THôNG TưTHÔNG TƯ
CỦA NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM
Hướng dẫn thực hiện quy chế quản lý các hoạt động điều tra địa chất, khai thác mỏ, chế tác và buôn bán đá quý, ban hành kèm theo Nghị định số 67/CP ngày 7/1/1993 của Chính phủ
Ngày 7-10-1993, Chính phủ đã ban hành Quy chế quản lý các hoạt động điều tra địa chất, khai thác mỏ, chế tác và buôn bán đá quý. Căn cứ Điều 3 Quy chế trên, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn việc thực hiện các hoạt động gia công, chế tác và buôn bán đá quý như sau:
I. QUYỀN LỢI HỢP PHÁP VỀ ĐÁ QUÝ
VÀ PHẠM VI QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI CÁC HOẠT ĐỘNG KINH DOANH ĐÁ QUÝ
(Điều 3, Điều 5, Điều 14 và Điều 20)
1. Các tổ chức và công dân Việt Nam có đá quý nói tại Điều 1 của Quy chế ban hành kèm theo Nghị định 67-CP, không kể khối lượng nhiều hay ít đều được Nhà nước thừa nhận quyền lợi hợp pháp, trừ trường hợp: Tổ chức và công dân có các hoạt động phạm pháp để có được số đá quý đó.
Các tổ chức và công dân có đá quý hợp pháp được quyền cất giữ, vận chuyển, chuyển nhượng, hoặc gửi các Ngân hàng giữ hộ, theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về dịch vụ nhận bảo quản hộ kim khí quý, đá quý, ngọc trai... Việc mua bán đá quý dưới dạng nguyên liệu trên lãnh thổ Việt Nam đều phải thực hiện tại các trung tâm mua bán đá quý do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức hoặc tại các cửa hàng mua bán đá quý có giấy phép kinh doanh do Ngân hàng Nhà nước cấp.
2. Nhà nước quản lý những viên đá quý có giá trị đặc biệt, cụ thể là những viên đá quý đạt tiêu chuẩn ngọc có trọng lượng từ 50 carat trở lên với Ruby, từ 1.000 carat trở lên với saphia, có mầu sắc hồng đậm trở lên với Ruby, mầu lam vừa đến thẫm với saphia, có độ trong suốt cao, độ rạn nứt dưới 15% và kích thước tương đối đều, có thể chế tác thành những viên ngọc có hình dạng khác nhau. Các tổ chức và cá nhân có những viên đá quý nói trên phải bán cho Nhà nước theo giá thị trường.
3. Ngân hàng Nhà nước thực hiện quản lý Nhà nước đối với các hoạt động gia công, chế tác, mua, bán, xuất khẩu, nhập khẩu, kiểm định đá quý và mở cửa hàng kinh doanh đá quý ở nước ngoài.
II. ĐỐI TƯỢNG, ĐIỀU KIỆN, THỦ TỤC, PHẠM VI
KINH DOANH VÀ TRÁCH NHIỆM
(Điều 17, 18 và 20)
1. Đối tượng được phép hoạt động kinh doanh đá quý là:
Các tổ chức kinh tế (bao gồm doanh nghiệp Nhà nước, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, doanh nghiệp tư nhân, xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) được thành lập theo quy định của pháp luật và các công dân Việt Nam có đủ điều kiện để gia công chế tác, buôn bán đá quý theo điểm 2, phần II của Thông tư này.
2. Điều kiện để được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép kinh doanh đá quý.
a. Về vốn đầu tư ban đầu:
a.1. Các doanh nghiệp Nhà nước phải có vốn đầu tư ban đầu là một tỷ đồng.
a.2. Các công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần phải có vốn đầu tư ban đầu là ba trăm triệu đồng.
a.3. Các doanh nghiệp tư nhân phải có vốn đầu tư ban đầu là hai trăm triệu đồng.
a.4. Các hộ cá thể phải có vốn đầu tư ban đầu là một trăm triệu đồng.
Vốn đầu tư ban đầu nói tại điểm (a) trên đây, là mức vốn tối thiểu mà các doanh nghiệp và hộ cá thể phải có để kinh doanh đá quý.
Đối với các doanh nghiệp Nhà nước vốn đầu tư ban đầu là vốn Ngân sách Nhà nước cấp cho đơn vị hoạt động, được Bộ Tài chính (đối với doanh nghiệp Trung ương), Sở Tài chính (đối với doanh nghiệp địa phương) chứng nhận về nguồn vốn và mức vốn được cấp, hoặc chứng nhận của ngân hàng, nếu doanh nghiệp được đầu tư bằng vốn vay.
Đối với công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần vốn đầu tư ban đầu là vốn điều lệ, do các thành viên đóng góp và được ghi vào điều lệ công ty.
Đối với doanh nghiệp tư nhân và hộ cá thể, vốn kinh doanh là tiền Việt Nam, ngoại tệ hoặc vàng phải gửi ở Ngân hàng và được Ngân hàng nơi mở tài khoản chứng nhận. Vốn là tài sản bằng hiện vật thì phải có chứng nhận của cơ quan công chứng.
Đối với các doanh nghiệp đã thành lập trước đây, kinh doanh các ngành, nghề khác, muốn xin mở rộng thêm ngành kinh doanh đá quý, ngoài số vốn có trước đây phải có thêm số vốn tối thiểu quy định trong Thông tư này.
b. Về chuyên môn kỹ thuật:
Các tổ chức kinh tế và cá nhân kinh doanh đá quý phải có:
Thợ chuyên môn am hiểu về đá quý (biết phân biệt loại đá, chất lượng và giá trị thương phẩm).
Phải có dụng cụ, thiết bị kỹ thuật để cân đo, kiểm định chất lượng đá quý chính xác và được Chi cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng cấp tỉnh, thành phố nơi doanh nghiệp và cá nhân đặt trụ sở cấp giấy phép sử dụng phương tiện đó.
c. Về trụ sở.
Phải ghi rõ số nhà, đường phố, phường, thị trấn, thị xã, quận, huyện, tỉnh, thành phố và phải được Uỷ ban nhân dân quận và cấp tương đương chấp thuận cho đặt trụ sở (cửa hàng, cửa hiệu).
Khi thay đổi trụ sở, các tổ chức kinh tế và cá nhân phải có thông báo và đăng ký tại trụ sở mới với Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố.
3. Thủ tục cấp giấy phép.
Các tổ chức kinh tế và cá nhân muốn kinh doanh đá quý phải gửi hồ sơ xin phép kinh doanh đá quý cho Ngân hàng Nhà nước (Vụ quản lý Ngoại hối) hồ sơ gồm có:
Đơn xin cấp giấy phép kinh doanh đá quý (theo mẫu đính kèm).
Phương án kinh doanh ban đầu.
Giấy chứng thực về trụ sở.
Xác nhận về vốn theo quy định tại mục (a) điểm 2 nói trên.
Đơn xin cấp phép kinh doanh đá quý gửi Ngân hàng Nhà nước (Vụ quản lý Ngoại hối) phải có xác nhận của Thủ trưởng Bộ, Ngành chủ quản hoặc Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố và giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố, về các điều kiện để cấp giấy phép kinh doanh đá quý quy định tại phần II Thông tư này.
4. Phạm vi kinh doanh
Các tổ chức kinh tế và cá nhân có giấy phép kinh doanh đá quý do Ngân hàng Nhà nước cấp tuỳ theo phạm vi quy định trong giấy phép được:
Mua bán đá quý dưới dạng nguyên liệu, đá quý đã chế tác tại các trung tâm mua bán đá quý trong nước do Ngân hàng Nhà nước tổ chức hoặc tại các cửa hàng mua bán đá quý có giấy phép kinh doanh của Ngân hàng Nhà nước cấp.
Khi mua bán đá quý phải có hoá đơn theo mẫu của Bộ Tài chính.
Xuất khẩu đá quý ra nước ngoài để thu ngoại tệ, sau khi có giấy phép của Ngân hàng Nhà nước (Vụ quản lý Ngoại hối) cấp.
Nhận gia công chế tác đá quý cho các tổ chức, cá nhân trong nước cũng như các tổ chức cá nhân người nước ngoài. Nhà nước khuyến khích việc nhập đá quý từ nước ngoài vào Việt Nam để gia công tái xuất. Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét cấp giấy phép cho các doanh nghiệp theo quy định tại phần III trong Thông tư này.
Mở cửa hàng kinh doanh đá quý ở nước ngoài khi có giấy phép của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
Liên doanh với nước ngoài về kinh doanh đá quý theo các quy định của Luật đầu tư hiện hành.
5. Trách nhiệm của các tổ chức kinh tế và cá nhân kinh doanh đá quý.
Khi mua bán đá quý các tổ chức kinh tế và cá nhân phải tuân theo các quy định sau:
Mua bán đá quý phải thực hiện tại trung tâm mua bán đá quý do Ngân hàng Nhà nước tổ chức hoặc tại các cửa hàng có giấy phép kinh doanh đá quý do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cấp.
Sử dụng hoá đơn do Bộ Tài chính quy định. Hoá đơn ghi rõ số lượng, trọng lượng, chất lượng, giá trị đá quý mua bán với khách hàng.
Thực hiện chế độ kế toán và bảo quản sổ sách chứng từ theo quy định của pháp lệnh kế toán thống kê.
Sản phẩm của cửa hàng bán ra phải đúng chất lượng, trọng lượng ghi trên hoá đơn. Chịu sự kiểm tra, kiểm soát của Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố về điều kiện, phạm vi kinh doanh, chất lượng, trọng lượng đá quý mua bán với khách hàng; chịu sự quản lý giám sát của Uỷ ban nhân dân, Sở Tài chính. Trọng tài kinh tế Nhà nước, Ban quản lý thị trường và Chi cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng tỉnh, thành phố về việc chấp hành các quy định của Nhà nước.
Chấp hành chính sách thuế của Nhà nước. Nộp các loại phí, lệ phí về kinh doanh đá quý theo quy định của Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính.
6. Đối với các tổ chức khoa học, các trường đại học, các cơ sở nghiên cứu đá quý của doanh nghiệp có điều kiện gia công, chế tác, kiểm định đá quý, nhưng không đủ điều kiện để xin cấp giấy phép kinh doanh đá quý thì Ngân hàng Nhà nước có thể xem xét cấp giấy phép gia công, chế tác, kiểm định đá quý.
Các doanh nghiệp nói trên, phải gửi hồ sơ cho Ngân hàng Nhà nước. Hồ sơ gồm có:
a. Đơn xin cấp giấy phép gia công chế tác đá quý gửi Ngân hàng Nhà nước (Vụ Quản lý Ngoại hối). Đơn xin phải có ý kiến của Thủ trưởng cơ quan ngành chủ quản.
b. Quyết định thành lập doanh nghiệp.
c. Phương án tổ chức việc gia công, chế tác, kiểm định đá quý.
d. Đối với trường hợp gia công... chế tác đá quý cho nước ngoài, mỗi lô hàng nhập khẩu phải có giấy kiểm định chất lượng đá quý của Trung tâm thẩm định và mua bán đá quý (Ngân hàng Nhà nước), hoặc các đơn vị được Ngân hàng Nhà nước cho phép kiểm định đá quý, làm cơ sở để xin giấy phép xuất khẩu.
e. Giấy xác nhận về các điều kiện kỹ thuật của chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng.
g. Chấp thuận của Uỷ ban nhân dân thị xã, quận huyện cho đặt trụ sở.
III. XUẤT, NHẬP KHẨU ĐÁ QUÝ VÀ MỞ CỬA HÀNG
KINH DOANH ĐÁ QUÝ Ở NƯỚC NGOÀI.
(Điều 19)
1. Ngân hàng Nhà nước (Vụ quản lý Ngoại hối) cấp giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu đá quý đã chế tác, đá quý dưới dạng nguyên liệu cho các tổ chức kinh tế và cá nhân kinh doanh đá quý khi đã có đủ các điều kiện và thủ tục theo quy định sau đây:
a. Đối với xuất khẩu đá quý.
Có giấy phép kinh doanh đá quý do Ngân hàng Nhà nước cấp hoặc giấy phép khai thác đá quý do Bộ Công nghiệp nặng cấp.
Có hợp đồng mua bán đá quý với nước ngoài, hợp đồng ghi rõ tên hàng (loại đá), số lương, trọng lượng, giá bán, phương thức thanh toán, điều kiện giao hàng mà hai bên thoả thuận.
Có giấy chứng nhận mua bán đá quý của Trung tâm thẩm định và mua bán đá quý và hoá đơn bán hàng.
Có giấy phép kiểm định chất lượng đá quý của Trung tâm thẩm định và mua bán đá quý (Ngân hàng Nhà nước) hoặc các doanh nghiệp Nhà nước được Ngân hàng Nhà nước cho phép kiểm định đá quý.
Có đơn xin xuất khẩu đá quý gửi Ngân hàng Nhà nước (Vụ quản lý Ngoại hối) theo mẫu quy định.
b. Đối với nhập khẩu đá quý.
Có giấy phép kinh doanh hoặc giấy phép gia công, chế tác và kiểm định đá quý do Ngân hàng Nhà nước cấp.
Có hợp đồng gia công đá quý cho nước ngoài hoặc phương án sản xuất kinh doanh từ nguồn đá quý nhập khẩu.
Có hợp đồng mua bán đá quý với nước ngoài.
Có đơn xin nhập khẩu đá quý gửi Ngân hàng Nhà nước (Vụ quản lý Ngoại hối) trong đó ghi rõ loại đá, chất lượng, số lượng...
Sau khi nhập khẩu doanh nghiệp phải đưa đá quý đến Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố hoặc các đơn vị được phép để kiểm định chất lượng.
2. Các tổ chức kinh tế có giấy phép kinh doanh muốn mở cửa hàng bán đá quý ở nước ngoài cần có đủ điều kiện và thủ tục sau đây:
Giấy phép kinh doanh đá quý do Ngân hàng Nhà nước cấp.
Giấy phép của nước ngoài cho mở cửa hàng kinh doanh (có trụ sở rõ ràng).
Đơn gửi Ngân hàng Nhà nước xin phép mở cửa hàng bán đá quý ở nước ngoài.
Toàn bộ số ngoại tệ thu được do bán đá quý ở nước ngoài phải chuyển về nước theo đúng quy định về chính sách quản lý ngoại hối hiện hành.
Hàng quý đơn vị phải báo cáo cho Ngân hàng Nhà nước (Vụ quản lý Ngoại hối) về tình hình hoạt động, doanh số bán hàng, số tiền thực thu.
IV. TRUNG TÂM THẨM ĐỊNH, MUA BÁN ĐÁ QUÝ VÀ
ĐẤU GIÁ ĐÁ QUÝ QUỐC TẾ
(Điều 20)
1. Ngân hàng Nhà nước là cơ quan quản lý, tổ chức và điều hành hoạt động của Trung tâm mua bán đá quý. Trung tâm mua bán đá quý hoạt động dưới sự chỉ đạo của một ban điều hành thuộc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố do Thống đốc bổ nhiệm.
Các tổ chức, cá nhân trong nước có giấy phép kinh doanh đá quý và các tổ chức, cá nhân người nước ngoài được mua đá quý tại trung tâm. Các tổ chức, cá nhân là người Việt Nam không có giấy phép kinh doanh đá quý nhưng được Nhà nước thừa nhận quyền lợi hợp pháp về đá quý đều được phép mua bán tại Trung tâm.
Điều kiện tham gia mua bán đá quý và mọi hoạt động của Trung tâm được quy định trong quy chế về trung tâm mua bán đá quý.
2. Các cuộc bán đấu giá đá quý quốc tế được tổ chức tại các Trung tâm mua bán đá quý của Ngân hàng Nhà nước.
Các Tổ chức và cá nhân là người Việt Nam có đá quý với chất lượng tốt có thể bán thông qua hình thức đấu giá đá quý quốc tế. Các tổ chức, cá nhân trong nước có giấy phép kinh doanh đá quý và các tổ chức, cá nhân người nước ngoài có thể tham gia đấu giá (mua) đá quý.
Điều kiện tham gia đấu giá đá quý quốc tế và mọi quy định cụ thể được hướng dẫn trong quy chế đấu giá đá quý quốc tế.
V. XỬ PHẠT VÀ KHEN THƯỞNG
(Điều 24, 26, 27)
1. Căn cứ vào pháp luật hiện hành, các tổ chức và cá nhân kinh doanh đá quý vi phạm các điều khoản tại chương IV của "Quy chế quản lý các hoạt động điều tra địa chất, khai thác mỏ, chế tác và buôn bán đá quý" của Chính phủ và Thông tư này, tuỳ theo mức độ vi phạm nặng, nhẹ sẽ bị xử lý theo các hình thức: có thể bị phạt tiền, tịch thu tang vật, thu hồi giấy phép kinh doanh đá quý hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự (đối với cá nhân).
Những trường hợp thu hồi giấy phép kinh doanh được công bố trên đài, báo địa phương.
2. Thẩm quyền xử phạt và trích thưởng:
Tuỳ theo tính chất và mức độ vi phạm, việc xử phạt do các cơ quan Nhà nước và người có thẩm quyền được quy định tại Điều 17, chương III "Pháp lệnh xử phạt hành chính" và chương XV "Bộ luật tố tụng hình sự" thực hiện.
Tổ chức, cá nhân có công trong việc phát hiện, tố giác và ngăn chặn các vụ buôn lậu đá quý được khen thưởng vật chất và tinh thần theo chế độ hiện hành.
VI. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
(Điều 28, 29)
Các tổ chức kinh tế và cá nhân kinh doanh đá quý 3 tháng, 6 tháng, 9 tháng, 1 năm báo cáo tình hình và kết quả kinh doanh cho chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố nơi mình đóng trụ sở.
Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc các tổ chức và cá nhân kinh doanh đá quý trên địa bàn thực hiện đúng các quy định trong Thông tư này. Hàng năm (chậm nhất ngày 15 tháng 01 năm sau) báo cáo tình hình thực hiện cho Ngân hàng Nhà nước (Vụ quản lý Ngoại hối).
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Các văn bản hướng dẫn trước đây (Quy chế số 03-NH. Quy chế quản lý Nhà nước về kinh doanh đá quý ban hành kèm theo Quyết định số 51 ngày 14-3-1992 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước) và các quy định khác trái với nội dung của Thông tư này đều bãi bỏ./.