Văn bản pháp luật: Thông tư 915/C57-P5

 
Toàn quốc
Sách - Nhà xuất bản Công an nhân dân;
Thông tư 915/C57-P5
Thông tư
10/11/1962
10/11/1962

Tóm tắt nội dung

Về đèn tín hiệu điều khiển giao thông

 
1.962
 

Toàn văn

Thông tư

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG AN SỐ 915/C57-P5
NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 1962 VỀ ĐÈN TÍN HIỆU
ĐIỀU KHIỂN GIAO THÔNG

Đèn tín hiệu điều khiển giao thông đặt ở các ngã ba, ngã tư đường phố đông đúc, phức tạp là dùng để báo hiệu, điều khiển sự đi lại của các loại xe cộ người đi đường, nhằm đảm bảo trật tự giao thông, ngăn ngừa tai nạn, làm cho sự giao lưu trong thành thị được dễ dàng, thuận lợi.

Việc điều khiển giao thông bằng đèn tín hiệu trong các thành thị phải theo đúng những quy tắc sau đây:

 

A. TÍN HIỆU ĐÈN.

Đèn tín hiệu điều khiển giao thông là một hệ thống đèn gồm có ba màu: đèn đỏ, đèn vàng và đèn xanh.

1. Đèn đỏ báo hiệu: Dừng lại!

Khi đèn đỏ bật sáng, thì:

- Xe cộ phải dừng lại trước hàng đanh thứ nhất của ngã tư và có thể rẽ phải nếu trước mặt không bị vướng, nhưng phải báo hiệu rẽ phải;

- Người đi bộ phải dừng lại trên hè phố, không được sang ngang đường.

2. Đèn vàng báo hiệu: Chú ý dừng lại!

Hoặc: Chú ý, chuẩn bị đi!

a) Nếu đèn vàng bật lên sau đèn xanh thì báo hiệu "chú ý, dừng lại", vì tiếp đó đèn đỏ sẽ sáng.

Trong trường hợp này:

- Xe cộ phải dừng lại trước hàng đanh thứ nhất của ngã tư, trừ những xe đã vượt qua hàng đanh thứ nhất khi đèn vàng vừa bật sáng, thì vẫn tiếp tục đi.

- Người đi bộ phải dừng lại trên hè phố, trừ những người đã bước xuống lòng đường khi đèn vàng vừa bật sáng, thì vẫn tiếp tục đi.

b) Nếu đèn vàng bật lên sau đèn đỏ, thì báo hiệu "chú ý, chuẩn bị đi", vì tiếp đó, đèn xanh sẽ sáng.

Trong trường hợp này, xe cộ và người đi bộ đều chuẩn bị để đi qua ngã tư.

3. Đèn xanh báo hiệu: Đi!

Khi đèn xanh bật sáng, thì:

- Xe cộ từ từ đi thẳng qua ngã tư và có thể rẽ phải, rẽ trái hoặc quay đầu lại, nếu trước mặt không bị vướng, nhưng phải báo hiệu rẽ phải, rẽ trái, hoặc quay đầu lại.

- Người đi bộ đi ngang qua đường trong giới hạn của hai hành đanh, tức là trong phần đường dành riêng cho người đi bộ.

4. Đèn vàng nhấp nháy liên tục báo hiệu: Chú ý nguy hiểm, ưu tiên cho xe bên phải.

Khi đèn vàng nhấp nháy liên tục, xe cộ phải giảm tốc độ, báo hiệu bằng còi (ban ngày) hay đèn (ban đêm) trước khi qua ngã ba, ngã tư đó và phải chú ý nhường ưu tiên cho xe bên phải.

Chú ý: Đặc biệt xe chữa cháy đang đi làm nhiệm vụ có quyền ưu tiên qua ngã tư, kể cả khi có tín hiệu đèn đỏ hay đèn vàng, nhưng phải rú còi liên tiếp từ xa và chú ý đề phòng tai nạn. Các xe cộ khác và người đi bộ phải lập tức nhường đường cho xe chữa cháy.

 

B. NGUYÊN TẮC SỬ DỤNG ĐÈN TÍN HIỆU

1. Tuyệt đối không được bật sáng hai màu đèn cùng một lúc cho một chiều đường; khi đèn này tắt thì đèn kia mới được bật lên.

2. Khi thay đổi màu đèn từ đỏ sang xanh hay từ xanh sang đỏ, nhất thiết phải qua màu vàng, nghĩa là màu vàng bật sáng đệm giữa hai màu xanh và đỏ, để cho xe cộ có đủ thì giờ hoặc dừng lại trước hàng đanh thứ nhất hoặc tiếp tục đi nếu đã vượt qua hàng đanh thứ nhất của ngã tư.

3. Khi trên chiều đường A bật đèn đỏ thì lập tức trên chiều đường B (B cắt A) phải bật ngay đèn xanh và ngược lại, nghĩa là phải làm đồng thời hai tín hiệu xanh và đỏ trên hai chiều đường cắt nhau.

Riêng đèn vàng, khi bật lên, phải chiếu sáng đủ bốn mặt tức là tất cả các chiều đường.

4. Tín hiệu đèn điều khiển giao thông áp dụng cho cả xe cộ lẫn người đi bộ.

 

C. NGUYÊN TẮC XÂY DỰNG ĐÈN TÍN HIỆU

1. Đèn tín hiệu điều khiển giao thông hình trụ tròn hoặc hình trụ vuông gồm bốn mặt như nhau (hoặc ba mặt, nếu đèn đặt ở ngã ba), mỗi mặt có ba đèn màu và sắp xếp theo thứ tự: Đèn đỏ ở trên, đèn vàng ở giữa, đèn xanh ở dưới.

2. Các mặt đèn đỏ, vàng, xanh phải làm bằng kính phản chiếu đường kính tối thiểu 0,24m và khi bật đèn lên thì sáng xa 100m.

3. Đèn tín hiệu điều khiển giao thông đặt ở ngã ba, ngã tư đường phố theo cách sau đây:

- Theo đèn tín hiệu ở tâm ngã ba, ngã tư đường phố; chiều cao tính từ mặt đường đến mặt dưới của đèn là 3,50m.

- Hoặc đặt đèn ở các góc của ngã ba, ngã tư đường phố chiều cao của trụ đèn tính từ mặt hè phố đến mặt dưới của đèn là 2,50m trở lên.

Riêng về đèn vàng nhấp nháy liên tục thì có thể bố trí độc lập (không kèm theo tín hiệu đèn xanh, đỏ) ở ngã ba, ngã tư để báo nguy hiểm suốt cả đêm, ngày.

4. Đèn tín hiệu giao thông có thể hoạt động tự động hoặc do cảnh sát giao thông điều khiển.

5. Chòi điều khiển giao thông của cảnh sát giao thông không làm ở dưới lòng đường mà xây dựng trên hè phố và ở nơi quang đãng, có điều kiện quan sát từ xa mọi tình huống trên đường.

 

D. XỬ LÝ NHỮNG TRƯỜNG HỢP VI PHẠM QUY TẮC
TÍN HIỆU ĐÈN ĐIỀU KHIỂN GIAO THÔNG

Điều khiển giao thông bằng tín hiệu đèn là một phương pháp hướng dẫn giao thông của cảnh sát giao thông trong thành thị như đã quy định ở điều 22 mới Nghị định số 44-NĐ ngày 27 tháng 5 năm 1958 của Bộ Giao thông và bưu điện. Vì vậy người nào không tuân theo các tín hiệu điều khiển giao thông thì coi như vi phạm điều 22 mới của nghị định nói trên và sẽ tuỳ trường hợp mà phê bình hay xử phạt theo điều 43 Nghị định số 348-NĐ ngày 3 tháng 12 năm 1955 của Bộ Giao thông và bưu điện.

Để thi hành thông tư này các địa phương phải có kế hoạch tuyên truyền, phổ biến sâu rộng tín hiệu đèn điều khiển giao thông trong nhân dân, làm cho mọi người hiểu rõ và chấp hành đúng; phải nghiên cứu tổ chức việc điều khiển giao thông bằng đèn tín hiệu ở một số ngã tư cần thiết trong thành phố, thị xã lớn (nhưng phải trình Bộ xét duyệt trước khi xây dựng); riêng các Sở Công an Hà Nội, Hải Phòng phải căn cứ thông tư này mà chấn chỉnh lại việc điều khiển giao thông bằng tín hiệu đèn ở địa phương mình cho đúng quy tắc chung.


Nguồn: vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=1317&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận