Văn bản pháp luật: Thông tư 10/2003/TT-NHNN

Phùng Khắc Kế
Toàn quốc
Công báo số 154/2003;
Thông tư 10/2003/TT-NHNN
Thông tư
Hết hiệu lực toàn bộ
05/10/2003
16/09/2003

Tóm tắt nội dung

Hướng dẫn thi hành Nghị định số 174/1999/NĐ-CP ngày 09/12/1999 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng và Nghị định số 64/2003/NĐ-CP ngày 11/06/2003 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 172/1999/NĐ-CP

Phó Thống đốc
2.003
Ngân hàng Nhà nước

Toàn văn

THÔNG TƯ

Hướng dẫn thi hành Nghị định số 174/1999/NĐ-CP ngày 09/12/1999 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng và Nghị định số 64/2003/NĐ-CP ngày 11/06/2003 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 172/1999/NĐ-CP


Căn cứ Điều 19 Nghị định số 174/1999/NĐ-CP ngày 09/12/1999 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng và Điều 3 Nghị định số 64/2003/NĐ-CP ngày 11/6/2003 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 174/1999/NĐ-CP, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn thi hành như sau:


Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Mục 1. ĐỐI TƯỢNG, PHẠM VI ĐIỀU CHỈNH

1. Đối tượng áp dụng của Thông tư này là các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh vàng.

2. Phạm vi điều chỉnh của Thông tư này là hoạt động kinh doanh vàng bao gồm vàng trang sức, vàng mỹ nghệ, vàng miếng, vàng nguyên liệu; không điều chỉnh hoạt động khai thác và tinh luyện vàng của doanh nghiệp khai thác vàng.

3. Việc kinh doanh vàng tiêu chuẩn quốc tế được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 63/1998/NĐ-CP ngày 17 tháng 8 năm 1998 của Chính phủ Về quản lý ngoại hối và Thông tư số 01/1999/TT-NHNN7 ngày 16/4/1999 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn thi hành Nghị định số 63/1998/NĐ-CP của Chính phủ.

Mục 2. CÁC HOẠT ĐỘNG KINH DOANH VÀNG PHẢI CÓ GIẤY PHÉP CỦA NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC

4. Các hoạt động kinh doanh vàng sau đây phải có giấy phép của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam:

a) Xuất khẩu, nhập khẩu vàng nguyên liệu dưới dạng khối, thỏi, hạt, miếng;

b) Sản xuất vàng miếng;

Mục 3. HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC DOANH NGHIỆP KINH DOANH VÀNG CÓ VỐN ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI

5. Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, gia công vàng trang sức, mỹ nghệ, trong quá trình hoạt động của mình phải tuân thủ các quy định của Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, quy định của giấy phép đầu tư và quy định tại Mục 5 Chương III, Chương IV, Chương V Thông tư này.

Chương II

HOẠT ĐỘNG MUA BÁN, SẢN XUẤT, GIA CÔNG VÀNG

Mục 1. ĐIỀU KIỆN, PHẠM VI HOẠT ĐỘNG CỦA TỔ CHỨC, CÁ NHÂN MUA, BÁN, GIA CÔNG, SẢN XUẤT VÀNG

6. Điều kiện hoạt động

a) Đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật;

b) Có phương tiện đáp ứng yêu cầu hoạt động sản xuất, gia công vàng trang sức, mỹ nghệ; có dụng cụ cân đo vàng được cơ quan quản lý nhà nước về tiêu chuẩn đo lường chất lượng cấp giấy chứng nhận kiểm định;

c) Có nhân viên, thợ có trình độ chuyên môn đáp ứng yêu cầu hoạt động kinh doanh vàng phù hợp với giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

7. Phạm vi hoạt động

a) Mua, bán các loại vàng trang sức, vàng mỹ nghệ, vàng miếng, vàng nguyên liệu;

b) Sản xuất, gia công vàng trang sức, mỹ nghệ.

Mục 2. ĐIỀU KIỆN VÀ PHẠM VI HOẠT ĐỘNG CỦA DOANH NGHIỆP SẢN XUẤT VÀNG MIẾNG

8. Điều kiện hoạt động

Căn cứ vào mục tiêu chính sách tiền tệ trong từng thời kỳ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp giấy phép sản xuất vàng miếng cho các doanh nghiệp có đủ các điều kiện sau:

a) Là doanh nghiệp đã đăng ký kinh doanh hoạt động sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ;

b) Có cơ sở vật chất - kỹ thuật và trang thiết bị đáp ứng yêu cầu sản xuất vàng miếng;

c) Có cán bộ quản lý và thợ có trình độ chuyên môn đáp ứng yêu cầu hoạt động sản xuất vàng miếng.

9. Phạm vi hoạt động

a) Sản xuất vàng miếng.

b) Nhận gia công vàng miếng cho các tổ chức, cá nhân theo khối lượng ghi trong giấy phép sản xuất vàng miếng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp cho doanh nghiệp.

10. Hồ sơ xin cấp giấy phép sản xuất vàng miếng.

Hồ sơ xin cấp giấy phép sản xuất vàng miếng gửi về Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (Vụ Quản lý Ngoại hối) bao gồm:

a) Đơn xin cấp giấy phép sản xuất vàng miếng theo mẫu tại Phụ lục 1;

b) Bản sao có công chứng giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (chỉ nộp lần đầu hoặc khi có thay đổi);

c) Báo cáo tình hình nhà xưởng, máy móc, thiết bị;

d) Báo cáo tình hình cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật và thợ chuyên môn (chỉ nộp lần đầu hoặc khi có thay đổi);

Trong thời gian 10 (mười) ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét cấp giấy phép sản xuất vàng miếng cho doanh nghiệp. Trường hợp từ chối, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có văn bản giải thích rõ lý do.

Chương III

XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU VÀNG

Mục 1. XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU VÀNG TRANG SỨC, MỸ NGHỆ

11. Doanh nghiệp kinh doanh vàng được xuất khẩu, nhập khẩu vàng trang sức, mỹ nghệ (kể cả hàng trang sức, mỹ nghệ mạ vàng) theo giấy chứng nhặn đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp và quy định của Thủ tướng Chính phủ về điều hành xuất khẩu, nhập khẩu; không phải có giấy phép của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Mục 2. XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU VÀNG NGUYÊN LIỆU, VÀNG MIẾNG

12. Căn cứ vào nhu cầu sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ và mục tiêu chính sách tiền tệ trong từng thời kỳ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét cấp giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu vàng nguyên liệu dưới dạng khối, thỏi, hạt, miếng cho doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu vàng.

13. Hồ sơ gửi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (Vụ Quản lý Ngoại hối) bao gồm:

a) Đơn xin xuất khẩu, nhập khẩu vàng theo mẫu tại Phụ lục 2;

b) Bản sao có công chứng giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh vàng (chỉ nộp lần đầu hoặc khi có thay đổi);

c) Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong 6 tháng gần nhất.

Trong thời gian 10 (mười) ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét cấp giấy phép cho doanh nghiệp.

Trường hợp từ chối, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có văn bản giải thích rõ lý do.

14. Doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu vàng được xuất khẩu nhập khẩu vàng nguyên liệu dưới dạng lá, dây, bột, dung dịch, vảy hàn, muối vàng, bán thành phẩm vàng trang sức theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp và quy định của Thủ tướng Chính phủ về điều hành xuất khẩu, nhập khẩu; không phải có giấy phép của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Mục 3. NHẬP KHẨU VÀNG ĐỂ GIA CÔNG CÁC SẢN PHẨM VÀNG TRANG SỨC, MỸ NGHỆ CHO NƯỚC NGOÀI

15. Các tổ chức, cá nhân có đăng ký kinh doanh vàng có hợp đồng gia công với nước ngoài được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho phép nhập khẩu vàng nguyên liệu dưới dạng khối, thỏi, hạt, miếng để gia công tái xuất các sản phẩm vàng cho nước ngoài. Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh, thành phố trên địa bàn xem xét cấp giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu theo mẫu tại Phụ lục 6 cho các đối tượng này.

16. Hồ sơ gửi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh, thành phố nơi tổ chức, cá nhân đặt trụ sở chính gồm:

a) Đơn xin nhập khẩu vàng theo mẫu tại Phụ lục 2;

b) Bản sao có công chứng giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh vàng;

c) Hợp đồng gia công với nước ngoài.

Trong thời gian 10 (mười) ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh, thành phố xem xét cấp giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu cho tổ chức, cá nhân. Trường hợp từ chối Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh, thành phố phải có văn bản giải thích rõ lý do.

Mục 4. XUẤT KHẨU VÀNG NGUYÊN LIỆU CỦA DOANH NGHIỆP KHAI THÁC VÀNG

17. Doanh nghiệp có giấy phép khai thác vàng muốn xuất khẩu vàng nguyên liệu luyện sau khai thác dưới dạng cốm, thỏi, cục gửi hồ sơ đến Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (Vụ Quản lý Ngoại hối) để xem xét việc cấp phép. Hồ sơ gồm có:

a) Đơn xin xuất khẩu vàng theo mẫu tại Phụ lục 2;

b) Bản sao có công chứng Giấy phép khai thác vàng.

Trong thời gian 10 (mười) ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét cấp giấy phép xuất khẩu vàng nguyên liệu cho doanh nghiệp. Trường hợp từ chối, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có văn bản giải thích rõ lý do.

Mục 5. XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU VÀNG CỦA DOANH NGHIỆP KINH DOANH VÀNG CÓ VỐN ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI

18. Căn cứ vào kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp hạn ngạch nhập khẩu vàng nguyên liệu dưới dạng khối, thỏi, hạt, miếng cho doanh nghiệp trong năm kế hoạch. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không phải xin giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu vàng từng chuyến.

19. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được xuất khẩu, nhập khẩu các loại vàng dưới đây không phải có giấy phép của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam:

a) Xuất khẩu, nhập khẩu vàng nguyên liệu dưới dạng lá, dây, bột, dung địch, muối vàng, vẩy hàn, bán thành phẩm vàng trang sức;

b) Xuất khẩu vàng trang sức, mỹ nghệ được sản xuất từ nguồn vàng nguyên liệu nhập khẩu;

c) Tạm nhập, tái xuất vàng trang sức, mỹ nghệ để làm mẫu;

d) Xuất khẩu tạp chất có chứa vàng tận thu trong quá trình sản xuất để thu hồi nguyên liệu vàng.

20. Văn bản cấp hạn ngạch của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là căn cứ để doanh nghiệp làm thủ tục nhập khẩu với cơ quan Hải quan.

21. Chậm nhất ngày 15 tháng 12 của năm trước năm kế hoạch hoặc khi cần điều chỉnh hạn ngạch, doanh nghiệp gửi hồ sơ đến Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (Vụ Quản lý Ngoại hối) xin cấp hạn ngạch hoặc xin điều chỉnh hạn ngạch. Hồ sơ gồm có:

a) Đơn xin cấp hạn ngạch nhập khẩu vàng nguyên liệu theo mẫu tại Phụ lục 3;

b) Báo cáo tình hình thực hiện xuất khẩu, nhập khẩu, tiêu thụ sản phẩm vàng tại thị trường Việt Nam của năm trước năm kế hoạch (tháng 12 ước tính) theo mẫu tại Phụ lục 7.

22. Nếu doanh nghiệp được phép tiêu thụ sản phẩm tại Việt Nam, trước khi mở cửa hàng phải thông báo với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh, thành phố nơi doanh nghiệp đặt cửa hàng về địa điểm bán hàng, ký mã hiệu đóng trên sản phẩm vàng. Việc tiêu thụ sản phẩm tại Việt Nam chỉ được thực hiện theo quy định tại Giấy phép đầu tư.

Mục 6. XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU SẢN PHẨM VÀNG ĐỂ THAM GIA TRIỂN LÃM, HỘI CHỢ

23. Việc xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm vàng để tham gia triển lãm, hội chợ thực hiện theo quy định của pháp luật về khuyến mại, quảng cáo thương mại và hội chợ, triển lãm thương mại và các văn bản pháp luật khác liên quan.

Mục 7. XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU VÀNG PHI MẬU DỊCH

24. Việc xuất khẩu, nhập khẩu vàng trang sức, mỹ nghệ, vàng nguyên liệu, vàng miếng phi mậu dịch thực hiện theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong từng thời kỳ.

Chương IV

TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC TỔ CHỨC,

CÁ NHÂN HOẠT ĐỘNG KINH DOANH VÀNG

25. Hoạt động kinh doanh vàng theo phạm vi quy định tại giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và quy định tại Thông tư này.

26. Thường xuyên bảo đảm các điều kiện theo quy định trong quá trình hoạt động kinh doanh.

27. Niêm yết công khai bản sao giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh vàng, chất lượng, giá mua, giá bán các loại sản phẩm vàng tại nơi giao dịch và chịu trách nhiệm trước pháp luật về sản phẩm bán ra.

28. Thực hiện chế độ kế toán, thống kê theo quy định của pháp luật về kế toán, thống kê.

29. Có phương án bảo đảm an toàn, bảo vệ môi trường và phòng, chống cháy nổ trong hoạt động kinh doanh.

30. Ngoài những quy định tại điểm 25, 26, 27, 28, 29 Thông tư này, tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ có trách nhiệm:

a) Ghi nhãn hàng hoá theo quy định của pháp luật;

b) Gửi văn bản thông báo ký mã hiệu của doanh nghiệp cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh, thành phố nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính để theo dõi;

c) Đóng ký mã hiệu của tổ chức, cá nhân và chất lượng vàng trên sản phẩm do tổ chức, cá nhân sản xuất;

d) Bảo đảm đúng chất lượng vàng đóng trên sản phẩm và chịu trách nhiệm trước pháp luật về sản phẩm do mình sản xuất.

31. Doanh nghiệp sản xuất vàng miếng phải thực hiện đúng quy định tại giấy phép; đăng ký ký mã hiệu và chất lượng sản phẩm với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (qua Vụ Quản lý Ngoại hối) và đóng ký mã hiệu doanh nghiệp, khối lượng, chất lượng, số seri liên tục trên sản phẩm vàng miếng do chính doanh nghiệp sản xuất, gia công.

Chương V

BÁO CÁO, KIỂM TRA VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

Mục 1. CHẾ ĐỘ BÁO CÁO

32. Đối với các tổ chức, cá nhân

a) Hàng quý, năm các tổ chức, cá nhân kinh doanh vàng có sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ, vàng miếng, xuất khẩu, nhập khẩu vàng nguyên liệu, vàng miếng, phải báo cáo tình hình hoạt động kinh doanh vàng theo mẫu tại Phụ lục 4 cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (Vụ Quản lý Ngoại hối) và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh, thành phố nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.

b) Hàng quý, năm các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh mua, bán, gia công vàng phải báo cáo tình hình hoạt động kinh doanh vàng theo mẫu tại Phụ lục 5 cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh, thành phố nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.

c) Hàng quý, năm, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, gia công vàng trang sức, mỹ nghệ phải báo cáo tình hình thực hiện xuất khẩu, nhập khẩu và tiêu thụ sản phẩm tại Việt Nam theo mẫu tại Phụ lục 7 cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (Vụ Quản lý ngoại hối) và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh, thành phố nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.

33. Đối với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh, thành phố

Hàng năm, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh, thành phố tổng hợp báo cáo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (qua Vụ Quản lý Ngoại hối) tình hình quản lý hoạt động kinh doanh vàng theo mẫu tại Phụ lục 8

34. Thời hạn báo cáo

- Đối với báo cáo quý: chậm nhất ngày 10 tháng đầu quý tiếp theo;

- Đối với báo cáo năm: chậm nhất ngày 10 tháng 1 năm sau.

Mục 2. KIỂM TRA, THANH TRA

35. Các tổ chức, cá nhân kinh doanh vàng chịu sự kiểm tra, thanh tra của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc chấp hành các quy định của Nhà nước về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, các quy định của Thông tư này và các quy định pháp luật khác có liên quan.

Mục 3. XỬ LÝ VI PHẠM

36. Các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định tại Nghị định 174/1999/NĐ-CP ngày 9/12/1999 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, Nghị định 64/2003/NĐ-CP ngày 11/6/2003 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 174/1999/NĐ-CP, Thông tư này và các quy định pháp luật khác có liên quan, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Chương VI

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

37 . Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo và thay thế Thông tư số 07/2000/TT-NHNN7 ngày 28/4/2000 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn thi hành Nghị định số 174/1999/NĐ-CP ngày 09/12/1999 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.

38. Chánh Văn phòng, Chánh Thanh tra, Vụ trưởng Vụ Quản lý Ngoại hối, Thủ trưởng các đơn vị liên quan và Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh vàng chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.


Nguồn: vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=17737&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận