THÔNG TƯ CỦA BỘ NỘI VỤ
Hướng dẫn việc áp dụng mức lương tối thiểu khi thực hiện khoán biên chế và kinh phí quản lý hành chính; chính sách tinh giảm biên chế; chế độ tài chính áp dụng cho đơn vị sự nghiệp có thu
Thực hiện khoản 1, Điều 4 Nghị đinh số 03/2003/NĐ-CP ngày 15 tháng 01 năm 2003 của Chính phủ về việc điều chỉnh tiền lương, trợ cấp xã hội và đổi mới một bước cơ chế quản lý tiền lương; sau khi có ý kiến của Bộ Tài chính tại Công văn số 2860/TC-CSTC ngày 28 tháng 3 năm 2003, Bộ Nội vụ hướng dẫn áp dụng diều chỉnh lương tối thiểu trong quá trình thực hiện khoán biên chế và kinh phí quản lý hành chính; thực hiện chính sách tinh giản biên chế, chế độ tài chính đối với đơn vị sự nghiệp có thu như sau:
I. Việc áp dụng mức lương tối thiểu đối với các cơ quan hành chính nhà nước thực hiện mở rộng thí điểm khoán biên chế và kinh phí quản lý hành chính theo Quyết định số 192/2001/QĐ-TTg ngày 17 tháng 12 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ.
1. Quỹ tiền lương, tiền công năm của các cơ quan hành chính thực hiện thí điểm khoán biên chế và kinh phí quản lý hành chính trước ngày 01 tháng 01 năm 2003 thực hiện theo quy định tại điểm 7.2.2 mục 7 Phần II Thông tư liên tịch số 17/2002/TTLT-BTC-BTCCBCP ngày 08/02/2002, tính theo mức lương tối thiểu 210.000 đồng/tháng và ổn định trong 3 năm kể từ ngày thực hiện khoán. Từ ngày 01 tháng 01 năm 2003 do Nhà nước quy định mức lương tối thiểu 290.000 đồng/tháng nên ngoài quỹ tiền lương, tiền công nêu tại điểm này còn được bổ sung thêm các khoản sau:
a) Quỹ tiền lương, tiền công bổ sung được tính theo công thức sau:
QTLbs = Lcl x (K2 + K3) x L x 12 tháng.
Trong đó:
- QTLbs: Quỹ tiền lương, tiền công bổ sung.
- Lcl: Mức chênh lệch lương tối thiểu giữa 290.000 đồng/tháng với 210.000 đồng/tháng (80.000 đồng/tháng).
- K2: Hệ số lương cấp bậc bình quân của đơn vị
- Ka: Hệ số phụ cấp lương bình quân của đơn vị
- L: Số biên chế và lao động hợp đồng không xác định thời hạn được sắp xếp lại theo phương án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt (số biên chế và lao động này phải nhỏ hơn hoặc bằng số biên chế được giao khoán).
b) Khoản trích nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, kinh phí công đoàn bổ sung được tính theo công thức sau:
TN = QTLbs x TL %
Trong đó:
- TN là tổng kinh phí được bổ sung để nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, kinh phí công đoàn cho cán bộ, công chức.
- TL% là tỷ lệ % tính theo quỹ lương bổ sung để trích nộp 15% bảo hiểm xã hội, 2% bảo hiểm y tế, 2% kinh phí công đoàn.
Ví dụ: Cơ quan X được giao khoán biên chế và kinh phí quản lý hành chính từ ngày 01 tháng 01 năm 2002 đến ngày 31 tháng 12 năm 2004, chỉ tiêu biên chế được giao khoán 200 người, hệ số lương bình quân cấp bậc 3,4, hệ số phụ cấp lương bình quân 0,2. Năm 2002 đã giảm được 20 người. Vậy quỹ lương bổ sung từ năm 2003 của cơ quan X là:
80.000 đồng/tháng x (3,4 + 0,2) x 180 người x 12 tháng = 622,08 triệu đồng.
- Khoản trích nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, kinh phí công đoàn được bổ sung.
622,08 triệu x 19% = 118,2 triệu đồng.
- Tổng quỹ lương giao khoán và các khoản trích nộp từ năm 2003 là:
210.000 đồng/tháng x (3,4 + 0,2) x 200 người x 12 tháng + 622,08 triệu + 118,2 triệu = 2.554,68 triệu đồng.
2. Các cơ quan hành chính nhà nước, hành chính của Đảng, đoàn thể được cơ quan có thẩm quyền quyết định thực hiện thí điểm khoán từ ngày 01 tháng 01 năm 2003 quỹ tiền lương, tiền công được áp dụng mức lương tối thiểu 290.000 đồng.
3. Nguồn để bổ sung quỹ lương thực hiện theo quy định tại khoản 1, khoản 3, khoản 4, Điều 2 Nghị đinh số 03/2003/NĐ-CP ngày 15/01/2003 của Chính phủ và Thông tư của Bộ Tài chính số 16/2003/TT-BTC ngày 14/3/2003 hướng dẫn nguồn thực hiện điều chỉnh tiền lương, trợ cấp xã hội năm 2003.
II. Việc áp dụng mức lương tối thiểu khi thực hiện chính sách tinh giản biên chế trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp theo Nghị quyết số 16/2000/NQ-CP ngày 18/10/2000 của Chính phủ.
1. Mức lương tối thiểu để tính lương tháng trả trợ cấp thôi việc theo số năm có đóng bảo hiểm xã hội cho những người thôi việc do tinh giản biên chế quy định như sau:
1.1. Mức lương tối thiểu 210.000 đồng/tháng để tính lương tháng trả trợ cấp thôi việc theo số năm có đóng bảo hiểm xã hội từ trước ngày 01 tháng 01 năm 2003.
1.2. Mức lương tối thiểu 290.000 đồng/tháng để tính lương tháng trả trợ cấp thôi việc theo số năm có đóng bảo hiểm xã hội từ ngày 01 tháng 01 năm 2003.
Ví dụ: ông Trần Văn D, thuộc diện tinh giản biên chế có hệ số lương cơ bản là 2,5, hệ số phụ cấp khu vực 0,3 tính đến ngày thôi việc tháng 11 năm 2003 ông có 10 năm 2 tháng đóng bảo hiểm xã hội. Chế độ thôi việc của ông được tính như sau:
- Tiền lương tháng và phụ cấp của ông D hưởng trước ngày 01 tháng 01 năm 2003 để tính trợ cấp thôi việc.
210.000 đồng x (2,5 + 0,3) = 588.000 đồng/tháng.
- Tiền lương tháng và phụ cấp của ông D hưởng từ ngày 01 tháng 01 năm 2003 để tính trợ cấp thôi việc.
290.000 đồng x (2,5 + 0,3) = 812.000 đồng/tháng.
a) Số tiền trợ cấp theo Nghị định số 96/1998/NĐ-CP.
- Trợ cấp tìm việc làm.
812.000 đồng x 3 tháng = 2.436.000 đồng
- Trợ cấp thôi việc.
588.000 đồng x 9 tháng + 812.000 đồng x 1 tháng = 6.104.000 đồng
b) Số tiền trợ cấp thôi việc theo Nghị quyết số 16/2000/NQ-CP là:
588.000 đồng x 9 tháng + 812.000 đồng x 1 tháng = 6.104.000 đồng
Tổng số tiền ông D được nhận khi thôi việc là (a +b)
2.436.000 đồng + 6.104.000 đồng + 6.104.000 đồng = 14.644.000 đồng.
2. Khoản trợ cấp nghỉ hưu trước tuổi; trợ cấp khi được cử sang làm việc ở các cơ sở bán công trợ cấp tìm việc làm; trả lương trong thời gian đi học để tìm việc làm và trợ cấp 6 tháng đối với các trường hợp đi học để chuyển nghề trước khi thôi việc được áp dụng mức lương tối thiểu 290.000 đồng/tháng.
3. Phương pháp tính toán mức tiền lương cấp bậc, phụ cấp theo lương (nếu có) theo quy định tại Thông tư liên tịch số 73/2000/TTLT-BTC-BTCCBCP ngày 28/12/2000 hướng dẫn thực hiện Nghị quyết số 16/2000/NQ-CP về chính sách tinh giản biên chế trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp.
4. Kinh phí tăng thêm do điều chỉnh lương tối thiểu để chi trả các khoản trợ cấp cho việc thực hiện chính sách tinh giản biên chế theo Nghị quyết số 16/2000/NQ-CP của Chính phủ được cấp từ ngân sách nhà nước.
III. Việc áp dụng mức lương tối thiểu để thực hiện chế độ tài chính cho đơn vị sự nghiệp có thu theo Nghị định số 10/2002/NĐ-CP ngày 16/01/2002 của Chính phủ
1. Các đơn vị sự nghiệp có thu được tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính, biên chế, quỹ lương và thu nhập thực hiện theo hướng dẫn tại các Thông tư liên tịch:
Thông tư liên tịch số 20/2003/TTLT-BTC-BVHTT-BNV ngày 24/3/2003 của liên tịch Bộ Tài chính - Bộ Văn hóa - Thông tin - Bộ Nội vụ hướng dẫn chế độ quản lý tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp có thu hoạt động trong lĩnh vực văn hóa - thông tin.
Thông tư liên tịch số 21/2003/TTLT-BTC-BGDĐT-BNV ngày 24/3/2003 của liên tịch Bộ Tài chính - Bộ Giáo dục và Đào tạo - Bộ Nội vụ hướng dẫn chế độ quản lý tài chính đối với các cơ sở giáo dục và đào tạo công lập hoạt động có thu.
Thông tư liên tịch số 22/2003/TTLT-BTC-BKHCN-BNV ngày 24/3/2003 của liên tịch Bộ Tài chính - Bộ Khoa học và Công nghệ - Bộ Nội vụ hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính đối với các tổ chức khoa học và công nghệ công lập hoạt động có thu.
Và Thông tư liên tịch khác hướng dẫn thực hiện Nghị định số 10/2002/NĐ-CP ngày 16/01/2002 của Chính phủ.
2. Đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm toàn bộ chi phí hoạt động thường xuyên được áp dụng mức lương tối thiểu 290.000 đồng/tháng để xác định quỹ tiền lương, tiền công của đơn vị và trả lương cho từng người lao động. Phần chênh lệch mức tiền lương tối thiểu tăng thêm đơn vị tự trang trải từ các nguồn thu sự nghiệp, các khoản tiết kiệm chi và các quỹ của đơn vị theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.
3. Đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm một phần chi phí hoạt động thường xuyên được áp dụng mức lương tối thiểu 290.000 đồng/tháng để xác định quỹ tiền lương, tiền công của đơn vị và trả lương cho người lao động.
a) Đối với đơn vị sự nghiệp đã thực hiện mức lương tối thiểu từ 290.000 đồng/tháng trở lên từ trước ngày 01 tháng 01 năm 2003 thì đơn vị tự bảo đảm trang trải, nhà nước không phải cấp bù phần chênh lệch do điều chỉnh mức lương tối thiểu. Phần chênh lệch mức tiền lương tối thiểu tăng thêm được chi từ các nguồn thu sự nghiệp, các khoản tiết kiệm chi và các quỹ của đơn vị thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.
b) Các đơn vị sự nghiệp tự đảm bảo một phần kinh phí khi thực hiện tiền lương tối thiểu 290.000 đồng/tháng phải sử dụng các nguồn theo Thông tư số 16/2000/TT-BTC ngày 14/3/2003 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện điều chỉnh tiền lương, trợ cấp xã hội năm 2003, nếu thiếu ngân sách nhà nước cấp bù phần chênh lệch quỹ tiền lương tăng thêm.
IV. Tổ chức thực hiện
1. Căn cứ các quy định tại Nghị định số 03/2003/NĐ-CP ngày 15/01/2003 của Chính phủ và các quy định tại Thông tư này, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện.
2. Các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp có trách nhiệm xây dựng phương án thực hiện các quy định về quản lý biên chế, tiền lương để áp dụng mức tiền lương tối thiểu mới đảm bảo công khai, dân chủ theo quy định của pháp luật và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt trước khi thực hiện.
3. Bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thẩm tra phương án và quyết định bằng văn bản theo thẩm quyền để các cơ quan, đơn vị thực hiện; hướng dẫn, kiểm tra và giải quyết các phát sinh vướng mắc trong quá trình thực hiện đối với các cơ quan, đơn vị, cá nhân thuộc phạm vi quản lý của Bộ, ngành, địa phương.
V. Điều khoản thi hành
Thông tư này có hiệu lực thi hành theo hiệu lực thi hành của Nghị định số 03/2003/NĐ-CP ngày 15/01/2003 của Chính phủ.
Tiền lương, tiền công của cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp thuộc đối tượng điều chỉnh của Thông tư này được hưởng từ ngày 01 tháng 01 năm 2003.
Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc đề nghị phản ánh về Bộ Nội vụ để nghiên cứu giải quyết.