THÔNG TƯ
Hướng dẫn tuyển sinh đào tạo Đại học và Cao đẳng Điều dưỡng,
Kỹ thuật Y học, Đại học Y tế cộng đồng hệ vừa học vừa làm
Căn cứ Luật Giáo dục ngày 27 tháng 6 năm 2005;
Căn cứ Nghị định số 49/2003/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;
Thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ ban hành kèm theo Quyết định số 243/2005/QĐ-TTg ngày 05 tháng 10 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện Nghị quyết số 46/NQ-TW ngày 23 tháng 02 năm 2005 của Bộ Chính trị về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới;
Bộ Y tế ban hành Thông tư Hướng dẫn tuyển sinh đào tạo Đại học và Cao đẳng Điều dưỡng, Kỹ thuật Y học, Đại học Y tế công cộng hệ vừa học vừa làm (hệ tại chức) như sau:
I. QUY ĐỊNH CHUNG
1. Để đáp ứng nhu cầu nhân lực phục vụ sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ nhân dân và tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ đã tốt nghiệp trung cấp Y tế được đào tạo lên bậc đại học để sau khi tốt nghiệp trở về cơ quan nơi đã cử đi học tiếp tục làm việc tốt hơn, Bộ Y tế chủ trương tuyển sinh đào tạo trình độ Đại học và trình độ Cao đẳng các chuyên ngành Điều dưỡng, Kỹ thuật Y học, Đại học Y tế công cộng hệ vừa học vừa làm.
2. Công tác tuyển sinh đào tạo Đại học, Cao đẳng các ngành Điều dưỡng, Kỹ thuật Y học, Đại học Y tế công cộng hệ vừa học vừa làm được thực hiện theo các quy định chung của Quy chế tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo và các văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế.
3. Chỉ tiêu đào tạo hệ vừa học vừa làm cho từng chuyên ngành sẽ được các trường thông báo cụ thể tới các Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là tỉnh) trong vùng tuyển sinh trên cơ sở tổng chỉ tiêu đã được các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giao cho các trường đại học, cao đẳng. Các trường không được tuyển thêm ngoài chỉ tiêu được giao.
4. Kết thúc khoá học, các trường tổ chức bàn giao học viên kèm theo hồ sơ cho cơ quan cử người đi học để bố trí công tác. Những học viên không tốt nghiệp hoặc phải ngừng học tập trước khi tốt nghiệp cũng sẽ được trả về tỉnh hoặc cơ quan cử đi học để giải quyết.
5. Các khu vực tuyển sinh: Được phân chia theo quy định hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Khu vực dự thi của mỗi thí sinh được xác định dựa vào địa chỉ cơ quan nơi thí sinh đang làm việc.
6. Một số quy định khác
a) Hợp đồng lao động dài hạn được hiểu là hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc có thời hạn từ 1 năm trở lên và người lao động có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, sau đây gọi tắt là hợp đồng lao động.
b) Hợp đồng trong định biên được hiểu là hợp đồng ký theo quy định tại Thông tư Liên bộ số 08/TT-LB ngày 20/4/1995 của Liên Bộ Y tế - Tài chính - Lao động - Thương binh và Xã hội - Ban Tổ chức cán bộ Chính phủ (nay là Bộ Nội vụ). Hợp đồng trong định biên được coi là một hình thức của hợp đồng lao động dài hạn.
II. ĐỐI TƯỢNG TUYỂN SINH
Công dân Việt Nam đang làm việc đúng chuyên ngành và trình độ đào tạo, có bằng tốt nghiệp Cao đẳng hoặc Trung cấp Y tế chuyên ngành phù hợp, được đào tạo theo chương trình của Bộ Y tế, có thể dự thi tuyển sinh chuyên ngành tương ứng.
III. TIÊU CHUẨN TUYỂN SINH
1. Về phẩm chất chính trị
Lý lịch bản thân và gia đình rõ ràng, hoàn thành các nhiệm vụ được giao, phẩm chất đạo đức tốt, chấp hành đầy đủ các chủ trương, chính sách và pháp luật của Nhà nước. Những người đang trong thời gian thi hành kỷ luật (từ khiển trách trở lên) không được dự tuyển.
2. Về trình độ văn hoá
Các đối tượng tuyển sinh đều phải có trình độ văn hoá tốt nghiệp trung học phổ thông, bổ túc văn hoá hoặc đã tốt nghiệp các môn văn hoá trong chương trình đào tạo trung cấp Y, Dược, được cơ sở đào tạo xác nhận.
3. Về trình độ chuyên môn
a) Đào tạo Đại học và Cao đẳng Điều dưỡng, Kỹ thuật Y học từ trình độ Trung cấp: Thí sinh phải có bằng tốt nghiệp Điều dưỡng trung cấp, Hộ sinh trung cấp hoặc Kỹ thuật viên trung cấp chuyên ngành phù hợp; Nếu tốt nghiệp Y sỹ trung cấp phải có thêm chứng chỉ đào tạo chuyển đổi thành Điều dưỡng trung cấp theo chương trình của Bộ Y tế do các cơ sở đào tạo được Bộ Y tế cho phép cấp.
b) Đào tạo Đại học Điều dưỡng, Kỹ thuật Y học từ trình độ Cao đẳng: Thí sinh phải có bằng tốt nghiệp Cao đẳng Điều dưỡng hoặc Cao đẳng Kỹ thuật Y học chuyên ngành phù hợp.
c) Đào tạo Đại học Y tế công cộng: Thí sinh phải có bằng tốt nghiệp Trung cấp Y tế.
4. Về thâm niên chuyên môn
Thâm niên chuyên môn là thời gian làm việc liên tục đúng chuyên ngành đào tạo sau khi tốt nghiệp Cao đẳng hoặc Trung cấp Y tế, tính từ khi có Quyết định tuyển dụng công chức, viên chức của cấp có thẩm quyền, hợp đồng làm việc đúng chuyên môn đào tạo trong các cơ sở Y tế công lập hoặc tư nhân hợp pháp, hoặc bản thân được phép hành nghề Y, Dược tư nhân, đến ngày 31 tháng 10 năm dự thi.
Trường hợp Y sỹ trung cấp chuyển đổi thành Điều dưỡng: Thâm niên chuyên môn được tính từ ngày có chứng chỉ chuyển đổi đến ngày 31 tháng 10 năm dự thi.
Có hai mức tiêu chuẩn về thâm niên chuyên môn:
a) Thâm niên chuyên môn là 1 năm (đủ 12 tháng), áp dụng cho các đối tượng:
- Người có bằng tốt nghiệp Cao đẳng, Trung cấp Y tế đúng chuyên ngành dự thi xếp loại giỏi.
- Y sỹ đã có chứng chỉ chuyển đổi thành Điều dưỡng.
- Người được quy hoạch là cán bộ giảng dạy của các trường Đại học, Cao đẳng và Trung cấp Y tế.
- Người có bằng tốt nghiệp Cao đẳng Y tế sau khi đã có bằng tốt nghiệp Trung cấp Y tế cùng chuyên ngành đào tạo.
b) Thâm niên chuyên môn là 2 năm (đủ 24 tháng), áp dụng cho các đối tượng không thuộc quy định tại điểm a khoản này.
5. Về sức khoẻ
Có đủ sức khoẻ để học tập và lao động theo quy định tại Thông tư Liên Bộ Y tế - Đại học, Trung học chuyên nghiệp và Dạy nghề số 10/TT-LB ngày 18 tháng 8 năm 1989.
IV. CHÍNH SÁCH ƯU TIÊN
Điểm xét tuyển vào trường được xét ưu tiên theo khu vực và trong mỗi khu vực có các đối tượng ưu tiên về chính sách.
1. Ưu tiên về khu vực
Theo quy định hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
2. Ưu tiên về chính sách
a) Nhóm ưu tiên 1:
- Anh hùng các lực lượng vũ trang, anh hùng lao động, chiến sỹ thi đua toàn quốc.
- Người dân tộc thiểu số đang làm việc tại Khu vực 1 (KV1).
- Thương binh, bệnh binh, người được hưởng chính sách như thương binh.
- Giáo viên các trường đại học, cao đẳng và trung cấp Y tế.
b) Nhóm ưu tiên 2:
- Người đang làm việc tại KV1 liên tục từ 24 tháng trở lên tính đến ngày 31 tháng 10 năm dự thi.
- Người dân tộc thiểu số không thuộc nhóm ưu tiên 1.
- Người đang trực tiếp chăm sóc, điều trị bệnh nhân AIDS, khám nghiệm tử thi.
- Người đang làm việc tại Bệnh viện Phong - Da liễu và Khu điều trị Phong, Bệnh viện Tâm thần, Bệnh viện Lao, Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội và đã làm việc tại đó ít nhất là 24 tháng tính đến ngày 31 tháng 10 năm dự thi.
- Điều dưỡng (Y tá) trưởng, Hộ sinh trưởng, Kỹ thuật viên trưởng các khoa trong bệnh viện.
- Người được thưởng huân chương kháng chiến, huy chương kháng chiến, huân chương lao động.
- Chiến sỹ thi đua cấp bộ, cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương 2 năm liên tục sát năm dự thi.
- Người được cấp bằng sáng tạo của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam.
- Con liệt sỹ, con thương binh, con bệnh binh, con của người được hưởng chính sách như thương binh.
- Con của Bà mẹ Việt Nam anh hùng, con của Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, con của Anh hùng lao động.
- Con của người hoạt động cách mạng trước ngày Tổng khởi nghĩa 19 tháng Tám năm 1945.
- Con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học (là người được Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh công nhận bị dị dạng, dị tật, suy giảm khả năng tự lực trong sinh hoạt, học tập do hậu quả của chất độc hoá học).
Mỗi đối tượng chỉ được hưởng 01 tiêu chuẩn ưu tiên cao nhất về chính sách.
V. HỒ SƠ DỰ TUYỂN
1. Một phiếu dự tuyển do cơ quan sử dụng người lao động cử đi dự tuyển và có ý kiến phê duyệt của Sở Y tế tỉnh. Các thí sinh đang làm việc trong các đơn vị không thuộc Ngành Y tế phải có ý kiến đề nghị của cơ quan quản lý người lao động.
2. Bản sao hợp pháp các giấy tờ liên quan tới quá trình học tập như sau (khi nhập học phải xuất trình bản chính):
- Bằng tốt nghiệp và bảng điểm các môn học cao đẳng hoặc trung cấp Y tế chuyên ngành phù hợp.
- Bằng tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc bổ túc văn hoá tương đương.
3. Bản sao hợp pháp giấy khai sinh.
4. Giấy xác nhận đủ sức khoẻ để học tập do đơn vị y tế từ tuyến huyện trở lên cấp.
5. Giấy chứng nhận đối tượng ưu tiên tuyển sinh của cơ quan có thẩm quyền.
6. Quyết định cử đi học (nộp khi nhập học) do cơ quan quản lý người lao động cấp.
7. Bản sao hợp pháp các giấy tờ liên quan tới quá trình làm việc như sau (khi nhập học phải xuất trình bản chính):
a) Đối với người làm việc tại các cơ sở y tế công lập: Quyết định tuyển dụng công chức, viên chức của cấp có thẩm quyềnhoặc hợp đồng làm việc trong các cơ sở y tế công lập.
b) Đối với người hành nghề Y, Dược tư nhân: Chứng chỉ hành nghề Y, Dược tư nhân, giấy xác nhận thời gian đã hành nghề do Sở Y tế xác nhận.
c) Đối với các đối tượng khác: Hợp đồng lao động, sổ bảo hiểm xã hội.
8. Bốn ảnh mới chụp không quá 6 tháng cỡ 4 x 6 (một ảnh dán vào phiếu đăng ký dự thi, đóng dấu giáp lai).
Các giấy tờ khác: Theo quy định của trường.
Thí sinh phải nộp hồ sơ đăng ký dự thi về Ban tuyển sinh của các trường đúng thời hạn quy định.
Cán bộ ký quyết định cử người đi học phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp của hồ sơ của người xin đi học.
VI. TỔ CHỨC THI VÀ XÉT TRÚNG TUYỂN
1. Các môn thi
Thí sinh phải thi 3 môn: Toán học, Hoá học và môn Chuyên môn; riêng thí sinh dự thi tuyển sinh đào tạo Đại học Y tế công cộng phải thi môn Sinh học thay thế môn Hoá học.
a) Môn Toán học, môn Hoá học, môn Sinh học: Trình độ trung học phổ thông hay bổ túc văn hoá theo chương trình hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
b) Môn chuyên môn: Là tổng hợp các môn chuyên ngành đào tạo trình độ Cao đẳng (đối với việc tuyển sinh đào tạo Đại học từ trình độ Cao đẳng) hoặc Trung cấp (đối với việc tuyển sinh đào tạo Đại học, Cao đẳng từ trình độ Trung cấp) theo chương trình của Bộ Y tế, phù hợp với ngành dự thi.
Những thí sinh đã có bằng tốt nghiệp Trung cấp Y tế nếu có bằng tốt nghiệp Đại học hoặc Cao đẳng thuộc khối ngành Y - Dược, khoa học tự nhiên, kỹ thuật, đã thi cả hai môn Toán học và Hoá học (hay Sinh học) khi dự thi tuyển sinh Đại học hoặc Cao đẳng ngành đó sẽ được miễn thi môn Toán học, môn Hoá học (hay Sinh học), chỉ phải thi môn chuyên môn. Những thí sinh này trong hồ sơ dự tuyển phải có thêm bản sao hợp pháp bằng tốt nghiệp Đại học hoặc Cao đẳng và giấy xác nhận đã thi tuyển đầu vào hai môn Toán học và Hoá học (hay Sinh học) của cơ sở đào tạo nơi thí sinh được cấp bằng tốt nghiệp Đại học hoặc Cao đẳng.
Trường hợp muốn có kết quả thi cao hơn, các thí sinh thuộc diện miễn thi hai môn Toán học và Hoá học (hay Sinh học) vẫn có thể dự thi hai môn này và được xét trúng tuyển như các thí sinh không thuộc diện miễn thi.
Các thí sinh dự thi tuyển sinh đào tạo Đại học từ trình độ Cao đẳng chỉ phải thi môn chuyên môn.
2. Tổ chức thi
Lịch thi do các trường quy định và báo cáo Bộ Y tế (Vụ Khoa học và Đào tạo), đồng thời thông báo công khai bằng phương tiện thông tin đại chúng cho thí sinh thuộc vùng tuyển của trường.
Các trường có thể tổ chức ôn thi cho thí sinh. Thời gian và lệ phí ôn thi do nhà trường quy định theo các quy định hiện hành.
3. Xét trúng tuyển
a) Thí sinh đúng đối tượng, có đủ các tiêu chuẩn tuyển sinh, đạt mức điểm chuẩn trong đó điểm thi môn chuyên môn không dưới 5 điểm và các môn văn hoá không có điểm 0 sẽ được xét trúng tuyển.
Điểm xét trúng tuyển đối với các thí sinh được miễn thi môn Toán học và môn Hoá học (hay sinh học), chỉ dự thi môn chuyên môn là điểm chuẩn tính trung bình cho một môn và không dưới 5 điểm.
b) Các trường đại học, cao đẳng xác định điểm tuyển theo khu vực tuyển sinh, ưu tiên thí sinh ở các khu vực miền núi, vùng sâu, biên giới, hải đảo, những khu vực gặp nhiều khó khăn về nhân lực điều dưỡng, kỹ thuật viên.
c) Kiểm tra lại toàn bộ hồ sơ của các thí sinh đã trúng tuyển và trong những trường hợp cần thiết có thể làm việc với các cơ sở cử người đi học để xác định tính hợp pháp của các văn bản trong hồ sơ.
Mọi trường hợp khai man hồ sơ đều phải xử lý theo Quy chế tuyển sinh hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
d) Lập danh sách trúng tuyển và báo cáo Bộ Y tế.
VII. CHẾ ĐỘ SINH HOẠT PHÍ VÀ HỌC PHÍ
1. Học viên trúng tuyển thuộc chỉ tiêu Nhà nước cấp ngân sách phải đóng học phí theo đúng các quy định hiện hành; Đối với học viên diện đào tạo theo địa chỉ, các địa phương ký hợp đồng trực tiếp với cơ sở đào tạo.
2. Trong thời gian học tập, lương và mọi chế độ của học viên do cơ quan cử người đi học giải quyết theo chế độ hiện hành.
3. Học viên trúng tuyển không thuộc diện Nhà nước cấp ngân sách phải đóng học phí và các khoản phí, lệ phí khác (nếu có) theo đúng các quy định hiện hành.
VIII. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
1. Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
2. Bãi bỏ Thông tư số 13/2005/TT-BYT ngày 21/4/2005 của Bộ Y tế hướng dẫn tuyển sinh đào tạo Đại học và Cao đẳng Điều dưỡng, Kỹ thuật Y học, Đại học Y tế công cộng hệ vừa học vừa làm - năm 2005.
3. Nhận được Thông tư này, các đơn vị, các địa phương tổ chức triển khai thực hiện, xét cử cán bộ tham dự kỳ thi tuyển sinh và đi học theo đúng đối tượng, đúng tiêu chuẩn quy định tại Thông tư.
Các trường đại học, cao đẳng thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng cho thí sinh biết và thực hiện công tác tuyển sinh theo đúng các quy định hiện hành để đảm bảo chất lượng đào tạo và công bằng xã hội.
Trong quá trình thực hiện, nếu đơn vị, địa phương có khó khăn, vướng mắc phải báo cáo Bộ Y tế (Vụ Khoa học và Đào tạo) để xem xét, giải quyết kịp thời./.