CỦA BỘ LAO ĐỘNG SỐ 14/LĐ-TT NGÀY 29 THÁNG 6 NĂM 1982 GIẢI THÍCH VÀ HƯỚNG DẪN THI HÀNH QUYẾT ĐỊNH SỐ 103-HĐBT NGÀY 14-6-1982 CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG VỀ CHẾ ĐỘ THÙ LAO TẠM THỜI ĐỐI VỚI DÂN CÔNG
Căn cứ Quyết định số 103-HĐBT ngày 14-6-1982 của Hội đồng Bộ trưởng về chế độ thù lao tạm thời đối với người đi làm nghĩa vụ dân công trên các công trường Nhà nước.
Sau khi trao đổi với Bộ Tài chính, Bộ Thuỷ lợi, Bộ Lao động giải thích và hướng dẫn một số điểm như sau:
I. MỤC ĐÍCH, Ý NGHĨA BAN HÀNH CHẾ ĐỘ THÙ LAO TẠM THỜI
Trong khi chờ nghiên cứu trình Hội đồng Bộ trưởng ban hành chế độ lao động công ích, việc tổ chức huy động và sử dụng dân công hiện nay vẫn thi hành điều lệ dân công thời chiến, ban hành kèm theo Nghị định số 77-CP ngày 24-6-1966 của Hội đồng Chính phủ, đối với các tỉnh, thành phố miền Bắc và Thông tư số 5-TT/LB ngày 29-6-1978 của liên Bộ Lao động - Thuỷ lợi về huy động nhân lực làm thuỷ lợi ở các tỉnh, thành phố trong Nam. Trong điều kiện nước ta, việc huy động sức lao động của nhân dân dưới hình thức lao động công ích để bảo đảm những khối lượng công việc lớn lao như nhiệm vụ đắp đê, làm thuỷ lợi, làm giao thông, hoặc phục vụ chiến đấu... là cần thiết, cho nên cần tổ chức thực hiện tốt việc huy động và sử dụng lực lượng dân công.
Theo Quyết định số 218-CP ngày 29-5-1981 của Hội đồng Chính phủ về chế độ và phương thức cung cấp hàng hoá năm 1981 và do giá cả thay đổi, đời sống dân công trên công trường có nhiều khó khăn, Hội đồng Bộ trưởng quyết định nâng mức trợ cấp thù lao và bù giá chênh lệch lương thực, thực phẩm... cho dân công, động viên mọi người hăng hái đi là nghĩa vụ; bảo đảm huy động lao động đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và phục vụ chiến đấu.
Trong tình hình kinh tế của ta đang có những khó khăn, việc quy định nâng mức trợ cấp thù lao cho dân công, hàng năm Nhà nước phải chi thêm hàng trăm triệu đồng thể hiện sự quan tâm lớn của Nhà nước đối với đời sống lao động trên các công trường.
Vì vậy
Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố và các ngành sử dụng cần chỉ đạo chặt chẽ việc tổ chức huy động và sử dụng dân công bảo đảm đạt năng suất cao, đưa lại hiệu quả kinh tế thiết thực, tiết kiệm lao động, đồng thời chăm lo đời sống cho người lao động trên công trường. Một khâu rất quan trọng là hướng dẫn, giúp đỡ chính quyền cơ sở và hợp tác xã, tập đoàn sản xuất tổ chức và củng cố các đội dân công chuyên trách, bán chuyên trách có trang bị đủ công cụ đi làm nghĩa vụ thay cho xã viên, tập đoàn viên và nhân dân bảo đảm hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ đối với Nhà nước.
II. MỘT SỐ NỘI DUNG CỤ THỂ
1. Đối tượng thi hành:
Nhân dân và học sinh trong cả nước, đi làm nghĩa vụ dân công trên các công trường thuỷ lợi, giao thông của Nhà nước và phục vụ chiến đấu, đều được hưởng chế độ trợ cấp thù lao tạm thời theo Quyết định số 103-HĐBT ngày 14-6-1982 của Hội đồng Bộ trưởng.
Công nhân, viên chức Nhà nước chỉ đi làm nghĩa vụ dân công từng buổi, từng ngày, ở gần nên không hưởng trợ cấp thù lao.
2. Chế độ cụ thể:
a) Tiền trợ cấp: Những người đi dân công có nghề chuyên môn (mộc, nề, cơ khí...) được sử dụng đúng nghề và bậc thợ thì ngoài việc được hưởng thù lao 5đ/công, còn được trợ cấp thêm mỗi định mức:
Thợ bậc 1 và 2, được trợ cấp thêm 3 đồng.
Thợ bậc 3 trở lên, được cấp thêm 3 đồng.
b) Định mức Nhà nước là định mức do
Ủy ban Xây dựng cơ bản Nhà nước ban hành, thống nhất chung đối với công việc xây dựng cơ bản. Còn định mức của ngành là do từng Bộ, ngành ở Trung ương xây dựng và ban hành, có sự thoả thuận của ủy ban Xây dựng cơ bản Nhà nước về các công việc xây dựng cơ bản của ngành đó. Ví dụ: định mức 670 của ngành thuỷ lợi, ban hành kèm theo Công văn số 3126-TL/LĐTL ngày 15-10-1974 của Bộ Thuỷ lợi.
Các công trường phải căn cứ vào định mức của Nhà nước hoặc của ngành để áp dụng khoán và thanh toán với dân công, không được tự đặt ra định mức riêng.
c) Về lương thực: Đối với đội dân công chuyên trách của hợp tác xã, tập đoàn sản xuất đi làm nghĩa vụ thay cho xã viên, tập đoàn viên nếu thiếu lương thực ăn trong khi đi làm nghĩa vụ, thì hợp tác xã, tập đoàn sản xuất căn cứ vào mức ăn bình quân đối với lao động của đơn vị mình để điều hoà bảo đảm mức ăn 0,700kg lương thực/công cho anh chị em. Trường hợp nơi xảy ra thiên tai, mất mùa, người đi làm nghĩa vụ thiếu lương thực ăn mà hợp tác xã, tập đoàn sản xuất cũng không có khả năng điều hoà được, thì uỷ ban nhân dân xã, phường đề nghị uỷ ban nhân dân huyện, tỉnh xét hỗ trợ. Nếu tỉnh và huyện cũng không có khả năng để giải quyết, thì phải báo cáo và đề nghị trung ương xét hỗ trợ cho địa phương để có thể bán bù một phần lương thực theo giá chỉ đạo cho người đi dân công, với mức nhiều nhất không quá 0,250 kg lương thực 1 công định mức.
Những nơi có công trường tập trung đông dân công, uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố giao trách nhiệm cho các ty lương thực, thương nghiệp tổ chức cửa hàng tại chỗ, bán lương thực, thực phẩm, chất đốt và một số hàng thiếu yếu (chủ yếu là thực phẩm) cho dân công, theo giá chỉ đạo bán lẻ hoặc giá bảo đảm kinh doanh, nhằm bảo đảm sinh hoạt bình thường cho người lao động.
d) Vải: Việc xét giải quyết cấp thêm 2 mét phiếu vải cho đội dân công chuyên trách sẽ do các Sở, Ty thương nghiệp địa phương giải quyết, trên cơ sở kế hoạch dự trù hàng năm của các sở, ty chủ quản, kèm theo kế hoạch sử dụng dân công, được uỷ ban nhân dân tỉnh và thành phố xét duyệt.
e) Các chế độ khác: Trợ cấp đi đường, nghỉ thường lệ, nghỉ chờ việc, ốm đau, tai nạn, bị thương, bị chết v.v... như qui định tại Nghị định số 77-CP ngày 26-4-1966 và Thông tư số 7-TT/LB ngày 24-5-1966 của liên Bộ Lao động - Tài chính - Y tế quy định chi tiết hành Nghị định số 77-CP, vẫn được áp dụng đối với dân công, trên cơ sở chế độ thù lao tạm thời này.
g) Toàn bộ chi phí đối với dân công đều tính vào giá thành công trình, do ngành và đơn vị sử dụng chịu trách nhiệm thanh toán. Nhưng để giảm chi phí và hạ giá thành công trình, các đơn vị quản lý và đơn vị lao động phải phấn đấu sử dụng mọi biện pháp thi công tốt nhất, đạt hiệu quả kinh tế cao. .. đối với các công trình do Nhà nước giao cho Bộ, ngành trung ương quản lý thì Bộ, ngành trình Hội đồng Bộ trưởng xét duyệt dự án; đối với công trình Nhà nước phân cấp cho huyện, tỉnh quản lý thì Bộ, ngành chủ quản chịu trách nhiệm xét duyệt thiết kế kỹ thuật và dự toán đầu tư kinh tế. Mọi công trường Nhà nước đều phải thực hiện theo đúng nguyên tắc, chế độ quản lý của Nhà nước, bảo đảm tiết kiệm và có hiệu quả kinh tế.
III. VỀ CHỈ ĐẠO
Ủ
y ban nhân dân các tỉnh, thành phố cần quản lý chặt số ngày công nghĩa vụ trong địa phương; thực hiện nghĩa vụ dân công tập thể đối với các hợp tác xã, tập đoàn sản xuất, huy động hợp lý đối với các đối tượng khác, bảo đảm kế hoạch của Nhà nước; đặc biệt quan tâm hướng dẫn, chỉ đạo, tổ chức và củng cố tốt các đội dân công chuyên trách; kiểm tra việc quản lý sử dụng dân công, cải tiến và trang bị đủ công cụ để tăng năng suất lao động.
Ủ
y ban nhân dân các tỉnh và thành phố xét duyệt các kế hoạch nhu cầu về dân công của các ngành (kể cả các đơn vị thuộc ngành trung ương), các huyện, quận; lập kế hoạch phân bố chỉ tiêu giao từ đầu năm cho xã, phường, hợp tác xã và các cơ quan, xí nghiệp, trường học...; chú trọng tập trung huy động bảo đảm kế hoạch lao động phục vụ các công trình trọng điểm đê điều, thuỷ lợi, giao thông và phục vụ các lực lượng vũ trang chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu. Với tinh thần tận dụng ngày công nghĩa vụ dân công những nơi còn thừa ngày công, có thể cho sử dụng vào những công việc khác của Nhà nước để giảm bớt chi phí cho ngân sách, ví dụ: Các công việc trồng cây, trồng rừng; xây dựng cơ bản vùng kinh tế mới, công trình lợi ích công cộng của địa phương. Những công việc này đã được Nhà nước cấp kinh phí sử dụng lao động khác, nay được sử dụng dân công ít tốn kém hơn, thì phải thanh, quyết toán giảm bớt kinh phí cho Nhà nước.
Hàng năm, các tỉnh, thành phố phải tổng kết và quyết toán việc sử dụng ngày công nghĩa vụ dân công trong địa phương, báo cáo về Bộ Lao động để tổng hợp báo cáo lên Hội đồng bộ trưởng.
Để thi hành nghiêm chỉnh Quyết định số 103-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng về chế độ thù lao tạm thời đối với dân công, uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố cần tổ chức phổ biến cho các ngành và uỷ ban nhân dân cấp dưới quán triệt tinh thần quyết định của Chính phủ. Trong thực hiện cụ thể, uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố cần giao trách nhiệm cho các ngành lao động, tài chính, thuỷ lợi, nông nghiệp... theo chức năng từng ngành, giúp uỷ ban chỉ đạo và kiểm tra thi hành các chính sách, chế độ Nhà nước đã quy định, kiến nghị uỷ ban kịp thời giải quyết những việc cần thiết để thúc đẩy hoạt động lao động xây dựng và sản xuất.
Trên đây, Bộ Lao động giải thích và hướng dẫn một số điểm để các ngành và địa phương thực hiện quyết định của Hội đồng Bộ trưởng. Trong quá trình thực hiện có điều gì vướng mắc, đề nghị các cấp, các ngành phản ánh về Bộ Lao động nghiên cứu giải quyết.
Thông tư này có giá trị thi hành kể từ ngày ký và thực hiện thống nhất trong cả nước.