Kính gửi: Uỷ ban hành chính các khu, thành phố, tỉnh
Điều 4 Nghị định số 220-CP ngày 28-12-1961 của Hội đồng Chính phủ quy định ở các khu, thành phố, tỉnh có đội phòng cháy và chữa cháy chuyên nghiệp. Thông tư này hướng dẫn các địa phương trong việc thành lập đội phòng cháy và chữa cháy chuyên nghiệp khu, thành phố, tỉnh.
Đội phòng cháy chữa cháy chuyên nghiệp khu, thành phố, tỉnh là đơn vị chiến đấu và công tác đặt dưới sự lãnh đạo toàn diện và trực tiếp của Uỷ ban hành chính đồng cấp.
Về mặt kỹ thuật và nghiệp vụ, đội phòng cháy và chữa cháy chuyên nghiệp khu, thành phố, tỉnh chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Cục phòng cháy và chữa cháy thuộc Bộ Nội vụ.
Nhiệm vụ, quyền hạn của các đội này đã được quy định trong điều 6 của Nghị định số 220-CP nói trên. Trong khi thi hành nhiệm vụ của mình, đội trưởng đội phòng cháy và chữa cháy chuyên nghiệp khu, thành phố, tỉnh được sử dụng quyền hạn của Sở trưởng, Ty trưởng phòng cháy và chữa cháy nói trong Pháp lệnh, và được dùng con dấu riêng.
Tổ chức và biên chế của đội phòng cháy và chữa cháy chuyên nghiệp khu, thành phố, tỉnh quy định như sau:
- Một đội trưởng phụ trách chung.
- Có thể có một hay nhiều đội phó giúp đội trưởng chỉ huy đội và có thể được phân công phụ trách từng phần công tác hay từng khu vực.
- Một số cán bộ kiểm tra giúp đội trưởng hướng dẫn, kiểm tra đôn đốc các cơ sở kinh tế, văn hóa và khu đông dân cư. Số cán bộ kiểm tra quy định từ 2 đến 5 cho các khu, tỉnh. Riêng đối với các thành phố lớn có thể nhiều hơn.
- Đội chữa cháy chuyên nghiệp (cho những nơi có xe chữa cháy).
Biên chế của đội chữa cháy chuyên nghiệp quy định theo số xe và theo đội hình chiến đấu, có điện thoại viên và quan sát viên giúp việc.
Đội chữa cháy chuyên nghiệp có một xe chiến đấu có két nước thì xe có 2 tiểu đội luân phiên làm việc theo kíp gồm có 2 tiểu đội trưởng, 2 lái xe, 8 chiến sĩ cộng là 12 người. Nhưng nếu là xe bơm thì xe đó có 2 tiểu đội gồm có 2 tiểu đội trưởng, 2 lái xe, 12 chiến sĩ cộng là 16 người. Nếu đội đó có thêm một xe dự trữ thì xe dự trữ không có biên chế. Để tiết kiệm nhân lực, các chiến sĩ thường trực kiêm nhiệm điện thoại viên. Nơi nào có đài quan sát ở ngay tại doanh trại hay gần doanh trại thì thêm 2 chiến sĩ luân phiên làm công tác quan sát. Nhưng nếu đài quan sát ở cách xa doanh trại ba cây số trở lên thì biên chế cho đài quan sát là 4 người.
Để đảm bảo cho sự sẵn sàng chiến đấu của đội chữa cháy chuyên nghiệp, đề phòng các trường hợp đau ốm đi nghỉ phép, đi học, v.v... phải có lực lượng dự trữ không quá 10% tổng số biên chế của đội chữa cháy chuyên nghiệp.
Nếu đội chữa cháy chuyên nghiệp có từ hai xe chiến đấu trở lên thì ngoài số tiểu đội biên chế cho các xe chiến đấu ra, phải có thêm 2 trung đội trưởng và 1 tổ trưởng lái xe. Trung đội trưởng thường trực chỉ huy chiến đấu, tổ trưởng lái xe phụ trách chung các xe, và khi cần thay thế người lái xe của kíp thường trực bị ốm.
Để việc điều động lực lượng và phương tiện chiến đấu khi có cháy được nhanh chóng, bảo đảm công tác phối hợp chiến đấu của các đội chữa cháy có hiệu quả, đội chữa cháy chuyên nghiệp có từ hai xe chiến đấu trở lên, các chiến sĩ phải đi chữa cháy không kiêm nghiệm giữ điện thoại được thì phải có 2 điện thoại viên chuyên môn luân phiên thường trực.
Đối với những thành phố lớn tập trung cơ sở kinh tế, văn hóa và dân cư sống đông đúc, có thể có nhiều đội chữa cháy chuyên nghiệp phụ trách từng khu vực của thành phố như trường hợp của Hà Nội, Hải Phòng, thì đội phó đội phòng cháy và chữa cháy chuyên nghiệp kiêm nhiệm đội trưởng của đội chữa cháy ở khu trung tâm, còn các đội chữa cháy khác có thêm 1 đội trưởng. Trong trường hợp này đội phòng cháy và chữa cháy chuyên nghiệp có thể có bộ phận văn thư quản trị nhỏ, còn nói chung, các đội phòng cháy và chữa cháy chuyên nghiệp không có bộ phân văn thư quản trị.
Để hợp lý hóa tổ chức và chuyên môn hóa công nhân, Hà Nội có tổ chữa máy để sửa chữa xe chung cho các địa phương.
Các Uỷ ban hành chính khu, thành phố, tỉnh căn cứ vào những nguyên tắc chung nói trên, ra quyết định thành lập đội phòng cháy và chữa cháy chuyên nghiệp cho địa phương mình, ấn định con số biên chế cụ thể, và báo cáo cho Bộ biết.
Việc bổ nhiêm đội trưởng và đội phó của đội phòng cháy và chữa cháy chuyên nghiệp khu, thành phố, tỉnh làm theo thủ tục bổ nhiệm sở trưởng, sở phó, ty trưởng, ty phó hiện nay. Uỷ ban hành chính đề nghị Bộ ra quyết nghị bổ nhiệm.
Về chế độ phục vụ, phù hiệu, cấp hiệu của đội phòng cháy và chữa cháy chuyên nghiệp khu, thành phố, tỉnh, Bộ Nội vụ sẽ nghiên cứu quy định và trình Hội đồng Chính phủ duyệt.