Văn bản pháp luật: Thông tư 13/GDĐT

Trần Xuân Nhĩ
Toàn quốc
Công báo điện tử;
Thông tư 13/GDĐT
Thông tư
Hết hiệu lực toàn bộ
05/09/1997
04/08/1997

Tóm tắt nội dung

Hướng dẫn hoạt động thanh tra trong bậc học mần non

Thứ trưởng
1.997
Bộ Giáo dục và Đào tạo

Toàn văn

Thông tư

THÔNG TƯ

CỦA BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

Hướng dẫn hoạt động thanh tra trong bậc học mầm non

Để làm tốt công tác thanh tra giáo dục trong bậc học Mầm non, căn cứ quy chế tổ chức và hoạt động thanh tra giáo dục và đào tạo ban hành kèm theo Quyết định 478/QĐ ngày 11/3/1993 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, nay Bộ hướng dẫn cho thanh tra giáo dục các cấp tiến hành thanh tra các trường mầm non, các cơ sở giáo dục mầm non và thanh tra các giáo viên bậc học mầm non thuộc quyền quản lý nhà nước của ngành.

 

PHẦN I

THANH TRA TOÀN DIỆN MỘT TRƯỜNG MẦM NON

 

A. MỤC ĐÍCH

1. Đánh giá toàn diện nhà trường trên cơ sở đối chiếu mục tiêu, chương trình, kế hoạch chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục của trường mầm non và các chỉ thị hướng dẫn của Bộ.

2. Qua thanh tra giúp hiệu trưởng và tập thể sư phạm nhận rõ ưu, khuyết điểm của nhà trường, nêu ra các kiến nghị phù hợp để thực hiện tốt các yêu cầu của mục tiêu, chương trình, kế hoạch đào tạo của trường mầm non. Mặt khác đưa ra các kiến nghị với các cấp quản lý giáo dục và các ngành có liên quan nhằm điều chỉnh bổ sung chủ trương, biện pháp đã đưa ra hoặc đáp ứng yêu cầu cấp bách của cơ sở.

B. NỘI DUNG THANH TRA

 

I. KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC

1. Thực hiện chỉ tiêu kế hoạch số lượng trẻ được huy động ra lớp, tỉ lệ huy động so với độ tuổi, so với kế hoạch được giao.

2. Việc duy trì, ổn định và phát triển số lớp, số trẻ hàng ngày, hàng tháng (đối chiếu với năm trước).

3. Việc phân chia các nhóm, lớp theo đúng qui chế hiện hành.

4. Công tác tuyên truyền phổ biến kiếm thức nuôi dạy con cho các bậc cha mẹ.

Đánh giá kế hoạch phát triển giáo dục có căn cứ vào số lượng trẻ từ 0-5 tuổi hàng năm trên địa bàn do trường quản lý.

II. CHẤT LƯỢNG CHĂM SÓC, GIÁO DỤC TRẺ

1. Chăm sóc, nuôi dưỡng

1.1. Việc thực hiện chế độ sinh hoạt trong ngày ở trường mầm non.

1.2- Chăm sóc sức khoẻ cho trẻ:

Tỷ lệ trẻ được theo dõi bằng biểu đồ phát triển.

Tỷ lệ trẻ được tổ chức khám sức khoẻ, tổ chức tiêm chủng theo định kỳ.

Việc thực hiện các biện pháp phòng bệnh cho trẻ.

1.3. Kết quả tỷ lệ suy dinh dưỡng, tăng giảm so với đầu năm học hoặc năm học trước.

1.4. Việc tổ chức, nuôi dưỡng trẻ tại trường, lớp theo các chế độ quy định của nhà trẻ mẫu giáo.

1.5. Thực hiện giữ gìn, đảm bảo vệ sinh cá nhân, vệ sinh dinh dưỡng và vệ sinh môi trường, vệ sinh phòng bệnh...

1.6. Việc đảm bảo an toàn cho trẻ ở trường mầm non.

2. Về giáo dục:

2.1. Thực hiện các hoạt động học tập, vui chơi, thăm quan, ngày hội, ngày lễ... theo quy định của chương trình.

2.2. Các biện pháp chỉ đạo và thực hiện để nâng chất lượng giáo dục trẻ.

2.3. Kết quả đạt được ở trẻ về các mặt: thể lực, phát triển nhận thức, hành vị, nền nếp (thông qua các hoạt động của trẻ)...

III. ĐỘI NGŨ VÀ CƠ SỞ VẬT CHẤT

1. Đội ngũ:

1.1. Số lượng cán bộ, giáo viên nhân viên: đủ, thiếu. 1.2. Trình độ đào tạo: chính trị, văn hoá, nghiệp vụ.

1.3. Qua thanh tra đánh giá năng lực thực tế của đội ngũ giáo viên về giảng dạy, chăm sóc, giáo dục.

2. Cơ sở vật chất:

2.1. Quang cảnh trường: sân trường, tường rào, cây xanh.

2.2. Khu vực kho, bếp, nguồn nước, khu vệ sinh.

2.3. Trường lớp, bàn ghế, diện tích, ánh sáng.

2.4. Thiết bị trường lớp, đồ dùng, đồ chơi trong lớp, ngoài trời.

2.5. Kinh phí cho các hoạt động giáo dục của trường.

IV. CÔNG TÁC QUẢN LÝ CỦA HIỆU TRƯỞNG:

1. Xây dựng và tổ chức chỉ đạo thực hiện kế hoạch năm học, học kỳ và hàng tháng.

2. Phân công, sử dụng bồi dưỡng đội ngũ và quản lý công tác của giáo viên, nhân viên theo nhiệm vụ đã giao.

3. Công tác kiểm tra nội bộ nhà trường và thực hiện quy chế chuyên môn (chú ý việc dự giờ, kiểm tra việc chăm sóc nuôi dưỡng và giáo dục trẻ của giáo viên, công nhân viên).

4. Đảm bảo các điều kiện làm việc và quyền lợi chế độ của giáo viên, nhân viên.

5. Công tác tham mưu, thực hiện xã hội hoá giáo dục, việc phối hợp với các đoàn thể trong và ngoài nhà trường.

6. Chỉ đạo phong trào thi đua, công tác tuyên truyền, xây dựng chỉ đạo điểm....

7. Chỉ đạo công tác hành chính quản trị:

Chế độ công tác, sinh hoạt của ban giám hiệu, tổ chuyên môn, đoàn thể.

Ghi chép, sử dụng, bảo quản hồ sơ, sổ sách.

Thực hiện nguyên tắc, chế độ quản lý tài chính, kế toán, tài sản.

Quản lý, sử dụng, bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị.

8. Quan hệ công tác, lề lối làm việc, đổi mới công tác quản lý của hiệu trưởng và việc thực hiện công khai, dân chủ hoá.

9. Thực hiện chế độ thông tin báo cáo.

C. QUÁ TRÌNH TIẾN HÀNH THANH TRA

 

I. CHUẨN BỊ

1. Tập hợp những thông tin về nhà trường để dự kiến những nội dung cần thanh tra và những vấn đề cần đi sâu hơn.

2. Lập kế hoạch thanh tra: yêu cầu, nội dung, thành phần đoàn, thời gian, phương pháp thanh tra.

3. Thông báo với trường và địa phương (trừ thanh tra đột xuất)

4. Quyết định thành lập đoàn, họp đoàn và phân công.

5. Chuẩn bị các biểu mẫu thống kê, phiếu dự giờ, biên bản....

6. Dự trù kinh phí thanh tra....

 II. TIẾN HÀNH THANH TRA (TRONG THỜI GIAN 2 NGÀY)

1. Nghe hiệu trưởng báo cáo theo nội dung thanh tra (từ 1-2 giờ).

2. Dự giờ của giáo viên: mỗi thành viên dự 2 tiết hoạt động học tập và 1 hoạt động vệ sinh hoặc hoạt động vui chơi... (chú ý cả 3 đối tượng tốt, trung bình, yếu).

3. Kiểm tra chất lượng trẻ: theo yêu cầu chuẩn của độ tuổi.

Trao đổi, chuyện trò với trẻ... để nhận xét về nhận thức, nền nếp, hành vi, thói quen của trẻ.

4. Kiểm tra cơ sở vật chất, trang thiết bị.

5. Kiểm tra hồ sơ sổ sách của giáo viên của trường.

6. Trao đổi với cán bộ giáo viên, với cấp uỷ, chính quyền địa phương, các đoàn thể và phụ huynh học sinh về tình hình nhà trường.

III. KẾT THÚC THANH TRA (HỘI Ý ĐOÀN VÀ TỔNG KẾT TỪ 2-3 GIỜ)

1. Hội ý đoàn để thống nhất nhận định, đánh giá, xếp loại và kiến nghị.

2. Trưởng đoàn thông báo kết luận của đoàn thanh tra và góp ý kiến cần thiết với lãnh đạo nhà trường, sau đó công bố kết quả thanh tra trước hội đồng giáo dục.

3. Biên bản có chữ ký của trường đoàn, hiệu trưởng ghi ý kiến tiếp thu và ý kiến không nhất trí (nếu có) và ký tên.

IV. SAU KHI THANH TRA

1. Viết văn bản thông báo kết quả thanh tra gửi các cấp quản lý, các trường có liên quan.

2. Theo dõi việc thực hiện kiến nghị của đoàn thanh tra.

D. ĐÁNH GIÁ XẾP LOẠI

 I. NGUYÊN TẮC:

Đánh giá nhà trường trên cơ sở đối chiếu với yêu cầu của các quy định, có tính đến điều kiện thực tế, vừa căn cứ các hoạt động của tập thể sư phạm vừa đánh giá kết quả thực tế đã đạt được.

Đánh giá nhà trường toàn diện nhưng lấy việc thực hiện nhiệm vụ về chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ làm trọng tâm. Trên cơ sở xếp loại từng nhiệm vụ để xếp loại chung, không cộng chia trung bình.

Khi đánh giá nhà trường cần dựa vào kết quả thanh tra, cần có sự tham khảo ý kiến của cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương, các đoàn thể và ý kiến của giáo viên, cha mẹ các cháu. Song, ý kiến của đoàn thanh tra là quyết định.

Xếp loại từng nhiệm vụ và xếp loại nhà trường theo 4 mức: tốt, khá, đạt yêu cầu và chưa đạt yêu cầu.

 II. XẾP LOẠI TỪNG NHIỆM VỤ

1. Thực hiện kế hoạch phát triển số lượng

1.1. Loại tốt:

a. Đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch được giao.

b. Tỷ lệ trẻ ra lớp so với độ tuổi nhà trẻ, mẫu giáo đạt tỷ lệ cao ở trong tỉnh (do Sở Giáo dục - Đào tạo quy định cụ thể).

c. Phân chia nhóm, lớp theo đúng quy định.

d. Quản lý tốt số lượng trẻ hàng ngày, đảm bảo trẻ đi học đều đặn: từ 80% trở lên (riêng miền núi từ 70% trở lên).

đ. Làm tốt công tác tuyên truyền hướng dẫn các bậc cha mẹ.

1.2. Loại khá:

a. Đạt chỉ tiêu kế hoạch được giao. Giữ vững và phát triển số lượng.

b. Tỷ lệ trẻ ra lớp so với độ tuổi đạt vào loại tương đối cao so với trong tỉnh (do Sở Giáo dục - Đào tạo quy định).

c. Phân chia nhóm, lớp hợp lý, theo đúng quy định.

d. Tỷ lệ trẻ đến lớp chuyên cần 70-79% (miền núi từ 60% trở lên).

đ. Làm tốt công tác tuyên truyền hướng dẫn các bậc cha mẹ.

1.3. Loại đạt yêu cầu:

a. Thực hiện kế hoạch giao đạt từ 90% trở lên, duy trì, giữ vững số nhóm lớp so với năm học trước.

b. Tỷ lệ trẻ ra lớp so với độ tuổi đạt ở mức trung bình trong tỉnh.

c. Có sự phân chia các nhóm, lớp hợp lý.

d. Tỷ lệ trẻ đến lớp chuyên cần từ 60-69%, miền núi 50% trở lên.

e. Có làm công tác tuyên truyền hướng dẫn các bậc cha mẹ.

1.4. Loại chưa đạt yêu cầu:

a. Chỉ tiêu, kế hoạch giao đạt dưới 80%, không duy trì được số lượng so với năm trước.

b. Tỷ lệ trẻ ra lớp so với độ tuổi quá thấp.

c. Công tác tuyên truyền yếu.

2. Thực hiện nhiệm vụ về chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ:

2.1. Loại tốt:

a. Về chăm sóc, nuôi dưỡng:

Thực hiện nghiêm túc chế độ sinh hoạt trong ngày ở trường mầm non.

100% số trẻ ra lớp được theo dõi biểu đồ phát triển và tiêm chủng, miền núi đạt 90% trở lên. Trường có biện pháp can thiệp kịp thời đối với trẻ suy dinh dưỡng.

Tỷ lệ suy dinh dưỡng giảm so với đầu năm học.

Đảm bảo chất lượng nuôi dưỡng tốt. Số trẻ được ăn tại trường đạt tỷ lệ cao so với các trường trong tỉnh.

Thực hiện tốt việc chăm sóc vệ sinh và an toàn cho trẻ.

b. Về giáo dục:

Thực hiện đầy đủ, có chất lượng chương trình chăm sóc giáo dục trẻ theo quy định.

Trường có nhiều biện pháp tích cực, sáng tạo để nâng cao chất lượng.

Kết quả 80% trẻ đạt yêu cầu chuẩn của độ tuổi, miền núi đạt 70% trở lên.

2.2. Loại khá:

a. Về chăm sóc, nuôi dưỡng:

Thực hiện đầy đủ chế độ sinh hoạt trong ngày ở trường mầm non.

90% số trẻ được theo dõi biểu đồ phát triển và tiêm chủng, miền núi đạt 80%.

Có biện pháp can thiệp đối với trẻ suy dinh dưỡng. Tỷ lệ suy dinh dưỡng giảm so với đầu năm học.

Có tổ chức ăn tại nhóm, lớp, đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng.

Thực hiện tốt chăm sóc vệ sinh và đảm bảo an toàn cho trẻ.

b. Về giáo dục:

Thực hiện đầy đủ chương trình chăm sóc, giáo dục trẻ theo quy định.

Kết quả giáo dục từ 70% trở lên số trẻ đạt yêu cầu chuẩn của độ tuổi, miền núi đạt 60% trở lên.

2.3. Loại đạt yêu cầu:

a. Về chăm sóc, nuôi dưỡng:

80% số trẻ được theo dõi biểu đồ sức khoẻ và tiêm chủng, miền núi 70%.

Có tổ chức cho trẻ ăn tại nhóm, lớp.

Có biện pháp chống suy dinh dưỡng.

Đảm bảo vệ sinh và an toàn cho trẻ.

b. Về giáo dục:

80% số lớp mẫu giáo và 30% số nhóm trẻ được dạy theo chương trình quy định, (miền núi 70% số lớp mẫu giáo và 20% số nhóm trẻ).

Kết quả giáo dục từ 60% trở lên số trẻ đạt yêu cầu chuẩn của độ tuổi. Miền núi đạt 50% trở lên.

2.4. Loại chưa đạt yêu cầu:

Không tổ chức ăn cho trẻ.

Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng cao, không giảm.

Vệ sinh kém.

Không thực hiện đầy đủ chương trình quy định.

Kết quả chất lượng thấp so với yêu cầu.

3. Nội dung 3:

Sở Giáo dục - Đào tạo quy định cụ thể các yêu cầu đối với từng loại cho phù hợp với thực tế của địa phương.

4. Công tác quản lý của Hiệu trưởng:

4.1. Loại tốt:

Thực hiện tốt các khâu: kế hoạch hoá, phân công, sử dụng, bồi dưỡng và quản lý công tác giáo viên, nhân viên, công tác kiểm tra, chăm lo đời sống giáo viên, tài chính, công tác tham mưu, các khâu khác làm đầy đủ.

Chất lượng chăm sóc và giáo dục trẻ đạt loại tốt.

4.2. Loại khá:

Thực hiện đầy đủ các khâu: kế hoạch hoá, phân công, sử dụng, bồi dưỡng và quản lý cán bộ, giáo viên, nhân viên, tài chính, công tác kiểm tra, công tác tham mưu, các khâu khác làm đầy đủ.

Chất lượng chăm sóc và giáo dục trẻ đạt loại khá.

4.3. Loại đạt yêu cầu:

Thực hiện tương đối đủ các khâu: kế hoạch hoá, phân công, sử dụng, bồi dưỡng và quản lý cán bộ, giáo viên, nhân viên, tài chính, công tác kiểm tra, các khâu khác không có sai sót lớn.

Chất lượng chăm sóc và giáo dục trẻ được xếp loại đạt yêu cầu.

4.4. Loại chưa đạt yêu cầu:

Thực hiện các khâu đều yếu.

Chất lượng chăm sóc và giáo dục trẻ chưa đạt yêu cầu.

5. Xếp loại nhà trường

Loại tốt:

Chất lượng chăm sóc và giáo dục trẻ phải đạt loại tốt, 3 nội dung còn lại có 2 đạt khá và 1 đạt yêu cầu (Hiệu trưởng phải đạt loại khá).

Loại khá:

Chất lượng chăm sóc và giáo dục trẻ đạt loại khá, 3 nội dung còn lại đạt yêu cầu trở lên (Hiệu trưởng phải đạt yêu cầu trở lên).

Loại đạt yêu cầu:

Chất lượng chăm sóc và giáo dục trẻ phải đạt yêu cầu, 3 nội dung còn lại có thể chưa đạt yêu cầu.

Loại chưa đạt yêu cầu:

Chất lượng chăm sóc và giáo dục trẻ chưa đạt yêu cầu.

Lưu ý: Xếp loại nhà trường, xếp loại Hiệu trưởng không nhất thiết trùng nhau.

PHẦN II. THANH TRA MỘT GIÁO VIÊN MẦM NON

A. MỤC ĐÍCH YÊU CẦU

1. Đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ chăm sóc giáo dục trẻ của giáo viên mầm non nhằm xây dựng kỷ cương nền nếp chuyên môn, giúp đỡ giáo viên nâng cao tay nghề, khuyến khích sự cố gắng của giáo viên, tạo cơ sở để sử dụng, bồi dưỡng, đãi ngộ giáo viên một cách hợp lý.

2. Yêu cầu của việc thanh tra là căn cứ vào các nội dung thanh tra được quy định dưới đây, xem xét đánh giá chính xác khách quan hoạt động của giáo viên, có tính đến những điều kiện, hoàn cảnh cụ thể.

B. NỘI DỤNG THANH TRA

1. Trình độ nghiệp vụ (tay nghề)

1.1. Mức độ nắm vững chương trình, nội dung, kiến thức, kỹ năng của giáo viên về các hoạt động chăm sóc giáo dục trẻ.

1.2. Khả năng vận dụng các phương pháp để tổ chức các hoạt động chăm sóc giáo dục trẻ (đánh giá qua việc tổ chức hoạt động học tập và các hoạt động chăm sóc nuôi dưỡng mà thanh tra viên dự).

2. Thực hiện quy chế chuyên môn.

2.1. Thực hiện chương trình chăm sóc, giáo dục trẻ: Làm đúng theo các quy định về nuôi dưỡng, chăm sóc sức khoẻ, bảo đảm vệ sinh, an toàn cho trẻ; tổ chức đầy đủ hoạt động học tập và các hoạt động khác của nhóm, lớp theo kế hoạch đã được nhà trường phân công.

2.2. Thực hiện các yêu cầu về soạn bài, chuẩn bị bài theo quy định.

2.3. Tham gia các hoạt động ở tổ chuyên môn, ở trường, thực hiện các văn bản hướng dẫn chuyên môn của các cấp quản lý giáo dục.

2.4. Thực hiện các quy định về hồ sơ sổ sách, tài liệu của giáo viên.

2.5. Sử dụng đồ dùng dạy học, đồ chơi, sưu tầm và tự làm đồ dùng, đồ chơi. Bảo quản trang thiết bị, tài sản của nhóm lớp.

2.6. Rèn luyện nâng cao trình độ về chính trị, văn hoá, chuyên môn (bồi dưỡng hè, chuyên đề, học tập trung, tại chức...)

3. Công tác phụ huynh và các công tác khác.

3.1. Gần gũi, phối hợp chặt chẽ với cha mẹ của trẻ để thống nhất việc chăm sóc giáo dục và tuyên truyền những kiến thức khoa học về nuôi dạy trẻ.

3.2. Tham gia đầy đủ các công tác khác được nhà trường giao.

4. Kết quả chăm sóc giáo dục.

4.1. Bảo đảm sĩ số của nhóm lớp.

4.2. Kết quả về sự phát triển của trẻ ở nhóm lớp giáo viên phụ trách:

Tỷ lệ trẻ đạt yêu cầu chuẩn theo Quyết định số 55/QĐ ngày 3/2/1990 của Bộ Giáo dục về các mặt: sức khoẻ, phát triển trí tuệ, thẩm mỹ, vệ sinh, nền nếp, thói quen.

C. QUÁ TRÌNH THỰC HIỆN THANH TRA.

1. Chuẩn bị:

Trên cơ sở nắm chắc các quy định, mục tiêu, kế hoạch đào tạo, nội dung chương trình, người thanh tra cần phải:

Nắm kế hoạch tổ chức các hoạt động cho trẻ của giáo viên để lập kế hoạch thanh tra.

Chuẩn bị các nội dung, hình thức để kiểm tra kết quả trên.

Thanh tra viên yêu cầu Ban giám hiệu hoặc Tổ trưởng chuyên môn cùng tham gia quá trình thanh tra.

II. TIẾN HÀNH THANH TRA.

1. Kiểm tra công việc của giáo viên:

a. Dự các hoạt động học tập và hoạt động khác của nhóm, lớp để đánh giá. Phải dự ít nhất là một hoạt động học tập (bao gồm tiết dạy ở mẫu giáo hoặc giáo dục trẻ ở các độ tuổi khác nhau) và một hoạt động tổ chức vui chơi hoặc hoạt động lao động, chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ v. v... Thanh tra viên ghi phiếu nhận xét tiết dạy hoặc hoạt động. Việc nhận xét đánh giá các hoạt động có thể chỉ tiến hành một lần vào cuối đợt thanh tra.

b. Kiểm tra các hồ sơ đã có để đánh giá nền nếp hoạt động thường xuyên của giáo viên: kế hoạch giảng dạy, sổ soạn bài, sổ dự giờ, kiến tập, thực tập, sổ điểm danh, sổ theo dõi sức khoẻ, bảng theo dõi biểu đồ phát triển của trẻ v.v... qua đó đánh giá việc thực hiện các chế độ bảo vệ chăm sóc trẻ, giáo dục trẻ.

c. Quan sát và đánh giá việc bố trí, sử dụng hợp lý các đồ dùng, đồ chơi và các thiết bị vệ sinh môi trường.

d. Đánh giá khả năng tự làm đồ dùng đồ chơi, viết sáng kiến kinh nghiệm, bồi dưỡng văn hoá nghiệp vụ theo yêu cầu của các cấp quản lý giáo dục.

e. Xem xét hồ sơ lưu trữ về các lần kiểm tra của trường đối với giáo viên để tham khảo.

2. Kiểm tra kết quả chăm sóc giáo dục:

a. Quan sát các hoạt động: vệ sinh, hoạt động vui chơi, các tiết học v.v... để có căn cứ đánh giá sự phát triển về thể lực, đạo đức, trí tuệ, thẩm mỹ, nền nếp, thói quen và kỹ năng cần đạt ở trẻ.

b. Tiếp xúc với trẻ, nêu các câu hỏi để trẻ trả lời, yêu cầu trẻ làm các thao tác... để đánh giá kết quả phát triển của trẻ.

c. Xem xét các sản phẩm của trẻ ở lớp: vẽ, nặn, thủ công, vở tập tô.

III. KẾT THÚC THANH TRA

1. Thanh tra viên trao đổi với lãnh đạo nhà trường về nhận xét đánh giá giáo viên, coi trọng ý kiến nhận xét của trường về việc chấp hành nội quy, quy chế chuyên môn, về năng lực phẩm chất nhà giáo.

2. Thanh tra viên tham khảo ý kiến nhận xét của những người cùng tham gia thanh tra. Sau đó TTV quyết định về kết luận đánh giá và xếp loại.

3. Gặp gỡ giáo viên:

Thanh tra gặp gỡ giáo viên được thanh tra trao đổi để hiểu thêm hoàn cảnh, năng lực, phẩm chất của giáo viên v.v...

Nêu nhận xét ưu điểm, thiếu sót về thực hiện các nhiệm vụ, các quy chế, nhận xét về các tiết dạy và các hoạt động mà thanh tra viên dự, hướng dẫn uốn nắn những thiếu sót và cuối cùng nêu kết luận xếp loại.

4. Làm biên bản thanh tra:

Biên bản thanh tra ghi những hoạt động chủ yếu của đợt thanh tra, nhận xét về năng lực và thực hiện quy chế chuyên môn của giáo viên, việc thực hiện các công tác khác của giáo viên, những ưu điểm cần phát huy và tồn tại cần khắc phục, nhận xét về kết quả của trẻ. Cuối cùng là kết luận đánh giá xếp loại giáo viên và các kiến nghị cần thiết đối với bản thân giáo viên, nhà trưởng và các cấp quản lý giáo dục.

Biên bản có chữ ký của thanh tra viên, của Hiệu trưởng và giáo viên được thanh tra. Trong trường hợp giáo viên không nhất trí với kết luận của thanh tra có quyền ghi ý kiến trước khi ký và thực hiện quyền khiếu nại về kết luận đó.

Bản chính lưu tại Thanh tra Phòng Giáo dục - Đào tạo. Nhà trường chép thêm (hoặc photo) một bản cho giáo viên và một bản lưu tại trường. Thanh tra viên trực tiếp ký vào các bản này.

D. XẾP LOẠI GIÁO VIÊN

Trên cơ sở đánh giá xếp loại từng mặt nội dung để xếp loại chung. Kết thúc thanh tra giáo viên được xếp một trong 4 loại: tốt, khá, đạt yêu cầu và chưa đạt yêu cầu.

Xếp loại từng mặt:

1. Trình độ nghiệp vụ:

a. Tốt

- Nắm vững mục tiêu kế hoạch đào tạo, nội dung, chương trình chăm sóc giáo dục trẻ, biết vận dụng vào thực tế để chăm sóc giáo dục trẻ.

- Có khả năng tổ chức tất cả các hoạt động chăm sóc giáo dục trẻ theo yêu cầu của chương trình.

- Vận dụng linh hoạt và sáng tạo các phương pháp giáo dục.

- Xử lý tốt các tình huống sư phạm, thu hút trẻ hăng hái tham gia các hoạt động.

- Có 2 hoạt động xếp loại tốt, không có hoạt động không đạt yêu cầu.

b. Khá:

- Nắm vững mục tiêu, kế hoạch đào tạo, nội dung, chương trình chăm sóc giáo dục trẻ.

- Có khả năng tổ chức hầu hết các hoạt động chăm sóc giáo dục trẻ theo yêu cầu của chương trình.

- Vận dụng các phương pháp trong việc chăm sóc giáo dục trẻ tương đối linh hoạt.

- Biết xử lý các tình huống sư phạm.

- Có 2 hoạt động đạt loại khá trở lên, không có hoạt động bị xếp loại không đạt yêu cầu.

c. Đạt yêu cầu:

- Nắm được nội dung, chương trình, chăm sóc giáo dục trẻ.

- Thực hiện đúng, đủ nội dung các hoạt động, có thể sai sót song không đáng kể.

- Phương pháp giảng dạy và tổ chức các hoạt động không có gì sai phạm, ảnh hưởng đến kết quả tiếp thu của trẻ.

d. Chưa đạt yêu cầu:

- Chưa nắm vững nội dung, chương trình chăm sóc giáo dục trẻ. Năng lực tổ chức các hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ còn nhiều hạn chế.

- Phương pháp giảng dạy và tổ chức các hoạt động còn lúng túng. Còn có những sai sót về kiến thức, kỹ năng.

- Chưa thu hút được trẻ tham gia các hoạt động.

2. Thực hiện quy chế chuyên môn:

a. Tốt:

- Thực hiện đầy đủ, có chất lượng các nội dung đã quy định tại mục B điểm 2. Có tinh thần tự học tự bồi dưỡng để đạt chuẩn đào tạo, chủ động, sáng tạo trong công tác. Có sáng kiến kinh nghiệm được cấp phòng Giáo dục - Đào tạo trở lên công nhận.

b. Khá:

- Thực hiện tương đối đầy đủ các nội dung từ 2.1 đến 2.4 đã quy định tại mục B điểm 2.

- Có thể chưa tự làm được nhiều đồ dùng dạy học, đồ chơi nhưng có ý thức sử dụng những cái sẵn có của trường và sưu tầm những nguyên vật liệu sẵn có ở địa phương.

- Thực hiện có kết quả kế hoạch học tập bồi dưỡng nâng cao trình độ.

c. Đạt yêu cầu:

- Thực hiện được phần lớn các nội dung từ 2.1 đến 2.4 đã quy định tại mục B điểm 2.

- Có sử dụng đồ dùng dạy học và đồ chơi sẵn có.

- Tham gia tương đối đầy đủ kế hoạch bồi dưỡng nhưng kết quả ở mức bình thường.

d. Chưa đạt yêu cầu:

- Cắt xén hoặc thực hiện chương trình tuỳ tiện.

- Có những vi phạm về các nội quy, quy chế chuyên môn.

3. Công tác phụ huynh và các công tác khác:

a. Tốt:

- Quan hệ tốt với phụ huynh và nhân dân địa phương, làm tốt công tác tuyên truyền chăm sóc giáo dục trẻ ở cộng đồng.

- Hoàn thành tốt công tác khác do nhà trường phân công.

b. Khá:

- Quan hệ tốt với phụ huynh. Hướng dẫn phụ huynh chăm sóc giáo dục trẻ có kết quả.

- Hoàn thành đầy đủ các công tác được phân công.

c. Đạt yêu cầu:

- Có quan hệ với phụ huynh để giáo dục trẻ.

- Có cố gắng hoàn thành phần lớn các công tác khác được nhà trường phân công.

d. Chưa đạt yêu cầu:

- Không đạt các tiêu chuẩn trên.

4. Kết quả chăm sóc giáo dục:

a. Tốt:

- Duy trì tốt sĩ số của nhóm, lớp.

- Tỷ lệ trẻ ở nhóm, lớp đạt yêu cầu chuẩn của độ tuổi (về các mặt sức khoẻ, thói quen, nền nếp, hiểu biết, thẩm mỹ...) vào loại cao so với tỷ lệ chung của địa phương.

- Không có tai nạn xảy ra trong nhóm, lớp giáo viên phụ trách.

b. Khá:

- Duy trì tốt sĩ số của nhóm, lớp từ 80% trở lên.

- Tỷ lệ trẻ ở nhóm, lớp đạt yêu cầu chuẩn của độ tuổi vào loại khá so với tỷ lệ chung của địa phương.

- Không có tại nạn xảy ra ở nhóm, lớp.

c. Đạt yêu cầu:

- Duy trì tốt sĩ số của nhóm, lớp từ 70% trở lên.

- Tỷ lệ trẻ ở nhóm, lớp đạt yêu cầu chuẩn của độ tuổi vào loại trung bình ở địa phương.

- Không có tai nạn xảy ra ở nhóm, lớp.

d. Chưa đạt yêu cầu:

- Trẻ đi học không đều.

- Số trẻ ở nhóm lớp đạt yêu cầu chuẩn còn thấp.

- Có những sơ suất, ảnh hưởng đến sức khoẻ của trẻ ở nhóm, lớp.

XẾP LOẠI CHUNG

- Xếp loại chung trên cơ sở đánh giá tổng hợp các nội dung đã thanh tra, không lấy mặt này bù mặt khác. Nếu có mặt đạt tốt thì ghi nhận và biểu dương, nhưng không bù vào mặt còn yếu khác để xếp loại chung.

- Giáo viên được xếp loại nào thì cả hai nội dung 1 và 2 (trình độ nghiệp vụ và việc thực hiện quy chế chuyên môn) phải được xếp cùng loại đó trở lên: hai nội dung 3 và 4 có thể xếp vào dưới đó một bậc.

- Trường hợp hai nội dung 3 và 4 bị xếp dưới hai bậc thì khi xếp loại chung phải hạ xuống một bậc so với hai nội dung trên; nếu một trong hai nội dung này chưa đạt yêu cầu thì xếp loại chung tối đa cũng chỉ đạt yêu cầu.

1. Giáo viên tốt: có 3 trong 4 nội dung đạt loại tốt, nội dung còn lại phải đạt khá trở lên, trong đó phải có nội dung 1 và 2 đạt loại tốt.

2. Giáo viên khá: có 3 trong 4 nội dung đạt loại khá trở lên, nội dung còn lại phải đạt yêu cầu, trong đó nội dung 1 và 2 phải đạt từ loại khá trở lên.

3. Giáo viên đạt yêu cầu: có 3 trong 4 nội dung đạt yêu cầu trở lên trong đó nội dung 1 và 2 phải đạt yêu cầu.

4. Giáo viên chưa đạt yêu cầu: một trong 2 nội dung 1 và 2 không đạt yêu cầu hoặc cả hai nội dung 3 và 4 không đạt yêu cầu.

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Thông tư này có hiệu lực kể từ năm học 1997 - 1998 và được thay thế các nội dung đã hướng dẫn trước đây tại Công văn số 6207/TTr ngày 24/4/1992 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Thanh tra giáo dục và Vụ Giáo dục Mầm non hướng dẫn cụ thể thêm về nghiệp vụ đánh giá các tiết dạy và hoạt động của giáo viên mầm non. Các Sở Giáo dục - Đào tạo căn cứ vào Thông tư này để cụ thể hoá những yêu cầu của một số tiêu chuẩn phù hợp với đặc điểm tình hình của địa phương mình (nhưng không trái với những hướng dẫn của Thông tư này).

Trong quá trình thực hiện có điều gì cần điều chỉnh đề nghị các địa phương phản ánh để kịp thời xem xét xử lý.

 

PHỤ LỤC:

CÁC MẪU BIÊN BẢN

MẪU I

UBND QUẬN, HUYỆN CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Phòng Giáo dục Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

,ngày... tháng... năm 199...

 

BIÊN BẢN

THANH TRA TRƯỜNG MẦM NON

Đoàn thanh tra của............. thành lập theo Quyết định số... ngày.../.../199... đã tiến hành thanh tra trường từ ngày... đến ngày... đã làm việc như sau:

Dự hoạt động học tập (tiết dạy....) của giáo viên.

Dự hoạt động.... của lớp.....

Kiểm tra thực tế:

Chăm sóc, nuôi dưỡng

Cơ sở vật chất

Hồ sơ sổ sách

Qua tham khảo ý kiến của chính quyền địa phương, đoàn thanh tra kết luận đáng giá và kiến nghị như sau:

I. ĐÁNH GIÁ VIỆC THỰC HIỆN CÁC NỘI DUNG

1. Kế hoạch phát triển giáo dục.

Ưu, khuyết điểm chính

Xếp loại:

2. Chất lượng chăm sóc và giáo dục trẻ:

Ưu, khuyết điểm chính

+ Chăm sóc, nuôi dưỡng

+ Giáo dục trẻ:

Xếp loại:

3. Đội ngũ và cơ sở vật chất:

Ưu, khuyết điểm chính

Xếp loại:

4. Công tác quản lý của hiệu trưởng

Ưu, khuyết điểm chính

Xếp loại:

Kết luận chung về nhà trường:

Ưu, khuyết điểm chính

Xếp loại:

II. CÁC KIẾN NGHỊ CỦA ĐOÀN

1. Đối với nhà trường:

2. Kiến nghị các cơ quan quản lý trực tiếp với trường:

Các biện pháp giúp trường khắc phục khó khăn

Kiến nghị khen thưởng, kỷ luật tập thể và cá nhân

3. Kiến nghị với các cơ quan hữu quan.

Ý kiến của trường TM đoàn thanh tra

Hiệu trưởng Trường đoàn

(Ký tên và đóng dấu) (Ký tên và đóng dấu)

MẪU II

UBND QUẬN, HUYỆN

Phòng Giáo dục

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

,ngày... tháng... năm 199...

 BIÊN BẢN

THANH TRA GIÁO VIÊN TRƯỜNG MẦM NON

Họ và tên giáo viên..... Năm sinh...... hệ đào tạo..... năm vào

ngành..... Dạy ở lớp:

Trường:

Kết quả lần kiểm tra toàn diện gần nhất của trường được xếp loại:

 

I. KẾT QUẢ KIỂM TRA CÁC MẶT:

1. Kiểm tra trình độ nghiệp vụ, tay nghề:

Phần tự hoạt động học tập (các tiết dạy)

Tiết 1................ Xếp loại

Tiết 2................

Dự hoạt động.......... Xếp loại

Nhận xét trình độ nghiệp vụ - tay nghề (1).....

 Được xếp loại:................

2. Kiểm tra thực hiện quy chế chuyên môn:

Thành tích, ưu, khuyết điểm chính (1):

Được xếp loại:.................

3. Công tác phụ huynh và các công tác khác:

Nhận xét ưu khuyết điểm trong công tác phụ huynh

Đánh giá tinh thần và kết quả thực hiện các công tác được giao (1).

Được xếp loại.......

4. Kết quả chăm sóc giáo dục trẻ:

Nhận xét nền nếp, thói quen, nhận thức, tình cảm, kỹ năng, chất lượng của trẻ về mọi mặt (1)

Về sức khoẻ, tình cảm, thói quen, hiểu biết, thái độ năng lực về trí tuệ:

Được xếp loại:

II. ĐÁNH GIÁ CHUNG:

1. Đánh giá tổng quát (các ưu, khuyết điểm, tồn tại....) (1)

2. Xếp loại chung:

III. CÁC KIẾN NGHỊ:

1. Đối với giáo viên:

2. Đối với trường:

Ý kiến và chữ ký của giáo

Hiệu trưởng

Thanh tra viên

viên được thanh tra

(Ký tên, đóng dấu)

(Họ tên và chữ ký)

1. Nêu các ưu khuyết điểm lớn và các tồn tại chính cần khắc phục.


Nguồn: vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=8382&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận