Văn bản pháp luật: Thông tư 09/2004/TT-BTC

Lê Thị Băng Tâm
Toàn quốc
Công báo điện tử;
Thông tư 09/2004/TT-BTC
Thông tư
06/03/2004
11/02/2004

Tóm tắt nội dung

Hướng dẫn triển khai thực hiện xử lý nợ tồn đọng của hợp tác xã phi nông nghiệp

Thứ trưởng
2.004
Bộ Tài chính

Toàn văn

 

THÔNG TƯ

Hướng dẫn triển khai thực hiện xử lý nợ tồn đọng

của hợp tác xã phi nông nghiệp

 

Thi hành Quyết định số 1197/QĐ-TTg ngày 05/11/2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc xử lý nợ tồn đọng của hợp tác xã phi nông nghiệp, Bộ Tài chính hướng dẫn một số điểm cụ thể như sau:

 

I. QUY ĐỊNH CHUNG

1. Đối tượng được xử lý nợ theo Quyết định số 1197/QĐ-TTg ngày 05/11/2003 của Thủ tướng Chính phủ là các hợp tác xã phi nông nghiệp, bao gồm: hợp tác xã mua bán, hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp, hợp tác xã kinh doanh tổng hợp, hợp tác xã thủy hải sản, hợp tác xã vận tải, hợp tác xã xây dựng và các hợp tác xã không thuộc đối tượng xử lý nợ tồn đọng tại Quyết định số 146/2001/QĐ-TTg ngày 2/10/2001 của Thủ tướng Chính phủ (sau đây gọi tắt là hợp tác xã).

2. Phạm vi xử lý là các khoản nợ phải trả của hợp tác xã đối với ngân hàng thương mại nhà nước, ngân sách nhà nước, doanh nghiệp nhà nước phát sinh từ ngày 31/12/1999 trở về trước, nay hợp tác xã chưa trả được nợ.

3. Việc xoá nợ chỉ được áp dụng đối với các khoản nợ phải trả của hợp tác xã đã giải thể (kể cả trường hợp tự giải thể); hợp tác xã đã chuyển đổi và đăng ký kinh doanh theo Nghị định số 16/CP ngày 21 tháng 2 năm 1997 của Chính phủ về chuyển đổi, đăng ký hợp tác xã và tổ chức hoạt động của Liên hiệp hợp tác xã nhưng kinh doanh thua lỗ, không có khả năng trả nợ do nguyên nhân khách quan (gọi tắt là hợp tác xã đang hoạt động).

Những hợp tác xã đang hoạt động kinh doanh có lãi hoặc hoà vốn (có khả năng thanh toán) nhưng cố tình dây dưa không trả nợ thì áp dụng các biện pháp cưỡng chế thu hồi nợ theo quy định của pháp luật.

Trường hợp hợp tác xã sử dụng các khoản tiền vay để chi tiêu không đúng quy định gây lãng phí, thất thoát thì xác định rõ trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm tập thể và phải bồi thường vật chất để hoàn trả cho các chủ nợ. Trường hợp không thể quy được trách nhiệm thì cho xoá nợ.

4. Việc xử lý từng khoản nợ phải dứt điểm, chậm nhất đến 30/9/2004.

II. QUY ĐỊNH CỤ THỂ

1. Căn cứ xác định các khoản nợ phải trả của hợp tác xã không có khả năng trả nợ:

1.1-Đối với hợp tác xã đã giải thể (kể cả trường hợp tự giải thể):

Quyết định hoặc thông báo giải thể của cấp quyết định thành lập hợp tác xã. Trường hợp hợp tác xã tự giải thể thì phải có thông báo của hợp tác xã hoặc xác nhận của cơ quan ra quyết định thành lập hợp tác xã.

Các tài liệu chứng minh khi giải thể hợp tác xã chưa thanh toán hết nợ cho chủ nợ: biên bản đối chiếu xác nhận nợ hoặc bản thanh lý hợp đồng mua bán, vay nợ giữa hợp tác xã với chủ nợ ở thời điểm hợp tác xã giải thể. Đối với khoản hợp tác xã nợ thuế và các khoản phải nộp ngân sách nhà nước là hồ sơ theo dõi số nợ thuế phải nộp cho cơ quan thuế.

Báo cáo tài chính của hợp tác xã ở thời điểm giải thể (nếu có).

Căn cứ chứng minh các khoản hợp tác xã chưa thanh toán hiện nay chủ nợ đang hạch toán là nợ phải thu trên sổ kế toán của chủ nợ.

Trên cơ sở tài liệu đã thu thập được, các chủ nợ kiểm tra, đối chiếu thực hiện việc xoá nợ cho hợp tác xã.

1.2-Đối với hợp tác xã đã chuyển đổi và đăng ký kinh doanh theo Nghị định số 16/CP ngày 21 tháng 2 năm 1997 của Chính phủ về chuyển đổi, đăng ký hợp tác xã và tổ chức hoạt động của Liên hiệp hợp tác xã; kinh doanh bị thua lỗ liên tục từ 3 năm trở lên, có lỗ luỹ kế đến thời điểm 31/12/2002 mà không có khả năng trả nợ do nguyên nhân khách quan thì căn cứ xác định các khoản nợ tồn đọng cần xử lý là:

Báo cáo tài chính của hợp tác xã thời điểm 31/12/2002 đã được đại hội xã viên thông qua có kết quả kinh doanh bị lỗ.

 Biên bản báo cáo thiệt hại tài sản do hoả hoạn, thiên tai, … gây ra có xác nhận của uỷ ban nhân dân quận (huyện).

- Văn bản đề nghị xoá nợ của hợp tác xã gửi cho chủ nợ kèm theo bảng kê (có tài liệu chứng minh) nợ phát sinh từ 31/12/1999 về trước đến nay chưa thanh toán cho từng chủ nợ: doanh nghiệp nhà nước, ngân sách nhà nước.

Các hợp tác xã gửi tài liệu đề nghị xoá nợ tới từng chủ nợ. Căn cứ vào tài liệu đề nghị xoá nợ của hợp tác xã, các chủ nợ kiểm tra đối chiếu, thực hiện việc xoá nợ cho hợp tác xã.

1.3- Việc xử lý các khoản nợ phải trả của hợp tác xã đối với ngân hàng thương mại nhà nước: thực hiện theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

 2. Thẩm quyền và tổ chức xử lý nợ:

2.1-Đối với khoản nợ ngân hàng thương mại nhà nước: thực hiện theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

2.2- Đối với khoản nợ thuế và các khoản phải nộp ngân sách nhà nước:

Căn cứ tài liệu về các khoản nợ của hợp tác xã đã giải thể; hồ sơ tài liệu đề nghị xoá nợ của hợp tác xã đang hoạt động nhưng kinh doanh thua lỗ, không có khả năng trả nợ do nguyên nhân khách quan, cơ quan thuế quận, huyện, thị xã kiểm tra, xác định, lập danh sách và hồ sơ đề nghị xoá nợ gửi về Cục Thuế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Cục Thuế có trách nhiệm thẩm định, tổng hợp báo cáo uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xem xét ra quyết định xoá nợ, kết quả được gửi về Sở Tài chính để tổng hợp báo cáo Bộ Tài chính (theo biểu mẫu số 1 kèm theo Thông tư này).

 2.3- Đối với khoản nợ doanh nghiệp nhà nước địa phương:

Căn cứ tài liệu về các khoản nợ của hợp tác xã đã giải thể; hồ sơ tài liệu đề nghị xoá nợ của hợp tác xã đang hoạt động nhưng kinh doanh thua lỗ, không có khả năng trả nợ do nguyên nhân khách quan, doanh nghiệp phải tự kiểm tra, xem xét xoá nợ và báo cáo kết quả xử lý cho Sở Tài chính (theo biểu mẫu số 2 kèm theo Thông tư này).

Doanh nghiệp hạch toán khoản xoá nợ phải thu của hợp tác xã theo quy định tại Thông tư số 85/2002/TT-BTC ngày 26/9/2002 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 69/2002/NĐ-CP ngày 11/7/2002 của Chính phủ về quản lý và xử lý nợ tồn đọng đối với doanh nghiệp nhà nước.

- Trường hợp không có nguồn phải giảm vốn nhà nước thì căn cứ quy định tại Khoản 2 Mục I Phần B Thông tư số 85/2002/TT-BTC ngày 26/9/2002 của Bộ Tài chính, doanh nghiệp có văn bản báo cáo kèm hồ sơ, tài liệu gửi Sở Tài chính. Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Liên minh hợp tác xã tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các Sở, ban, ngành liên quan tổ chức thẩm định và tổng hợp (theo biểu mẫu số 3 kèm theo Thông tư này) trình Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định.

- Trường hợp do xử lý các khoản nợ phải thu của hợp tác xã theo các quy định trên mà doanh nghiệp bị lỗ cần hỗ trợ tài chính để đảm bảo vốn hoạt động thì xử lý theo quy định tại tiết d khoản 2 Điều 5 Nghị định số 69/2002/NĐ-CP ngày 12/7/2002 của Chính phủ và điểm 2.1.4, khoản 2, mục I Thông tư số 85/2002/TT-BTC ngày 26/9/2002 của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý và xử lý nợ tồn đọng đối với doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có văn bản báo cáo kèm hồ sơ, tài liệu gửi về Bộ Tài chính (Cục Tài chính doanh nghiệp) để xem xét, giải quyết.

2.4- Đối với khoản nợ doanh nghiệp nhà nước Trung ương:

Căn cứ tài liệu đã thu thập được về các khoản nợ của hợp tác xã đã giải thể; hồ sơ tài liệu đề nghị xoá nợ của hợp tác xã đang hoạt động nhưng kinh doanh thua lỗ, không có khả năng trả nợ do nguyên nhân khách quan, doanh nghiệp phải tự kiểm tra, xem xét xoá nợ và báo cáo kết quả xử lý (theo biểu mẫu số 2 kèm theo Thông tư này) về Bộ Tài chính (Cục Tài chính doanh nghiệp) và cơ quan trực tiếp quản lý của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp hạch toán khoản xoá nợ phải thu của hợp tác xã theo quy định tại Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 69/2002/NĐ-CP ngày 12/7/2002 của Chính phủ và Thông tư số 85/2002/TT-BTC ngày 26/9/2002 của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý và xử lý nợ tồn đọng đối với doanh nghiệp nhà nước.

Trường hợp không có nguồn phải giảm vốn nhà nước hoặc cần hỗ trợ tài chính để đảm bảo vốn hoạt động thì xử lý theo quy định tại tiết d Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 69/2002/NĐ-CP ngày 12/7/2002 của Chính phủ và điểm 2.1.4, khoản 2, mục I Thông tư số 85/2002/TT-BTC ngày 26/9/2002 của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý và xử lý nợ tồn đọng đối với doanh nghiệp nhà nước. Doanh nghiệp có văn bản báo cáo kèm hồ sơ, tài liệu gửi về Bộ Tài chính (Cục Tài chính doanh nghiệp) để xem xét, giải quyết.

3. Việc hạch toán khoản xoá nợ phải trả của hợp tác xã:

Hợp tác xã đang hoạt động khi được xoá nợ phải trả thì hạch toán khoản nợ được xoá vào thu nhập trong kỳ để bù đắp các khoản lỗ tại thời điểm được xoá nợ.

 4. Tổng hợp báo cáo:

Việc xử lý từng khoản nợ phải dứt điểm và thông báo về khoản xoá nợ cho hợp tác xã và các chủ nợ sau khi có quyết định xoá nợ.

Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở Tài chính tổng hợp báo cáo kết quả xử lý nợ hợp tác xã trên địa bàn theo biểu số 4 kèm theo Thông tư này; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có trách nhiệm tổng hợp kết quả xử lý nợ của các hợp tác xã phi nông nghiệp đối với các ngân hàng thương mại nhà nước theo biểu số 5 kèm theo Thông tư này; Các Bộ, ngành, Tổng công ty nhà nước tổng hợp kết quả xử lý nợ của hợp tác xã đối với các doanh nghiệp trực thuộc theo biểu số 6 kèm theo Thông tư này gửi Bộ Tài chính (Cục Tài chính doanh nghiệp) để tổng hợp trình Chính phủ.

Thời hạn hoàn thành báo cáo kết quả xử lý nợ hợp tác xã gửi về Bộ Tài chính chậm nhất là ngày 30 tháng 9 năm 2004.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo.

Các Bộ, ngành, Tổng Công ty nhà nước; Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các đơn vị trực thuộc khẩn trương triển khai thực hiện theo những nội dung hướng dẫn tại Thông tư này. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc đề nghị phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để nghiên cứu giải quyết./.


Nguồn: vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=19948&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận