Văn bản pháp luật: Thông tư 06/BXD-CSXD

Ngô Xuân Lộc
Toàn quốc
Công báo điện tử;
Thông tư 06/BXD-CSXD
Thông tư
10/10/1997
25/09/1997

Tóm tắt nội dung

Hướng dẫn một số vấn đề về quản lý xây dựng trong việc thực hiện "Quy chế đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng-kinh doanh-chuyển giao (B.O.T) áp dụng cho đầu tư trong nước" ban hành kèm theo Nghị định 77/CP ngày 18/6/97 của Chính phủ

Bộ trưởng
1.997
Bộ Xây dựng

Toàn văn

Thông tư

THÔNG TƯ

Hướng dẫn một số vấn đề về quản lý xây dựng trong việc thực hiện

"Quy chế đầu tư theo hình thức hợp đồng Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao (B.O.T)

áp dụng cho đầu từ trong nước" ban hành kèm theo Nghị định 77/CP ngày 18/6/1997 của Chính phủ

 

Căn cứ Nghị định số 77/CP ngày 18/6/1997 của Chính phủ ban hành "Quy chế đầu tư theo hình thực hợp đồng Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao (B.O.T) áp dụng cho đầu tư trong nước";

Căn cứ Nghị định số 42/CP ngày 16/7/1996 của Chính phủ ban hành Điều lệ quản lý đầu tư và xây dựng và Nghị định số 92/CP ngày 23/8/1997 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Điều lệ quản lý đầu tư và xây dựng ban hành kèm theo Nghị định số 42/CP ngày 16/7/1996 của Chính phủ;

Căn cứ Nghị định số 15/CP ngày 4/3/1994 của Chính phủ qui định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng;

Bộ Xây dựng hướng dẫn thực hiện "Quy chế đầu tư theo hình thức hợp đồng B.O.T áp dụng cho đầu tư trong nước" đối với một số vấn đề sau:

 

Lập và thẩm định phần xây dựng trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (NCTKT) và báo cáo nghiên cứu khả thi (NCKT) thuộc dự án B.O. T.

Thẩm định thiết kế kỹ thuật và tổng dự toán công trình.

Quản lý chất lượng công trình xây dựng.

 

I. LẬP VÀ THẨM ĐỊNH PHẦN XÂY DỰNG TRONG NCTKT
VÀ NCKT THUỘC DỰ ÁN ĐẦU TƯ THEO HÌNH THỨC HỢP ĐỒNG B.O.T

1. Lập phần xây dựng trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.

Khi lập phần xây dựng của báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ký kết hợp đồng B.O.T phải thực hiện theo qui định tại mục I phụ lục số I của Thông tư số 09 BKH/VPTĐ ngày 21/9/1996 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc "Hướng dẫn về lập, thẩm định dự án đầu tư và quyết định đầu tư".

2. Lập phần xây dựng trong báo cáo nghiên cứu khả thi.

Khi lập phần xây dựng của NCKT, doanh nghiệp B.O.T phải thực hiện theo qui định tại mục II phụ lục số 1 của Thông tư số 09/BKH-VPTĐ ngày 21/9/1996 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc "Hướng dẫn về lập, thẩm định dự án đầu tư và quyết định đầu tư".

3. Khi thẩm định phần xây dựng của dự án, các cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền và cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ký kết hợp đồng B.O.T phải căn cứ vào quy hoạch phát triển vùng hoặc quy hoạch phát triển ngành được cấp có thẩm quyền phê duyệt, chứng chỉ quy hoạch được cấp để lập dự án. Quy chuẩn xây dựng và tiêu chuẩn an toàn công trình của Việt Nam hoặc tiêu chuẩn nước ngoài được Bộ Xây dựng chấp nhận để kết luận.

 

II. THẨM ĐỊNH THIẾT KẾ KỸ THUẬT, TỔNG DỰ TOÁN CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG

1. Tổ chức thẩm định thiết kế kỹ thuật, tổng dự toán.

1.1. Tất cả các dự án đầu tư xây dựng theo hình thức hợp đồng B. O.T thuộc mọi nguồn vốn và thành phần kinh tế đều phải được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ký kết hợp đồng B.O.T thẩm định và phê duyệt thiết kế kỹ thuật trước khi xây dựng.

a) Đối với các dự án đầu tư tương đương nhóm A có vốn góp của Nhà nước từ 30% vốn pháp định trở lên:

Nếu dự án (hoặc gói thầu) được chỉ định thầu, thiết kế kỹ thuật và tổng dự toán (hoặc dự toán) công trình do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ký kết hợp đồng B.O.T phê duyệt sau khi được cơ quan chuyên môn thẩm định về thiết kế kỹ thuật và Bộ Xây dựng thẩm định tổng dự toán.

Nếu dự án (hoặc gói thầu) tổ chức đấu thầu, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ký kết hợp đồng B.O.T phê duyệt thiết kế kỹ thuật, sau khi được cơ quan chuyên môn thẩm định. Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ký kết hợp đồng BOT gửi một bộ hồ sơ thiết kế kỹ thuật đã phê duyệt và văn bản phê duyệt kết quả đấu thầu tới Bộ Xây dựng để theo dõi và kiến nghị xử lý khi cần thiết.

b) Đối với dự án tương đương nhóm A có vốn góp của Nhà nước nhỏ hơn 30% vốn pháp định và các dự án nhóm B, C:

Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ký kết hợp đồng B.O.T phê duyệt thiết kế kỹ thuật sau khi được cơ quan chuyên môn thẩm định.

1.2. Cơ quan chuyên môn thẩm định về thiết kế kỹ thuật là cơ quan chức năng của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ký kết hợp đồng B.O. T phê duyệt thiết kế. Khi tiến hành thẩm định cơ quan này có thể sử dụng các tổ chức tư vấn thiết kế có tư cách pháp nhân để thẩm tra những nội dung cần thiết hoặc toàn bộ hồ sơ thiết kế tuỳ theo yêu cầu của từng công trình, nhưng cơ quan chuyên môn thẩm định thiết kế phải kiểm tra hồ sơ đã được tổ chức tư vấn thiết kế thẩm tra trước khi trình cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ký kết hợp đồng BOT phê duyệt. Các tổ chức tư vấn thiết kế nói trên không thẩm tra tổng dự toán, dự toán công trình do mình thẩm tra thiết kế kỹ thuật.

1.3. Khi thẩm định thiết kế kỹ thuật có liên quan đến các chuyên ngành xây dựng khác, cơ quan thẩm định phải tuân thủ và thực hiện theo đúng Quy chuẩn xây dựng và tiêu chuẩn kỹ thuật ngành đã được phê chuẩn và phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về kết quả thẩm định của mình.

1.4. Doanh nghiệp B.O.T phải trực tiếp nộp cho cơ quan thẩm định thiết kế kỹ thuật 4 bộ hồ sơ (đối với dự án nhóm A) hoặc 3 bộ hồ sơ thiết kế (đối với dự án nhom B, C) theo quy định tại điểm 2 của mục này.

1.5. Hồ sơ thiết kế kỹ thuật đã qua thẩm định phải được đóng dấu của cơ quan thẩm định và được giao lại cho doanh nghiệp BOT một bộ, một bộ lưu ở cơ quan thẩm định, một bộ gửi cho Bộ Xây dựng (đối với dự án nhóm A), một bộ gửi cho UBND tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương, nơi thực hiện dự án đầu tư để kiểm tra, theo dõi và lưu trữ.

1.6. Thời hạn thẩm định thiết kế, tổng dự toán:

Đối với công trình thuộc dự án đầu tư nhóm A không quá 40 ngày, nhóm B không quá 30 ngày, nhóm C không quá 20 ngày.

1.7. Thời gian phê duyệt thiết kế kỹ thuật:

Đối với các công trình thuộc dự án đầu tư nhóm A và B không quá 15 ngày, nhóm C không quá 10 ngày.

Quá thời hạn trên mà thiết kế kỹ thuật của công trình không được phê duyệt, cơ quan xét duyệt phải trả lời cho doanh nghiệp BOT về lý do bằng văn bản nói rõ những yêu cầu sửa đổi và trả lại hồ sơ thiết kế.

Trường hợp phải sửa chữa, bổ sung hoặc lập lại hồ sơ trình duyệt thì thời gian thẩm định, xét duyệt được tính từ khi nhận hồ sơ đã được điều chỉnh, bổ sung.

2. Hồ sơ thiết kế kỹ thuật trình thẩm định:

a) Phần tài liệu viết:

Đơn trình thẩm định thiết kế kỹ thuật được lập theo mẫu tại phụ lục số 1 của thông tư này;

Tóm tắt dự án đầu tư, bản sao văn bản phê duyệt dự án đầu tư;

Các bản sao văn bản thoả thuận của cơ quan quản lý Nhà nước về phòng chống cháy nổ, bảo vệ môi trường;

Hợp đồng về thẩm tra và văn bản kết luận của tổ chức thẩm tra thiết kế (nếu có);

Danh mục các tiêu chuẩn kỹ thuật xây dựng, thiết kế mẫu được sử dụng, bản kê các tiêu chuẩn nước ngoài dùng để thiết kế đã được Bộ Xây dựng chấp nhận, các chương trình phần mềm để thiết kế công trình, danh mục những vẫn đề thiết kế khác với Quy chuẩn xây dựng Việt Nam;

Bản sao hợp pháp giấy chứng nhận về giao đất hoặc hợp đồng thuê đất kèm theo trích lục bản đồ địa chính tỷ lệ 1/200-1/500;

Các văn bản xác định tư cách pháp lý của tổ chức thiết kế:

Các tổ chức tư vấn, thiết kế Việt Nam thiết kế công trình phải có chứng chỉ hành nghề tư vấn, thiết kế, có năng lực ghi trong chứng chỉ hành nghề phù hợp để thực hiện thiết kế công trình.

Các tổ chức thiết kế nước ngoài trúng thấu hoặc được chọn để thiết kế công trình phải có chứng chỉ hành nghề do nước sở tại cấp, có đủ năng lực thiết kế công trình đó và phải đăng ký tại Bộ Xây dựng đối với các công trình dự án nhóm A hoặc Sở xây dựng đối với các công trình dự án nhóm B, C để được cấp giấy phép thầu thiết kế theo quy định.

Thuyết minh tổng hợp thiết kế kỹ thuật, gồm:

Về kiến trúc: giải pháp và các thông số chính về kiến trúc công trình;

Về kết cấu: giải pháp và các thông số về kết cấu chịu lực chính, nền móng, có bản tính kết cấu chính kèm theo;

Về hệ thống công trình kỹ thuật: Các giải pháp và thông số chính về cấp năng lượng, cấp thoát nước, thông gió, chiếu sáng, âm thanh thông tin, tín hiệu, báo cháy, chữa cháy, điều khiển tự động.

Tài liệu khảo sát về địa hình, địa chất công trình, địa chất thuỷ văn, thuỷ văn, khí hậu, môi trường và động đất ở khu vực xây dựng.

b. Phần bản vẽ:

Bản vẽ tổng mặt bằng công trình và bố trí dây chuyển công nghệ; - Các bản vẽ chính về kiến trúc công trình: mặt bằng, mặt cắt, mặt đứng công trình;

Bản vẽ kết cấu chính và nền móng công trình;

Các bản vẽ chính về hệ thống kỹ thuật công nghệ thuộc công trình;

Các bản vẽ chính về hệ thống kỹ thuật hạ tầng thuộc công trình: cấp năng lượng, cấp thoát nước, thông gió, chiếu sáng, thông tin;

Bản vẽ bố trí mặt bằng, các mặt cắt dọc kèm theo các thông số chính của hệ thống kỹ thuật hạ tầng và sơ đồ đấu nối vào các công trình kỹ thuật hạ tầng chung trong và ngoài hàng rào công trình.

3. Nội dung thẩm định thiết kế kỹ thuật:

Tư cách pháp lý của tổ chức thiết kế.

Sự phù hợp của thiết kế kỹ thuật với thiết kế sơ bộ của NCKT đã được chọn khi duyệt dự án và quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, các giải pháp không được vượt quá quy định của chứng chỉ quy hoạch, trường hợp chưa có quy hoạch hoặc có điều chỉnh quy hoạch đã được duyệt thì phải được cơ quan quản lý quy hoạch chấp thuận bằng văn bản;

Sự phù hợp của thiết kế kỹ thuật với Quy chuẩn xây dựng và tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam hoặc tiêu chuẩn xây dựng nước ngoài đã được Bộ Xây dựng chấp nhận;

Đánh giá mức độ bền vững của công trình xây dựng, sự hợp lý về mặt công nghệ của thiết kế kỹ thuật đối với các công trình công nghiệp, an toàn của hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, sự ổn định đối với các công trình lân cận.

4. Báo cáo thẩm định thiết kế, văn bản phê duyệt thiết kế kỹ thuật và quyết định xây dựng theo mẫu phụ lục số 2 và số 3 của Thông tư này.

 

III. QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG

1. Chất lượng xây dựng các công trình được quản lý phù hợp với các quy định của "Điều lệ quản lý chất lượng công trình xây dựng" được ban hành kèm theo Quyết định số 498/BXD-GĐ ngày 18/9/1996 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng.

Doanh nghiệp B.O.T cùng với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ký kết hợp đồng B.O.T thực hiện việc giám sát kỹ thuật và chất lượng công trình, theo dõi, giám sát thi công và nghiệm thu các hạng mục công trình và toàn bộ công trình theo đúng thiết kế đã được phê duyệt và thông báo cho cơ quan quản lý Nhà nước về chất lượng công trình xây dụng như phân cấp tại điểm 2 của mục này để chứng kiến hoặc kiểm tra khi cần thiết.

2. Phân cấp quản lý Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng:

Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng thuộc Bộ Xây dựng giúp Bộ trưởng Bộ Xây dựng thống nhất quản lý Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng và trực tiếp thực hiện giám định chất lượng công trình thuộc dự án nhóm A.

Sở Xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giúp Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố thực hiện thống nhất quản lý Nhà nước về chất lượng các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh, thành phố và trực tiếp thực hiện giám định chất lượng các công trình thuộc dự án nhóm B, C.

Khi doanh nghiệp B.O.T nghiệm thu hoàn thành toàn bộ công trình đưa vào sử dụng, cơ quan quản lý Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng nói trên phải kiểm tra việc chấp hành các quy định về nghiệm thu và được quyền yêu cầu doanh nghiệp B.O.T khắc phục những sai phạm khi bị phát hiện.

3. Trong thời hạn chậm nhất là 3 tháng sau khi nghiệm thu công trình xây dựng hoàn thành, doanh nghiệp B.O.T phải hoàn tất 2 bộ hồ sơ hoàn công công trình, trong đó doanh nghiệp B.O.T giữ 1 bộ, và 1 bộ gửi cho cơ quan lưu trữ theo quy định về lưu trữ tài liệu của Nhà nước.

 

IV. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký;

2. Những quy định khác về quản lý đầu tư và xây liên quan đến đầu tư theo hình thức hợp đồng B.O.T áp dụng cho đầu tư trong nước không quy định trong Thông tư này được thực hiện theo pháp luật hiện hành;

3. Các Bộ, cơ quan nganh Bộ và cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ký kết hợp đồng B.O.T trong phạm vi chức năng và quyền hạn của mình có trách nhiệm hướng dẫn và thực hiện Thông tư này.

4. Trong quá trình thực hiện có vướng mắc hoặc chưa rõ, đề nghị các cơ quan có liên quan phản ánh kịp thời về Bộ Xây dựng để xử lý và điều chỉnh cho phù hợp./.


Nguồn: vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=8280&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận