Văn bản pháp luật: Thông tư 167/BXD-VKT

 
Toàn quốc
Sách-Nhà Xuất bản chính trị Quốc gia;
Thông tư 167/BXD-VKT
Thông tư
01/07/1990
04/07/1990

Tóm tắt nội dung

Hướng dẫn lập dự toán công trình xây dựng cơ bản

 
1.990
 

Toàn văn

Thông tư

THÔNG TƯ CỦA BỘ XÂY DỰNG

Hướng dẫn lập dự toán công trình xây dựng cơ bản

 

Trong những năm qua việc xác định giá trị dự toán các công trình xây dựng cơ bản có nhiều nhược điểm: thành phần và nội dung các khoản chi phí chưa hợp lý và có những nội dung không còn phù hợp với quy định hiện hành: cách tính toán phức tạp, nhất là trong tình hình giá cả biến động và có nhiều chính sách, chế độ được bổ sung, sửa đổi... hạn chế quyền chủ động của đơn vị cơ sở, đồng thời không đáp ứng đầy đủ, kịp thời yêu cầu quản lý chặt chẽ và tiết kiệm vốn đầu tư của Nhà nước.

Để sử dụng hợp lý và tiết kiệm vốn đầu tư xây dựng cơ bản và từng bước đổi mới công tác định giá và quản lý xây dựng cơ bản, căn cứ kết luận của Thường vụ Hội đồng Bộ trưởng trong phiên họp ngày 23-5-1990 về xử lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản năm 1990; sau khi thống nhất với các cơ quan quản lý tổng hợp của Nhà nước, Bộ Xây dựng hướng dẫn sửa đổi cách lập dự toán các công trình xây dựng cơ bản như sau:

 

I. ĐỐI VỚI GIÁ DỰ TOÁN XÂY LẮP

Từ nay, giá trị dự toán xây lắp các công trình xây dựng cơ bản chỉ bao gồm các chi phí trực tiếp, chi phí chung và lợi nhuận định mức hoặc thuế. Các chi phí trên được xác định theo định mức tiêu hao vật chất (vật tư, lao động, sử dụng máy) do các cơ quan có thẩm quyền ban hành và tính với mức giá hợp lý trên từng khu vực, ở từng thời kỳ. Trong đó:

1. Chi phí trực tiếp: bao gồm chi phí vật liệu, chi phí nhân công và chi phí máy thi công.

a) Chi phí vật liệu:

Căn cứ vào định mức sử dụng vật tư và mức giá vật liệu ở từng nơi để xác định chi phí vật liệu trong đơn giá xây dựng cơ bản (đơn giá các tỉnh, thành phố hoặc đơn giá công trình). Chi phí vật liệu trong dự toán xây lắp dược xác định bằng khối lượng xây lắp theo thiết kế được duyệt nhân (X) với chi phí vật liệu trong đơn giá xây dựng cơ bản của từng loại công tác xây lắp. Khi có thay đổi về giá cả và cước phí vận tải thì căn cứ vào mức giá bình quân khu vực ở từng thời kỳ để xác định phần chênh lệch và đưa trực tiếp vào chi phí vật liệu trong dự toán.

b) Chi phí nhân công:

Trong dự toán xây lắp, về nguyên tắc chi phí nhân công bao gồm tiền lương cơ bản và tất cả các khoản lương phụ, phụ cấp lương và các chi phí theo chế độ đối với công nhân xây lắp mà có thể khoán trực tiếp cho người lao động để tính cho một ngày công định mức. Theo nguyên tắc này, chi phí nhân công trong đơn giá xây dựng cơ bản được xác định như sau:

Đối với đơn giá của các tỉnh, thành phố, do áp dụng chung cho nhiều công trình trong một khu vực nên chỉ tính các khoản lương cơ bản, lương phụ, phụ cấp lương áp dụng thống nhất đối với tất cả các công trình trong khu vực và các chi phí theo chế độ đối với công nhân xây lắp có thể khoán trực tiếp cho người lao động. Theo quy định hiện hành, các khoản chi phí này bằng 2 lần so với chi phí nhân công trong đơn giá xây dựng cơ bản hiện hành của các địa phương. Riêng một số công trình được hưởng các khoản phụ cấp cao hơn (lưu động) hoặc các khoản phụ cấp khác chưa đưa vào chi phí nhân công trong đơn giá địa phương (như: khu vực, thu hút, độc hại, thâm niên, trách nhiệm, làm việc trên cao, ca 3 liên tục...) thì được bổ sung các khoản này vào chi phí nhân công theo hướng dẫn trong phụ lục số 2.

Đối với đơn giá công trình: đưa trực tiếp vào đơn giá các khoản lương cơ bản, lương phụ, phụ cấp lương và các chế độ đối với công nhân xây lắp mà công trình được hưởng theo cách tính trên.

c) Chi phí máy thi công:

Trong khi chưa điều chỉnh bảng giá ca máy theo mặt bằng giá hiện hành và tiền lương công nhân điều khiển máy theo các nguyên tắc trên, tạm thời vẫn áp dụng bảng giá ca máy hiện hành và điều chỉnh với hệ số bằng 1,05.

2. Các chi phí chung:

Trong dự toán xây lắp, ngoài chi phí trực tiếp thì tất cả các chi phí khác bao gồm: trực tiếp phí khác, chi phí bộ máy quản lý, bảo hiểm xã hội, kinh phí trích nộp công đoàn, chi phí phục vụ công nhân và các chi phí khác thuộc phụ phí thi công trước đây, nay tính thành một khoản chi phí chung bằng tỷ lệ phần trăm (%) so với chi phí trực tiếp (gồm vật liệu, nhân công, máy thi công). Khoản chi phí chung này của từng loại công trình được xác định theo phụ lục số 1.

3. Lợi nhuận định mức: tạm thời áp dụng chế độ hiện hành đối với những đối tượng theo quy định của Bộ Tài chính cho đến khi thực hiện chính sách thuế mới.

4. Trong dự toán xây lắp này không tính khoản chi phí lãi vay ngân hàng. Việc bảo đảm vốn xây lắp do A-B thoả thuận và ghi trong hợp đồng kinh tế tùy theo điều kiện cụ thể ở từng công trình.

Cơ cấu giá trị dự toán xây lắp theo các nguyên tắc nêu trên, được lập theo mẫu trong phụ lục số 2.

 

II. ĐỐI VỚI CÁC CHI PHÍ KHÁC TRONG TỔNG DỰ TOÁN
CÁC CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG

1. Về chi phí ban quản lý công trình: tạm thời áp dụng quy định hiện hành để dự trù vốn trong tổng dự toán công trình. Khi sử dụng, chủ quản đầu tư phải căn cứ vào chế độ hiện hành của Nhà nước để duyệt dự toán chi phí hàng năm cho từng đơn vị, không được sử dụng kinh phí này vào việc xây dựng trụ sở, nhà ở vĩnh cửu hoặc mua sắm tài sản, phương tiện đắt tiền.

2. Về chi phí lán trại và thưởng tiến độ:

Trong khi chờ quyết định chính thức của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, sau khi đã thống nhất với Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước và Bộ Tài chính, tạm thời xác định các chi phí này như sau:

Chi phí lán trại (2,8%): không dựa vào chi phí này trong tổng dự toán của tất cả các loại công trình xây dựng mà chỉ áp dụng ở những công trình có điều kiện xây dựng đặc biệt. Chủ quản đầu tư phải thống nhất với Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, Bộ Tài chính và Bộ Xây dựng về chi phí thực tế cần thiết cho việc xây dựng các công trình tạm ở những công trình này.

Thưởng tiến độ: không áp dụng Thông tư Liên bộ số 72/TT-LB ngày 8-6-1983 của Liên Bộ Uỷ ban xây dựng cơ bản Nhà nước và Bộ Tài chính, phần hướng dẫn về thưởng hoàn thành công tác thiết kế, xây lắp, đưa công trình vào sản xuất, sử dụng. Chỉ áp dụng thưởng tiến độ, chất lượng ở những công trình được phép của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.

3. Về chi phí khảo sát, thiết kế xây dựng:

Hiện nay, Bộ xây dựng đang phối hợp với các ngành địa phương soát xét lại các định mức, đơn giá và bảng giá của công tác khảo sát. thiết kế công trình xây dựng, thiết kế quy hoạch xây dựng và sẽ có hướng dẫn riêng về các chi phí này.

 

III. QUY ĐỊNH ÁP DỤNG

Cách lập dự toán công tình xây dựng cơ bản theo hướng dẫn trên đây áp dụng thống nhất trong cả nước kể từ ngày 1-7-90. Những quy định trái với quy định trong Thông tư này đều không còn hiệu lực. Các văn bản của các ngành, địa phương hướng dẫn việc lập dự toán các công trình của ngành, địa phương không được trái với những quy định trong Thông tư này. Trong quá trình áp dụng nếu có vấn đề vướng mắc hoặc chưa phù hợp, đề nghị các ngành, địa phương phản ánh về Bộ Xây dựng nghiên cứu giải quyết.

 

PHỤ LỤC SỐ 1

CHI PHÍ CHUNG VÀ LỢI NHUẬN ĐỊNH MỨC CỦA
CÁC LOẠI CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG

(kèm theo Thông tư số 167 BXD/VKT ngày 4-7-1990)

TT

Loại công trình và công tác xây lắp

Chi phí chung (%)

Lợi nhuận định mức (%)

1

Công trình dân dụng thông thường trạm trại

7,5

9

2

Xây dựng nhà bê tông tấm lớn và kết cấu thép

8,5

9

3

Công trình công nghiệp và dân dụng đặc biệt

8,0

9

4

Lắp đặt máy, điện, đường ống

10

9

5

Xây dựng nền đường

8,4

11

6

Xây dựng mặt đường bộ

7,7

11

7

Xây dựng mặt đường sắt

7,3

11

8

Xây dựng cầu cống giao thông, bến cảng, triền đà, ụ tàu, tường chắn


8,5


11

9

Xây dựng công trình thuỷ lợi

8,0

9

10

Đào đắp đất thủ công công trình thuỷ lợi

23

11

11

Lắp đặt công trình bưu điện, thông tin tín hiệu đường sắt


13,5


9

12

Lắp đặt bể xăng dầu, đường ống trong kho

8,5

10

13

Xây dựng hầm lò

18,5

12

14

Xây dựng đường dây tải điện

5,0

10

15

Trồng rừng, trồng cây công nghiệp

22,0

12

16

Làm giàu rừng, khoan nuôi rừng

17,0

12

17

Khai hoang xây dựng đồng ruộng, đồng muối

6,5

9

18

Thi công cơ giới

5,5

8

19

Các loại công trình khác

7,0

8

 

PHỤ LỤC SỐ 2

BẢNG TỔNG HỢP DỰ TOÁN XÂY LẮP CÁC
CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG CƠ BẢN
(Kèm theo Thông tư số 167 BXD/VKT ngày 4-7-1990 của Bộ Xây dựng)
đối với các công trình xây dựng cơ bản có dự toán lập theo
đơn giá xây dựng cơ bản hiện hành của các địa phương

STT

Khoản mục chi phí

Cách tính toán

Kết quả và ký hiệu

1

2

3

4

1

Chi phí vật liệu

S Qj x Djvl + CLvl

VL


2

Chi phí nhân công

P

S Qj x 2DjNC (1 + )

2


NC

3

Chi phí máy thi công

S Qj x DjM x 1,05

M

4

Cộng chi phí trực tiếp

VL + NC + M

T

5

Chi phí chung

T x K

C

6

Lãi định mức

(T + C) x m

L

 

Cộng giá trị DT XL

T + C + L

G

Ghi chú:

Qj: là khối lượng công tác xây lắp loại j;

DjVL; DjNC; DjM: là chí phí vật liệu, chi phí nhân công, chi phí máy thi công trong đơn giá xây dựng cơ bản hiện hành của công tác xây lắp loại j.

P là tổng các khoản lương phụ, phụ cấp lương không tính trong đơn giá xây dựng cơ bản hiện hành của địa phương.

K là tỷ lệ chi phí chung trong dự toán.

M là tỷ lệ lãi định mức.

Trường hợp các địa phương dựa trên những nguyên tắc quy định trong thông tư này để xây dựng bộ đơn giá xây dựng cơ bản mới thay thế cho bộ đơn giá xây dựng cơ bản XDCB hiện hành của địa phương thì chi phí nhân công trong dự toán lập theo đơn giá mới đó, được xác định theo công thức:

P
NC = _______________

Qj x DjNC (1 + 2,18)

 

 

 


Nguồn: vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=1831&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận