Văn bản pháp luật: Thông tư 11/2006/TT-BLĐTBXH

Đàm Hữu Đắc
Toàn quốc
Công báo số 57 & 58 - 09/2006;
Thông tư 11/2006/TT-BLĐTBXH
Thông tư
11/10/2006
12/09/2006

Tóm tắt nội dung

Hướng dẫn xếp hạng các cơ sở quản lý người nghiện ma tuý, người bán dâm và người sau cai nghiện ma tuý

Thứ trưởng
2.006
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

Toàn văn

THÔNG TƯ

Hướng dẫn xếp hạng các cơ sở quản lý người nghiện ma tuý,

người bán dâm và người sau cai nghiện ma tuý

Căn cứ Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang; Nghị định số 135/2004/NĐ-CP ngày 10/6/2004 của Chính phủ quy định về chế độ áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh, tổ chức hoạt động của cơ sở chữa bệnh theo Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính và chế độ áp dụng đối với người chưa thành niên, người tự nguyện vào cơ sở chữa bệnh; Nghị định số 178/2004/NĐ-CP ngày 15/10/2004 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm; Nghị định số 34/CP ngày 01/6/1996 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Pháp lệnh Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) và Quyết định số 181/2005/QĐ-TTg ngày 19/7/2005 của Thủ tướng Chính phủ quy định về phân loại, xếp hạng các tổ chức sự nghiệp, dịch vụ công lập; Thông tư số 02/2005/TT-BNV ngày 05/01/2005 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp chức vụ lãnh đạo đối với cán bộ, công chức, viên chức;

Sau khi có ý kiến của Bộ Nội vụ tại Công văn số 2574/BNV-TCBC ngày 27/6/2006, công văn số 3294/BNV-TCBC ngày 29/8/2006 và Bộ Tài chính tại Công văn số 6977/BTC-HCSN ngày 07/6/2006, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn xếp hạng các cơ sở quản lý người nghiện ma tuý, người bán dâm và người sau cai nghiện ma tuý như sau:

I. PHẠM VI ĐIỀU CHỈNH

1. Các cơ sở quản lý người nghiện ma tuý, người bán dâm và người sau cai nghiện ma tuý thuộc phạm vi áp dụng Thông tư này gồm:

a) Cơ sở chữa bệnh được thành lập theo Điều 26 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002;

b) Cơ sở tổ chức quản lý, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện ma tuý quy định tại Điều 2 Nghị quyết số 16/2003/QH11 ngày 17/6/2003 của Quốc hội về việc thực hiện thí điểm tổ chức quản lý, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện ma tuý ở thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố khác trực thuộc Trung ương.

Các cơ sở được quy định tại Khoản 1 Mục I này bao gồm: các Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động Xã hội; các cơ sở quản lý dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện ma tuý (sau đây gọi tắt là trung tâm).

2. Các cơ sở khác về cai nghiện ma tuý không thuộc phạm vi áp dụng Thông tư này.

II. MỤC ĐÍCH XẾP HẠNG

1. Từng bước tiêu chuẩn hoá tổ chức bộ máy, cán bộ, viên chức, cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật, công nghệ nhằm nâng cao kết quả và hiệu quả hoạt động của các Trung tâm.

2. Xác định mức phụ cấp chức vụ đối với cán bộ, viên chức lãnh đạo nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm đảm bảo quyền và nghĩa vụ của từng chức danh trong quản lý hoạt động của Trung tâm.

3. Từng bước đầu tư nguồn lực cho Trung tâm, phù hợp với từng giai đoạn phát triển trong cơ chế quản lý mới đối với các đơn vị sự nghiệp, dịch vụ công lập.

III. NGUYÊN TẮC XẾP HẠNG

1. Việc xếp hạng Trung tâm gồm bốn nhóm tiêu chí như sau:

a) Quy mô tổ chức, khối lượng công việc và độ phức tạp quản lý

20 điểm

b) Cơ cấu và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ

15 điểm

c) Hạ tầng cơ sở vật chất kỹ thuật và trang thiết bị công nghệ, phương tiện làm việc

25 điểm

d) Kết quả và hiệu quả hoạt động

40 điểm

Tổng số điểm tối đa của bốn nhóm tiêu chí là

100 điểm

2. Hạng của Trung tâm được xác định từ hạng I đến hạng IV. Sau 5 năm (tròn 60 tháng) kể từ ngày được cơ quan có thẩm quyền quyết định xếp hạng thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét lại hạng của Trung tâm.

Trung tâm đạt dưới 40 điểm, phải sắp xếp lại.

3. Sau khi đã xếp hạng, nếu Trung tâm được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định về quy mô hoặc bổ sung chức năng, nhiệm vụ, cơ sở vật chất, trang thiết bị,... làm thay đổi về giá trị và điểm xếp hạng thì sau 2 năm (tròn 24 tháng) kể từ ngày quyết định xếp hạng Trung tâm được xem xét xếp lại hạng.

4. Phụ cấp chức vụ lãnh đạo của cán bộ, viên chức lãnh đạo của Trung tâm xếp theo hạng của Trung tâm được quy định tại Mục V của Thông tư này.

IV. TIÊU CHÍ VÀ BẢNG ĐIỂM XẾP HẠNG

1. Tiêu chí xếp hạng

1.1. Nhóm tiêu chí I về quy mô tổ chức, khối lượng công việc và độ phức tạp quản lý là các tiêu chí định tính được quy định tại Biểu 1a, Phụ lục số 1 ban hành kèm theo Thông tư này gồm:

a) Quản lý đối tượng:

Trung tâm quản lý người nghiện ma tuý hoặc người bán dâm; người nghiện ma tuý và người bán dâm; người nghiện ma tuý, người bán dâm bị nhiễm HIV/AIDS và người sau cai nghiện ma tuý (sau đây gọi chung là đối tượng) tại cơ sở.

b) Tổ chức dạy văn hoá, giáo dục phục hồi hành vi, nhân cách, bao gồm:

- Tổ chức các lớp học văn hoá: theo chương trình giáo dục thường xuyên như các chương trình xoá mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ; bổ túc trung học cơ sở; bổ túc trung học phổ thông.

- Tổ chức các lớp giáo dục phục hồi hành vi, nhân cách: theo chương trình giáo dục chuyên đề; giáo dục nhóm; giáo dục cá biệt và sinh hoạt tập thể cho đối tượng. Tổ chức hoạt động tư vấn cho gia đình và cơ sở, hình thành mạng lưới tư vấn tại Trung tâm hoặc cộng đồng.

- Tổ chức chương trình dạy văn hoá và giáo dục: được sử dụng tổng hợp các liệu pháp y khoa, liệu pháp tâm lý với các biện pháp giáo dục phù hợp với chương trình chữa trị, cai nghiện phục hồi, bảo đảm chương trình dạy văn hoá, giáo dục theo quy định. Trung tâm có bộ phận hoặc cán bộ chuyên trách, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học; nội dung chương trình dạy văn hoá, giáo dục đưa vào kế hoạch, chương trình hàng năm.

- Tổ chức cấp giấy chứng nhận, bằng tốt nghiệp: phối hợp cơ sở giáo dục, tạo điều kiện cho đối tượng học đầy đủ chương trình học văn hoá theo quy định, xét tốt nghiệp trung học cơ sở, dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông để cấp giấy chứng nhận hoặc bằng tốt nghiệp và cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phục hồi hành vi, nhân cách.

c) Tổ chức dạy nghề, tạo việc làm, bao gồm:

- Tổ chức dạy nghề: phối hợp cơ sở dạy nghề hoặc tổ chức lớp theo chương trình dạy nghề ngắn hạn hoặc dài hạn (nếu có) cho đối tượng đủ điều kiện học nghề theo quy định. Trung tâm có bộ phận hoặc cán bộ chuyên trách, địa điểm, trang thiết bị và nội dung dạy nghề đưa vào kế hoạch, chương trình hoạt động hàng năm.

- Dạy nghề gắn với lao động sản xuất: tổ chức dạy nghề gắn với lao động sản xuất, tạo việc làm, đảm bảo công tác dạy nghề thường xuyên, phù hợp với sự lưu chuyển của đối tượng tại trung tâm.

- Hoàn thiện chương trình, tài liệu dạy nghề: tổ chức hoặc phối hợp biên soạn tài liệu giảng dạy lý thuyết, rèn luyện kỹ năng nghề với nội dung, phương pháp phù hợp với chương trình, giáo trình, mục tiêu, nội dung những nghề được tổ chức tại Trung tâm.

- Tổ chức cấp chứng chỉ nghề hoặc bằng nghề: phối hợp với các cơ sở dạy nghề hoặc tổ chức cấp chứng chỉ nghề hoặc bằng tốt nghiệp đào tạo nghề (nếu có) cho các đối tượng đủ điều kiện quy định.

d) Tổ chức lao động trị liệu và lao động sản xuất, bao gồm:

- Tổ chức lao động trị liệu và lao động sản xuất: có bộ phận chuyên trách tổ chức lao động trị liệu phù hợp độ tuổi, sức khoẻ, giới tính, trình độ, nghề nghiệp của từng người; có nhà xưởng, đất đai, trang thiết bị và vốn đầu tư cho lao động sản xuất, dịch vụ.

- Tổ chức liên doanh, liên kết: với các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp (kể cả nước ngoài), tạo nguồn vốn, công nghệ, lao động hoặc thực hiện các chương trình, dự án; tạo nguồn thu, cải thiện đời sống cho cán bộ, viên chức và đối tượng.

- Tổ chức hạch toán kinh tế: trong hoạt động cung ứng dịch vụ và lao động sản xuất; bảo toàn nguồn vốn (kể cả vốn tự có và vốn vay) nâng cao hiệu quả trong hoạt động lao động sản xuất.

- Giới thiệu việc làm: cho đối tượng sau khi kết thúc thời gian chữa trị, cai nghiện, phục hồi sức khoẻ tại Trung tâm.

e) Phối hợp với các cơ quan liên quan, hỗ trợ Trung tâm quản lý đối tượng, bao gồm:

- Cơ quan y tế: phối hợp thường xuyên với cơ sở y tế địa phương về chuyên môn, nghiệp vụ đảm bảo các hoạt động hỗ trợ chữa bệnh, điều trị, cấp cứu, vệ sinh phòng dịch để nâng cao hiệu quả chữa trị, cai nghiện, phục hồi tại Trung tâm.

- Chính quyền địa phương: phối hợp với cơ quan công an, đơn vị bộ đội (nếu có) và chính quyền địa phương, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, phòng cháy, chữa cháy, chống thẩm lậu ma tuý, trốn chạy của đối tượng và các vấn đề khác liên quan.

- Các đoàn thể của địa phương: phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên,... quản lý, giáo dục đối tượng trong Trung tâm và tại cộng đồng.

- Các cơ quan khác: ngoài việc phối hợp với cơ quan, tổ chức đã nêu trên, Trung tâm còn phối hợp với các cơ quan chức năng, tổ chức kinh tế,... thực hiện các đề án bảo vệ môi trường, tạo môi trường học tập, thu hút nhiều dự án hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm,... cho đối tượng.

1.2. Nhóm tiêu chí II về cơ cấu và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ, viên chức là các tiêu chí đảm bảo năng lực quản lý hoạt động Trung tâm được quy định tại Biểu 1b, Phụ lục số 1 ban hành kèm theo Thông tư này gồm:

a) Cán bộ, viên chức lãnh đạo có trình độ trung học, đại học trên tổng số cán bộ lãnh đạo từ Ban giám đốc đến các phòng, đơn vị trong cơ cấu tổ chức bộ máy Trung tâm.

b) Cán bộ, viên chức có trình độ chuyên môn, kỹ thuật phù hợp với công việc đang làm trên tổng số cán bộ, viên chức (trừ cán bộ, viên chức lãnh đạo).

1.3. Nhóm tiêu chí III về hạ tầng cơ sở vật chất kỹ thuật và trang thiết bị công nghệ, phương tiện làm việc là các tiêu chí định lượng, đảm bảo điều kiện thực hiện nhiệm vụ và duy trì hoạt động của Trung tâm được quy định tại Biểu 1c, Phụ lục số 1 ban hành kèm theo Thông tư này gồm:

a) Khả năng tiếp nhận đối tượng theo thiết kế.

b) Cơ sở vật chất đầu tư:

- Diện tích đất quản lý: bao gồm tổng diện tích đất được cơ quan có thẩm quyền giao sử dụng (kể cả diện tích đã sử dụng và chưa sử dụng).

- Diện tích nhà, xưởng: bao gồm diện tích xây dựng có mái che như nhà làm việc; nhà ở cho đối tượng; câu lạc bộ, thư viện; phòng học văn hoá, giáo dục; xưởng sản xuất;... được tính theo diện tích xây dựng (nếu là nhà cao tầng thì tính tổng diện tích các tầng).

- Diện tích các công trình khác: bao gồm các công trình xây dựng không có mái che như sân chơi, bồn hoa, bể nước ngoài trời...

c) Giá trị tài sản cố định hiện có:

- Giá trị tài sản còn lại: tổng giá trị hiện tại của các hạng mục xây dựng cơ bản như nhà, xưởng, hệ thống điện, nước...

- Trang thiết bị văn phòng, phục vụ sinh hoạt: tổng giá trị hiện có về các trang thiết bị văn phòng, dạy văn hoá, giáo dục và phục vụ sinh hoạt.

- Trang thiết bị y tế: tổng giá trị hiện có của các trang thiết bị y tế.

- Trang thiết bị dạy nghề, sản xuất: tổng giá trị hiện có của các trang thiết bị dạy nghề và sản xuất.

1.4. Nhóm tiêu chí IV về hiệu quả sử dụng các nguồn lực, kết quả hoạt động có thu và mức độ đáp ứng nhu cầu phục vụ quản lý nhà nước và cung cấp sản phẩm, dịch vụ công; phát huy vai trò tác dụng thực tế là các tiêu chí đánh giá kết quả và hiệu quả hoạt động trong quá trình quản lý tại Trung tâm được quy định tại Biểu 1d, Phụ lục số 1 ban hành kèm theo Thông tư này gồm:

a) Số lượt đối tượng được tiếp nhận trong một năm: tính cả số đối tượng tự nguyện (nếu có).

b) Tỷ lệ đối tượng thường xuyên tính trên khả năng tiếp nhận: bằng số đối tượng có mặt thường xuyên bình quân trong năm hoặc lấy số đối tượng bình quân có mặt vào thời điểm giữa năm với số có mặt cuối năm chia cho tiêu chí a nhóm tiêu chí III.

c) Đối tượng được chữa trị, phục hồi sức khoẻ: bao gồm số đối tượng được chữa trị, cai nghiện, phục hồi sức khoẻ trong năm.

d) Đối tượng được dạy văn hoá, giáo dục: số đối tượng được dạy văn hoá, giáo dục trong năm, thời gian tối thiểu theo quy định.

đ) Tỷ lệ đối tượng được dạy nghề, lao động sản xuất tính trên số lượt đối tượng tiếp nhận: bằng số đối tượng được dạy nghề, lao động sản xuất chia cho tiêu chí a nhóm tiêu chí IV.

e) Kết quả lao động sản xuất: là tổng doanh thu từ bán sản phẩm, dịch vụ, trừ các khoản chi phí (nguyên vật liệu, nhiên liệu, năng lượng, khấu hao tài sản cố định, vận chuyển, dịch vụ).

g) Số lượt đối tượng tính trên một cán bộ: bằng tiêu chí a nhóm tiêu chí IV chia cho tổng số cán bộ, viên chức của Trung tâm (kể cả biên chế, hợp đồng dài hạn, ngắn hạn, biệt phái).

h) Số tiền đầu tư tính trên một lượt đối tượng: tổng kinh phí cho các hoạt động của Trung tâm trong năm như nâng cấp sửa chữa, tiền sinh hoạt và chữa bệnh cho đối tượng, trả lương cho cán bộ, viên chức, các hoạt động dạy văn hoá, giáo dục, dạy nghề, tuyên truyền hàng năm chia cho chỉ tiêu a nhóm tiêu chí IV.

2. Bảng điểm xếp hạng

Tổng số điểm xếp hạng đạt được của Trung tâm nằm trong giới hạn điểm tối thiểu đến tối đa của từng hạng được quy định từ hạng I đến hạng IV như sau:

Hạng

I

II

III

IV

Tổng số điểm

Trung tâm đạt được

90 đến 100

80 đến dưới 90

65 đến dưới 80

40 đến dưới 65

3. Cách tính điểm và xếp hạng

3.1. Căn cứ mức độ thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhân sự và tài liệu liên quan các giá trị tiêu chí và nhóm tiêu chí quy định tại Phụ lục số 1 ban hành kèm theo Thông tư này, Trung tâm tính điểm đạt được của từng tiêu chí theo Phụ lục số 2 ban hành kèm theo Thông tư này tại thời điểm đánh giá hoặc của năm trước liền kề đề nghị xếp hạng.

3.2. Cách tính điểm các tiêu chí nằm trong giới hạn điểm tối thiểu và tối đa của nhóm tiêu chí III và IV trong bảng điểm xếp hạng Trung tâm, theo công thức sau:

Đtc =

 

Gtc - Gmin

x (Đmax - Đmin)

 

+ Đmin

Gmax - Gmin

Trong đó:

Đtc - điểm tiêu chí mà Trung tâm được tính.

Gtc - giá trị tiêu chí để tính điểm của Trung tâm.

Gmin - giá trị tối thiểu của tiêu chí tính điểm trong bảng điểm xếp hạng.

Gmax - giá trị tối đa của tiêu chí tính điểm trong bảng điểm xếp hạng.

Đmax - điểm tối đa của tiêu chí tính điểm trong bảng điểm xếp hạng.

Đmin - điểm tối thiểu của tiêu chí tính điểm trong bảng điểm xếp hạng.

Ví dụ: Trung tâm A, có khả năng tiếp nhận (sức chứa theo thiết kế) là 300 đối tượng. Khi đó điểm về tiêu chí khả năng tiếp nhận của trung tâm A là:

ĐtcA =

 

300-200

x (5 - 2)

 

+ 2 =

 

100

x 3

 

+ 2= 0,4 + 2 = 2,4 (điểm)

1000-200

800

3.3. Những trường hợp sau đây sẽ được cộng thêm điểm:

- Với những Trung tâm tiếp nhận trên 1000 lượt đối tượng/năm, thì phần được cộng thêm điểm sẽ được tính từ lượt đối tượng 1001 trở lên: cứ 500 lượt đối tượng vượt thêm sẽ được cộng 1 điểm.

Ví dụ: Trung tâm A tiếp nhận 2000 lượt đối tượng/năm, khi đó ngoài điểm được tính cho tiêu chí này, Trung tâm A còn được cộng thêm 2 điểm.

- Với những cơ sở tiếp nhận trên 25 lượt đối tượng/1 cán bộ/năm thì phần vượt thêm cứ 10 lượt đối tượng/1 cán bộ/năm sẽ được cộng 1 điểm.

3.4. Những tiêu chí Trung tâm không có hoặc không thực hiện, không tính điểm.

3.5. Đối chiếu tổng số điểm mà Trung tâm đạt được với Bảng điểm xếp hạng quy định tại khoản 2 mục IV trên để xác định hạng của Trung tâm.

V. BẢNG PHỤ CẤP CHỨC VỤ LÃNH ĐẠO

Phụ cấp chức vụ lãnh đạo của Giám đốc, Phó Giám đốc, Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng và các chức vụ tương đương theo từng hạng của Trung tâm được quy định như sau:

TT

Chức danh

Hệ số phụ cấp chức vụ

Hạng I

Hạng II

Hạng III

Hạng IV

1

Giám đốc

0,70

0,60

0,50

0,30

2

Phó Giám đốc

0,50

0,40

0,30

0,20

3

Trưởng phòng và các chức vụ tương đương

0,30

0,25

0,20

0,15

4

Phó trưởng phòng và các chức vụ tương đương

0,25

0,20

0,15

 

VI. THẨM QUYỀN, TRÌNH TỰ, THỦ TỤC XẾP HẠNG TRUNG TÂM

1. Các Trung tâm được quy định tại Mục I và Mục III của Thông tư này, trong quá trình quản lý hoạt động của Trung tâm, kể cả trường hợp chưa đủ 5 năm kể từ ngày có quyết định xếp hạng Trung tâm mà có sự thay đổi lớn như thu hẹp hoặc mở rộng chức năng, nhiệm vụ, quy mô, cơ sở vật chất, trang thiết bị của Trung tâm thì Trung tâm lập hồ sơ đề nghị xếp hạng, hồ sơ gồm:

- Công văn đề nghị xếp hạng của Trung tâm.

- Bảng kết quả tính điểm xếp hạng Trung tâm theo Phụ lục số 2 ban hành kèm theo Thông tư này.

- Hồ sơ tài liệu liên quan chứng minh các giá trị tiêu chí và nhóm tiêu chí có xác nhận của các cơ quan có thẩm quyền.

2. Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp nhận hồ sơ và chủ trì phối hợp với Giám đốc Sở Nội vụ, Sở Tài chính thẩm định các giá trị tiêu chí và nhóm tiêu chí trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh) xem xét quyết định xếp hạng cho các Trung tâm.

Đối với Trung tâm do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là Uỷ ban nhân dân cấp huyện) thành lập thì Trưởng phòng Nội vụ - Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với Trưởng phòng Tài chính thẩm định các giá trị tiêu chí và nhóm tiêu chí trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện xem xét quyết định xếp hạng cho các Trung tâm.

3. Căn cứ quyết định xếp hạng Trung tâm của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội quyết định phụ cấp chức vụ lãnh đạo đối với Giám đốc, Phó Giám đốc Trung tâm; Giám đốc Trung tâm quyết định phụ cấp chức vụ lãnh đạo đối với Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng và các chức vụ tương đương của Trung tâm;

Đối với Trung tâm do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện thành lập thì khi quyết định xếp hạng Trung tâm, đồng thời Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện quyết định phụ cấp chức vụ lãnh đạo đối với Giám đốc, Phó Giám đốc, Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng và các chức vụ tương đương của Trung tâm.

Mức phụ cấp chức vụ lãnh đạo các chức danh nêu tại khoản 3 mục VI này theo Bảng phụ cấp chức vụ lãnh đạo được quy định tại mục V của Thông tư này.

4. Đối với các Trung tâm đã xếp hạng của cơ quan có thẩm quyền, thì Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp Sở Nội vụ, Sở Tài chính hướng dẫn Trung tâm rà soát lại các giá trị chỉ tiêu và nhóm chỉ tiêu xếp hạng của Trung tâm với giá trị tiêu chí và nhóm tiêu chí quy định tại Thông tư này. Trường hợp không có thay đổi lớn về giá trị và điểm xếp hạng thì trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh giữ nguyên hạng đã xếp cho Trung tâm. Trường hợp có thay đổi về giá trị và điểm xếp hạng thì trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định xếp hạng mới phù hợp với bảng điểm xếp hạng Trung tâm; hạng mới của Trung tâm được tính kể từ ngày đủ 5 năm (tròn 60 tháng) đã xếp hạng cũ.

5. Mức phụ cấp chức vụ lãnh đạo Trung tâm quy định tại Thông tư này tính từ thời điểm Trung tâm được quyết định xếp hạng cụ thể tương ứng với mức tiền lương tối thiểu chung quy định của Nhà nước.

VII. TỔ CHỨC THỰC HIỆN.

1. Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ, Sở Tài chính tổ chức hướng dẫn việc tổng hợp, phân tích, đánh giá các tiêu chí xếp hạng Trung tâm theo quy định tại Thông tư này, trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định xếp hạng Trung tâm do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh thành lập và hướng dẫn Uỷ ban nhân dân cấp huyện quyết định xếp hạng Trung tâm do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện thành lập; báo cáo kết quả xếp hạng các Trung tâm trên địa bàn tỉnh, thành phố về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Nội vụ.

2. Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo và thay thế Thông tư số 02/2004/TT-BLĐTBXH ngày 17/02/2004 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn xếp hạng các cơ sở chữa bệnh theo Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.

Trong quá trình thực hiện có gì vướng mắc đề nghị phản ánh về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu, giải quyết./.


Nguồn: vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=15168&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận