Thông tưTHÔNG TƯ
CỦA BỘ NỘI THƯƠNG SỐ 15/NT NGÀY 31-12-1984
HƯỚNG DẪN VỀ CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ VÀ TỔ CHỨC BỘ MÁY
SỞ THƯƠNG NGHIỆP TỈNH, THÀNH PHỐ VÀ ĐẶC KHU.
Để thi hành Nghị định số 152-HĐBT ngày 13-12-1983 của Hội đồng Bộ trưởng về nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy các cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố và đặc khu trực thuộc Trung ương, Bộ Nội thương hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy Sở thương nghiệp các tỉnh, thành phố và đặc khu như sau:
I. CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN CỦA
SỞ THƯƠNG NGHIỆP
Sở thương nghiệp là cơ quan chuyên môn của Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố và đặc khu trực thuộc Trung ương, đồng thời là cơ quan cấp dưới của Bộ Nội thương, vừa có chức năng quản lý hành chính Nhà nước đối với mọi hoạt động thương nghiệp và thị trường địa phương, vừa có chức năng quản lý kinh tế - kỹ thuật đối với các tổ chức thương nghiệp quốc doanh và thương nghiệp hợp tác xã do địa phương quản lý.
Sở thương nghiệp thực hiện hai loại chức năng này theo đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, bảo đảm hoàn thành tốt nhiệm vụ tổ chức lưu thông vật phẩm tiêu dùng (bao gồm việc cung cấp định lượng, phân phối hàng hoá cho các đối tượng theo chính sách và mở rộng kinh doanh thương nghiệp) thu mua nông, lâm, thuỷ, hải sản và những mặt hàng công nghiệp tiêu dùng; quản lý ngành ăn uống công cộng, khách sạn và dịch vụ; tự sản xuất, chế biến và gia công sản xuất một số mặt hàng tiêu dùng cần thiết để phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong tỉnh và xuất khẩu; hoàn thành cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với thương nghiệp tư doanh và tăng cường quản lý thị trường, nhằm phục vụ tốt sản xuất và đời sống của nhân dân ở địa phương, đồng thời làm đầy đủ nghĩa vụ với Trung ương.
Sở thương nghiệp có những nhiệm vụ và quyền hạn cụ thể sau đây:
1. Nghiên cứu xây dựng quy hoạch phát triển ngành thương nghiệp xã hội chủ nghĩa gồm thương nghiệp quốc doanh, thương nghiệp hợp tác xã và tổ chức quản lý thị trường ở địa phương.
2. Xây dựng, tổng hợp và cân đối kế hoạch lưu chuyển hàng hoá ở địa phương và các kế hoạch biện pháp. Căn cứ vào kế hoạch đã được Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố đặc khu và Bộ xét duyệt, phân bổ các chỉ tiêu kế hoạch cho các công ty kinh doanh thuộc ngành; hướng dẫn các công ty xây dựng kế hoạch, bảo đảm thực hiện tốt các chỉ tiêu pháp lệnh về thu mua, điều động sản phẩm (phần điều đi) và bán lẻ tại địa phương.
3. Tổ chức và chỉ đạo thực hiện các chính sách, chế độ, thể lệ thương nghiệp trong phạm vi tỉnh, thành phố, đặc khu; nghiên cứu đề nghị Bộ và Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu bổ sung hoặc sửa đổi những điểm cần thiết.
4. Tổ chức thực hiện chính sách giá, thực hiện mức giá cụ thể của trung ương và địa phương, kiểm tra các tổ chức kinh doanh trực thuộc thực hiện giá chỉ đạo của Nhà nước.
5. Căn cứ vào kế hoạch đã được duyệt và các chính sách, chế độ về thương nghiệp của Nhà nước và sự chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ và Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố và đặc khu, chỉ đạo các đơn vị kinh doanh trực thuộc thực hiện việc thu mua hàng nông sản, thực phẩm, hàng công nghiệp, gia công, tự sản xuất chế biến, tổ chức dự trữ và bán ra, kinh doanh ăn uống công cộng và các hoạt động dịch vụ sinh hoạt.
6. Căn cứ vào đường lối, chính sách về cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với thương nghiệp tư doanh và quản lý thị trường của Đảng, Chính phủ và sự chỉ đạo của Bộ, nghiên cứu đề xuất với Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu những chủ trương và biện pháp cụ thể để thực hiện việc cải tạo và quản lý thị trường tại địa phương, đồng thời chỉ đạo và tổ chức thực hiện các chủ trương và biện pháp đó.
7. Xây dựng quy hoạch và kế hoạch phát triển mạng lưới thương nghiệp xã hội chủ nghĩa, bảo đảm hàng hoá lưu thông thông suốt và hợp lý trên thị trường địa phương.
8. Thực hiện thanh tra, kiểm tra thường xuyên mọi hoạt động của các tổ chức kinh doanh thương nghiệp tại địa phương, giám sát và kiểm tra chất lượng hàng hoá và đo lường theo tiêu chuẩn quy định của Nhà nước.
9. Chịu trách nhiệm trước Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu và trước Bộ, quản lý các đơn vị kinh doanh trực thuộc; chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra các công ty thương nghiệp (đã phân cấp cho Uỷ ban Nhân dân huyện, thị xã và thành phố trực thuộc tỉnh) thực hiện các định mức kinh tế - kỹ thuật và các chế độ quản lý tài sản, tiền vốn, vật tư và lao động do Hội đồng Bộ trưởng, Bộ và Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố ban hành; phân bổ mức chiết khấu và thặng số thương nghiệp cho các công ty đó.
10. Nghiên cứu cải tiến nghiệp vụ kỹ thuật kinh doanh; áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng phục vụ và văn minh thương nghiệp, nâng cao năng suất lao động và hiệu quả công tác.
11. Nghiên cứu và chỉ đạo việc xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật và trang bị kỹ thuật, phương tiện, dụng cụ kinh doanh cho các cơ sở trong ngành.
12. Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công nhân viên về quản lý và nghiệp vụ kỹ thuật kinh doanh thương nghiệp và quản lý các loại cán bộ, công nhân viên theo sự phân cấp quản lý của Hội đồng Bộ trưởng, của Bộ và của Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố và đặc khu.
13. Chỉ đạo, hướng dẫn và tổng kết phong trào thi đua trong ngành và tổ chức việc khen thưởng động viên kịp thời đối với các đơn vị và cá nhân có thành tích.
II. TỔ CHỨC BỘ MÁY CỦA SỞ THƯƠNG NGHIỆP
Sở thương nghiệp do giám đốc điều khiển. Giám đốc chịu trách nhiệm trước Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu và Bộ Nội thương thực hiện các nhiệm vụ ghi ở phần I trên đây.
Các phó giám đốc giúp giám đốc trong việc lãnh đạo chung và được giám đốc phân công chỉ đạo từng phần công tác cụ thể.
Trong phạm vi quyền hạn của mình, trên cơ sở các chính sách, chế độ, thể lệ của Hội đồng Bộ trưởng, của Bộ và Uỷ ban Nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở thương nghiệp được ra các quyết định, chỉ thị và các văn bản khác cho các tổ chức kinh doanh trực thuộc thi hành.
A. CƠ CẤU TỔ CHỨC BỘ MÁY:
Để giúp giám đốc chỉ đạo và tổ chức thực hiện chức năng, nhiệm vụ trên, bộ máy của Sở thương nghiệp có các phòng và văn phòng. Phòng do trưởng phòng, văn phòng do chánh văn phòng điều khiển. Giúp việc trưởng phòng có từ một đến hai phó trưởng phòng, giúp việc chánh văn phòng có từ một đến hai phó văn phòng.
Bộ máy Sở thương nghiệp có các phòng và văn phòng sau đây:
- Phòng kế hoạch - thống kê.
- Phòng nghiệp vụ kinh doanh thương nghiệp.
- Phòng nghiệp vụ kinh doanh ăn uống và dịch vụ.
- Phòng vật giá.
- Phòng tài chính - kế toán.
- Phòng cải tạo và quản lý thị trường.
- Phòng quản lý chất lượng hàng hoá và đo lường.
- Phòng kho vận và xây dựng cơ bản.
- Phòng tổ chức cán bộ, đào tạo, lao động và tiền lương (gọi tắt là phòng tổ chức).
- Phòng thanh tra và bảo vệ.
- Văn phòng sở.
Đối với những địa phương có khối lượng công việc không nhiều thì có thể ghép một số phòng có liên quan vào với nhau như vật giá với nghiệp vụ kinh doanh, quản lý chất lượng hàng hoá và đo lường với cải tạo và quản lý thị trường, nghiệp vụ kinh doanh với kho vận, kế hoạch thống kê với xây dựng cơ bản, v.v...
Ngoài các phòng và văn phòng trên đây, Sở còn có các đơn vị trực thuộc:
- Ban quản lý hợp tác xã mua bán tỉnh.
- Trường dạy nghề thương nghiệp.
- Các công ty kinh doanh, xí nghiệp sản xuất, xây dựng cơ bản và các đơn vị tương đương khác.
d. Biên chế và cán bộ:
Biên chế của các phòng và chung của Sở phải hết sức gọn, nhẹ, nhưng phải bảo đảm hoàn thành được nhiệm vụ với chất lượng cao. Xác định biên chế của Sở phải xuất phát từ những tiêu thức sau đây:
1. Bảo đảm thực hiện được cả nhiệm vụ quản lý hành chính Nhà nước và nhiệm vụ quản lý kinh tế - kỹ thuật thương nghiệp của Sở.
2. Tuỳ theo điều kiện sản xuất, kết cấu dân cư, địa lý và yêu cầu quản lý của mỗi địa phương khác nhau mà biểu hiện thành khối lượng công việc của Sở:
- Về công tác quản lý hành chính kinh tế như số lượng thương nghiệp tư nhân, khối lượng công việc quản lý thị trường và chỉ đạo thực hiện các chính sách, chế độ thương nghiệp ở địa phương.
- Tổng doanh số mua vào, bán ra của ngành thương nghiệp địa phương (bao gồm đơn vị kinh doanh trực thuộc Sở và những đơn vị kinh doanh ở huyện mà Sở thực hiện quyền quản lý theo ngành).
- Tổng số đơn vị kinh doanh do Sở trực tiếp quản lý và những đơn vị Sở quản lý theo ngành.
- Tổng số lao động của các đơn vị kinh doanh ở địa phương.
3. Căn cứ vào đặc điểm hoạt động thương nghiệp của từng vùng khác nhau (miền núi, trung du, đồng bằng, thành phố, khu công nghiệp).
Ngoài 3 tiêu thức chủ yếu trên đây, còn phải chú ý tới điều kiện thực tế về trình độ, năng lực cán bộ và cơ chế quản lý kinh tế của Nhà nước và của ngành. Dựa vào những tiêu thức đó, căn cứ vào tình hình thực tế của ngành hiện nay có thể chia các Sở thương nghiệp trong cả nước thành 4 loại với số lượng biên chế cần có như sau:
Loại thứ nhất gồm phần lớn các tỉnh miền núi và một số tỉnh không lớn khác, Sở thương nghiệp quản lý trực tiếp từ 6 đến 8 đơn vị, quản lý theo ngành từ 10 đến 13 đơn vị, có tổng số lao động từ 2500 đến 3000 người và có tổng doanh số cả mua và bán trên dưới 1 tỷ đồng nhưng đi lại xa, vất vả... thì số biên chế cơ quan Sở cần có từ 50 đến 60 người.
Loại thứ 2 gồm thành phần lớn các tỉnh trung du và đồng bằng. Sở thương nghiệp quản lý trực tiếp từ 9 đến 11 đơn vị, quản lý theo ngành từ 14 đến 17 đơn vị, có tổng số lao động từ 3100 đến 4000 người và có tổng doanh số cả mua và bán từ trên 2 tỷ đến 3 tỷ đồng, thì số biên chế cơ quan Sở cần có từ 60 đến 65 người.
Loại thứ 3 gồm thành phố Hải Phòng và một số tỉnh lớn. Sở thương nghiệp quản lý trực tiếp từ 10 đến 16 đơn vị, quản lý theo ngành từ 15 đến 20 đơn vị, có tổng số lao động từ 4100 đến 7000 người và có tổng doanh số cả mua và bán từ trên 3 tỷ đến 5 tỷ đồng thì số biên chế cơ quan Sở cần có từ 65 đến 75 người.
Loại thứ 4 gồm thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, tất cả các chỉ tiêu trên đây đều nhiều hơn bất cứ tỉnh và thành phố nào trong cả nước thì số biên chế cơ quan Sở thương nghiệp cần có từ 90 đến 100 người.
Về cán bộ, cần bố trí trong phạm vi số biên chế cụ thể hàng năm do Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố quy định, bố trí cán bộ đúng tiêu chuẩn theo các chức vụ viên chức Nhà nước.
III. QUAN HỆ CỦA SỞ THƯƠNG NGHIỆP VỚI CÁC CƠ QUAN CÓ LIÊN QUAN
1. Với Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố và đặc khu trực thuộc Trung ương.
Sở thương nghiệp là một cơ quan chuyên môn của Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố và đặc khu. Uỷ ban Nhân dân thông qua Sở thương nghiệp lãnh đạo và chỉ đạo công tác thương nghiệp, quản lý thị trường và quản lý các tổ chức kinh doanh thương nghiệp địa phương. Sở thương nghiệp phải chấp hành nghiêm chỉnh mọi nghị quyết, chỉ thị và quyết định của Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố và đặc khu trong việc quản lý các mặt công tác đó.
Trường hợp Sở thương nghiệp có những ý kiến không nhất trí với Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố và đặc khu thì một mặt Sở phải chấp hành quyết định của Uỷ ban Nhân dân, mặt khác phải báo cáo và kiến nghị để Uỷ ban Nhân dân xem xét lại, đồng thời báo cáo lên Bộ, Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố và đặc khu giao kế hoạch và xét duyệt hoàn thành kế hoạch ngành nội thương địa phương cho Sở thương nghiệp và quản lý toàn diện cán bộ, công nhân viên ngành, trừ giàm đốc Sở thương nghiệp do Bộ Nội thương bổ nhiệm theo đề nghị của Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố và đặc khu.
2. Với Bộ Nội thương:
Sở thương nghiệp là cơ quan cấp dưới thuộc hệ thống dọc của Bộ Nội thương, chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ về các mặt thuộc phạm vi quản lý của Bộ như Nghị định số 35-CP ngày 9-2-1981 của Hội đồng Chính phủ đã quy định, có nhiệm vụ chấp hành nghiêm chỉnh mọi chủ trương, chính sách, chế độ, thể lệ, các chỉ tiêu kế hoạch và các định mức kinh tế - kỹ thuật về tổ chức quản lý lưu thông hàng hoá, về giá cả, về nghiệp vụ kinh doanh và nghiệp vụ quản lý kinh tế thương nghiệp.
Trường hợp có những điểm không nhất trí giữa địa phương và Bộ về chính sách, chế độ, giá cả, phương thức và tổ chức lưu thông hàng hoá thì phải căn cứ vào sự chỉ đạo của Bộ để thực hiện, đồng thời báo cáo để Bộ nghiên cứu xem xét lại và báo cáo Uỷ ban Nhân dân để Uỷ ban báo cáo lên Bộ và Hội đồng Bộ trưởng xem xét.
3. Với các tổ chức kinh doanh thương nghiệp địa phương:
Sở thương nghiệp quản lý trực tiếp và toàn diện đối với các công ty thương nghiệp trực thuộc. Đối với các công ty đã giao cho Uỷ ban Nhân dân huyện, thị xã trực tiếp quản lý, Sở thương nghiệp có trách nhiệm chỉ đạo theo ngành về các mặt:
- Chỉ đạo, hướng dẫn việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch lưu chuyển hàng hoá, kinh doanh ăn uống, khách sạn và dịch vụ, và các kế hoạch biện pháp.
- Chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện các chính sách, chế độ lưu thông phân phối hàng hoá (gồm các chính sách và phương thức mua, bán, cải tạo và quản lý thị trường...)
- Chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện các định mức kinh tế - kỹ thuật (mạng lưới lao động, vật tư, tiền vốn, phân chia thặng số và chiết khấu thương nghiệp...) và các quy định về nghiệp vụ kỹ thuật kinh doanh.
Hướng dẫn thực hiện các chế độ tài chính, kế toán của Nhà nước và của ngành; hướng dẫn các mặt nghiệp vụ quản lý tiền hàng, thanh quyết toán...
- Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cho cán bộ, công nhân viên.
- Thoả thuận việc bổ nhiệm giám đốc và kế toán trưởng công ty thương nghiệp huyện trước khi Uỷ ban Nhân dân huyện ra quyết định chính thức.
4. Với phòng thương nghiệp huyện, quận, thị xã và thành phố trực thuộc tỉnh:
Trên cơ sở những chính sách, chế độ về lưu thông phân phối hàng hoá của Hội đồng Bộ trưởng và Bộ, dưới sự lãnh đạo của Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố và đặc khu, Sở thương nghiệp có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn các Phòng thương nghiệp thực hiện nhiệm vụ quản lý hành chính Nhà nước về thương nghiệp, cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với thương nghiệp tư doanh và quản lý thị trường ở huyện, quận, thị xã và thành phố trực thuộc tỉnh.
Căn cứ vào thông tư này, các Sở thương nghiệp nghiên cứu và có kế hoạch kiện toàn bộ máy cơ quan Sở, xây dựng điều lệ tổ chức và hoạt động của Sở trình Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố và đặc khu ban hành, nhằm đáp ứng được nhiệm vụ công tác thương nghiệp trong giai đoạn hiện nay và đưa công tác quản lý của Sở thương nghiệp vào nề nếp.
Riêng đối với Sở ăn uống công cộng và phục vụ của thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, trong khi chờ đợi văn bản hướng dẫn riêng của Bộ, có thể vận dụng những nguyên tắc và nội dung trong thông tư này.
Mọi văn bản trước đây quy định trái với Thông tư này đều bãi bỏ.
Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc gì, cần kịp thời báo cáo để Bộ nghiên cứu giải quyết.