THÔNG TƯ
Hướng dẫn một số điều của Nghị định số 113/2004/NĐ-CP ngày 16/04/2004
của Chính phủ quy định xử phạt hành chính về hành vi vi phạm pháp luật lao động
Thi hành Điều 37 Nghị định số 113/2004/NĐ-CP ngày 16 tháng 04 năm 2004 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính về hành vi vi phạm pháp luật lao động;
Bộ Lao động - thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện như sau:
I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
1. Đối tượng và phạm vi điều chỉnh
Thông tư này hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 113/2004/NĐ-CP ngày 16/04/2004 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính về hành vi vi phạm pháp luật lao động (sau đây gọi tắt là "Nghị định số 113/2004/NĐ-CP").
2. Các trường hợp không xử phạt vi phạm hành chính
a) Cá nhân, tổ chức nước ngoài thuộc diện được hưởng quyền miễn trừ xử phạt hành chính theo quy định của pháp lệnh về quyền ưu đãi, miễn trừ dành cho cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự và cơ quan đại diện tổ chức quốc tế tại Việt Nam;
b) Trường hợp hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 6 của Nghị định số 113/2004/NĐ-CP;
c) Vi phạm hành chính có dấu hiệu tội phạm, hồ sơ được chuyển cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có thẩm quyền xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật hình sự.
3. Người có thẩm quyển xử phạt khi xử lý các hành vi vi phạm pháp luật lao động phải căn cứ các hành vi vi phạm hành chính về pháp luật lao động, hình thức và mức phạt cụ thể tại Nghị định số 113/2004/NĐ-CP để quyết định đúng mức phạt; đồng thời hướng dẫn tổ chức, cá nhân bị xử phạt thực hiện quyết định xử phạt đúng quy định.
II. HÀNH VI VI PHẠM HÀNH CHÍNH VỀ PHÁP LUẬT LAO ĐỘNG
1. Vi phạm quy định về việc làm tại điểm d, khoản l; khoản 2; điểm a, khoản 3 Điều 8 của Nghị định số 113/2004/NĐ-CP được áp dụng đối với:
a) Vi phạm một trong những quy định về thủ tục tuyển lao động được quy định tại Nghị định số 39/2003/NĐ-CP ngày 18/04/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về việc làm và Thông tư số 20/2003/TT-BLĐTBXH ngày 22 tháng 09 năm 2003 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;
b) Về mức trợ cấp mất việc làm đối với người lao động: người sử dụng lao động trả trợ cấp mất việc làm thấp hơn mức Quy định tại Điều 17 của Bộ luật Lao động;
c) Việc lập quỹ dự phòng về trợ cấp mất việc làm không đúng quy định tại khoản 3 Điều 17 của Bộ luật Lao động, Nghị định số 39/2003/NĐ-CP ngày 18/04/2003 của Chính phủ, Thông tư số 82/2003/ TT-BTC ngày 14/08/2003 và Thông tư số 07/2004/TT-BTC ngày 09/02/2004 của Bộ Tài chính.
2. Vi phạm quy định về học nghề tại khoản 1, 2 Điều 9 của Nghị định số 113/2004/NĐ-CP được áp đụng đối với:
a) Vi phạm một trong những quy định về việc thành lập, đăng ký, hoạt động, chia tách, sáp nhập, đình chỉ hoạt động và giải thể cơ sở dạy nghề được quy định tại các Điều 4, 5, 6, 7, 8, 9, 15, 16, 17, 19, 24 và 27 của Nghị định số 02/2001/NĐ-CP ngày 09/01/2001 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Bộ luật Lao động và Luật Giáo dục về dạy nghề;
b) Thu học phí học nghề đối với người thuộc đối tượng không phải thu quy định tại các Điều 65, 66 của Nghị định số 28/CP ngày 29 tháng 04 năm 1995 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sỹ và gia đình liệt sỹ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng;
c) Thu học phí cao hơn khung quy định đối với học sinh học nghề được quy định tại điểm 2.1 khoản 2, Điều 3 của Quyết định số 70/1998/QĐ-TTg ngày 31/03/1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc thu và sử dụng học phí ở các cơ sở giáo dục và đào tạo công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.
3. Vi phạm quy định về hợp đồng lao động tại khoản 2 Điều 10 của Nghị định số 113/2004/NĐ-CP được áp dụng trong trường hợp:
Người lao động thực tế đã làm việc với thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên nhưng chưa được người sử dụng lao động giao kết hợp đồng lao động hoặc trong trường hợp người lao động đã hoàn thành liên tục hai hợp đồng lao động xác định thời hạn, sau đó lại tiếp tục làm việc mà người sử dụng lao động không giao kết hợp đồng lao động hay có giao kết nhưng với thời hạn xác định cũng được coi là giao kết hợp đồng không đúng loại.
4. Vi phạm quy định về bảo hiểm xã hội tại Điều 18 và 21 của Nghị định số 113/2004/NĐ-CP được hướng dẫn như sau:
a) Hành vi đóng bảo hiểm xã hội không đầy đủ cho người lao động tham gia bảo hiểm xã hội theo quy định của Điều lệ Bảo hiểm xã hội ban hành kèm theo Nghị định số 12/CP ngày 26/01/1995 của Chính phủ (sau đây gọi tắt là Điều lệ Bảo hiểm xã hội) bao gồm:
- Đóng không đúng mức quy định;
- Đóng không đủ thời gian theo quy định.
b) Hành vi không đóng hoặc không trả tiền bảo hiểm xã hội cho người lao động theo Điều lệ Bảo hiểm xã hội nói trên bao gồm:
- Người sử dụng lao động không đóng bảo hiểm xã hội;
- Người sử dụng lao động đã thu 5% tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của người lao động và không trích 15% so với tổng quỹ tiền lương của những người tham gia bảo hiểm xã hội trong đơn vị để đóng cho cơ quan bảo hiểm xã hội;
- Đóng không đủ số người thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc trong đơn vị;
- Không trả khoản tiền bảo hiểm xã hội theo quy định vào lương cho người lao động không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
c) Hành vi cấp giấy chứng nhận sai cho người lao động là việc xác nhận, lập danh sách không đúng thực tế để người lao động hưởng chế độ trợ cấp ốm đau, điều trị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
d) Hành vi cố tình gây khó khăn hoặc cản trở việc hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội của người lao động bao gồm:
- Chậm lập, hoàn thiện hồ sơ và làm thủ tục giải quyết hoặc ra Quyết định để người lao động hưởng chế độ bảo hiểm xã hội sau 30 ngày, kể từ ngày người lao động đã cung cấp đủ hồ sơ hợp lệ;
- Trì hoãn trả tiền cho người hưởng chế độ bảo hiểm xã hội sau 30 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định chi trả của cơ quan, bảo hiểm xã hội (các chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp);
- Cơ quan Bảo hiểm xã hội kéo dài thời gian xét duyệt hồ sơ giải quyết bảo hiểm xã hội cho người lao động quá 30 ngày kể từ ngày được cung cấp đủ hồ sơ hợp lệ.
đ) Hành vi đóng bảo hiểm xã hội chậm từ 30 ngày trở lên kể từ thời hạn phải đóng theo quy định tại Điều 37 của Điều lệ Bảo hiểm xã hội hoặc quá thời hạn Chính phủ cho phép.
e) Hành vi không lập sổ bảo hiểm xã hội hoặc không trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động bao gồm:
- Người sử dụng lao động không lập hồ sơ làm thủ tục để cơ quan bảo hiểm xã hội cấp sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động sau 90 ngày kể từ khi người lao động vào làm việc và đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội tại doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức;
- Không trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động khi hợp đồng lao động chấm dứt và người lao động rời khỏi đơn vị.
g) Hành vi người lao động, gian lận, giả mạo hồ sơ để hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội bao gồm:
- Kê khai không đúng sự thật hoặc chữa, tẩy xóa những nội dung có liên quan đến việc hưởng bảo hiểm xã hội trong hồ sơ;
- Làm giả các văn bản của các cơ quan có thẩm quyền để đưa vào hồ sơ hưởng bảo hiểm xã hội.
h) Hành vi cấp giấy chứng nhận giám định hoặc xếp hạng thương tật sai của các cơ sở khám chữa bệnh, giám định sức khỏe là việc chứng nhận hoặc xếp hạng thương tật do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người tham gia bảo hiểm xã hội không đúng quy định của Bộ Y tế.
III. THỦ TỤC XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH VỀ PHÁP LUẬT LAO ĐỘNG
Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về pháp luật lao động phải thực hiện đúng thủ tục xử phạt và thi hành quyết định xử phạt hành chính theo Điều 31 của Nghị định số 113/2004/ NĐ-CP và thực hiện theo quy định sau đây:
1. Khi phát hiện vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực quản lý của mình, người có thẩm quyền xử phạt đang thi hành công vụ phải ra quyết định đình chỉ ngay vi phạm theo quy định tại Điều 18 của Nghị định số 134/2003/NĐ-CP ngày 14/11/2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002 (sau đây gọi tắt là Nghị định số 134/2003/NĐ-CP) và kịp thời lập biên bản vi phạm hành chính về pháp luật lao động. Biên bản vi phạm hành chính về pháp luật lao động theo Mẫu biên bản số 01 ban hành kèm theo Nghị định số 134/2003/NĐ-CP đính kèm Thông tư này.
2. Trong trường hợp xử phạt theo thủ tục đơn giản quy định tại Điều 19 của Nghị định số 134/2003/NĐ-CP, người có thẩm quyền không lập biên bản mà thực hiện việc xử phạt tại chỗ. Quyết định xử phạt tại chỗ theo Mẫu số 05 áp dụng cho hình thức xử phạt cảnh cáo và Mẫu quyết định số 06 áp dụng cho hình thức phạt tiền ban hành kèm theo Nghị định số 134/2003/NĐ-CP đính kèm Thông tư này.
3. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày lập biên bản về vi phạm hành chính, đối với vụ vi phạm hành chính có nhiều tình tiết phức tạp thì thời hạn ra quyết định xử phạt là ba mươi ngày. Người có thấm quyền xử phạt ra Quyết định xử phạt vi phạm theo Mẫu Quyết định số 07 ban hành kèm theo Nghị định số 134/2003/NĐ-CP đính kèm Thông tư này.
4. Trường hợp vi phạm vượt quá thẩm quyền xử phạt của người lập biên bản thì trong thời gian 5 ngày, người đó phải gửi biên bản cùng toàn bộ hồ sơ vi phạm đến người có thẩm quyền xử phạt. Khi thực hiện xong Quyết định xử phạt hành chính đối với đối tượng bị xử phạt thì người ra Quyết định xử phạt gửi 01 bản quyết định xử phạt cho người chuyển kiến nghị yêu cầu xử phạt biết. Trong trường hợp người có thẩm quyền xử phạt nhận được yêu cầu xử phạt hành chính mà không thực hiện thì phải thông báo bằng văn bản, trong đó nói rõ lý do cho người chuyển kiến nghị biết.
5. Người có thẩm quyển xử lý vi phạm hành chính quy định tại các Điều 26, 27, 28 của Nghị định số 113/2004/NĐ-CP vắng mặt thì ủy quyền cho cấp phó của mình.
Việc ủy quyền phải bằng văn bản và do chính người ủy quyền ký. Trong giấy ủy quyền phải nêu rõ phạm vi, thời hạn ủy quyền.
6. Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính mà không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt thì bị cưỡng chế thi hành theo quy định tại Điều 66 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002. Quyết định cưỡng chế vi phạm theo Mẫu số 08 ban hành kèm theo Nghị định số 134/2003/NĐ-CP đính kèm Thông tư này.
7. Trong trường hợp quá thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 1 Điều 6 của Nghị định số 113/2004/NĐ-CP, thì không bị xử phạt, nhưng người có thẩm quyền xử phạt có thể quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả. Quyết định áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả do vi phạm hành chính gây ra trong trường hợp không áp dụng xử phạt về vi phạm pháp luật lao động theo Mẫu quyết định số 09 ban hành kèm theo Nghị định số 134/2003/NĐ-CP đính kèm Thông tư này.
IV. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc cần được giải thích hoặc hướng dẫn bổ sung thì phản ánh về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, để trong phạm vi, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình có sự giải thích hoặc hướng dẫn bổ sung kịp thời./.