) CÁC
CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG TRONG KCN
1. Đối với công trình xây dựng có vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài theo Nghị định số 12/CP ngày 18/2/1997 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
1.1. Cơ quan thẩm định:
Bộ Xây dựng thẩm định, chấp thuận TKKT công trình xây dựng thuộc dự án nhóm A;
Sở xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thẩm định TKKT các công trình xây dựng thuộc dự án nhóm B và trình UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xem xét, quyết định chấp thuận.
1.2. Nội dung hồ sơ TKKT trình thẩm định:
Chủ đầu tư nộp trực tiếp cho cơ quan thẩm định 03 bộ hồ sơ, mỗi bộ gồm:
Đơn trình thẩm định theo mẫu tại Phụ lục số 3 của Thông tư này; - Các văn bản xác định tư cách pháp lý của tổ chức thiết kế theo mục 3.1.1 của Thông tư 01/BXD-CSXD ngày 15/4/1997;
Tài liệu TKKT.
Thuyết minh tổng hợp thiết kế công trình xây dựng kèm theo các số liệu khảo sát về khí hậu, địa chất, môi trường, ... bản kê tiêu chuẩn nước ngoài dùng trong thiết kế đã được Bộ Xây dựng chấp thuận, bản kê chương trình phần mềm vi tính để thiết kế công trình;
Bản vẽ tổng mặt bằng công trình và bố trí dây truyền công nghệ;
Bản vẽ chính về kiến trúc của công trình: mặt bằng, mặt đứng, mặt cắt;
Bản vẽ kết cấu chính và nền móng công trình;
Bản vẽ bố trí mặt bằng, các mặt cắt dọc kèm theo các thông số chính của hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật KCN hoặc một phần KCN theo tiến độ đầu tư khai thác KCN (đối với dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng);
Bảo sao Giấy phép đầu tư, Quyết định cho thuê đất, các văn bản thoả thuận của cơ quan quản lý Nhà nước về phòng chống cháy nổ, bảo vệ môi trường;
Báo cáo thẩm tra TKKT của tổ chức tư vấn.
1.3. Nội dung thẩm định TKKT được thực hiện theo Điều 84 của Nghị định số 12/CP của Chính phủ, gồm:
Tư cách pháp lý của tổ chức thiết kế;
Sự tuân thủ tiêu chuẩn kỹ thuật thiết kế xây dựng của Việt Nam hoặc tiêu chuẩn kỹ thuật của nước ngoài được Bộ Xây dựng chấp thuận;
Sự phù hợp của TKKT về kiến trúc, quy hoạch với quy hoạch chi tiết KCN và báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án được duyệt;
Chủ đầu tư chịu trách nhiệm trước pháp luật Việt Nam về an toàn công trình xây dựng, phòng chống cháy nổ và bảo vệ môi trường;
Thời gian thẩm định là 20 ngày kể từ khi nhận đủ hồ sơ TKKT trình thẩm định. Báo cáo về việc thẩm định TKKT và Quyết định chấp thuận TKKT được lập theo mẫu tại Phụ lục số 3 của Thông tư này.
2. Đối với công trình xây dựng thuộc dự án đầu tư trong nước:
2.1. Cơ quan thẩm định:
Bộ Xây dựng thẩm định, chấp thuận TKKT công trình xây dựng thuộc dự án nhóm A;
Sở Xây dựng thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thẩm định TKKT công trình xây dựng thuộc dự án nhóm B và C và trình Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xem xét, quyết định chấp thuận;
2.2. Hồ sơ TKKT trình thẩm định:
a. Phần tài liệu viết:
Đơn trình thẩm định TKKT được lập theo mẫu tại Phụ lục số 3 của Thông tư này;
Tóm tắt dự án đầu tư, bản sao văn bản phê duyệt dự án, quyết định chủ thuê đất.
Các bản sao văn bản thoả thuận của cơ quan quản lý Nhà nước về phòng chống cháy nổ, bảo vệ môi trường;
Báo cáo thẩm tra TKKT của tổ chức tư vấn;
Danh mục các quy chuẩn xây dựng, tiêu chuẩn kỹ thuật xây dựng thiết kế mẫu được sử dụng, bản kê chương trình phần mền vi tính để thiết kế công trình;
Thuyết minh tổng hợp TKKT, gồm:
Về kiến trúc: giải pháp và các thông số chính về kiến trúc công trình;
Về kết cấu: giải pháp và các thông số về kết cấu chịu lực chính, nền móng, có bản tính kết cấu chính kèm theo;
Về hệ thống công trình kỹ thuật: các giải pháp và thông số chính về cấp năng lượng, cấp thoát nước, thông gió, chiếu sáng, âm thanh, thông tin, tín hiệu, báo cháy, chữa cháy, điều khiển tự động;
Tài liệu khảo sát về địa hình, địa chất công trình, địa chất thuỷ văn, thuỷ văn, khí tượng và động đất ở khu vực xây dựng;
b. Phần bản vẽ:
Bản vẽ tổng mặt bằng bố trí dây chuyền công nghệ;
Bản vẽ chính về kiến trúc công trình: mặt bằng, mặt đứng, mặt cắt;
Bản vẽ kết cấu chính và nền móng công trình;
Các bản chính về hệ thống kỹ thuật trong công trình: cấp năng lượng, cấp thoát nước, thông gió, chiếu sáng, thông tin;
Bản vẽ bố trí mặt bằng, các mặt cắt dọc kèm theo các thông số chính của hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật KCN hoặc một phần KCN theo tiến độ đầu tư khai thác KCN (đối với dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng);
2.3. Nội dung thẩm định TKKT:
Tư cách pháp lý của tổ chức thiết kế;
Sự phù hợp của TKKT với dự án đầu tư được duyệt;
Sự phù hợp của TKKT về mặt kiến trúc, quy hoạch với quy hoạch chi tiết KCN được duyệt.
Sự phù hợp của TKKT với quy chuẩn xây dựng, tiêu chuẩn xây dựng hiện hành của Việt Nam.
Đánh giá mức độ bền vững của công trình xây dựng, an toàn của hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, ổn định đối với các công trình lân cận;
2.4. Thời gian thẩm định:
Đối với công trình xây dựng thuộc dự án đầu tư nhóm A không quá 30 ngày, kể từ khi nhận đủ hồ sơ TKKT trình thẩm định.
Đối với công trình xây dựng thuộc dự án đầu tư nhóm B và C không quá 20 ngày, kể từ khi nhận đủ hồ sơ TKKT trình thẩm định;
Báo cáo thẩm định TKKT và Quyết định chấp thuận TKKT được lập theo mẫu tại Phụ lục số 3 của Thông tư này.
III. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký;
2. Những quy định khác về quản lý đầu tư và xây dựng liên quan đến KCN không quy định trong Thông tư này được thực hiện theo Pháp luật hiện hành;
3. Các bộ, cơ quan ngang Bộ và cơ quan thuộc Chính phủ, Ban quản lý các KCN Việt Nam, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; các Sở xây dựng, Văn phòng KTS trưởng thành phố, Ban quản lý KCN cấp tỉnh có trách nhiệm hướng dẫn và thi hành Thông tư này./.