THÔNG TƯ
Về việc bổ sung, sửa đổi một số điểm của Thông tư số 02/2003/TT-BLĐTBXH
ngày 07/2/2003 hướng dẫn thực hiện chế độ trợ cấp đối với bệnh binh hoặc
công nhân viên chức nghỉ việc hưởng chế độ mất sức lao động đồng thời
là thương binh hoặc người hưởng chính sách như thương binh
Thi hành Nghị định số 102/2002/NĐ-CP ngày 11 tháng 12 năm 2002 của Chính phủ về việc quy định chế độ trợ cấp đối với bệnh binh hoặc công nhân viên chức nghỉ việc hưởng chế độ mất sức lao động đồng thời là thương binh hoặc người hưởng chính sách như thương binh, Bộ Lao động - Thương binh và xã hội hướng dẫn bổ sung, sửa đổi một số điểm cụ thể của Thông tư số 02/2003/TT-BLĐTBXH ngày 07/2/2003 (dưới đây gọi là Thông tư số 02/2003) như sau:
1. Sửa đổi điểm 4 Mục I của Thông tư 02/2003:
4. Bệnh binh, công nhân viên chức mất sức lao động đồng thời là thương binh quy định tại điểm 1 và 2 Mục I của Thông tư số 02/2003 đã được lập hồ sơ xác nhận, thực hiện chế độ từ trước ngày 01/01/1995 và đến ngày Nghị định số 102/2002/NĐ-CP có hiệu lực thi hành, đang hưởng trợ cấp bệnh binh hoặc trợ cấp mất sức lao động hoặc trợ cấp đối với thương binh.
2. Bổ sung điểm 1 Mục II của Thông tư 02/2003:
Trường hợp bệnh binh, công nhân viên chức mất sức lao động đồng thời là thương binh quy định tại điểm 1 Mục I của Thông tư số 02/2003 đang hưởng trợ cấp thương tật hàng tháng, còn được hưởng trợ cấp bệnh binh hoặc trợ cấp mất sức lao động hàng tháng.
Ví dụ 1:
Ông H có 14 năm 6 tháng phục vụ trong quân đội về nghỉ hưởng chế độ bệnh binh từ ngày 15/10/1980 với tỷ lệ mất sức lao động 61%, trong biên bản giám định bệnh tật hoặc thương tật có xác định tỷ lệ thương tật là 41%. Năm 1986 ông được giám định lại thương tật và chuyển sang hưởng trợ cấp thương binh với tỷ lệ thương tật là 55%.
Thời gian phục vụ trong quân đội của ông H được tính tròn là 15 năm, ông H tiếp tục hưởng trợ cấp thương binh với tỷ lệ thương tật 55%, đồng thời được hưởng khoản trợ cấp bệnh binh với tỷ lệ mất sức lao động 61%.
Ví dụ 2: Ông K có 20 năm công tác liên tục ở cơ quan Nhà nước, về nghỉ chế độ mất sức lao động từ ngày 01/4/1991 với tỷ lệ mất sức lao động 78%, trong biên bản giám định bệnh tật hoặc thương tật có xác định tỷ lệ thương tật là 61%. Ông K chuyển hưởng trợ cấp thương binh.
Nay ông K tiếp tục hưởng trợ cấp thương binh với tỷ lệ thương tật 61%, đồng thời được hưởng khoản trợ cấp mất sức lao động hàng tháng.
3. Bổ sung thêm tiết đ tại điểm 1 Mục III của Thông tư 02/2003:
đ) Công nhân viên chức có quyết định nghỉ mất sức lao động theo Nghị quyết số 16/HĐBT ngày 18/12/1982 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) mà không có biên bản của Hội đồng Giám định Y khoa.
4. Hồ sơ, thủ tục giải quyết chế độ bệnh binh hoặc mất sức lao động đối với người đang hưởng trợ cấp thương binh thực hiện theo như quy định tại Thông tư 02/2003. Riêng danh sách và bản tổng hợp theo mẫu đính kèm (các Mẫu số 2b, 3b, 3c, 3d, 4b).
5. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Thương binh được hưởng trợ cấp bệnh binh hoặc trợ cấp mất sức lao động kể từ ngày Nghị định số 102/2002/NĐ-CP có hiệu lực thi hành.
Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị Uỷ ban nhân dân các cấp, các cơ quan, đơn vị kịp thời phản ánh về Bộ Lao động - Thương binh và xã hội để nghiên cứu hướng dẫn./.