THÔNG TƯ
Hướng dẫn thực hiện Khoản 3 Điều 6 Quyết định số 270/2005/QĐ-TTg
ngày 31/10/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức huy động, quản lý
và sử dụng nguồn tiền gửi tiết kiệm Bưu điện
Thi hành Khoản 3, Điều 6 Quyết định số 270/2005/QĐ-TTg ngày 31 tháng 10 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức huy động, quản lý và sử dụng nguồn tiền gửi tiết kiệm bưu điện, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sau đây gọi tắt là Ngân hàng Nhà nước) hướng dẫn Tổ chức dịch vụ tiết kiệm bưu điện của Tổng công ty Bưu chính - Viễn thông Việt Nam thực hiện một số nội dung hoạt động ngân hàng như sau:
I. QUY ĐỊNH CHUNG
1. Tổng công ty Bưu chính - Viễn thông Việt Nam được tổ chức dịch vụ tiết kiệm bưu điện nhằm:
a) Huy động nguồn tiền nhàn rỗi của dân cư để bổ sung nguồn vốn cho đầu tư phát triển, nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác theo chủ trương của Chính phủ.
b) Cung ứng một số dịch vụ ngân hàng theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng số 02/1997/QH10 ngày 12/12/1997 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các Tổ chức tín dụng số 20/2004/QH11 ngày 15/06/2004.
2. Ngân hàng Nhà nước thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về tiền tệ và dịch vụ ngân hàng theo quy định của Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam số 01/1997/QH10 ngày 12/12/1997 và Luật sửa đổi, bổ sung Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam số 10/2003/QH11 ngày 17/06/2003 đối với hoạt động của Tổ chức dịch vụ tiết kiệm bưu điện của Tổng công ty Bưu chính - Viễn thông Việt Nam quy định tại Thông tư này.
II. QUY ĐỊNH CỤ THỂ
1. Huy động vốn:
1.1. Tổ chức dịch vụ tiết kiệm bưu điện được huy động vốn của dân cư như sau:
a) Nhận tiền gửi tiết kiệm không kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn theo quy định tại Quy chế về tiền gửi tiết kiệm ban hành theo Quyết định số 1160/2004/QĐ-NHNN ngày 13/09/2004 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước;
b) Phát hành chứng chỉ tiền gửi và giấy tờ có giá khác theo các quy định riêng của Ngân hàng Nhà nước.
1.2. Lãi suất huy động tiết kiệm, phát hành chứng chỉ tiền gửi và giấy tờ có giá khác của Tổ chức dịch vụ tiết kiệm bưu điện phải đảm bảo phù hợp với mặt bằng lãi suất thị trường tại từng thời điểm huy động.
2. Đảm bảo chi trả thường xuyên:
Tổ chức dịch vụ tiết kiệm bưu điện giữ lại tối thiểu 8% tổng nguồn vốn tiết kiệm bưu điện để đảm bảo chi trả thường xuyên cho người gửi tiền khi đến hạn hoặc có nhu cầu rút tiền trước hạn.
3. Bảo quản, vận chuyển tiền mặt, giấy tờ có giá:
Tổ chức dịch vụ tiết kiệm bưu điện thực hiện bảo quản, vận chuyển tiền mặt, giấy tờ có giá, chế độ quản lý kho tiền, phương tiện vận chuyển chuyên dùng theo các quy định hiện hành của Ngân hàng Nhà nước.
4. Tổ chức dịch vụ tiết kiệm bưu điện được cung ứng các dịch vụ sau đây cho khách hàng cá nhân có mở tài khoản tại Tổ chức dịch vụ tiết kiệm bưu điện sau khi được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép:
4.1. Mở tài khoản cá nhân.
4.2. Cung ứng séc rút tiền mặt.
Séc rút tiền mặt chỉ được sử dụng để chủ tài khoản hoặc người được chủ tài khoản uỷ quyền rút tiền mặt. Việc cung ứng, sử dụng, thanh toán séc rút tiền mặt của khách hàng thực hiện theo các quy định tại Quy chế cung ứng và sử dụng séc ban hành kèm theo Quyết định số 30/2006/QĐ-NHNN ngày 11/07/2006 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
4.3. Phát hành, thanh toán thẻ rút tiền mặt, thẻ thanh toán ghi nợ.
Thẻ rút tiền mặt, thẻ thanh toán ghi nợ được chủ tài khoản sử dụng để rút tiền mặt, thanh toán tiền hàng hoá, dịch vụ trong phạm vi số dư trên tài khoản của chủ thẻ mở tại Tổ chức dịch vụ tiết kiệm bưu điện. Việc phát hành, sử dụng, thanh toán thẻ rút tiền mặt, thẻ thanh toán ghi nợ thực hiện theo các quy định tại Quy chế phát hành, sử dụng và thanh toán thẻ ngân hàng ban hành theo Quyết định số 371/1999/QĐ-NHNN1 ngày 19/10/1999 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
4.4. Thực hiện dịch vụ thu hộ, chi hộ theo quy định tại Quy chế hoạt động thanh toán qua các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán ban hành theo Quyết định số 226/2002/QĐ-NHNN ngày 26/03/2002 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
4.5. Điều kiện để được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép cung ứng dịch vụ nêu tại các điểm 4.1, 4.2 và 4.4 Khoản 4 Mục II Thông tư này thực hiện theo quy định tại Khoản 4 Điều 2 Quy chế hoạt động thanh toán qua các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán ban hành theo Quyết định số 226/2002/QĐ-NHNN ngày 26/03/2002 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
4.6. Hồ sơ xin cấp giấy phép cung ứng các dịch vụ nêu tại các điểm 4.1, 4.2 và 4.4 Khoản 4 Mục II Thông tư này gồm:
a) Đơn xin cấp giấy phép cung ứng dịch vụ thanh toán;
b) Điều lệ của Tổ chức dịch vụ tiết kiệm bưu điện;
c) Quyết định hoặc giấy phép thành lập, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh ngành nghề hiện tại;
d) Danh sách, lý lịch Tổng giám đốc (Giám đốc), các thành viên Ban kiểm soát;
đ) Bản cân đối báo cáo tài chính 3 năm gần nhất;
e) Phương án hoạt động thanh toán theo quy định tại điểm b khoản 4 Điều 2 Quy chế hoạt động thanh toán qua các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán ban hành theo Quyết định số 226/2002/QĐ-NHNN ngày 26/03/2002 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước;
g) Các tài liệu khác có liên quan theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước.
4.7. Thời hạn cấp giấy phép cung ứng dịch vụ thanh toán:
a) Trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ xin cấp giấy phép, Ngân hàng Nhà nước cấp hoặc từ chối cấp giấy phép cung ứng dịch vụ thanh toán cho Tổ chức dịch vụ tiết kiệm bưu điện. Trong trường hợp từ chối, Ngân hàng Nhà nước có văn bản nêu rõ lý do.
b) Trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày được cấp giấy phép, Tổ chức dịch vụ tiết kiệm bưu điện phải tiến hành hoạt động cung ứng dịch vụ thanh toán.
4.8. Đăng ký kinh doanh:
Sau khi được cấp giấy phép cung ứng dịch vụ thanh toán, Tổ chức dịch vụ tiết kiệm bưu điện phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật.
4.9. Điều kiện để Tổ chức dịch vụ tiết kiệm bưu điện tiến hành hoạt động cung ứng dịch vụ thanh toán sau khi được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép hoạt động ngân hàng:
a) Có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;
b) Có trụ sở kinh doanh phù hợp với yêu cầu của hoạt động cung ứng dịch vụ thanh toán;
c) Đăng báo trung ương, địa phương theo quy định của pháp luật về những nội dung hoạt động quy định trong giấy phép;
d) Có đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn và nghiệp vụ để quản lý và thực hiện dịch vụ thanh toán đã được cấp giấy phép.
4.10. Tổ chức dịch vụ tiết kiệm bưu điện có thể bị thu hồi giấy phép cung ứng dịch vụ thanh toán khi xảy ra một trong những trường hợp sau đây:
a) Có chứng cứ là trong hồ sơ xin cấp giấy phép có những thông tin sai sự thật;
b) Sau thời hạn quy định tại tiết b điểm 4.7 Khoản 4 Mục II Thông tư này mà không tiến hành hoạt động cung ứng dịch vụ thanh toán;
c) Tự nguyện hoặc bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền buộc phải giải thể;
d) Chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, phá sản;
đ) Hoạt động sai mục đích;
e) Không đủ các điều kiện quy định tại điểm 4.9 Khoản 4 Mục II Thông tư này.
4.11. Sau khi bị thu hồi giấy phép cung ứng dịch vụ thanh toán, Tổ chức dịch vụ tiết kiệm bưu điện phải chấm dứt ngay hoạt động cung ứng dịch vụ thanh toán. Quyết định thu hồi giấy phép cung ứng dịch vụ thanh toán được Ngân hàng Nhà nước công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng.
4.12. Tổ chức dịch vụ tiết kiệm bưu điện sử dụng chứng từ điện tử làm chứng từ kế toán để hạch toán và thanh toán vốn thực hiện theo Quy định về bảo quản, lưu trữ chứng từ điện tử đã sử dụng để hạch toán và thanh toán vốn của các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán ban hành theo Quyết định số 376/2003/QĐ-NHNN ngày 22/04/2003 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
5. Dịch vụ chuyển kiều hối:
Tổ chức dịch vụ tiết kiệm bưu điện được thực hiện dịch vụ nhận và chi trả ngoại tệ trên cơ sở hợp đồng làm đại lý chi trả ngoại tệ ký với các ngân hàng được phép hoặc hợp đồng nguyên tắc thực hiện dịch vụ nhận và chi trả ngoại tệ ký với các công ty chuyển tiền nước ngoài. Điều kiện, thủ tục cấp giấy phép, việc đình chỉ và thu hồi giấy phép làm dịch vụ nhận và chi trả ngoại tệ thực hiện theo quy định tại Thông tư số 02/2000/TT-NHNN7 ngày 24/02/2000 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn thi hành Quyết định số 170/1999/QĐ-TTg ngày 19/08/1999 của Thủ tướng Chính phủ về việc khuyến khích người Việt Nam ở nước ngoài chuyển tiền về nước và Quyết định số 878/2002/QĐ-NHNN ngày 19/08/2002 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về việc sửa đổi, bổ sung một số điểm tại Thông tư số 02/2000/TT-NHNN7 ngày 24/02/2000 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn thi hành Quyết định số 170/1999/QĐ-TTg ngày 19/08/1999 của Thủ tướng Chính phủ về việc khuyến khích người Việt Nam ở nước ngoài chuyển tiền về nước.
6. Chế độ báo cáo:
6.1. Định kỳ hàng tháng, trong thời hạn 15 ngày đầu tiên của tháng, Tổ chức dịch vụ tiết kiệm bưu điện phải báo cáo Ngân hàng Nhà nước về hoạt động huy động tiết kiệm bưu điện, sử dụng nguồn tiền tiết kiệm bưu điện, lãi suất huy động tiết kiệm của tháng trước đó theo các Biểu mẫu số 1, 2 và 3 đính kèm Thông tư này.
6.2. Tổ chức dịch vụ tiết kiệm bưu điện thực hiện chế độ báo cáo về hoạt động cung ứng dịch vụ thanh toán theo quy định về chế độ báo cáo tại Nghị định số 64/2001/NĐ-CP ngày 20/09/2001 của Chính phủ về hoạt động thanh toán qua các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán và Quy chế hoạt động thanh toán qua các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán ban hành theo Quyết định số 226/2002/QĐ-NHNN ngày 26/03/2002 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
6.3. Tổ chức dịch vụ tiết kiệm bưu điện thực hiện chế độ báo cáo về hoạt động chuyển kiều hối theo quy định về chế độ báo cáo tại Thông tư số 02/2000/TT-NHNN7 ngày 24/02/2000 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn thi hành Quyết định số 170/1999/QĐ-TTg ngày 19/08/1999 của Thủ tướng Chính phủ về việc khuyến khích người Việt Nam ở nước ngoài chuyển tiền về nước và Quyết định số 878/2002/QĐ-NHNN ngày 19/08/2002 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về việc sửa đổi, bổ sung một số điểm tại Thông tư số 02/2000/TT-NHNN7 ngày 24/02/2000 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn thi hành Quyết định số 170/1999/QĐ-TTg ngày 19/08/1999 của Thủ tướng Chính phủ về việc khuyến khích người Việt Nam ở nước ngoài chuyển tiền về nước.
6.4. Tổ chức dịch vụ tiết kiệm bưu điện phải thực hiện việc báo cáo và cung cấp thông tin cho các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo các quy định tại Nghị định số 74/2005/NĐ-CP ngày 07/06/2005 của Chính phủ về phòng, chống rửa tiền và các quy định khác có liên quan của Ngân hàng Nhà nước.
6.5. Ngoài các báo cáo quy định tại điểm 6.1, 6.2, 6.3 và 6.4 Khoản 6 Mục II Thông tư này, Tổ chức dịch vụ tiết kiệm bưu điện phải báo cáo Ngân hàng Nhà nước trong các trường hợp sau đây:
a) Có diễn biến không bình thường về tình hình rút tiền của người gửi tiền tiết kiệm bưu điện;
b) Theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước.
7. Thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm:
7.1. Thanh tra Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm giám sát, kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật của Tổ chức dịch vụ tiết kiệm bưu điện đối với các hoạt động cung ứng dịch vụ ngân hàng quy định tại Thông tư này.
7.2. Tổ chức dịch vụ tiết kiệm bưu điện vi phạm các quy định tại Thông tư này và các quy định pháp luật khác có liên quan tuỳ theo tính chất và mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng hoặc bị đình chỉ hoạt động ngân hàng theo quy định của pháp luật.
8. Hỗ trợ đào tạo và bỗi dưỡng về nghiệp vụ:
8.1. Hàng năm, Tổ chức dịch vụ tiết kiệm bưu điện đánh giá chất lượng nhân viên theo từng cấp bậc kết hợp với chiến lược mở rộng hay thu hẹp kinh doanh trong tương lai để xác định nhu cầu đào tạo, xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho nhân viên gửi Ngân hàng Nhà nước (Vụ Tổ chức cán bộ), trong đó ghi rõ: Mục đích của khoá đào tạo, kỹ năng nghiệp vụ cần đạt được sau khi đào tạo, số lượng nhân viên tham gia đào tạo theo từng cấp bậc, thời gian và địa điểm đào tạo.
8.2. Ngân hàng Nhà nước (Vụ Tổ chức cán bộ) căn cứ nhu cầu, kế hoạch bồi dưỡng nghiệp vụ cho nhân viên làm dịch vụ tiết kiệm bưu điện của Tổ chức dịch vụ tiết kiệm bưu điện để xây dựng nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng; chuẩn bị và cung cấp tài liệu, cử cán bộ đào tạo, bồi dưỡng, tổ chức đánh giá kết quả đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ cho nhân viên làm dịch vụ tiết kiệm bưu điện.
8.3. Tổ chức dịch vụ tiết kiệm bưu điện thực hiện việc triệu tập, bố trí nơi ăn ở, học tập cho học viên, quản lý lớp học và thanh toán các khoản chi phí về đào tạo, bồi dưỡng; tham gia đánh giá kết quả đào tạo bồi dưỡng.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo và thay thế Thông tư số 05/1999/TT-NHNN1 ngày 05/11/1999 hướng dẫn thực hiện Khoản 2 Điều 5 Quyết định số 215/1998/QĐ-TTg ngày 04/11/1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức huy động, quản lý và sử dụng nguồn vốn tiết kiệm bưu điện.
2. Tổ chức dịch vụ tiết kiệm bưu điện không phải xin cấp lại giấy phép đối với các dịch vụ thanh toán đã được Ngân hàng Nhà nước cho phép tại Quyết định số 120/QĐ-NHNN ngày 13/02/2003 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về việc cho phép Tổng Công ty Bưu chính - Viễn thông Việt Nam thực hiện dịch vụ thanh toán.
3. Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Tổng công ty Bưu chính - Viễn thông Việt Nam, Tổng giám đốc (Giám đốc) Tổ chức dịch vụ tiết kiệm bưu điện có trách nhiệm thực hiện Thông tư này.
4. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, Tổng công ty Bưu chính - Viễn thông Việt Nam, Tổ chức dịch vụ tiết kiệm bưu điện phản ánh về Ngân hàng Nhà nước (Vụ Các Ngân hàng và tổ chức tín dụng phi ngân hàng) để xem xét, bổ sung, sửa đổi kịp thời./.